Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam - Chương Trình Huấn Luyện - Đa Hiệu Online

Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam - Chương Trình Huấn Luyện


Để đáp ứng nhu cầu huấn luyện sĩ quan đa năng đa hiệu, chương trình 4 năm được áp dụng kể từ khoá 22B (1965-1969). Chương trình huấn luyện chú trọng vào 4 phương diện:
  • Quân Sự
  • Văn Hoá
  • Đạo Đức và Lãnh Đạo Chỉ Huy
  • Thể chất

Quân Sự

SVSQ học Khóa Rừng Núi Sình Lầy (trên), Viễn Thám (dưới trái), và Nhảy Dù (dưới phải)

Việc huấn luyện quân sự cho SVSQ/TVBQGVN thay đổi tuỳ hoàn cảnh quốc gia và nhu cầu chiến trường.

Trong giai đoạn 1965-1975,  có những thay đổi được áp dụng cho những khóa có chương trình huấn luyện 4 năm, tức là từ Khóa 22B đến Khóa 31. Chương trình huấn luyện quân sự vẫn nhằm mục đích giúp SVSQ có kiến thức và thực tập chỉ huy một đại đội Bộ Binh cùng với khái niệm tổng quát về tham mưu và binh chủng.

  • Năm thứ nhất: Cá nhân và tiểu đội
  • Năm thứ hai: Trung đội
  • Năm thứ ba: Đại đội và phương pháp huấn luyện
  • Năm thứ tư: Tham mưu và binh chủng

Trong 7 tháng tổng cộng của 2 Mùa Quân Sự năm thứ ba và thứ tư, có từ 8 đến 10 tuần được dành cho việc huấn luyện Tân Khóa Sinh. Thời gian còn lại dành cho việc học tác chiến vùng rừng núi sình lầy, học nhảy dù và thực tập chỉ huy tại các quân trường hoặc đơn vị bạn đang trong thời kỳ dưỡng quân và tái huấn luyện. Thêm vào đó là chương trình thăm viếng các đơn vị thuộc các quân binh chủng để quan sát và học hỏi.

Theo chương trình huấn luyện liên quân chủng, kể từ cuối năm 1970, hai Mùa Quân Sự của năm thứ ba và thứ tư của các SVSQ thuộc hai quân chủng Hải và Không Quân được dùng cho việc huấn luyện quân chủng tại Trường Sĩ Quan Hải Quân và Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân tại Nha Trang. 



Văn Hoá


Việc giảng dạy văn hóa cho SVSQ đã trở thành yếu tố quan trọng kể từ khi Việt Nam khai sinh nền Đệ Nhất Cộng Hòa (1955). Mục đích là để đào tạo những sĩ quan đa năng đa hiệu vừa có khả năng chỉ huy quân sự trong cuộc chiến, cũng như xây dựng và lãnh đạo quốc gia trong thời bình. Những thay đổi quan trọng:

  • Giai đoạn 1948-1955, từ Khóa 1 đến Khóa 11: Chương trình huấn luyện hoàn toàn về quân sự, không có phần học văn hóa.
  • Giai đoạn 1955-1958, Khóa 12 và Khóa 13: Hai khóa đầu tiên có thêm chương trình văn hóa là Khóa 12 (chương trình 1 năm) và Khóa 13 (chương trình 2 năm). Ngoài chương trình huấn luyện quân sự, SVSQ được trau dồi về văn hóa gồm các môn Anh Văn, Pháp Văn, Sử Địa, Toán, Lý Hóa và Văn Chương Việt Nam.
  • Giai đoạn 1957-1961, Khóa 14 và Khóa 15: Chương trình 3 năm, văn hóa bậc Trung Học (Tú Tài II) và năm I Đại Học.
  • Giai đoạn 1959-1963, Khóa 16 và Khóa 17: Chương trình 3 năm, văn hóa bậc Cao Đẳng Đại Học. 
  • Giai đoạn 1961-1967: Trở lại chương trình 2 năm (Khóa 18, 19, 20, 21 và 22A), văn hóa bậc Cao Đẳng Đại Học.
  • Giai đoạn 1965-1975, từ Khóa 22B đến Khóa 31: Chương trình 4 năm, văn hóa bậc Đại Học Khoa Học.


Đạo Đức và Lãnh Đạo Chỉ Huy

Tổng Thống Ngô Đình Diệm chủ trương TVBQGVN phải đào tạo những nhà lãnh đạo tương lai cho Việt Nam. Trong một bữa ăn sáng với SVSQ Khóa 12 tại trường vào năm 1956, ông nói: 

"Trường này chỉ dành cho những người muốn là những tướng lãnh, bộ trưởng, và cả đến tổng thống trong tương lai. Nếu anh em chỉ muốn trở thành những thiếu tá, trung tá khi về hưu, thì không nên gia nhập trường này." 

Từ năm 1962 trong cương vị chỉ huy trưởng, Trung Tá Trần Ngọc Huyến (sau thăng Đại Tá) đã vào trường mỗi chiều thứ bảy để giảng dạy môn Đạo Đức và Lãnh Đạo Chỉ Huy cho SVSQ kể từ Khóa 16 đến một số các khóa sau. Mục đích để giúp SVSQ học hỏi và thực tập nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy và đắc nhân tâm.

Đối tượng của môn giáo dục đạo đức và tinh thần là rèn luyện phần tinh thần, hun đúc cho SVSQ một lý tưởng quốc gia vững mạnh và tinh thần ái quốc sâu sắc.

Theo lời của Tổng Thống Ngô Đình Diệm nói với SVSQ trong buổi lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng trường sở chính thức trên đồi 1515, thứ chiến tranh mà họ phải đương đầu sau này là chiến tranh lý tưởng cách mạng: 

“Lý tưởng đối đầu với lý tưởng. Do đó người SVSQ cần được đào tạo để có một hiểu biết về lý tưởng quốc gia vững chắc để chống lại với lý tưởng cộng sản vô nhân và chuyên chế. Như vậy mục tiêu nhắm đến việc đào tạo những con người biết phục vụ quốc gia và dân tộc với một nguyên nhân nội tâm cao quý hơn là thưởng phạt, biết suy luận dài hạn về mọi vấn đề liên quan đến sự sinh tồn của dân tộc với tư cách là một người chỉ huy.” 
(Lời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trong buổi lễ đặt viên đá đầu tiên xây cất TVBQGVN ngày 5 tháng 6, 1960) 

Cứu cánh cuối cùng của môn Đạo Đức Học là đào tạo những sĩ quan không phải chỉ biết đánh giặc mà là rèn luyện nên những cán bộ tiên phong chống cộng sản, sẵn sàng phục vụ quốc gia và dân tộc với tất cả tấm lòng hăng say của tuổi thanh niên, một lập trường vững chắc và ý thức trách nhiệm về những quyết định và hành động của mình. 

Quy Luật Danh Dự


Để tập luyện cho người SVSQ sống đúng tư cách một con người ngay thẳng và một cấp chỉ huy gương mẫu trong tương lai, Trường đưa ra Quy Luật Danh Dự. SVSQ vi phạm những điều luật trong Quy Luật Danh Dự sẽ bị đưa ra xét xử bởi Hội Đồng Danh Dự. Hậu quả có thể bị sa thải hoặc bị cho ra trường với cấp bậc hạ sĩ quan. 

Chiến Tranh Chính Trị và Tâm Lý Chiến


Trong chương trình huấn luyện, SVSQ cũng được hướng dẫn và tổ chức những sinh hoạt như thuyết trình, thảo luận về Chiến Tranh Chính Trị và Tâm Lý Chiến, nhưng trường không đặt nặng việc huấn luyện trên 2 lãnh vực này. 

Phong Thái 


Mục đích của việc huấn luyện phong thái là giúp SVSQ học và thực tập về những cách xử sự cho phù hợp với phép lịch sự trong khi giao tế ngoài xã hội với cung cách của một sĩ quan hay cấp chỉ huy. Trường mời những chuyên viên được huấn luyện tại các nước tây phương về phong thái đến trường để huấn luyện cho SVSQ. 

Thời gian các Khóa 16, 17 và 18 thụ huấn, hằng tuần có những bữa ăn theo kiểu tây phương để SVSQ làm quen với phép lịch sự trong bàn tiệc của người Âu Mỹ. 

Khiêu vũ được kể là một trong những bộ môn giúp tạo phong thái lịch lãm mà SVSQ được hướng dẫn và những buổi khiêu vũ thường được tổ chức trong trường vào những dịp đặc biệt như Giáng Sinh, Lễ Gắn Alpha, Lễ Mãn Khóa, v.v.  

Thể Chất



Chương trình huấn luyện thể chất bao gồm 3 lãnh vực: Thể Dục, Thể Thao và Võ Thuật. Trong khi các môn thể dục nhằm giúp SVSQ có một sức khỏe tốt và sức chịu đựng dẻo dai, các môn thể thao và võ thuật giúp SVSQ luyện tập và phát triển tài năng cá nhân và toàn đội, và tăng niềm tự tin cũng như khả năng tự vệ khi cần trong những hoàn cảnh bất ngờ.

Trong các bộ môn thể thao, thể dục, thì về võ thuật SVSQ bắt buộc phải học đánh bốc (boxing) trong năm đầu tiên, và phải chọn một trong hai môn Thái Cực Đạp Hoặc Nhu Đạo cho các năm kế tiếp. Từ khoá 29 về sau môn boxing bị bãi bỏ, vì thiếu huấn luyện viên, nên SVSQ phải học võ từ năm đầu tiên. Các môn thể thao khác đều là tự nguyện, hoặc được tuyển chọn theo khả năng.



Ngài ra, tuy không thuộc chương trình huấn luyện SVSQ, còn có bộ môn văn nghệ như Đặc San Đa Hiệu và Ban Văn Nghệ - Phát Thanh Trung Đoàn. Mỗi cuối tuần TVBQGVN đều có chương trình nửa giờ trên đài phát thanh Đà Lạt, cũng như phụ diễn văn nghệ ở Hội Quán Sinh Viên (sau này đổi tên là Hội Quán Huỳnh Kim Quang) vào cuối tuần khi có thân nhân vào thăm. Mỗi cuối năm vẫn có thi đua văn nghệ giữa hai Tiểu Đoàn SVSQ. Hàng năm có chương trình vận động, kêu gọi sinh viên, học sinh gia nhập TVBQGVN trên Đài Truyền Hình Quân Đội với sự tham dự của SVSQ trong ban Văn Nghệ - Phát Thanh Trung Đoàn.

Ban văn nghệ Trung Đoàn và hai người trong ban hợp ca của trường nữ trung học Bùi Thị Xuân - Đà Lạt
phụ diễn trong buổi thi đua văn nghệ giữa hai Tiểu Đoàn 1 và 2 năm 1972.

Huấn Luyện Hậu Tốt Nghiệp

Đây là các chương trình huấn luyện quân sự và văn hóa mà tân sĩ quan được gửi đi học sau khi đã mãn khóa tại Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

  • Huấn Luyện Binh Chủng: Biệt Đông Quân, Nhảy Dù, Thuỷ Quân Lục Chiến ...
  • Huấn Luyện Quân Chủng: Hải Quân, Không Quân
  • Huấn Luyện Quân Sự Tại Hải Ngoại:  Fort Benning, thuộc tiểu bang Georgia hay những quân trường khác
  • Trong lịch sử trường, một SVSQ K14 theo học trường Võ Bị Phi Luật Tân (The Philippine Military Academy - PMA, Baguio);
    một SVSQ K25 học Trường Võ Bị Lục Quân Hoa Kỳ (The US Military Academy, West Point);
    và hai SVSQ K28 thụ huấn tại Trường Sĩ Quan Úc Đại Lợi (Officer Candidate School PORTSEA)



Học Văn Hóa Tại Hải Ngoại

Kể từ Khóa 22B, sau 4 năm thụ huấn tại trường, sĩ quan tốt nghiệp được cấp văn bằng có giá trị tương đương với văn bằng Kỹ Sư của các trường đại học kỹ thuật dân chính hoặc Văn Bằng Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng. Tùy theo ngân sách quốc gia, mỗi năm đã có một số tân sĩ quan tốt nghiệp từ trường được gửi sang Hoa Kỳ, theo học các chương trình cao học (MS hay MA) và Hậu Tốt Nghiệp (Post Graduate) tại trường đại học quân đội Naval Postgraduate School, ở Monterey, California, cũng như nhiều đại học dân sự, như University of Michigan, ở Ann Arbor, Michigan, v.v. Ngoài ra, một số sĩ quan tốt nghiệp trước Khóa 22B cũng được du học Hoa Kỳ trong chương trình đào tạo giáo sư văn hóa của trường.

Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, đã có những cựu SVSQ tốt nghiệp cao học từ Hoa Kỳ trở về trường làm giáo sư Văn Hóa Vụ hay sĩ quan cán bộ.

Khóa Học Cao Đẳng Kỹ Thuật Công Binh



Theo chưong trình hiện đại hóa Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Tổng Cục Quân Huấn phối hợp với Cục Công Binh đã tuyển chọn một số sĩ quan có trình độ thích hợp để chuyển qua Cục Công Binh để đưa về học Khóa Cao Đẳng Kỹ Thuật Công Binh. Đây là khóa học nhằm đào tạo các kỹ sư Công Binh cho kế hoạch thời hậu chiến, đồng thời để thay thế dần các kỹ sư dân chính bị động viên hay trưng dụng đang phục vụ trong Binh Chủng Công Binh. Thời gian của khóa học là 4 năm, nhưng riêng cho các sĩ quan đã tốt nghiệp chương trình 4 năm tại TVBQGVN, chỉ thụ huấn 2 năm cuối của chương trình.

Sau một năm phục vụ tại các đơn vị chiến đấu, một số sĩ quan từ các Khóa 22B, 23, 24 và 25 đã được Tổng Cục Quân Huấn gọi về trình diện Trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Công Binh tại Sài Gòn, trong khu vực của Trường Kỹ Sư Phú Thọ và Trại Đào Duy Từ. Tính đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 số người được gọi về theo học Khóa Học Cao Đẳng Kỹ Thuật Công Binh như sau:

  • Khóa 22B có 29 sĩ quan, đã tốt nghiệp.
  • Khóa 23 có 27 sĩ quan, đã tốt nghiệp.
  • Khóa 24 có 16 sĩ quan, chưa tốt nghiệp (dự trù mãn khóa vào ngày 15-5-1975).
  • Khóa 25 có 15 sĩ quan, chưa tốt nghiệp (nhập học đầu năm 1975).


(Nguồn: Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam Theo Dòng Lịch Sử)


DH-TVBQGVN



Pages