Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam: Truyền Thống - Đa Hiệu Online

Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam: Truyền Thống


Truyền Thống được định nghĩa là những đức tính, tập quán, tư tưởng, lối sống ... có tính cách lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam có một số truyền thống mà chỉ những ai đã trải qua mới hiểu và trân quý. Những truyền thống đặc biệt của TVBQGVN là sợi dây thắt chặt tình anh em (huynh đệ) giữa những Cựu SVSQ của TVBQGVN với nhau, trên chiến trường, cũng như trong đời sống dân chính. Câu "Tình Tự Võ Bị" nói lên tình cảm thắm thiết của những người con của "Trường Mẹ". Một khi đã bước qua cổng Nam Quan, ăn bát cơm Phạn Xá, thì "Một Ngày Võ Bị, Một Đời Võ Bị."

Võ Bị Hành Khúc
Sáng tác bởi SVSQ Lê Như Hùng - Khoá 14

1. Trường Mẹ

Trong câu chuyện giữa những CSVSQ/TVBQGVN thì hai chữ Trường Mẹ luôn được dùng để thay thế cho tên Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Điều này chứng tỏ  sự gắn bó của người Võ Bị như những người con cùng một Mẹ. Xem ra tương tự như truyền thuyết Mẹ Âu Cơ sanh ra trăm con, thế nhưng Mẹ Võ Bị có hơn sáu ngàn người con! 

Một điều rất đặc trưng là cổng trường không thực sự có tên gọi, nhưng luôn luôn được những người con của Trường Mẹ gọi là Cổng Nam Quan.

2. Niên Trưởng


Niên Trưởng là truyền thống xưng hô của đàn em (lớp sau) gọi đàn anh (lớp trước). Và ngược lại, đàn anh (lớp trước) gọi đàn em (lớp sau) là anh hay các anh, số nhiều. Không phân biệt tuổi tác hoặc cấp bậc.

Niên Trưởng Trương Quang Ân (cố Thiếu Tướng, CSVSQ khóa 7 TVBQGVN) đã từng nói với khóa đàn em
"Các anh có thể có học vấn hơn tôi, cấp bậc và chức vụ hơn tôi. Thế nhưng các anh không thể qua mặt tôi ở địa vị Niên Trưởng. Đó là truyền thống của TVBQGVN, các anh hãy nhớ điều đó."
Bởi vậy, đối với Võ Bị, hai chữ Niên Trưởng cao quý gấp ngàn lần chức vụ hoặc cặp lon mang trên cổ áo. Chỉ có Võ Bị mới có trường hợp một người vẫn lên tiếng kính thưa, và tôn trọng người Niên Trưởng, cho dù họ mang lon cao hơn người Niên Trưởng rất nhiều. Điều này tương tự như truyền thống "thày-trò" trong văn hoá của người Việt Nam. Bởi vì SVSQ của TVBQGVN được tổ chức theo Hệ Thống Tự Chỉ Huy, sĩ quan cán bộ chỉ là cố vấn. Đồng thời đàn anh, khoá lớn nhất, là những huấn luyện viên về mọi phương diện quân sự cho những bước đầu đời của những người đàn em mới bước chân qua Cổng Nam Quan.


3. Tân Khoá Sinh (TKS)


Tân Khoá Sinh là tên gọi và danh xưng của những khoá sinh trong thời gian mới nhập trường, trong tám tuần lễ đầu đời sau khi trúng tuyển (văn hoá và thể chất) và vừa bước qua Cổng Nam Quan. 

Đây là thời kỳ thử thách cam go nhất của đời lính quân trường, không một Võ Bị nào có thể quên được. Tên gọi chính thức của thời kỳ này là "Tám Tuần Sơ Khởi", thế nhưng vẫn được Tân Khoá Sinh gọi là "Tám Tuần Huấn Nhục" hay nhiều tên có âm điệu "kinh hoàng" khác nữa. 

Trong tám tuần TKS này thì quan trọng nhất là về sức khoẻ và dinh dưỡng, thế cho nên các khoá đàn anh luôn luôn nhường phần ăn của mình cho TKS. Đây chính là thời kỳ tạo nên sự gắn bó, yêu thương và kính trọng suốt đời đúng với câu "Trên Kính Dưới Nhường" giữa những người con của Trường Mẹ. 

Trong thời kỳ này, ngoài mục đích thử thách về thể lực và ý chí quyết tâm, người TKS học được những điều tối cần thiết để trở thành cấp chỉ huy của quân đội:
  • Không có gì là không thể làm được. Có thể có những trường hợp khó khăn, nguy hiểm, nhưng không phải vì thế mà không thể làm được.
  • Trách nhiệm tập thể. Một người làm sai, tập thể chịu trách nhiệm. Bởi vì, sau này, ở ngoài đơn vị thì cấp chỉ huy làm sai, cả đơn vị chịu thiệt hại.
  • Hy sinh và bảo bọc của đàn anh đối với đàn em. Sau này là trách nhiệm của cấp chỉ huy đối với binh sĩ dưới quyền.
  • Tuân lệnh tuyệt đối, với châm ngôn "Thi hành trước, khiếu nại sau." Đây có thể là điều quan trọng nhất, bởi vì một người không tuân lệnh cấp chỉ huy thì không thể nào ra lệnh cho cấp dưới được.
Một vài hình ảnh tiêu biểu của thờì gian TKS:

Chào đón ứng viên trước Cổng Nam Quan

Qua Cổng Nam Quan

Giờ phút đầu tiên của cuộc thử thách thể lực và ý chí của ứng viên

4. Lễ Trao Găng, Mũ và Thắt Lưng Cổ Truyền



Sau tám tuần sơ khởi, trước khi được gắn alpha để trở thành SVSQ, một buổi lễ rất đặc biệt là "Lễ Trao Găng, Mũ và Thắt Lưng Cổ Truyền" cho TKS. Các SVSQ đàn anh, khoá huấn luyện, sẽ đi đến từng phòng của TKS để trao vật tượng trưng cho SVSQ là đôi găng tay trắng, mũ casquette trắng và chiếc thắt lưng cổ truyền màu trắng cùng đai lưng màu đỏ. Đây là những "phụ tùng" cho bộ Đại Lễ của SVSQ.

5. Chinh Phục Đỉnh Lâm Viên



Lâm Viên hay Lang Biang gồm 2 đỉnh núi hùng vĩ kế nhau, nằm ở phía Bắc của Thành Phố Đà Lạt với cao độ cao nhất là 2,167m. Từ bất cứ nơi nào của thành phố Đà Lạt, du khách cũng có thể nhìn thấy được Lâm Viên in rõ trên nền trời trong những ngày không có mây mù.

Truyền thống chinh phục Đỉnh Lâm Viên được bắt đầu từ Khóa 4 (1951), đánh dấu ngày cuối cùng của giai đoạn 8 Tuần Sơ Khởi.  Tuy nhiên vì tình hình an ninh một số khóa không được chinh phục Đỉnh Lâm Viên. Thay vào đó, TKS sẽ di hành một đoạn đường núi hoặc lên đỉnh một ngọn núi khác tại Đà Lạt. Cuộc di hành hay chinh phục Lâm Viên tượng trưng cho một thành tích đạt được nhờ được huấn luyện và chịu đựng gian khổ trong suốt Mùa Tân Khóa Sinh. Các đại đội TKS thường tranh đua lên đến đỉnh núi trước tiên để đoạt giải "Vua Lâm Viên". Tại đây họ thả khói màu lên không trung để ăn mừng. Qua dấu hiệu đó, dân chúng Đà Lạt biết rằng Trường Võ Bị có thêm một khóa mới vừa hoàn tất 8 Tuần Sơ Khởi.


6. Lễ Gắn Alpha



Truyền thống Lễ Gắn Alpha có rất sớm từ thời Khóa 6 (1952). Đây là buổi lễ đáng ghi nhớ của SVSQ không kém Lễ Mãn Khóa. Buổi lễ thường được tổ chức trang trọng vào buổi tối tại vũ đình trường, sau khi TKS chinh phục Lâm Viên trở về. Lần đầu tiên trong bộ Đại Lễ mùa đông, Tân Khóa Sinh diễn hành từ doanh trại ra vũ đình trường. Sau các nghi lễ quân cách là phần gắn Alpha.

Sau động lệnh "Quỳ xuống Tân Khóa Sinh!" của TKS Đại Diện Khóa, tất cả TKS quỳ một gối tại hàng quân, và người tân khóa sinh đại diện của khóa được chính vị chỉ huy trưởng gắn cấp hiệu Alpha trên vai áo đại lễ trước khán đài danh dự. Tiếp theo là các SVSQ khóa đàn anh (khóa huấn luyện) gắn Alpha cho các Tân Khóa Sinh tại hàng quân.

Với động lệnh "Đứng dậy Sinh Viên Sĩ Quan!" mọi người đứng lên, kể từ giờ phút này họ xưng danh là "Sinh Viên Sĩ Quan", danh xưng "Tân Khóa Sinh" chỉ còn là lịch sử, và không bao giờ phai mờ trong tâm trí của những người con của Trường Mẹ.


Năm Thứ Nhất

Năm Thứ Nhì

Năm Thứ Ba

Năm Thứ Tư

7. Lễ Trao Nhẫn và Sách Lưu Niệm



Nhẫn lưu niệm của khóa bắt đầu được thực hiện từ Khóa 16 giống như truyền thống của các trường đại học dân sự và quân sự tây phương. Ban đầu SVSQ không có nghi thức nhận nhẫn hay đeo nhẫn, nhưng vào thời gian sau này, khởi đầu từ Khóa 25 (1968-1972), Lễ Trao Nhẫn đã trở thành một truyền thống mới của trường, được cử hành vào cuối năm thứ ba.

Điểm đặc biệt của Lễ Trao Nhẫn là mỗi SVSQ được tự chọn và mời người trao và đeo nhẫn cho mình, thường là bạn gái, người yêu hoặc ân nhân. Trong buổi lễ, ngoài các tiết mục phụ gồm có văn nghệ và khiêu vũ, tiết mục chính là nghi thức đeo nhẫn. Người đeo nhẫn và người SVSQ cử hành nghi thức này trong lòng một chiếc nhẫn khổng lồ đặt tại sân khấu của Phạn Xá SVSQ.

Nhẫn khóa do ban đại diện của khóa thực hiện cho mỗi SVSQ trong khóa. Nhẫn được thành viên của khóa tự vẽ kiểu và làm bởi những nhà kim hoàn danh tiếng tại Sài Gòn. Nhẫn thường được hoàn tất vào thời gian trước ngày mãn khóa, nhưng sau này trong chương trình 4 năm, nhẫn được hoàn tất vào năm thứ ba.

Bắt đầu từ Khóa 16, sách Lưu Niệm Khóa đã được các khóa thực hiện để làm kỷ niệm cho mỗi sĩ quan tốt nghiệp, từ đó trở thành một truyền thống cho các khóa về sau. Sách Lưu Niệm của khóa gồm những hình ảnh và lưu bút của mỗi SVSQ trong khóa, được sắp xếp theo thứ tự từng Đại Đội SVSQ trong năm cuối trước khi mãn khóa. Thêm vào đó, sách Lưu Niệm cũng có phần tiểu sử khóa và những hình ảnh tiêu biểu của các sinh hoạt và huấn luyện của khóa trong suốt thời gian thụ huấn trong trường cũng như tại các quân trường và đơn vị bạn.

Sách Lưu Niệm cũng lưu giữ hình ảnh về trường và sĩ quan trong trường từ Chỉ Huy Trưởng đến các cấp chỉ huy trong mọi cơ cấu tổ chức, đặc biệt là lưu bút với lời nhắn nhủ tâm tình của Chỉ Huy Trưởng dành cho các tân sĩ quan. 

8. Chọn Đơn Vị



Trong một buổi sáng của tuần lễ cuối cùng tại trường, SVSQ sắp tốt nghiệp tham dự buổi lễ "Chọn Đơn Vị". Đây là giây phút rất quan trọng và hồi hộp vì nó quyết định con đường binh nghiệp của tân sĩ quan cho cả đời binh nghiệp.

Khi có chương trình huấn luyện Liên Quân Chủng thì các SVSQ thuộc quân chủng Hải Quân và Không Quân sẽ không tham dự lễ chọn đơn vị, vì tuỳ thuộc về sự chỉ định của quân chủng khi họ về trình diện.

Khi có chương trình du học văn hóa hậu tốt nghiệp tại Hoa Kỳ, những SVSQ được chọn du học sẽ không chọn đơn vị. Các SVSQ được chọn về học Cao Đẳng Công Binh vẫn tham dự chọn đơn vị, vì họ phải phục vụ đơn vị tác chiến một năm trước khi về học.

9. Lễ Truy Điệu



Theo truyền thống từ Khóa 1, Lễ Truy Điệu luôn được cử hành vào đêm trước ngày mãn khóa. Chủ tọa buổi Lễ Truy Điệu thường là nhân vật quan trọng thứ hai sau vị chủ tọa Lễ Mãn Khóa. Nếu Quốc Trưởng hay Tổng Thống chủ tọa Lễ Mãn Khóa thì Thủ Tướng Chính Phủ, Tổng Trưởng Quốc Phòng hay Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội chủ tọa Lễ Truy Điệu. Quan khách tham dự cũng là quan khách của Lễ Mãn Khóa, trong đó có thân nhân của SVSQ tốt nghiệp.

Sau các nghi lễ quân cách là nghi lễ tưởng niệm, bắt đầu với bản nhạc Hồn Tử Sĩ. Chỉ huy trưởng hướng dẫn vị chủ tọa châm lửa thiêng và đặt vòng hoa trước Đài Tử Sĩ. Tiếp theo là đại diện các khóa đã tốt nghiệp theo đội hình 2 hàng dọc tiến lên đặt vòng hoa của khóa để tưởng niệm những đàn anh đã hy sinh. Chỉ huy trưởng tiến lên đặt Quân Kỳ Rũ trước Đài Tử Sĩ. Cuối cùng là bài văn tế Truy Điệu (xin đọc bài văn tế bên dưới).

Đêm Truy Điệu được diễn ra trong một khung cảnh bi hùng. Cả Vũ Đình Trường Lê Lợi chìm trong bóng tối, chỉ còn vài ánh đuốc bập bùng soi sáng Đài Tử Sĩ. Trong cái giá lạnh và im lìm của màn đêm Đà Lạt, bài văn tế được đọc lên với giọng phụ hoạ của ba miền Bắc-Trung-Nam. Lời văn bi tráng nói lên sự hy sinh cao cả của những người trai trong thời chinh chiến, tình nguyện đem sinh mạng của mình để chống lại sự xâm lăng của chủ nghĩa cộng sản.

Hình ảnh của hàng trăm SVSQ, trong quân phục Đại Lễ mùa đông, đứng im lặng như những pho tượng đồng đen, hoà với lời văn của bài Truy Điệu, quan khách không khỏi cảm thấy xúc động với ý nghĩ rằng những người trai đang đứng trước mặt họ, mai này sẽ có bao nhiêu người sẽ hy sinh ngoài trận địa?

Đêm nay hồn thiêng của sông núi, anh linh của tổ tiên và các bậc đàn anh có lẽ cũng trở về để chứng giám cho lời thề của những SVSQ TVBQGVN nguyện đem sinh mạng để bảo vệ chính nghĩa quốc gia và tự do cho dân tộc.

Buổi lễ chấm dứt, quan khách và thân nhân ra về, Trung Đoàn SVSQ trở về doanh trại. Trong khi đó, tại Đài Tử Sĩ có 2 SVSQ luân phiên đứng gác cho đến bình minh.

Bài Văn Tế Truy Điệu
(Sáng tác của Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Trần Ngọc Huyến)

    • Ba hồi chiêng trống.  
    • Nhạc Hồn Tử Sĩ.  
    • Tiếng sáo.  
    • Lần lượt 3 giọng Bắc, Trung, Nam đọc: 
 
Chiến Sĩ Trận Vong!
Chiến Sĩ Trận Vong!
Chiến Sĩ Trận Vong!

Lúc bấy giờ trên cánh đồng chiêm Bắc Việt,
bên con rạch nhỏ Đồng Nai, trong đám rừng sâu Trung Việt,
phút chốc liệt vị đã trở nên người thiên cổ.
Sự nghiệp đang công đeo đuổi, thôi đành gián đoạn nửa đường.
Chí tang bồng hằng mong thực hiện, thôi cũng đành ôm hận ngàn thu.

Mô đất lạ chôn vùi thân bách chiến,
Đám sương mù tàn tạ mảnh chinh y.

Đành rằng chốn trần gian nào ai mong sống mãi, nhưng lúc quốc thù chưa gột rửa.
Chí làm trai chưa toại mộng hải hồ thì hận tuyền đài làm sao ngăn được  dòng huyết lệ.

Lại còn,
người thân kẻ thuộc, ơn cù lao nghĩa vợ chồng,
tình huynh đệ, bao tình cảm sao nỡ dứt cho đành.

Nhưng,

Non nước Việt vẫn thắm tươi cùng thảo mộc,
Dòng Lạc Hồng còn tồn tại với thời gian.

Bởi đâu, nhờ đâu?

Thân chiến sĩ vững xây nền thế hệ,
Máu anh hùng nhuộm thắm lá cờ Nam.

Đêm nay gió lạnh trên đồi thông đang nổi dậy.
Ánh lửa hồng đang mờ tỏ từng hồi.

Chiến Sĩ Trận Vong!

Hãy trở về chứng giám,
Ngày mai đây, một đoàn trai sẽ hăm hở lên đường nối chí tiền nhân, 
làm Tổ Quốc Non Sông thêm tỏ rạng.

Chúng tôi không tìm an lạc dễ dàng,
Mà chỉ khát khao gió mưa cùng nguy hiểm.

Nhưng rồi cũng có lúc,
chí tuy còn mong tiến bước,
nhưng sức không kham nổi đoạn đường.
Chúng tôi cần được dắt dìu.

Chiến Sĩ Trận Vong!

Có linh thiêng hãy chỉ lối đưa đường.
Hãy nung nấu tâm can chúng tôi với ngọn lửa thiêng truyền thống.
Hãy chứng giám lời cầu xin của đàn em hậu thế!

(Sau đó là ba hồi chiêng trống để kết thúc.)

10. Lễ Mãn Khoá



Lễ Mãn Khóa, được tổ chức tại Vũ Đình Trường, là một trong những kỷ niệm nhớ đời của người SVSQ. Thời gian Lễ Mãn Khóa không nhất thiết vào lúc nào trong năm. Nhưng kể từ khi áp dụng chương trình 4 năm thì Lễ Mãn Khóa được tổ chức vào tháng 12 hoặc đầu tháng 1 dương lịch lúc mà những cành hoa Anh Đào bắt đầu đơm bông, và hoa Mimosa vàng cả khung trời Đà Lạt. Chủ tọa Lễ Mãn Khóa luôn là vị nguyên thủ của quốc gia (Quốc Trưởng hoặc Tổng Thống), hay người đại diện. Quan khách dự Lễ Mãn Khóa gồm phái đoàn đại diện chính phủ và Quân Lực VNCH, các phái đoàn đại diện các nước đồng minh, đại diện các khóa đã tốt nghiệp và thân nhân của các tân sĩ quan.

Nghi lễ kéo dài khoảng 60 phút, gồm các phần theo thứ tự như sau:

    • Nghi lễ quân cách để đón tiếp Chỉ Huy Trưởng và những quan khách danh dự.  
    • Nghi lễ đón tiếp vị chủ tọa.
    • Lễ Chào Quốc Kỳ.
    • Chủ tọa và Chỉ Huy Trưởng duyệt đoàn quân các đơn vị SVSQ, có SVSQ Thủ Khoa hầu tá.  
    • Chỉ Huy Trưởng tường trình lên vị chủ tọa về tiến trình và thành quả huấn luyện của khóa tốt nghiệp, và hôm nay các SVSQ đã sẵn sàng lên đường phục vụ quốc gia và dân tộc.
    • Vị chủ tọa đặt tên cho khóa tốt nghiệp.
    • Nghi thức gắn cấp hiệu bắt đầu bằng động lệnh "Quỳ xuống, các người!" của SVSQ Thủ Khoa, theo đó các SVSQ khóa tốt nghiệp sẽ quỳ xuống.
    • SVSQ Thủ Khoa quỳ để được vỉ chủ tọa và chỉ huy trưởng gắn cấp hiệu Thiếu Úy.
    • Sĩ Quan Cán Bộ gắn cấp hiệu Thiếu Úy cho các tân khoa.  
    • Sĩ Quan Thủ Khoa tuyên thệ trung thành với tổ quốc và các tân sĩ quan đồng thanh tuyên thệ.
    • Tân sĩ quan đứng lên theo lệnh của Thủ Khoa “Đứng dậy, Tân Sĩ Quan!” 
    • Sĩ Quan Thủ Khoa tiến lên trước vị chủ tọa để được trao cung và kiếm chỉ huy. 
    • Thủ khoa bắn 4 mũi tên đi 4 phương trời, tượng trưng cho chí làm trai “tang bồng hồ thỉ”.  
    • Tân sĩ quan và Trung Đoàn SVSQ đồng ca bài Xuất Quân.   
    • Vị chủ tọa ban huấn từ.
    • Nghi thức bàn giao Hệ Thống Tự Chỉ Huy từ khóa tốt nghiệp cho khóa đàn em, tượng trưng bằng việc chỉ huy trưởng trao Quân Kỳ từ khóa tốt nghiệp cho khóa kế tiếp. 
    • Tân sĩ quan và các đơn vị SVSQ diễn hành qua khán đài. 

Buổi lễ chấm dứt, chủ tọa và quan khách rời vũ đình trường; một số quan khách nhất là gia đình SVSQ lưu lại khán đài để xem SVSQ trình diễn kịch lịch sử.


Bùi Phạm Thành
CSVSQ/K25
(Nguồn: Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam Theo Dòng Lịch Sử)


DH-TVBQGVN



Pages