10 Điều Nên Bắt Chước Từ Các Triết Gia - Đa Hiệu Online

Monday, June 10, 2019

10 Điều Nên Bắt Chước Từ Các Triết Gia


Bùi Phạm Thành, K25
 Biên soạn

Người Mỹ có thói quen là mỗi cuối năm họ kiểm điểm lại cuộc sống trong năm qua và tự đưa ra một danh sách những gì nên làm cho năm mới. Và cứ như thế, năm nào cũng vậy, dần dần trở nên nhàm chán, đôi khi trở thành trò cười cho ... chính bản thân họ. Thế cho nên có một bài báo đưa ra lời khuyên thay vì tự đưa ra cho mình một danh sách chưa chắc gì đã hữu ích hoặc có thể làm được, mà chỉ cần bắt chước vài điều mà các triết gia, nhà tư tưởng học, hoặc ngay cả các nhà khai sinh ra tôn giáo, và nếu làm được một vài điều thì đã là quá đủ và quá tốt.

Dưới đây là 10 điều hay mà chúng ta có thể bắt chước:

1. Đi bộ mỗi ngày

Triết gia Søren Aabye Kierkegaard, người Đan-Mạch, ở đầu thế kỷ thứ 19, khi còn là thiếu niên đã mắc chứng hay lo lắng, sợ hãi rất nặng, thế nhưng lại tìm thấy an bình, tự do mỗi khi đi bộ. Ông ta đã giải thích "Tôi không bao giờ quên ý muốn đi bộ. Bởi vì không những tôi đã tìm ra những ý tưởng hay trong những lúc đi bộ, mà còn có cảm tưởng là đang bước ra khỏi những khó khăn, ưu phiền của đời sống. Ngồi yên một chỗ khiến tôi cảm thấy như đang bị bệnh. Bởi thế nếu một người cứ tiếp tục đi bộ thì mọi việc sẽ trở nên tốt lành hơn."

Y khoa ngày nay cũng khuyên chúng ta nên đi bộ, và nếu có thể thì đi 10,000 bước mỗi ngày. Theo các báo y khoa thì lợi ích của đi bộ là:

  • Chống lại các bệnh về tim
  • Chống béo phì
  • Chống tiểu đường
  • Chống cao máu
  • Chống bệnh trầm cảm - như trường hợp của triết gia Kierkegaard ở trên

Theo thống kê, từ năm 1990 đến 2010, thì tuổi thọ của dân New York đã tăng từ 74.7 lên 80.4, nghĩa là họ sống lâu hơn 1.6 năm so với tuổi thọ trung bình của dân Mỹ. Có thể là vì dân New York đi bộ nhiều hơn các nơi khác.

Có lẽ triết gia Kierkegaard không đi bộ cho đủ 10,000 bước mỗi ngày để tự chữa bệnh, nên ông ta đã qua đời khi mới 42 tuổi.

2. Hòa hợp mình với người chung quanh

Triết gia người Hòa Lan, Baruch Spinoza, ở thế kỷ thứ 17, là người có quan niệm rằng mọi sự việc xảy ra trên thế giới đều có lý do nhất định, thế cho nên không khó để tìm ra nguyên nhân. Nếu chúng ta tìm ra lý do khiến một người trở nên giận dữ, hung bạo, đáng thương hay buồn nản thì chúng ta sẽ dễ tha thứ cho hành động của họ. Điều này đưa đến ý tưởng rằng ai cũng có nhiều vấn đề phải giải quyết, nhiều khi khiến họ trở thành người khó chịu trong một lúc nào đó mà thôi, và như thế chúng ta sẽ hiểu và dễ tha thứ cho họ hơn.

Có thể nói ngắn, gọn là con người nên sống hòa hợp với nhau, tìm hiểu để tha thứ những hành động nhất thời của nhau. Nói thì dễ, nhưng làm thì chắc là khó, vì chúng ta vẫn thường nghe những lời khuyên tương tự như thế này hàng ngày, nhưng chẳng thấy mấy ai làm được. Bởi vì người Mỹ có câu "Take two to Tango" muốn hòa hợp hay tha thứ cho nhau thì cả hai phía đều phải cố gắng tìm hiểu và có lòng tha thứ cũng như ý tưởng hòa hợp như nhau.

Không may cho một người có lòng quảng đại như ông Spinoza lại bị chết sớm ở tuổi 44 vì lao phổi.

3. Hãy sống như nước

Lão Tử, triết gia của thời cổ đại của Trung Hoa, hơn 500 năm trước tây lịch. Ông được xem là tác giả của quyển Đạo Đức Kinh, và là người sáng lập ra Đạo Giáo, còn gọi là Đạo Lão hay Lão Giáo.

(Chữ Lão ở đây là họ của triết gia chứ không có nghĩa là già, bởi vậy Lão Giáo là đạo được sáng lập bởi người họ Lão, chứ không phải là đạo của các ông già.)

Lý thuyết của Lão Giáo khuyên con người nên sống như nước, luôn luôn có ích cho mọi người và không hề tranh giành với ai. Nước uyển chuyển vượt qua được mọi nơi, nhưng cũng có sức mạnh soi mòn được đá. Giáo lý của Lão Giáo chuộng hòa bình, tôn trọng lẽ phải, không ganh đua. Trên một khía cạnh khác, lý thuyết này vẫn được xem là yếm thế, chủ nghĩa cá nhân, không thích hợp với đời sống xã hội. Tuy vậy, nghệ thuật sống uyển chuyển, yêu chuộng hòa bình vẫn được nhiều người xem là một lối sống đáng noi theo.

4. Xem xét đời sống và niềm tin thường xuyên.

Socrates, triết gia Hy Lạp thời cổ đại, sống ở thế kỷ thứ 4 trước tây lịch. Ông được xem là triết gia đạo đức đầu tiên của truyền thống tư tưởng đạo đức Tây phương và là thầy của các triết gia lừng danh của Hy Lạp như Plato và Xenophon. Ông từng nói "Đời của người sống không kiểm soát (buông thả) là cuộc đời không đáng sống - The unexamined life is not worth living."

Socrates đã dùng cả đời để tìm hiểu và xem xét tất cả mọi niềm tin, cho dù đã được đa số dân tin tưởng, để xem những niềm tin đó đúng hay sai. Ông luôn hỏi mọi người về định nghĩa của đức hạnh, thí dụ như lòng can đảm, thì biết ra rằng những người coi trọng nó lại không biết nó là gì. Bởi thế, ông cho rằng con người phải tự xem xét, kiểm soát cuộc sống và niềm tin của mình thì mới có hy vọng để cải thiện nó.

Có lẽ chân lý cổ đại này dễ hiểu và rất đúng, bởi thế chúng ta vẫn thường được nghe những lời khuyên là mỗi ngày hãy dành ra một ít thì giờ để xem xét lại việc làm của mình trong ngày để rút ra những ưu, khuyết điểm hữu ích cho đời sống của ngày hôm sau.

5. Mỗi tháng nên đọc một quyển sách mới.

Trong một bài giảng, Đức Phật đã nói "Người Trí Thức không có trâu bò, không có vàng, không có tài sản. Họ xem học vấn của họ là tài sản và ngũ cốc của họ."

Người Trí Thức, giáo sĩ (Brahmin), là giai cấp cao nhất trong xã hội Ấn Độ từ xưa đến nay. Thay vì chú tâm về tiền bạc hoặc ganh đua của đời sống chung quanh, họ coi trọng và chú tâm về học vấn và hiểu biết. Đức Phật đã nhắc nhở chúng ta về những người Trí Thức này và khuyên chúng ta hãy noi gương họ.

Việc đọc sách, học hỏi để mở mang kiến thức hiển nhiên là điều được coi trọng ở tất cả các xã hội văn minh, tự do trên thế giới. Bởi vậy các quốc gia cộng sản, độc tài, toàn trị đều tìm cách ngăn chặn dân đọc sách, tìm hiểu một cách tự do, phóng khoáng. Họ bắt buộc người dân đọc những lời tuyên truyền do chính họ đưa ra, và như thế, người dân bị nhồi sọ bởi những điều họ được nghe và sẽ tin tưởng và hành động như con ngựa bị che mắt, chỉ bước đi theo lệnh của giây cương buộc vào hàm thiếc và ngọn roi trên lưng. Vì thế chúng ta phải chống lại những chủ thuyết như cộng sản và độc tài hay chuyên chế. Hãy đọc sách, đọc báo, hãy tìm hiểu văn minh và tư tưởng tự do của nhân loại để mở mang kiến thức để phát triển cá nhân cũng như xã hội.

6. Dành nhiều thời gian hơn với bạn hữu.

Aristotle, triết gia Hy Lạp thời cổ đại, sống khoảng hơn 300 năm trước tây lịch. Ông là học trò của Plato, và cả hai thầy trò được xem là "cha đẻ của triết học tây phương." Ông, có lẽ là triết gia "Đa Hiệu" duy nhất trong lịch sử thế giới, giỏi về rất nhiều bộ môn, trong đó bao gồm vật lý, sinh học, động vật học, siêu hình học, luân lý, đạo đức, thẩm mỹ, thi ca, sân khấu, âm nhạc, hùng biện, tâm lý học, ngôn ngữ học, kinh tế, chính trị và tổ chức chính phủ.

Tuy bận rộn như thế, nhưng ông vẫn luôn dành thì giờ giao tiếp với bằng hữu. Ông đã từng nói "Người bạn tốt là người mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn mình, những mong muốn đó là những điều rất hữu ích cho chính bản thân của người bạn."

Aristotle nghĩ rằng tình bạn là điều cần thiết cho đời sống, nhưng không phải bất cứ người bạn nào cũng trở nên cần thiết. Ông đưa ra nhận xét về ba loại tình bạn:

  1. Tình bạn tiện ích là tình bạn dựa trên những lợi ích đem đến cho nhau, như bạn làm ăn buôn bán, bạn cùng sở làm, và bạn học. Tình bạn này thường không lâu bền, rất dễ tan vỡ khi có những khác biệt xảy ra.
  2. Tình bạn thú vui là tình bạn của những người đem lại vui thích cho nhau, như cùng chung sở thích, thí dụ như thích đá banh, câu cá, ... Tình bạn này cũng khó lâu bền, nhất là khi ý thích và thú vui thay đổi.
  3. Tình bạn tốt đẹp là loại tình bạn quan trọng nhất. Đây là những tình bạn dựa trên sự tôn trọng, hiểu biết phẩm chất khác biệt của nhau, cùng với ý chí mạnh mẽ và trung thực giúp đỡ nhau. Đây là tình bạn lâu bền nhất, vì cả hai bên đều tôn trọng, giúp đỡ nhau, và muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn của mình. Thành ngữ có câu "Bạn là người nói những điều ta muốn nghe, nhưng người bạn tốt là người luôn nói với ta những điều ta cần phải nghe." Thế cho nên hãy tránh xa những kẻ luôn ngọt ngào, mở miệng ra là thưa gửi, nhưng lòng dạ thì chẳng có thước nào để đo lường, và cuối cùng đều đem lại cho ta những điều rắc rối, buồn phiền, có khi còn vướng vào nguy hiểm.

7. Sống với con người thật của mình.

Nietzsche, triết gia người Đức ở thế kỷ thứ 19, đã nói "Không nên sống như một người mà bạn hằng kỳ vọng (expected), mà nên sống như một người mà bạn muốn (wanted) được như thế."

Nietzsche là triết gia có nhiều câu nói "một dòng - one-line" được nhiều người dùng để dẫn chứng như những câu danh ngôn. Ông được xem là vua của chủ trương cá nhân (king of individuality). Với ông, không có gì tệ hơn là một người sống hùa theo đám đông. Mặc dù ông là người theo thuyết khẳng định (determinist), nhưng ông vẫn cho rằng chúng ta nên chấp nhận đời sống và đối phó với tất cả những gì xảy ra trong đời.

Nếu đem so sánh Nietzsche với Lão Tử thì hai quan niệm sống rất là trái ngược. Trong khi Lão Tử khuyên nên sống uyển chuyển như nước để vượt qua mọi chướng ngại của đời sống, thì Nietzsche lại khuyên nên sống thực với mình để đối đầu với cuộc đời. Hiển nhiên là không một quan niệm nào là chân lý, là tuyệt đối để noi theo, nhưng gộp chung hai quan niệm vào với nhau để tìm ra một quan niệm "trung dung" như quan điểm của Albert Einstein thì tất cả đều là "tương đối - relativity", con người phải tùy hoàn cảnh mà đáp ứng, cứng quá thì dễ gẫy mà mềm quá thì dễ bị đè bẹp. Nhưng biết lúc nào nên cứng, lúc nào nên mềm lại là một điều khó. Sách có câu "Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống ... cho đến chết." Với cụ Tú Xương thì:

Thế sự đua nhau nói dại khôn,
Biết ai là dại, biết ai khôn?
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại,
Dại chốn văn chương, ấy dại khôn.
Này kẻ nên khôn đều có dại,
Làm người có dại mới nên khôn.
Cái khôn ai cũng khôn là thế,
Mới biết trần gian kẻ dại khôn.
(Trần Tế Xương - Dại Khôn)

Dù biết hay không biết, điều cần nhấn mạnh ở đây là nên sống thực với mình, đừng đóng kịch, đừng giả dối là điều đáng để chúng ta noi theo.


8. Làm điều tốt mỗi ngày.

Một lần nữa, câu nói của triết gia Aristotle lại được dẫn chứng "Hành động của chúng ta trong đời sống là sự lập đi lập lại. Làm điều tốt, hiển nhiên, không phải chỉ là hành động, mà nên là thói quen."

Aristotle xem đức tính là những khả năng tinh xảo, những điều mà chúng ta nên cố gắng hoàn thiện trong suốt cuộc đời. Có đạo đức là thể hiện sự xuất sắc trong một lĩnh vực thực tế nào đó như lòng can đảm, tính ôn hòa hoặc tình bạn. Những điều này (đức tính) nếu làm một hoặc hai lần là không đủ, chúng ta phải khiến nó trở thành thói quen để thực sự thể hiện đức tính.

Quan niệm này được Hội Hướng Đạo Thế Giới dùng làm lời khuyên các Hướng Đạo Sinh ngay từ thời còn là Ấu Sinh "Do A Good Turn Every Day - Mỗi ngày làm một điều tốt." Tuy nhiên, nếu không làm được điều gì tốt thì cũng đừng làm điều gì xấu thì xét ra cũng đủ. Điều này thoạt nhìn thì có vẻ như dễ làm, thế nhưng thực tế đã chứng minh "lập đi lập lại" là con người trần tục không dễ gì làm được vì đã là người thì sẽ có đủ ba độc tính "Tham, Sân, Si - Tham lam, Giận dữ, Mê đắm" và đời sống thì không bao giờ có sự công bằng, lúc nào cũng có nước lớn nước nhỏ, kẻ trên người dưới, chủ thợ, giàu nghèo, mạnh yếu,... nên không thể có an bình (peace) trên thế giới. Có lẽ chỉ có người chết mới làm, hoặc tìm thấy, được điều như Aristotle đã khuyên, thế cho nên người Mỹ mớI có câu "Rest In Peace". Tuy nhiên mỗi ngày nên làm một điều tốt, hay tránh làm điều xấu thì cũng là điều nên theo.

9. Chấp nhận thay đổi.

Heraclitus, triết gia Hy Lạp thời cổ đại, sống khoảng hơn 500 năm trước tây lịch, trước thời của triết gia Socrates. Ông quan niệm mọi sự, mọi vật đều thay đổi, có khi từ trạng thái này qua trạng thái khác như nước bốc hơi thành mây, rơi xuống thành nước, hoặc sự trao đổi mua bán, từ tiền đổi lấy vật dụng, bán vật dụng lấy tiền... Một câu nói nổi tiếng của Heraclitus về sự thay đổi là "Không ai có thể bước trên cùng một dòng sông hai lần - No man ever steps in the same river twice", bởi vì nước của dòng sông luôn thay đổi và con người thì cũng thế. Cho nên, thay vì cố bám víu vào những gì không thể tồn tại, chúng ta nên chấp nhận quan niệm mọi thứ sẽ thay đổi hoặc qua đi.

Nhận xét về vạn vật đổi thay có thể xem là chân lý, cũng như thuyết của nhà Phật là "vô thường" có nghĩa là không chắc chắn, luôn thay đổi. Thế cho nên Heraclitus quan niệm con người phải chấp nhận và sống theo sự thay đổi của thời thế, xã hội... Xem ra thì quan niệm có phần tương tự như quan niệm của Lão Tử, sống như nước, thay đổi, uyển chuyển theo hình thể của địa dư.

Trong đời sống, nhất là cuộc đời của những di dân như người Việt Nam qua Hoa Kỳ, chúng ta nhận thấy có một số người ở thế hệ đầu tiên (đã có gia đình trước khi di tản) đã không thể hòa hợp, thay đổi để tiếp nhận đời sống và phong tục khác biệt của Hoa Kỳ, nên đã xảy ra những "va chạm" đáng tiếc với thế hệ con cháu sinh ra, lớn lên, và hấp thụ văn hóa của Hoa Kỳ. Chấp nhận thay đổi xem ra là một điều nên theo để có được cuộc sống an vui trong gia đình và hòa hợp với xã hội.

10. Chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình.

Simone de Beauvoir, nữ triết gia Pháp theo chủ nghĩa Hiện Sinh của thế kỷ thứ 20, thể hiện tư tưởng qua câu "Hãy thay đổi cuộc sống của bạn ngay ngày hôm nay. Đừng đánh bạc, chơi trò đen đỏ, với tương lai, hành động ngay, không nên chậm trễ."

Chủ nghĩa hiện sinh (còn được xem là chủ nghĩa "sống vội", sống cho hôm nay, không kể đến ngày mai, trái ngược với quan niệm Socrates là đời sống và niềm tin của con người phải được kiểm soát thường xuyên) cho chúng ta thấy tất cả chúng ta chịu trách nhiệm về những gì chúng ta đang và sẽ trở thành. Chờ đợi sự đổi thay của cuộc sống là một lựa chọn, hãy nắm bắt ngay lấy cơ hội, không chờ đến ngày mai! Chủ nghĩa hiện sinh này được thể hiện ngay trên đời sống của Beauvoir, bà có liên hệ tình cảm và tình dục với ba người đàn ông cùng một lúc: Nhà làm phim người Pháp Claude Lanzmann, văn sĩ Mỹ Nelson Algren và triết gia Pháp Jean-Paul Sartre. Trong đó liên hệ tình cảm với Jean-Paul Sartre là lâu nhất, kéo dài 50 năm, cho đến khi Sartre mất vào năm 1980.

Chủ nghĩa hiện sinh khi lan tràn qua Hoa Kỳ ở trong khoảng thời gian có chiến tranh Việt Nam, đã nẩy sinh ra tinh thần phản chiến, hippie, cần sa ma túy, sống vội vàng không cần biết đến ngày mai... Đó là sự hiểu lầm tai hại về một chủ nghĩa quá nặng về triết học và quá dễ để diễn giải qua một chiều hướng buông thả, không có tương lai. Thực ra Beauvoir là người theo chủ thuyết "Nữ Quyền - Feminist" với quan niệm phóng khoáng về phụ nữ. Trong đó nhấn mạnh về tự quyền quyết định, chịu trách nhiệm về đời sống của chính mình, và hành động ngay khi có dịp, không nên chờ đợi ở tương lai, vì đó là điều không thể biết rõ được. Tuy nhiên sách và đời sống tình cảm của bà đã khiến tư tưởng và triết lý của bà bị hiểu qua một chiều hướng rất khác, và rất sai lạc.

Bùi Phạm Thành, K25
Biên soạn

Tham khảo:

10 new year's resolutions you can steal from philosophers
https://bigthink.com/scotty-hendricks/10-new-years-resolutions-you-can-steal-from-philosophers

và các trang Wikipedia liên hệ đến các tư tửng gia nêu tên trong bài.


Pages