"Chiến Tranh Lạnh Mới" Khủng Hoảng Toàn Cầu Thế Nào? - Đa Hiệu Online

Friday, June 5, 2020

"Chiến Tranh Lạnh Mới" Khủng Hoảng Toàn Cầu Thế Nào?



Trong bài trước chúng ta đã thấy quan hệ Mỹ-Trung đang rơi vào vực thẳm của cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu Mới.

Cuộc chiến này hoàn toàn khác hẳn với Chiến tranh Lạnh của thế kỷ thứ 20 giữa Mỹ và Liên Xô. Cuộc chiến sẽ phân thắng bại không phải thông qua ý thức hệ hay quân sự, mà thông qua việc khai triển về mặt kinh tế để tiến hành một cuộc chiến địa chính trị.

1- Cuộc Chiến tranh Lạnh Mới liên quan đến hai nền Kinh tế mạnh nhất được hội nhập chặt chẽ với nhau và phần còn lại thuộc về thế giới. Do đó các trận chiến sẽ quyết định trên mặt trận Kinh tế Thương mại thay vì trên những lãnh vực khác. Một số nhà phân tích chiến lược Mỹ đã nhận ra điều này và họ lập luận rằng nếu Mỹ muốn chiến thắng cuộc Chiến tranh Lạnh này thì Mỹ phải cắt đứt quan hệ thương mại với Trung cộng, đồng thời phải thuyết phục các đồng minh của mình cũng làm tương tự. Nhưng sự kiện  không dễ thực hiện.- Vì sao?

Như chúng ta đã biết hậu quả của mối quan hệ Thương mại  Mỹ-Trung bị đổ vỡ sẽ rất nghiêm trọng cho nền Kinh tế thế giới và tạo khủng hoảng trên nhiều lãnh vực: từ biến đổi khí hậu đến Đại dịch, biển Đông, và các trận chiến khác,

Cuộc chiến tranh Lạnh mới sẽ gây ra phí tổn rất cao, nhất là trong giai đoạn đại dịch Coronavirus đang tấn công không những gây tổn thất về nhân mạng mà còn về kinh tế với nạn thất nghiệp trầm trọng và chính quyền Trump đã cứu nguy bằng các “chương trình và ngân khoảng viện trợ kích thích kinh tế.”

Nhiều người lo ngại tình trạng căng thẳng của cuộc chiến có thể dẫn đến một sự chia rẽ toàn cầu tương tự. Các quốc gia khác phải chọn đứng về một bên nào đó, điều này rất khó cho họ trong vấn đề ưu tiên về giá trị chính trị, quân sự, kinh tế và ngoại giao.

Đối với Mỹ, động lực địa chính trị mạnh mẽ phải gánh chịu các phí tổn về mặt kinh tế trong khi các đồng minh không phải đối mặt với mối đe dọa an ninh từ Trung cộng, sẽ chống lại việc làm tương tự như Mỹ.

Điển hình sự thận trọng của họ thể hiện qua phản ứng đối với chiến dịch của Mỹ chống lại người khổng lồ Huawei của Trung cộng.

Tuy nhiên cho đến nay chỉ có Úc và Tân Tây Lan làm theo yêu cầu của Mỹ trong việc cấm Huawei, còn các nước Pháp, Đức ở Châu Âu và Ấn Độ, Đại Hàn ở Châu Á vẫn cho phép Huawei tham gia xây dựng Mạng 5G.

Đây là một thách thức mà Mỹ có thể sẽ phải đối đầu trong cuộc Chiến tranh Lạnh Mới.
Ngoài ra đối với hệ thống toàn cầu, Chiến tranh Lạnh mới sẽ gây xáo trộn thế giới và tạo khủng hoảng trên nhiều lãnh vực:

2- Cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Mỹ-Trung về Mạng 5G đang trở thành kịch tính:

Theo ông James Grundvig, tác giả bộ sách “Master Manipulator” (Kẻ Thao Túng Lão Luyện) cho rằng Trung cộng tin tưởng phải mất hàng chục năm để đạt được công nghệ tuyệt vời như trong truyện thần thoại để biết được tin tức về các hoạt động của con người về bất cứ công việc gì và bất cứ ở đâu.

Theo Grundvig cách tiếp cận “Tiêu Thổ” của Trung cộng là phá hoại bất cứ gì có lợi cho kẻ thù, bắt nguồn từ học thuyết của Bắc Kinh về chiến tranh giới hạn.

Cũng theo Grundvig, Tiến sĩ Larry M. Wortzel, giám đốv Viện nghiên cứu chiến lược của USAWC (United States Army War College) đã viết một báo cáo với chủ đề “Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc và Chiến Tranh Thông Tin”.Theo Wortzel, quân đội Trung cộng đã dành hơn một thập niên để nghiên cứu các tài liệu của quân đội Mỹ về chiến tranh không gian mạng và sự phát triển về chiến tranh thông tin. Trung cộng đã sử dụng mạng 5G để tiến hành chống lại người Duy Ngô Nhĩ. Kết quả cuối cùng là sự dìm tin của các phương tiện truyền thông và sự im lặng của công chúng về những tội ác chống lại loài người.

Trung cộng đã dựng lên các trại tập trung giam cầm hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và dân tộc thiểu số theo Đạo Hồi, tước bỏ quyền con người và bản sắc tôn giáo của người dân. Mỗi phút mỗi ngày, người dân Duy Ngô Nhĩ đều bị theo dõi qua điện thoại thông minh của họ và bị quan sát qua hàng ngàn camera nhận dạng khuôn mặt.

Ngoài ra đối với hệ thống toàn cầu, cuộc Chiến tranh Lạnh Mới sẽ gây xáo trộn thế giới và tạo khủng hoảng trên nhiều lãnh vực.

Bà Thái Anh Văn trong Lễ nhậm chức Tổng thống Đài Loan lần 2.

3- Một tác nhân khác là vấn đề Đài Loan: 

Đài Loan đã trở thành điểm nóng nguy hiểm nhất trong quan hệ Mỹ-Trung. Đài Loan được sử dụng như một mưu đồ trong các trò chơi chính trị giữa hai siêu cường của thế giới mà cả hai bên luôn căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Từ trước đến nay, Bắc Kinh luôn tuyên bố chủ quyền về Đài Loan là điểm căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, nhưng từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền thì ông ta đình chỉ liên lạc ngoại giao với Đài Bắc và còn ép các đồng minh của Đài Loan cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Mặc dầu Đạo luật Quan hệ Đài Loan không phải là một Hiệp ước an ninh chính thức, nhưng nó bảo vệ được Đài Loan là Hoa Kỳ có thể can thiệp để ngăn chặn khi Trung cộng xâm lược Đài Loan.

Điểm mấu chốt của Bắc Kinh đối với vấn đề Đài Loan được đặt ra theo nguyên tắc “Một Trung quốc” và Tập Cận Bình ngày càng gia tăng hiện đại hóa quân đội trên không và trên biển để đe dọa an ninh của Đài Loan.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump gởi một tín hiệu rằng ông không bị ràng buộc bởi nguyên tắc trên. Mặc dầu Đạo luật Quan hệ Đài Loan không phải là một Hiệp ước an ninh chính thức, nhưng nó bảo vệ được Đài Loan là Hoa Kỳ có thể can thiệp để ngăn chặn khi Trung cộng xâm lược Đài Loan.

Để củng cố thêm Thông điệp trên, Washington đã nâng cấp mối quan hệ chiến lược với Đài Loan và nâng vị thế của hòn đảo này ngang tầm với các đồng minh khác của Hoa Kỳ trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Những diễn tiến trên hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh Mới giữa Mỹ-Trung và trong trường hợp này Đài Loan có nhiều thách thức trong quyền lực chính trị.

4- Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông: Chuông báo tử cho Hồng Kông hay Bắc Kinh?
Khi Chính quyền Anh trao trả Hồng Kông cho Trung cộng vào năm 1997, thế giới tỏ vẻ lạc quan vì cho rằng Trung cộng sẽ tiếp cận với thế giới Tây phương, nhưng  sự thật hoàn toàn trái ngược với mong đợi.

Trước khi trao trả, chính quyền Bắc Kinh đã cam kết “một quốc gia, hai chế độ” và quyền tự trị, tự do cho người dân Hồng Kông.

Tập Cận Bình bấm nút thông qua Luật An ninh Hồng Kông

Nhưng chính quyền Trung cộng không giữ cam kết và nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ở Hồng Kông:


  • Cuộc “Cách mạng Dù Vàng” năm 2014Cuộc Cách mạng Dù Vàng phát động để tranh đấu cho người dân Hồng Kông được bầu vị Đặc Khu Trưởng một cách dân chủ thay vì bị chính quyền Trung cộng chi phối chỉ chọn người của Bắc Kinh, không chấp nhận thành phần đối lập.

    Cuộc biểu tình tuy được cả triệu người tham gia, nhưng chỉ kéo dài 79 ngày và cuối cùng cũng bị Bắc Kinh dập tắt và đưa tay chân của Bắc Kinh là bà Carrie Lâm lên làm Trưởng Đặc khu.
  • Cuộc xuống đường biểu tình 2019Cuộc biểu tình rầm rộ lần này bắt đầu từ ngày 09/6/2019 và ngày 16/6/2019 phát động cả triệu người tham gia tiếp diễn suốt mùa Hè.

    Mục đích của cuộc biểu tình là chống lại Luật Dẫn độ, cho phép chính quyền địa phương được giam giữ và dẫn độ những người bị truy nã về Hoa lục. Đặc khu trưởng, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, phải đình chỉ Luật Dẫn độ và sau đó rút lại vào ngày 23/10/2019.

    Cuộc biểu tình đã đem lại thắng lợi cho phe Dân chủ trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố năm 2019. Chính phủ Bắc kinh đã tuyên bố đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi chuyển giao chủ quyền Hồng Kông vào năm 1997.

    Trong thời gian này, Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật về Dân chủ và Nhân quyến Hồng Kông vào ngày 27/11/2019 để hổ trợ phong trào biểu tình.

    Theo Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền, Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm xác nhận Hồng Kông còn duy trì quyền tự trị hay không để Đặc khu được hưởng ưu đãi thương mại đặc biệt từ Mỹ.

    Nhưng lợi dụng Đại dịch Corona Virus đang tàn phá thế giới, khi các nước lo tập trung đối phó với dịch bệnh thì bất ngờ Bắc Kinh tuyên bố sẽ ra Luật An ninh Quốc gia đối với Hồng Kông. Và ngày 28/5/2020, Quốc hội Trung cộng đã biểu quyết chấp thuận Luật An ninh này.

    Bắc Kinh hoàn toàn phản bội lại cam kết lúc ban đầu của họ “một quốc gia, hai chế độ” và chính họ đã phản bội lại người dân Hồng Kông.

Tại sao Bắc Kinh làm như vậy?

  • Theo tờ Le Monde phân tích, chính quyền Bắc Kinh muốn chứng tỏ sức mạnh của ĐCSTQ sau thắng lợi của Phong trào biểu tình chống Luật Dẫn độ, điều này chứng tỏ Tập Cận Bình đã đi vào ngỏ cụt.
  • Còn tờ Le Figaro nhận xét Bắc Kinh thiếu kiên nhẫn, không thèm để ý đến cảnh báo của Mỹ và cộng đồng quốc tế, chính quyền ĐCSTQ đã vượt lằn ranh đỏ.

Những nhận xét trên cũng đúng phần nào. Sở dĩ chính quyền Bắc Kinh thúc đẩy Luật An ninh quốc gia dù biết sẽ gây ra phản ứng dữ dội bởi vì sau gần một năm Bắc Kinh đã chứng kiến những biến động xã hội chưa từng có tại Hồng Kông với kết quả Luật Dẫn độ đã bị hủy bỏ và tiếp sau là những cuộc biểu tình chống chính phủ ngày càng dữ dội. Các chính trị gia và các nhà tranh đấu còn ra nước ngoài vận động quốc tế khiến Bắc Kinh tức giận, cho rằng đó là hình thức can thiệp của nước ngoài.

5- Tình hình Biển Đông:

Lợi dụng tình hình Covid-19 đang  giảm dần  ở Trung cộng, chính quyền Bắc Kinh đã tiếp tục gia tăng các hoạt động gây hấn ở Biển Đông

  • Cựu Đô Đốc Mỹ James Stavridis đã tuyên bố “…Thế giới không thể làm ngơ trước sự gây hấn của Trung cộng ở Biển Đông”.
  • Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia Mỹ chuyên nghiên cứu chính trị đối ngoại và an ninh của Trung cộng đã nhận định như sau: “Căng thẳng trên Biển Đông gia tăng gần đây, Mỹ sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn ở Biển Đông, còn Trung cộng sẽ tiếp tục né nguy cơ xung đột quân sự với Mỹ để đạt mục tiêu của mình.”
  • Trong một bài bình luận đăng trên tờ National Interest gần đây, học giả Michael Rubin tại Viện Doanh nghiệp Mỹ -AEI (American Enterprise Institute) kêu gọi Mỹ phải đánh bại Trung cộng đang âm mưu bành trướng ở Biển Đông.
  • Hải quân Mỹ một lần nữa thách thức những tuyên bố chủ quyền  phi lý của Trung cộng trên Biển Đông, triển khai tàu khu trục mang hỏa tiễn đẫn đường USS Mustin đến gần quần đảo Hoàng Sa.
  • Hoa Kỳ hiện đang sử dụng Oanh tạc cơ B-1 trong các cuộc tập trận với mục tiêu chế ngự Nga và Trung cộng, trong đó nhắm các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã xây dựng thành các tiền đồn quân sự ở Biển Đông.

    Hoa Kỳ có 11 Không đoàn B-1B đóng tại 7 tiểu bang và có thể điều động oanh tạc cơ từ căn cứ quân sự Ellsworth trên đảo Guam.


Qua những diễn biến ở trên, tình hình Chiến tranh Lạnh kiểu Mới giữa Mỹ-Trung khó có thể tránh khỏi, nhất là mới đây nhiều biến cố nóng hổi mới xảy ra:

  • Tòa Thượng thẩm Canada ở Van Couver đã ra phán quyết hôm 27/5/2020 là Phó Chủ tịch CFO của Huawei là bà Meng Wan Zhou (Mạng Vãn Châu) sẽ bị dẫn độ về Hoa Kỳ.
  • Bà Thái Anh Văn đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ lần 2 và trong ngày tuyên thệ nhậm chức (20/5/2020), tạp chí quân đội Trung cộng đã công bố một Video hăm dọa Trung cộng có thể chiếm Đài Loan chỉ trong 24 giờ.
  • Quốc hội Trung cộng  đã chấp thuận Luật An ninh Quốc gia cho Hồng Kông vào ngày 28/5/2020 đã lấy đi quyền tự trị của người dân Hồng Kông.

Từ những sự kiện trên, Tổng thống Donald Trump đã có phản ứng qua cuộc Họp báo ngày 29/5/2020:

  1. Vì Bắc Kinh đã nuốt lời cam kết “một quốc gia, hai chế độ” cho nên Hồng Kông  không còn tự trị để nhận sự đối xử thương mại đặc biệt. Và chính quyến Mỹ sẽ loại bỏ các miễn trừ đặc biệt đối với Hồng Kông.
  2. Trong Đại dịch Covid-19, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã bị Trung cộng mua chuộc và làm việc theo chỉ thị của Trung cộng, cho nên Tổng thống Trump tuyên bố chấm dứt viện trợ và không hợp tác với “WHO” nữa.
  3. Đồng thời Tổng thống Trump cũng tuyên bố kể từ ngày 1/6/2020 Hoa Kỳ sẽ ngưng cung cấp giấy nhập cảnh cho một số sinh viên cao học của Trung cộng nhằm giảm bớt những hoạt đông gián điệp của nhóm sinh viên này.

Chưa kể ngày 22/5/2020, Mỹ còn tuyên bố chỉ trích về nhân quyền cũng như trừng phạt các công ty Trung cộng trong “danh sách đen kinh tế” với lý do những công ty này đã giúp Bắc Kinh theo dõi người Duy Ngô Nhĩ hoặc liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Với những sự kiện trên cũng như những lời nhận xét và phân tích của các chiến lược gia trên thế giới, cuộc “Chiến tranh Lạnh Mới” đã mấp mé trên bờ vực thẳm.

Và từ đây cho đến ngày bầu cử tháng 11 năm nay, chắc chắn Tổng thống Trump còn gặp nhiều khó khăn, tứ bề thọ địch như biến cố biểu tình đốt phá sau cái chết của người Mỹ gốc Phi Châu tên George Floyd.

Kết luận:

Như chúng ta đã biết, cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu Mới sẽ ảnh hưởng rất lớn, gây khủng hoảng trầm trọng toàn cầu nhất là về Kinh tế Thương mại.

Chúng ta đều biết cả hai đối tác cường quốc trên thế giới vẫn bị chi phối quan hệ quốc tế với nhau. Hơn nữa Đại dịch Covid-19 còn đang hoành hành và hai đối tác vẫn tiếp tục đối phó để bảo vệ nhân mạng và kinh tế của nước mình.

Sau Đại dịch này cả hai đều không che giấu những điểm yếu của mình mà còn lộ ra những hạn chế về sức mạnh tiềm tàng cố hữu.

Cả hai tuy vẫn cạnh tranh chiến lược với nhau nhưng không dám đi quá xa và quá đà, vẫn tiếp tục hợp tác với nhau nhưng thận trọng hơn và điều quan trọng là cả hai sẽ không  để một thế lực thứ ba “ngư ông đắc lợi”.

Nhưng  nếu cuộc chiến có xảy ra, sẽ không xảy ra như khái niệm “bẫy Thuncydides” mà chỉ là cuộc đụng độ không đáng kể giữa các tàu chiến ở Biển Đông chẳng hạn.

Và cuộc chiến sẽ trở thành dưới dạng một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” (proxy war), không đối đầu trực tiếp mà sẽ thông qua một nước thứ ba nào đó do Mỹ và Trung cộng đóng vai trò yểm trợ về mặt công nghệ hoặc quân sự.

Cầu mong Ơn Trên phù hộ nước Mỹ và thế giới.

Hoàng Đình Khuê, K16
Ngày 6/6/2020




Pages