Đường Xa Muôn Dặm Đến Tìm Nhau - Đa Hiệu Online

Monday, October 16, 2023

Đường Xa Muôn Dặm Đến Tìm Nhau


Trần Hiệp (K28)

Hơn 2 năm trước trong chuyến bay từ Phoenix -Seattle với một tâm trạng lo âu vì dịch Covid đã phát hiện đầu tiên tại Tiểu bang WA. Kế tiếp là những tháng ngày hoảng loạn chết chóc của Covid -19 và sự xáo trộn chủng tộc xã hội Mỹ, kể từ đó Hiệp chưa có dịp trở lại sân bay để được sống kiếp không nhà.

Tháng 5 vừa qua trong lần ghé nhà Lợi ở Portland (OR) được Lợi cho biết sẽ đi Miền Đông cùng con gái để tham dự đám cưới con gái rượu của bác Sơn vào dịp lễ Labor Day. Lợi cho Hiệp biết ngày tháng nhưng dặn Hiệp đừng phổ biến. (Con gái Lợi và con gái Sơn là đôi bạn thân). Hiệp liền nói với Lợi là Hiệp không care bác Sơn muốn hay không Hiệp cũng đi vì Hiệp và Sơn có nhiều kỷ niệm trong những ngày tháng đầu tiên trên đất Mỹ khi Hiệp làm một người học trò bất đắc dĩ tại UB (University of Bridgeport).

Đối với Hiệp, đám cưới con có gì mà phải bí mật, đó là dip bạn bè chia sẻ niềm vui cùng bạn, và chúng mình được cơ hội *tâm tình thợ giặt* với nhau trong tuổi xế chiều của cuộc sống. 35 năm trước Hiệp -Tâm - Cang - Lập - Việt tham dự đám cưới của Sơn. Hiệp vẫn hy vọng gặp lại các bạn trong lần đám cưới con gái Bác Sơn tại DC.

Thằng con Hiệp nghe bố đi DC tham dự đám cưới con gái bác Sơn nó cũng muốn đi cùng bố vì biết con gái Sơn trong những lần theo ba mẹ đi dự họp K28 khi còn bé, và lo cho sức khỏe của bố vừa hồi phục sau đợt Chemo vừa qua.

Lê Trường Thọ nghe Hiệp đi DC năn nỉ xin đi theo vì chưa một lần biết về miền Đông. Gia đình Nghị vô công rỗi nghệ ham vui cũng âm thầm cất bước. Sanh biết các bạn đi DC, liền làm đạo diễn thông báo trên Khaitam sẽ tổ chức một cuộc họp mặt K28 bỏ túi tai DC vào dịp lễ Labor Dạy, Lý là trưởng ban tổ chức cuộc hội ngộ này. Đặt Sơn vào thế chẳng đặng đừng phải lên tiếng cùng các bạn, xin mời nếu các bạn đến DC. Thế là Hiệp -Thọ - Nghị - Lý được phép tham dự đám cưới cô con gái rượu của Sơn cùng Lợi vào tối thư bẩy trước ngày nghi lễ Labor Day năm 2022.

Tất cả 4 bạn đến DC từ Northwest đều khác những chuyến bay và ở những chỗ khác nhau, Hiệp -Thọ phải ở tại nhà Lý, nếu không Lý ca bài "Nghìn trùng xa cách" cho cuộc tình Đồng môn Võ Bị và đồng hương Quảng Trị. Lý và Hiệp cùng học chung trường Nguyễn-Hoàng  Quảng Trị, Lý học Anh văn Hiệp học Pháp Văn nên Hiệp không thân lắm thời học sinh, Hiệp chỉ biết Lý khi cùng chung trường Võ Bị Dalat. Tàn cuộc chiến hai thằng cùng chung trại tù Ái Tử Quảng Tri. Lý có công chôn cất một cán binh CS chết trong cuộc chiến xảy ra tại quê nhà Diên Sanh năm xưa nên được lòng của cán bộ trại trưởng và được thả tù sớm nhất trong đám những tên lính giờ thử 25 của cuộc chiến như Hiệp.

Được thả sớm, Lý trở thành một nông dân chính hiệu, áo quần rách nát tả tơi, mặt mũi đen thui bởi dầm mưa dãi nắng, nhưng phải lòng một cô thôn nữ làng Câu Nhi cùng chung cảnh ngộ (bên thua cuộc). Một đám cưới nghèo của nông dân Lý và cô thôn nữ Tiếp đã diễn ra dưới vùng quê hương không tiếng súng nhưng lòng người chẳng có an bình. Hiệp vẫn phục lòng can đảm các bạn như Lý, sau 75, tương lại là những nắm mồ hoang mà vẫn ca được bài "Túp lều lý tưởng của anh và của em ..."

Cuộc sống hàng ngày tại Diên Sanh, Hải Lăng cho Lý thấy một tương lai chẳng có gì sáng sủa nếu cứ tiếp tục công việc của một nông dân Hợp Tác Xã nông nghiệp dưới xã hội CS. Được dịp vào một đêm tháng 7 năm 1991 Lý ca bài "anh phải vượt biên để em và các con còn sống, anh phải rời xa nước non mình", Lý may mắn đến được Hong Kong. Nhưng vì đến sau thời gian đóng của trại tị nạn, nên phải ở trại 3 năm thanh lọc, đến Mỹ 1994, làm 2 job để kiếm sống.

Lý kể rằng Lý là người đi thi bằng lái xe mà không qua giai đoạn thực tập vì sống chung quanh những người không có xe, và cũng không quen một người nào để giúp đỡ việc tập lái xe. Lý chỉ nhìn khi được ai cho đi nhờ xe. Thế mà Lý cũng đi thi và đậu bằng lái xe (Tiểu Bang VA khi thi lấy bằng lái xe, thuê xe tại chỗ DMV) chuyện này Hiệp nghĩ chỉ có duy nhất trên thế gian không tập lái xe mà vẫn thi đậu, đúng chuyện lạ bốn phương của Cụ Lý quê tôi. 2 năm sau (1996) vợ và 4 con đoàn tụ. Gia đình sống tại Tiểu Bang Virginia từ đó đến nay, các con đã trưởng thành và đã ra riêng.Tổ ấm chỉ còn đôi uyên ương già nên những tháng ngày (2022) kế tiếp của anh chị đã tràn đầy những chuyến Honeymoon Re-new từ Hawaii đến Nam Mỹ để bù đắp lại tháng ngày tình nồng nhưng sống khốn khổ dưới thiên đường xã hội chủ nghĩa năm xưa tại quê nhà.

Thứ Năm, Lý dắt vợ chồng Thọ và cha con Hiệp đi thăm những địa danh đó đây của DC. Vợ chồng Nghị cũng năn nỉ tham gia cho có bạn dù Nghi đã biết những nơi sẽ tới. Có ghé thăm bức tường Đen Tưởng Niệm những người Mỹ đã hy sinh trong cuộc chiến VN. Cuộc sống của Hiệp hôm nay có liên hệ với những nnguoi Mỹ đã nằm xuống cho cuộc chiến. Nhân danh con dân của Nước Mỹ gốc Việt, Hiệp gởi lời trị ân đến các bạn đã chết cho Hiệp được sống. Quá nhiều chỗ để đến thăm không đủ thời gian để đến những bảo tàng Viện Quốc gia. Hy vọng lần đến DC kế tiếp.

Chiều tối Sơn đem 2 trái Mít tới nhà Lý để tặng các bạn đến từ Miền Tây Bắc Mỹ. Hiệp ăn Mít thay cơm, vẫn ước mơ có ngày sẽ ghé nhà Sơn để thưởng thức những hoạ trái mà Sơn đã gây dựng trong cuộc sống. Gặp nhau nói hoài không hết chuyện dù những chuyện ấy đã xa xưa lắm rồi.

Sanh cùng ĐĐ G với Lý muốn đi cùng với Hiệp để được đến nhà Lý, nhưng bận chuyên gia đình nên không theo Hiệp được. Sanh tò mò muốn biết cuộc vui của Hiệp và Thọ tại nhà Lý nên gọi phone cho Hiệp khi đang có cuộc chuyện 4 người Lý - Hiệp - Thọ và Chị Lý. Sanh lo lắng cho Hiệp và Thọ có phải đang ở nhà chị Lý (Phone Hiep để Speaker on.)

Sanh hỏi Hiệp:

- Nhà bác Lý có bự không ? Bác Lý gái có khỏe không?

Hiệp lảng tai nên nghe không kịp hỏi lại Sanh nói gì vậy\?

Thọ lập lai câu hỏi của Sanh nhưng chuyển vế:

- Bác Lý có khỏe không? Bác Lý gái có bự không?

Đã sống gần với Thọ lâu nên Hiệp hiểu ý của Thọ.

Nhà Lý có trồng nhiều cây Fig nên Hiệp được ăn trái Fig thay vì uống rượu. Khi vừa đến nhà Lý, Hiệp nghĩ trái này là trái vú sữa tại Việt Nam. Để trả lời Sanh câu hỏi về nhà cửa, Hiệp nói:

- Trái vú sữa nhà bác Lý thì nhỏ nhưng ngon lắm

Hiệp đưa phone cho chị Lý và nói Sanh muốn hỏi gì thì hỏi có chị đây.

Chị Lý Hỏi:

- Anh Sanh có khỏe không?

Chị Lý hỏi hai lần mà vẫn không có câu trả lời.

Có lẽ Bác Sanh tắt tiếng vì không ngờ có cuộc nhầm lẫn ngôn ngữ mà Sanh là con cờ thí.

Lỗi tại Hiệp lãng tai hay Thọ "ngây ngô" về ngôn từ.

Cảm ơn gia đình Lý cho Hiệp sống lại những tháng ngày xa xưa tại quê nhà qua những giọng nói với âm hưởng và ngôn từ địa phương, cộng với những món ăn xứ Quảng Trị được làm từ bàn tay của Chị Lý.

Ngày kế tiếp, Hiệp, Thọ và Nghị lái xe đến nhà Đông ở Tiểu bang Maryland. Nhà Lý tới nhà Đông cũng gần 2 tiếng. 4 năm trước Hiệp đến, nhà cửa vườn tược của Đông còn hoang dã, lần trở lại này vườn rau xanh ngắt và nhà cửa đưoc update trông có vẻ khang trang hơn. Trong cuộc thăm viếng nhà Đông có một chuyện mà mọi người đều không hiểu ai tạo ra cảnh oái ăm nầy. Vợ chồng Nghị đến nhà Đông trước. Khi vợ chồng Lý đến nhà Đông, tuổi già mắt mù hay mang kiếng râm loai dởm Lý nhìn chị Nghị mà tưởng lầm là con gái của Đông, nên hỏi cháu có khỏe không? Chị Nghi trả lời Dạ thưa bác cháu khỏe ạ. Lý nghe tiếng nói chị Nghị mới biết mình lầm lẫn. Khi Hiệp hỏi sao mà lầm lẫn vậy mới gặp nhau ngày trước. Lý phân trần chị trang điểm sao mà làn da mặt của chị nhẵn và ăn mặc gọn gàng không mập như những lần trước nên Lý cứ nghĩ là con của Đông... Lý đổ lỗi chị Nghi trang điểm khéo chớ không nhận mình đầu óc bị lão hóa nên trông gà hóa quốc. Nghị tặng Lý một viên kẹo ho để ngậm cho thông cổ vì có công đưa chị Nghị trở về thời hoàng kim xa xưa.

Thăm viếng vườn rau của gia đình Đông, 2 chị Thọ và Nghị được thân tặng vài vết cắn do muỗi Maryland làm kỷ niệm. Cuộc chuyện trò của 5 anh em hầu như không bao giờ chấm dứt, nói mãi cũng không hết nhưng thời gian đã về chiều, đường trở lại còn xa nên phải chia tay. Biết bao giờ trở lại Maryland để thăm Đông – không một ai biết trước – Cầu chúc Đông và gia đình gặp nhiều may mắn.

Sáng Thứ bẩy, cha con Hiệp và anh chị Thọ đi thăm người quen chị Thọ. Chị Thọ cho Hiệp hay đây là "người em kết nghĩa", còn Thọ nói với Hiệp ngày xưa còn bé anh ấy thương chị nhưng không nói nên chị vẫn vô tình. Chuyện ấy chỉ có trời mới biết, như lời Thọ thường khuyên Hiệp, trong cuộc đời có những chuyện phải dấu trong tim và mang theo xuống tuyền đài khi trở về cát bụi. "Anh một đời rong ruổi em tay bế tay bồng ..." Đó là hình ảnh "người em kết nghĩa của chị Thọ", người đã trở lại VN thăm gia đình chị trong những tháng ngày cơ cực ở thập niên 80. Đáp trả mối ân tình ngày xưa, hôm nay chị nhờ cha con Hiệp tìm thăm lại người em kết nghĩa năm xưa. Cha con Hiệp được một bữa ăn trưa tiệm Tầu tai Virginia Free do "người xưa" của chị Thọ khoản đãi. Cảm ơn chị Thọ.

Chiều Thứ bẩy, đi đám cưới con gái Sơn – tổ chức theo kiểu Mỹ – Vị trí tầng lầu trên cùng building ở Arlington có view nhìn về DC rất là đẹp. Năm K28 tham dự Lý - Hiệp -Tho - Lợi và Nghị. Đám cưới rất vui nhộn và Hiệp cũng gặp lại người em của Sơn, Hiệp chụp chung hình trong đám cưới Sơn 35 năm về trước .

Chúa Nhật, tổ chức họp mặt K28 tại nhà Lý, có 7 K28 Lý - Hiệp - Thọ - Nghị - Lợi - Đông và Sơn. Lý mời 2 K25 nhưng chỉ có Niên Trưởng Lưu Đức Tờ tham dự. Hiệp đã gặp NT Tờ một lần trong những tháng ngày Hiệp sống ở Connecticut. Hôm nay mới gặp lại. Hiệp -Thọ vẫn nhận ra nhau ngay dù tuổi đời chồng chất nhưng khuôn mặt không đổi thay nhiều lắm. Cũng những câu chuyện ngày xưa và hôm nay nói hoài không hết. Nhưng chiều đến cũng phải chia tay. Goodbye NT Tờ H25, Lợi trở lai Portland, OR ngày mai, Sơn quay về Florida ngày kế tiếp.

Trưa Chúa Nhật, bất ngờ Hiệp nhận được một message từ Thu (ex-wife của Tư Be) khá lâu rồi Hiệp không liên lạc. Message nói – KL vừa đến Mỹ và đang ở Virginia - Ngày xưa Hiệp là một trong những người gọi là "Đàng Trai" đi đám hỏi và đám cưới cho Tư-Be. Hiệp gọi lại Thu và cho biết Hiệp cũng đang ở Virginia, Thu cho số phone Tư-Be. Chiều đến Hiệp và Tư-Be có một cuộc gặp gỡ gần một tiếng tại Eden Center sau 20 năm cách biệt. Khuôn mặt Tư-Be thì vẫn như ngày nào. Tóc vẫn còn đen (có lẽ nhuộm) tiếng nói vẫn sang sảng và "pháo" vẫn nỗ dòn như xưa. Chỉ có cái bụng thì như một người đàn bà mang thai 4 -5 tháng.

Thứ hai, Hiệp - Lý - Thọ - Nghị cùng hẹn gặp nhau tại nhà TámCu. Nhà TámCu ở thành phổ biển, căn nhà khá xinh. Thời gian lái xe từ nhà Lý đến nhà TámCu gần 3 tiếng, không hẹn mà hai xe Hiệp và Nghị đến cùng một lúc tại nhà Bác Tám.

TámCu đã chuẩn bị sẵn cua sò của miền biển chờ khách phương xa, TámCu nghĩ Hiệp vì còn kiêng cử với căn bệnh Lymphoma năm trước nên đã nấu riêng cho Hiệp món chay Tofu cuốn seaweed và mướp ngọt xào khá đặc biệt, nhưng vì món mặn cũng khá ngon nên Hiệp xơi luôn cả chay lẫn mặn. Cảm ơn Bác Tám đã chiếu cố với Hiệp. Có lẽ bác trả nợ ân tình ngày xưa Hiệp phải lau chùi phòng ốc đầy máu me khi Nguyễn Thành Tâm trở về phòng sau một trận đá banh mà bác đã tham dự quá sức mình.

Để tiêu bớt thực phẩm mà mọi người mới ăn vào, TámCu dẫn mọi người đi thăm viếng một vài địa danh của chiến trường xưa trong cuộc chiến cách mạng Hoa Kỳ (American Revolution War).Thank TámCu, không có gia đình bác đang đóng đô ở Newport News thì Hiệp chẳng bao giờ biết Yorktown là một địa danh gắn liền với sự hình thành của Hiệp chủng quốc Hoa kỳ.

Chiều về nhậu tiếp, ăn Cua (crab) trừ cơm. Đêm về TámCu khui hết bia rượu mà các bạn đem đến. Lý chỉ được vài "đường cơ" thì xin xỏ rút lui, TámCu nói đâu có được, rượu còn đây thì chưa được đi ngủ. Lý đã kiệt sức nên vài phút sau mọi người được nghe tiếng ngáy "hò dô ta" thật to và đều đặn trên sopha. Còn lại Thọ - Nghị -Tám và Hiệp (Hiệp thì được phép uống ½ chai bia nền vẫn dô dô được cùng các bạn).

TámCu mang nỗi oán thù với Hiệp gần 50 năm trước, hôm nay gặp các bạn với chút rượu nồng nên bác tuôn trào. Làm Nghị thắc mắc sao có chuyện ngược đời đã xảy ra trong hệ thống quân giai đồi 1515 năm xưa: Đại-Đội phó chia Đại-Đội trưởng đi gác.

Hiệp và Tâm ở chung phòng, Tâm là Đại đội Trưởng, Hiệp là Đại đội Phó của Hệ thống Tự Chỉ Huy DD B. Hiệp có nhiệm vụ chia gác cho toàn đại đội. Đại đội B là một đại đội có nhiều nhân vật bán trời không văn tự. Trọng đại đội, Hoàng là dân cùng quê Quảng Trị với Hiệp, trốn phố cũng loại cừ. Chút tình đồng hương nên Hiệp chia gác cho Hoàng ở vị trí dễ dàng nhất là cổng Nam Quan và gác ca đầu từ 8 đến 10 giờ. Khi danh sách được niêm yết thì Hoàng đã trốn phố mất tiêu. Tâm nói Hiệp cùng quê với Hoàng, Hiệp nên đi gác thay cho Hoàng để NT Tô Tài K23 (Trung Úy Đại-Đội trưởng) không biết. Hiệp trả lời Tâm lo sợ NT Tô Tài biết Hoàng trốn phố thì đi thay cho nó, chớ Hiệp không có nhiệm vụ đi gác thế. Tâm âm thầm đóng vai Hoàng tối đó. Có lẽ Tâm lo cho đại đội của mình mất điểm, hay lo cho Hoàng bị lộ việc trốn phố mà mang mối "hờn căm" với Hiệp đến hôm nay.

Ngày xưa trên đồi 1515 Dalat Tâm là một con người thể thao, to con đẹp trai, má lúm đồng tiền, làm nhiều cô khổ đau (bây giờ thì đầu sói và bụng phệ) nhưng có trái tim rất tình cảm và yếu đuối. TámCu đã khóc nhiều lần trong buổi tâm tình tối nay khi nhắc lại những kỷ niệm buồn vui của cuộc đời kể từ ngày tan hàng. Hiệp nghĩ nếu quay lại hơn 50 năm trước, có lẽ những câu này sẽ được nghe trên sân cỏ trung đoàn SVSQ trong mùa huấn nhục TKS:

- Hơn 50 năm rồi anh, 70 tuổi, già rồi mà vẫn còn yếu đuối lắm anh !

Hiệp ngồi thêm được 1 tiếng nữa thì cũng chuồn. Thọ, Tám, Nghị vẫn lai rai cho tới 2AM thì chị Cúc mới ra "bồng " TámCu về phòng ngủ.

Ngày kế, thêm một bữa tiệc chia tay, các món ăn tự bác TámCu làm. Chia tay gia đình TámCu không biết bao giờ gặp lại. Bác Nghị vẫn tiếp tục cuộc hành trình đi thăm thân nhân. Hiệp Thọ và Lý quay trở lại DC.


Thứ tư, Hiệp, Thọ chia tay gia đình bác Lý. Để khỏi nấu nướng, nên dẫn nhau ra nhà hàng buffet Tàu, Lý chơi trội chị Thọ một game, Trước khi ra tiệm, đồng ý để Chị Thọ trả tiền, nhưng đến tiệm thì Chị thua 0-1. Chị than phiền Lý không giữ lời hứa trước khi ra tiệm, Lý cười trả lời: "Sĩ Quan Dalat mà."

Cảm ơn Gia đình Lý, hy vọng có ngày gia đình Lý trở lại Seattle để Thọ và Hiệp có cơ may đáp trả lại những ân tình mà anh chị đã dành cho cha con Hiệp và Thọ trong những ngày ở DC.

8 giờ PM Seattle, máy bay hạ cánh. Hai cha con lấy tàu điện (light rail) về Seattle, bà xã đón về nhà, ăn cháo gà đã dọn sẵn trước khi đi ngủ, ngày mai tiếp tục trở lại sinh hoạt bình thường trong cuộc sống, sau 1 tuần lang thang.

Trần Hiệp (K28)


Pages