Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam - Tổng Quát - Đa Hiệu Online

Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam - Tổng Quát


SƠ LƯỢC BỐI CẢNH LỊCH SỬ VIỆT NAM 1945-1948

Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc vào năm 1945, đây là năm có nhiều biến chuyển lịch sử quan trọng tại Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp, gồm Việt Nam, Campuchia và Lào. 

Tại Việt Nam, sáng ngày 9 tháng 3 năm 1945, Quân Đội Nhật đánh úp Đế Quốc Pháp; bộ máy cai trị của Thực Dân Pháp xây dựng trong 80 năm đã sụp đổ chỉ trong một ngày. Quân Đội Nhật trao chính quyền cho Việt Nam trên danh nghĩa, và họ đứng sau hậu trường để điều khiển. Hoàng Đế Bảo Đại bổ nhiệm Ông Trần Trọng Kim thành lập một chính phủ thay thế cho nội các của Ông Phạm Quỳnh đã cáo chung.

Ngày 13 tháng 8 năm 1945 Nhật đầu hàng Đồng Minh. Tại Bắc Việt có hai lực lượng cách mạng tranh nhau nắm chính quyển, một bên với chính nghĩa là Mặt Trận Quốc Gia gồm có nhiều đảng phái quốc gia và một bên là Mặt Trận Việt Minh (cộng sản). Phía Việt Minh nhờ có khả năng tổ chức và tuyên truyền bịp bợm trong việc vận động quần chúng nên đã cướp được chính quyền vào ngày 19 tháng 8 năm 1945 tại Hà Nội. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Hoàng Đế Bảo Đại thoái vị và Chính Phủ Trần Trọng Kim bị giải tán tại Huế, chấm dứt triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. 

Sau đó, chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm chủ tịch đã ra mắt tại Hà Nội vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Chỉ vài tuần sau, Quân Đội Trung Hoa dưới danh nghĩa Tiếp Phòng Quân của Đồng Minh sang giải giáp và hồi hương Quân Đội Nhật, chiếm đóng từ Bắc Việt vào đến Vĩ Tuyến 16 (Đà Nẵng). Cũng trong dịp này Quân Đội Hoàng Gia Anh-Ấn đổ bộ ở Nam Việt.

Quân Đội Trung Hoa lúc bấy giờ đã giúp đỡ nhiều yếu nhân của các đảng phái quốc gia trở về nước hoạt động. Đã có những cuộc tranh chấp kịch liệt dẫn đến xô xát đẫm máu giữa các đảng phái quốc gia và Mặt Trận Việt Minh trong giai đoạn này. Tướng Tiêu Văn của Quân Đội Trung Hoa đứng ra hoà giải đôi bên để thành lập một chính phủ Quốc Gia Liên Hiệp, với Hồ Chí Minh là chủ tịch và Ông Nguyễn Hải Thần là phó chủ tịch.

Đây là một sự hợp tác bất đắc dĩ về phía Việt Minh để Hiệp Định Sơ Bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 được ký kết giữa Pháp và Việt Minh và sau đó cho phép Pháp đem quân trở lại Việt Nam một cách hợp pháp, sau khi Quân Đội Trung Hoa rút về nước. Thủ đoạn chính trị này của Việt Minh nhằm cô lập, tiêu diệt các đảng phái quốc gia và củng cố quyền lực cho chính quyền của Hồ Chí Minh trong giai đoạn còn non yếu. Về phía Pháp, họ lợi dụng cơ hội để trở lại thuộc địa cũ, hầu tiếp tục bóc lột, khai thác quyền lợi trên đất nước Việt Nam.

Không đồng ý với tinh thần của Hiệp Định Sơ Bộ, đồng thời nhận thức được mưu đồ của thực dân Pháp và cộng sản, và để tránh bị tiêu diệt các đảng phái quốc gia rút vào hoạt động bí mật hoặc sống lưu vong.  Để biện minh cho việc bắt tay với Pháp, Việt Minh tuyên truyền là Pháp Mới, Pháp Dân Chủ, và họ chỉ thị cho dân chúng treo cờ đón mừng và cho bộ đội chính thức hộ tống quân Pháp từ Hải Phòng  lên Hà Nội trước sự ngỡ ngàng của dân chúng vào ngày 19 tháng 5 năm 1946 - ngày mà cộng sản ngụy tạo là sinh nhật của Hồ Chí Minh.

Lập trường của Thực Dân Pháp và Chính Quyền Cộng Sản Việt Nam của Hồ Chí Minh không thể dung hòa, khi đi vào chi tiết của việc chia chác quyền lực và quyền lợi, nên mọi cuộc đàm phán giữa hai bên đều thất bại. Tám giờ tối ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chiến Tranh Việt – Pháp bùng nổ: Đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh.

Thực Dân Pháp thất bại trong việc bình định Việt Nam bằng quân sự, nên gần một năm sau, họ xoay qua giải pháp chính trị để giải quyết vấn đề Việt Nam. Các chính khách Pháp và các đảng phái quốc gia tìm cách liên lạc, điều đình với Cựu Hoàng Bảo Đại, lúc này đang lưu vong tại Hồng Kông, hình thành một giải pháp mới được gọi tên là “Giải Pháp Bảo Đại”.

Vào cuối tháng 5 năm 1948, Cựu Hoàng Bảo Đại bảo trợ việc thành lập một chính phủ trung ương lâm thời, do Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân đảm nhiệm chức vụ thủ tướng. Việc đầu tiên chính phủ này làm là tích cực vận động người Pháp trao trả độc lập thực sự cho Việt Nam, củng cố chính quyền quốc gia ở bước đầu còn non trẻ, và nhất là đẩy mạnh việc xây dựng một Quân Đội Quốc Gia Việt Nam thống nhất.

TRƯỜNG SĨ QUAN VIỆT NAM - TRƯỜNG VÕ BỊ LIÊN QUÂN ĐÀ LẠT - 
TRƯỜNG VÕ BỊ QUỐC GIA VIỆT NAM

Quốc Trưởng Bảo Đại
Dựa trên cơ sở của Thỏa Ước Vịnh Hạ Long ký ngày 5 tháng 6 năm 1948, giữa Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân đại diện cho Việt Nam và Cao Ủy Emile Bollaert đại diện Chính Phủ Pháp, dưới sự chứng kiến của Quốc Trưởng Bảo Đại: Nền độc lập và thống nhất của Việt Nam trong Khối Liên Hiệp Pháp được long trọng công nhận. Ngay sau đó Quốc Trưởng Bảo Đại chỉ thị Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân xúc tiến việc đào tạo sĩ quan cho Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Tháng 10 năm 1948, TRƯỜNG SĨ QUAN VIỆT NAM được thành lập và khai giảng khóa đầu tiên tại Thành Phố Huế, với nhiệm vụ huấn luyện và cung cấp những cán bộ chỉ huy cho Quân Đội Quốc Gia Việt Nam (QĐQGVN) đang được hình thành.

Theo Hiệp Ước Élysée ký ngày 8 tháng 3 năm 1949, Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam do Quốc Trưởng Bảo Đại lãnh đạo đã dành được nhiều quyền hành trên lãnh vực quân sự và quốc phòng. Từ đó, việc đào tạo cán bộ chỉ huy cho QĐQGVN được đẩy mạnh và phát triển với quy mô rộng lớn.

Thủ Tướng Trần Văn Hữu
Trường Sĩ Quan Việt Nam hoàn tất hai khóa huấn luyện sĩ quan, tốt nghiệp vào tháng 5 năm 1949 và tháng 7 năm 1950. Đó là hai trong những khóa đầu tiên đào tạo sĩ quan người Việt. Tháng 12 năm 1950, QĐQGVN được chính thức thành lập. Trước đó ít tháng, để có cơ sở rộng lớn hơn và khí hậu thích hợp hơn cho việc huấn luyện, Thủ Tướng Trần Văn Hữu đã ký nghị định di chuyển Trường Sĩ Quan Việt Nam từ Huế vào Đà Lạt, đồng thời đổi danh hiệu của trường thành TRƯỜNG VÕ BỊ LIÊN QUÂN ĐÀ LẠT.

Sự thay đổi từ Trường Sĩ Quan Việt Nam ở Huế thành Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, và sau cùng trở thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, là những diễn tiến cần thiết và tất yếu cho sự lớn mạnh của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam theo dòng lịch sử.

Từ năm 1948 đến 1954 (Khóa 1 đến Khóa 11), trường chỉ có nhiệm vụ huấn luyện thuần túy quân sự cho các sinh viên sĩ quan (SVSQ) Bộ Binh. Thời gian các khóa học được ấn định là 9 tháng. Chương trình và sĩ quan huấn luyện đều do người Pháp điều hành và đảm trách. Mục đích là đào tạo cấp bách một số sĩ quan nhằm đáp ứng cho nhu cầu của các đơn vị quân đội đang trong giai đoạn tăng trưởng. Đó là trường hợp của 2 khóa tại Huế và 9 khóa đầu tiên tại Đà Lạt.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Do Hiệp Định Genève (20-7-1954), một nửa đất nước phía bắc Vĩ Tuyến 17 bị mất vào tay cộng sản và phía nam trở thành Việt Nam Cộng Hoà (VNCH). Mặc dầu chiến cuộc tạm chấm dứt, nhưng nhìn xa về tương lai, Tổng Thống Ngô Đình Diệm [5] chủ trương người sĩ quan xuất thân từ Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, ngoài kiến thức căn bản quân sự, còn phải có một trình độ văn hóa vững vàng để có thể phục vụ hữu hiệu trong một quân đội hùng mạnh và tân tiến như các quốc gia khác trên thế giới. Do đó nhiệm vụ của Trường là vừa huấn luyện quân sự vừa giảng dạy văn hóa. Thời gian huấn luyện được tăng lên. như trường hợp của Khóa 12, thụ huấn trong 15 tháng: từ tháng 10, 1955 đến tháng 12, 1956, và của Khóa 13, thụ huấn trong 2 năm: từ tháng 4, 1956 đến tháng 4, 1958. 


Lễ khánh thành trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt (5-11-1956)

Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, 1950

Bản đồ toàn thể khu vực TVBLQĐL: Khu Cộng Hòa, Quang Trung, Chi Lăng và Hồ Mê Linh

Để đánh dấu một chặng đường tiến triển, Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt được cải tổ lần thứ nhất. Do nghị định số 317/QP/TT ký ngày 29-7-1959, tên của trường được đổi thành TRƯỜNG VÕ BỊ QUỐC GIA VIỆT NAM (xem nguyên văn Nghị Định 317/QP/TT trong Phần IV), và từ đó, chương trình huấn luyện được ấn định là 4 năm, với Mùa Văn Hóa và Quân Sự chuyên biệt cho mỗi năm. Kế hoạch chuẩn bị để đưa chương trình huấn luyện lên thành 4 năm bắt đầu từ Khóa 14 (1957-1960). Chương trình học 2 năm được nâng lên thành 3 năm với mục đích nâng cao khả năng cùng kiến thức quân sự và văn hóa, đồng thời Hệ Thống Tự Chỉ Huy được thành lập nhằm phát triển ý thức trách nhiệm qua việc huấn luyện khóa đàn em trong giai đoạn Tân Khóa Sinh như Khóa 14 đã huấn luyện 2 Khóa 15 và 16. Khóa 15 là khóa thí điểm cho chương trình huấn luyện 4 năm. Khóa 16 và các khóa tiếp theo được chủ trương thực sự theo học chương trình 4 năm do nghị định số 317/QP/TT. Chương trình du hành quan sát và thăm viếng quân binh chủng được thêm vào chương trình huấn luyện quân sự kể từ thời gian này.

Năm 1960, một năm sau ngày cải tổ, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đặt viên đá đầu tiên khởi công xây cất khu trường chính thức tại Đồi 1515, kế cận Khu Quang Trung. Khu trường mới với kiến trúc tân kỳ được mang tên là Khu Lê Lợi, có đủ cơ sở cho nhu cầu ăn ở và học tập văn hóa cũng như quân sự cùng một lúc cho khoảng 1.000 SVSQ thuộc 4 khóa khác nhau.

Tháng 8 năm 1961, sau khi một phần các cơ sở thuộc Khu Lê Lợi được hoàn thành, gồm toàn thể khu doanh trại và một phần khu văn hóa, SVSQ các Khóa 16 và 17 được chuyển từ Khu Cộng Hòa sang Khu Lê Lợi. Khu Cộng Hòa được trao cho Trường Chỉ Huy Tham Mưu và đến năm 1973 trở thành Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị. Từ đó cơ sở của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (TVBQGVN) bao gồm Khu Quang Trung và Khu Lê Lợi. Khóa 18 là khóa đầu tiên nhập học tại trường mới vào tháng 11, 1961, trong khi Khóa 16 và 17 vẫn còn tại trường cũ. Khóa 16 là khóa đầu tiên mãn khóa tại trường mới vào tháng 12, 1962.

Năm 1964, công trình xây cất Khu Lê Lợi giai đoạn 1 và 2 được hoàn thành gồm:

  • Khu Doanh Trại SVSQ với 4 tòa nhà 3 tầng dùng làm phòng ngủ cho SVSQ và một nhà ăn lớn gọi là "Phạn Điếm" sau này được đổi thành "Phạn Xá".
  • Khu Văn Hóa với 3 tòa nhà 2 tầng, dùng làm lớp học, phòng thí nghiệm và văn phòng.
  • Cổng Nam Quan ở phía Bắc là cổng chính của trường. Phía ngoài cổng có một câu lạc bộ (sau này được đặt tên là Câu Lạc Bộ Nhữ Văn Hải) và Hội Quán Sinh Viên Sĩ Quan (sau được đổi tên là Hội Quán Huỳnh Kim Quang). 
  • Đường Vòng Alpha bao quanh khu doanh trại và khu văn hóa.
  • Vũ Đình Trường Lê Lợi, nơi chào cờ hàng tuần và cử hành Lễ Mãn Khóa hằng năm.
  • Các bãi tập quân sự nằm bên ngoài Cổng Nam Quan, trải dài giữa Ấp Đa Thiện và Ấp Thái Phiên, và khu vực Hồ Than Thở. 

Về phương diện huấn luyện, chương trình 4 năm được đem áp dụng cho Khóa 15 (khai giảng tháng 4, 1958). Đến năm 1961 tình trạng khẩn trương được ban hành vì cuộc chiến quốc cộng ngày một gia tăng, sau khi Cộng Sản Bắc Việt thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (1960). Theo đề nghị của Bộ Tổng Tham Mưu, và với sự chấp thuận của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, chương trình huấn luyện một lần nữa phải rút ngắn lại còn 3 năm, để kịp đáp ứng với nhu cầu chiến trường. Có bốn khóa thụ huấn chương trình rút ngắn 3 năm trong khoảng thời gian này là Khóa 14 (1957-1960), Khóa 15 (1958-1961), Khóa 16 (1959-1962) và Khóa 17 (1960-1963).

Sau đó, cũng vì tình hình chiến sự ngày càng gia tăng, chương trình được rút lại chỉ còn 2 năm. Chương trình huấn luyện 2 năm kéo dài từ 1961 đến năm 1967 và được áp dụng cho năm khóa. Đó là: Khóa 18 (1961-1963), Khóa 19 (1962-1964), Khóa 20 (1963-1965), Khóa 21 (1964-1966) và Khóa 22A (1965-1967).

Do nghị định số 2349/NĐ/QP của Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (tương đương với Thủ Tướng) ký ngày 13-12-1966, Trường được cải tổ lần thứ hai. Chương trình huấn luyện được cải tổ toàn diện, với sự cải tiến sâu rộng về nội dung cũng như về thể thức thi hành. Thời gian huấn luyện là 4 năm, với quy chế của một đại học kỹ thuật. Khóa đầu tiên hoàn tất chương trình 4 năm là Khóa 22B (1965-1969).

Về mặt quân sự, từ Khóa 1 (mãn khóa năm 1949) cho đến Khóa 11 (mãn khóa năm 1955), với thời gian học khoảng 9 tháng, SVSQ được huấn luyện dựa theo chương trình của Trường Võ Bị Saint Cyr rút ngắn, nhằm mục đích đào tạo những sĩ quan có khả năng chỉ huy một trung đội Bộ Binh, kèm theo khả năng quyết định của một cấp chỉ huy và phụ tá việc huấn luyện. 

Kể từ Khóa 12, nhập học năm 1955 và là khóa đầu tiên dưới chính thể Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa, SVSQ được huấn luyện quân sự theo tiêu chuẩn của Quân Đội Hoa Kỳ với mục đích đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp trung đội và đại đội, có khả năng huấn luyện, tham mưu và am tường quân binh chủng. Sau này, chương trình huấn luyện 4 năm dựa theo chương trình của Trường Võ Bị West Point của Hoa Kỳ trên cả hai lãnh vực quân sự và văn hóa.

Cũng kể từ Khóa 12, khi bắt đầu có chương trình giảng dạy văn hóa cho SVSQ, ứng viên thường phải qua kỳ thi tuyển văn hóa trước khi được thâu nhận, trước đó một số khóa cũng có thi văn hóa tùy theo trường hợp. Phần lớn các thanh niên tình nguyện nhập học từ Khóa 12 đến Khóa 15 đã học xong lớp Đệ Nhị (về sau gọi là lớp 11) và đậu bằng Tú Tài I, nên chương trình văn hóa lúc đó là chương trình lớp Đệ Nhất (sau là lớp 12) ban Toán (Tú Tài II ban B). Càng về sau, chương trình văn hóa càng được nâng cao, từ Trung Học lên Cao Đẳng Đại Học rồi Cử Nhân, do đó điều kiện nhập học phải có bằng Tú Tài II và thời gian huấn luyện cũng gia tăng lên 3 năm, rồi 4 năm. Trường tận dụng những phương tiện giảng huấn tân tiến được trang bị cho các phòng thí nghiệm khoa học và thính thị Anh Ngữ cho chương trình văn hóa.

Trên phương diện nhân văn và lãnh đạo, trường tạo điều kiện tốt để SVSQ trau dồi những kiến thức thực dụng về Triết Học, Luật Học, Xã Hội Học, Lãnh Đạo & Chỉ Huy, nhằm giúp họ tự phát triển được những khả năng của một sĩ quan ưu tú có tinh thần trách nhiệm và ý thức cao.

Với chương trình huấn luyện 4 năm, sĩ quan tốt nghiệp của các Khóa 22B, 23, 24 và 25 đã được cấp "Văn Bằng Tốt Nghiệp TVBQGVN", có giá trị tương đương với Văn Bằng Kỹ Sư tốt nghiệp từ các trường cao đẳng kỹ thuật dân chính trong nước. Kể từ tháng 1, năm 1974, tức là từ Khóa 26, Bộ Quốc Gia Giáo Dục đã chính thức công nhận "Văn Bằng Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng" do TVBQGVN cấp cho những sĩ quan tốt nghiệp.

Để thích ứng với chương trình huấn luyện mới, nhà trường cần thêm các cơ sở giảng huấn và một ban giảng huấn thích hợp. Năm 1971, công trình xây cất Khu Lê Lợi giai đoạn 4 được hoàn thành gồm:

  • Tòa nhà Văn Hóa Vụ với nhiều phòng học mới, văn phòng và phòng họp
  • Thư Viện và Nhà Thí Nghiệm Nặng
  •  Tòa nhà Quân Sự Vụ, Bệnh Xá và Câu Lạc Bộ SVSQ

Cũng cần nói thêm, tòa nhà Bộ Chỉ Huy được hoàn tất vào năm 1967 (giai đoạn 3) là nơi làm việc của Chỉ Huy Trưởng và Ban Tham Mưu.

Song song với việc kiện toàn cơ sở, trường cũng thành lập một giáo sư đoàn được tổ chức theo cơ cấu của một trường đại học dân sự với nhiều phân khoa. Đứng đầu Giáo Sư Đoàn là một vị Văn Hóa Vụ Trưởng, với văn bằng Tiến Sĩ. Kế tiếp là các Trưởng Khoa với văn bằng Cao Học. Thành phần giáo sư gồm có các sĩ quan hoặc giáo sư từ dân sự đã tốt nghiệp cử nhân hoặc cao học, trong nước hoặc ngoại quốc, đã gia nhập quân đội và được biệt phái về dạy học. Theo chương trình đã được thi hành áp dụng kể từ năm 1969, một số giáo sư và sĩ quan tốt nghiệp các khóa học 4 năm tại trường với điểm văn hóa xuất sắc, đã được gửi đi du học tại Hoa Kỳ và trở về làm giáo sư tại trường. Cũng trong chương trình 4 năm, về mặt quân sự, trường có một Phòng Huấn Luyện Quân Sự do một sĩ quan cấp Tá làm Trưởng Phòng. Dưới Trưởng Phòng có các Trưởng Khoa và Huấn Luyện Viên các khoa Chiến Thuật, Địa Hình và Vũ Khí.

Từ những khóa đầu, trường đã cung cấp sĩ quan cho cả 3 quân chủng Hải, Lục và Không Quân; một số ít SVSQ được chọn quân chủng trước ngày mãn khóa. Kể từ Khóa 16, vào năm thứ hai, Bộ Tổng Tham Mưu cho trắc nghiệm tâm lý SVSQ để sau khi mãn khóa tại TVBQGVN, những SVSQ thích hợp sẽ có thể được chuyển qua Hải Quân hoặc Không Quân. Từ tháng 12 năm 1970, TVBQGVN thực sự thi hành nhiệm vụ huấn luyện các sĩ quan hiện dịch cho Hải, Lục và Không Quân ngay từ trong trường. Chương trình huấn luyện liên quân chủng tại trường được áp dụng kể từ Khóa 25 (1968-1972); trước khi sang năm thứ 3, SVSQ được qua một cuộc trắc nghiệm do Bộ Tổng Tham Mưu thực hiện để được tuyển chọn theo học Hải Quân, Lục Quân hoặc Không Quân trong 2 năm cuối cùng. 

Theo chương trình huấn luyện liên quân chủng, trong Mùa Quân Sự của năm thứ ba và thứ tư, SVSQ được gửi đến các quân trường thích hợp cho mỗi quân chủng để được huấn luyện chuyên môn. SVSQ Lục Quân thực tập chỉ huy tại các đơn vị và trung tâm huấn luyện Bộ Binh và theo học khóa Nhảy Dù tại Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù Hoàng Hoa Thám (Khóa 26 còn học thêm khóa Rừng Núi Sình Lầy ở Dục Mỹ). Trong khi đó, SVSQ Hải Quân học lý thuyết và thực tập hải hành tại Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang và trên chiến hạm ngoài khơi; và SVSQ Không Quân học lý thuyết căn bản phi hành và học bay loại máy bay cánh quạt T41 tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang. Trong Mùa Văn Hóa, tất cả SVSQ thuộc 3 quân chủng cùng thụ huấn tại trường theo những chương trình văn hóa thích hợp cho mỗi quân chủng. 

Với chương trình huấn luyện liên quân chủng được thực hiện ngay khi còn ở trường, kể từ Khóa 25 về sau, các sĩ quan tốt nghiệp Hải Quân không cần qua một khóa “đặc biệt” tại Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang, như trường hợp của những khóa trước . Sau ngày mãn khóa, họ trình diện Bộ Tư Lệnh Hải Quân để nhận sự vụ lệnh phục vụ trên các chiến hạm thuộc Bộ Tư Lệnh Hạm Đội. Trong khi đó, các sĩ quan tốt nghiệp Không Quân vẫn phải qua các khóa huấn luyện chuyên môn về phản lực và trực thăng trước khi trở thành phi công của Không Quân VNCH. 

Tháng 3 năm 1975, với tình hình quân sự nguy ngập của quốc gia, sự bất ổn của miền Trung và Quân Khu 2 đã bị bỏ ngỏ, TVBQGVN đã được lệnh di tản về Trường Bộ Binh Long Thành. Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Khóa 28 và Khóa 29 đã cử hành Lễ Mãn Khóa trong một hoàn cảnh bi hùng với quân phục tác chiến và mũ sắt. Ngay sau đó, các TVBQGVN sĩ quan đã lập tức ra đơn vị và chiến đấu vào những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến quốc cộng.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, theo lệnh buông súng của Tổng Thống Dương Văn Minh, SVSQ các Khóa 30 và Khóa 31 ngậm ngùi từ giã đồng đội, trở về cuộc sống dân chính với tương lai vô định, cùng chung số phận với vận nước. 

oOo

Theo dòng lịch sử từ năm 1948 đến 1975, TVBQGVN đã được thành lập và phát triển qua nhiều giai đoạn để cung ứng cho Quân Đội Quốc Gia và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hơn 6.000 sĩ quan hiện dịch. Họ là những người trai thời loạn vì lý tưởng Quốc Gia, đã tình nguyện chọn binh nghiệp để bảo vệ quê hương và dân tộc. Họ đã được "Trường Mẹ" huấn luyện cả về văn lẫn võ, đã phục vụ trong mọi quân binh chủng và trên khắp vùng đất nước. Họ đã chiến đấu trong thời chiến và kiến tạo quốc gia trong thời bình. Dấu chân của họ đã in khắp cùng quê hương. Nhiều người đã hy sinh một phần thân thể hoặc cả mạng sống để bảo vệ giang sơn cẩm tú từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, và từ Dãy Trường Sơn đến các Hải Đảo Trường Sa & Hoàng Sa. Nhưng tiếc thay, binh nghiệp của họ gẫy gánh theo vận mệnh của Quốc Gia. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đa số những người còn sống phải chịu cảnh tù đày của cộng sản trong các trại tù tập trung được gọi là "Trại Cải Tạo". Đến nay đa số đã tìm được tự do ở khắp năm châu, nhưng vẫn nuôi dưỡng ý chí sắt son với quê hương dân tộc.

Suốt gần ba thập niên, TVBQGVN đã đào tạo nhiều anh tài cho đất nước, cả về quân sự, hành chánh và chính trị, với gương hy sinh làm rạng danh Quân Lực VNCH trong và ngoài nước và là gương sáng cho thế hệ mai sau. Lòng dũng cảm, tình yêu quê hương và đồng bào, tinh thần yêu thương đồng đội và sự khắng khít của những người con của "Mẹ Võ Bị" là yếu tố để người sĩ quan xuất thân từ TVBQGVN đem hết khả năng phục vụ quê hương dân tộc và được người Việt yêu mến. Họ xứng đáng là những người con yêu của tổ quốc. Một ngày tương lai, khi đất nước không còn bị cai trị bởi cộng sản, TVBQGVN sẽ được mở cửa lại để tiếp tục đào tạo những anh tài cho Việt Nam.


(Nguồn: Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam Theo Dòng Lịch Sử)


DH-TVBQGVN


Pages