Mẹ Tôi - Đa Hiệu Online

Monday, May 13, 2019

Mẹ Tôi



Mũ Xanh Phạm Văn Tiền, K20

Tôi chào đời ở một làng nằm ven thị trấn, nơi có khu rừng ngút ngàn và những cánh đồng thẳng tắp màu mạ mới. Lúc lên 4 tuổi đã biết chạy giặc Tây với câu hát nằm lòng mà tôi đã thuộc không biết tự lúc nào, “Mới sớm mai thằng Tây nó bố, vô rừng ta quyết trốn, bà con ta vừa khóc vừa la đồn khắp từ phương xa  …” Hình ảnh những đoàn quân kháng chiến chống Pháp với những chiếc võng gồng gánh các thương binh mà tôi thường bắt gặp mỗi chiều trên con lộ gần nhà, đã trở thành những kỷ niệm khó quên nhất của tôi thời thơ ấu. Theo lời kể lại của cha thì họ là những anh hùng dân tộc hy sinh cuộc đời mình để đánh đuổi ngọai xâm, và ông rất hãnh diện vì có chú Út tôi trong đoàn quân đó. Chú thường về nhà lúc nửa đêm khi bọn tôi đã ngủ và ra đi trước khi trời sáng, mẹ tôi thường hay thức suốt đêm để chuẩn bị nhiều thức ăn dành riêng cho chú mặc dầu đời sống hiện tại của gia đình vẫn còn đói lên đói xuống. Nghe lời bàn tán của các người lớn tuổi trong xóm thì chú “Út” tôi là một vị anh hùng, chú gan lì đã nhiều lần chỉ huy xung kích đánh phá các đồn bót Tây mà chú vẫn trở về bình yên chẳng hề hấn gì, còn anh chị em chúng tôi xem chú như thần tượng.

Một buổi chiều cuối năm trong khi mọi nhà đều vui vẻ lo nấu nướng bánh tét bánh chưng ăn tết trong cảnh nơm nớp lo sợ Tây bố hàng ngày, nhưng riêng gia đình tôi thì mọi người ai cũng khóc vì được tin chú “Út” đã tử trận trong một lần xung phong đánh vào đồn binh giặc. Tin này quả là một tin sét đánh đối với cha tôi vì bao nhiêu tình thương mà ông đã dành hết cho chú kể từ khi ông bà nội tôi mất, bọn giặc đã kéo xác chú ra nằm giữa lộ thiên để đồng bào chiêm ngưỡng và xem đây như là một chiến thắng lớn lao. Cha tôi buồn lắm nên đêm nào ông ta cũng thắp nhang cầu nguyện cho chú, cha đã trở nên một người thầm lặng ít nói, không còn tự nhiên vui vẻ như xưa,

Cha và người anh cả của tôi vẫn tiếp tục cày bừa trên những mảnh ruộng còn lại của gia đình, còn tôi và hai bà chị nhỏ cùng mẹ chỉ quanh quẩn ở nhà lúc nào cũng sẵn sàng trong tư thế chạy giặc. Mỗi lần Tây bố, cha và anh chạy một nơi, còn mẹ và chúng tôi chạy một nơi, nhiều khi cả tuần lễ mới gặp nhau tại nhà sau khi chúng rút. Lần cuối cùng khi theo mẹ trở về thì căn nhà xinh đẹp, gia sản suốt cả đời ông nội để lại cho cha, chỉ còn là đống tro tàn còn đang âm ỉ cháy. Bà bác họ đang nằm rên rỉ bên cạnh mấy bụi chuối sau nhà mình đầy vết máu tươi vì vừa bị Tây hiếp, cha và anh cũng tức tốc trở về từ rừng sâu sau nhiều ngày trốn giặc.

Lần đầu tiên hương vị cay đắng của cuộc đời đã thấm sâu vào đầu óc non nớt của một trẻ thơ khi thấy mọi người cùng té nhào ra khóc, những giọt nước mắt tức tưởi nghẹn ngào để tiếc thương cho cả gia sản đã được gầy dựng bằng mồ hôi nước mắt từ bao đời của tổ tiên dành dụm để lại. Như cố đè nén lại nỗi đau cùng tột nầy, cha vẫn là người bình tĩnh vội vã chạy múc từng gào nước từ giếng sâu hầu dập tắt đám cháy, mẹ và các anh chị gắng sức bòn mót những gì còn có thể dùng được từ những mất mát quá lớn lao. Của cải giờ đây chỉ còn lại chiếc xe bò cũ kỹ, cọc cạch, cùng những manh áo rách tả tơi. Sáng hôm sau gia đình tôi đành phải dọn về một nơi khác, ở đó có bà cô họ đang sống không còn phải sợ cảnh Tây bố ráp hàng ngày.

Thị trấn tôi đến có nhiều dãy phố nằm sát nhánh sông Vàm Cỏ nước ngọt quanh năm, chợ hợp tan tùy theo con nước lớn lên xuống mỗi ngày, nằm gọn lỏn vào ngã tẻ của quốc lộ 13 dẫn qua 2 chiếc cầu đúc xinh xắn. Đối diện bên kia sông là bến xe đò chở khách, cầu trên dẫn về rạp hát lớn “Phương Lạc” của thị xã, còn bến tắm ngựa nằm ngay chân cầu dưới sau khi đã qua rạp hát “Hồng Lạc” là nơi đùa giởn của bọn con nít mỗi chiều khi tan học về. Niềm sung sướng nhất của tôi là đứng trên lan can cầu nhắm mắt nhảy đùng xuống nước để rồi ngụp lặn theo những đám lục bình đang trôi theo dòng nước chảy xiết, cùng chúng bạn tát nước vào mặt nhau. Cả gia đình chúng tôi được nhét vào một cái chòi nhỏ lợp bằng tranh, sống nhờ vào lòng từ tâm của người khác, hàng ngày cha mẹ cùng các anh chị phải trở về làng cũ để bòn kiếm những gì có thể ăn được để mang về. Không có gạo để ăn, cả gia đình sống nhờ một loại củ đặc biệt mọc ở trong rừng, loại củ nần dây có gai như củ khoai từ, không tiền để mua nên phải dùng muối thay cho nước mắm, mọi người ai cũng tất bật sinh nhai nên chẳng ai để ý đến tôi, người con trai út được cả nhà nuông chìều. Tôi đã trở thành đứa trẻ lang thang rách rưới cùng chúng bạn vui chơi suốt đầu trên xóm dưới, từ sáng tới chiều, ai cho gì ăn nấy, không hiểu được những khó khăn mà gia đình đang gặp phải.

Tôi mải mê những trò chơi riêng của mình tùy theo thời tiết mỗi mùa quanh năm suốt tháng, thỉnh thoảng thì tôi cũng kiếm được năm ba đồng đủ để ăn được tô hủ tiếu, nhờ đi lượm hột cao su nơi khu rừng bên cạnh nhà thờ hay vác cuốc đào bắt hàng chục con dế đá đem ra chợ bán lại cho con của mấy người nhà giàu ở chợ. Tôi đã biến căn nhà trọ của gia đình thành cái sở thú bé nhỏ nơi nuôi tất cả những con vật mà tôi đã vất vả mang về, suốt ngày đi tìm cào cào châu chấu giữa trời nắng chang chang để nuôi những con chim mà tôi đã bắt được ngoài đồng. Thỉnh thoảng thì tôi cũng bị mẹ đánh đòn về những việc làm vô ích nầy vì sợ tôi bị bệnh, đã nhiều lần bà ra tay phóng thích các con chim mà tôi nuôi được trong lồng, trong đó có con “cưỡng”  đang tập nói tôi thích nhất. Phản ứng lại, tôi òa khóc và giận dữ đến nỗi không thèm ăn cơm chiều hôm đó, dù vậy nhưng tôi vẫn chứng nào tật ấy. Mẹ rất bực mình, để chấm dứt tình trạng lêu lỏng của tôi không gì bằng gửi đến trường nhờ cô thầy chỉ dạy. Vì mới  hơn 5 tuổi nên chẳng ai nhận vào trường, mẹ phải tất tả chạy ngược chạy xuôi để nhờ làm khai sanh cho đủ 7 tuổi để được đi học. Mặc dầu ăn uống thiếu thốn, nhưng tôi là một đứa trẻ lớn con nên việc được nhận học thật dễ dàng, các chị tôi cũng vậy, đều được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác, chỉ trừ anh tôi là cột trụ của gia đình phải phụ giúp ba tôi nên đành chịu thất học.

Tôi học ở trường tiểu học Bổ Túc Lái Thiêu, một trường công lập duy nhất tại quận. Tôi là một học sinh tệ nhất của lớp trong những năm đầu, không bao giờ thuộc bài mà lại còn hay ba gai đánh lộn. Tập sách đi thì có mà về thì không, bao nhiêu lần bỏ quên ở lớp đều bị mất hết, mẹ tôi phải sắm đi sắm lại nhiều lần. Một lần tôi đã mang hộp dế đá vào trong lớp trong lúc thầy kêu lên bảng trả bài, tôi đang ú ớ chẳng biết thầy hỏi cái gì thì nơi chỗ tôi ngồi con dế lại cất tiếng gáy “te te”, tức quá thầy nện cho tôi mấy hèo roi mây và bắt ra sân quỳ gối.

Người mẹ nào cũng vậy, suốt đời luôn hãnh diện về đứa con mình, mặc dầu biết sự thật là con mình chẳng bằng ai. Ôi! "Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào"!
Chuyện bị thầy phạt đối với tôi coi như là những chuyện thường ngày, mẹ tôi đã được thầy mời đến mắng vốn nhiều lần, còn tôi thì cứ nài nỉ mẹ xin nghỉ học, nhưng mẹ nhất định không cho. Cứ thế mà tôi vẫn từ từ bò lên tới lớp cuối của bậc tiểu học, không năm nào bị ở lại, mẹ cho rằng nhờ có ông bà độ. Tôi rất dốt toán nhưng có cái hay là bất cứ bài thơ văn nào chỉ cần nghe qua một lần là thuộc, theo thầy nói là bài thi “Luận văn” của tôi khi tốt nghiệp được chấm điểm khá, còn “Toán” thì chỉ được 1 hoặc 2 điểm gì đó. Năm đó lần đầu tiên trong cuộc đời đi học tôi được thầy cho lãnh thưởng, nhưng là phần thưởng dành cho học trò nghèo, được mấy xấp vải trắng để may đồ do một vị hảo tâm tặng, mẹ tôi mừng lắm đem khoe cả làng cả xóm “thằng con tôi học giỏi được lãnh thưởng kỳ này”. Người mẹ nào cũng vậy, suốt đời luôn hãnh diện về đứa con mình, mặc dầu biết sự thật là con mình chẳng bằng ai. Ôi! "Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào"!

Năm 1956 là năm tôi tốt nghiệp tiểu học, lần đầu tiên miễn lên trên tỉnh để thi. Thấy cha và anh quá cực khổ hàng ngày dãi nắng dầm mưa từ sáng tinh mơ cho đến khi chiều tối để có miếng ăn, vả lại biết mình học hành chẳng ra gì nên tôi nài nỉ mẹ xin nghỉ học, nhưng mẹ tôi nhất định không cho. Mẹ quyết định các chị tôi phải nghỉ để dồn sức lo cho tôi, mẹ bắt tôi làm đơn thi vào trường Trịnh Hoài Đức, trường trung học công lập đầu tiên của tỉnh. Một  chữ cũng thi, hai chữ cũng thi, biết đâu học tài thi phận. Khi  công bố kết quả tôi chẳng muốn đi nghe làm gì vì tôi đã phải cắn viết trong phòng thi. Mẹ chẳng chịu thua, phải đạp xe hơn 7 cây số để đi nghe một mình vì biết đâu có quới nhơn phù trợ. Lúc về mẹ buồn lắm vì chẳng thấy tên đứa con cưng của mẹ đâu cả.

Nhà tôi đang ở trong xóm lò gốm, đa số sống được nhờ làm công nhân để sản xuất ra chén tô, bình bông. Lúc bấy giờ là thời bình nên ai cũng có một đời sống tương đối. Tôi đã biết chút đỉnh nghề nẩy nhờ theo học ở các người lớn tuổi, tôi xin mẹ đi làm vì biết mình chẳng có khiếu để học nữa, mẹ giận dữ và cương quyết bắt tôi tiếp tục học dù phải đóng tiền học ở trường tư. Ở quận chưa có trường trung học tư thục nào nên đành phải lên tỉnh học. Nhờ người quen dẫn dắt, mẹ đã đóng tiền cho tôi vào lớp đệ thất trường trung học bán công Phú Cường, thị xã Bình Dương với học phí mỗi tháng 120 đồng. Trường là những mái nhà lợp tôn nằm trên một đỉnh đồi cao cùng với ngôi chùa “Bửu Tự”, có đường ăn thông lên bệnh viện tỉnh, mẹ vay tiền sắm cho tôi một chiếc xe đạp mới toanh hầu bảo đảm đi đường xa .

Từ Lái Thiêu, hàng ngày tôi phải đạp xe đến trường, đi và về mỗi lượt là 11 cây số, mẹ phải thức dậy thật sớm mỗi ngày để lo phần cơm cho tôi ăn vào buổi trưa. Những ngày đầu tôi còn theo chúng bạn bỏ học đi đá banh, hoặc vào rừng dùng “ná” bắn chim, hay rình bắt những ổ sóc con mới đẻ, tập vở trống rỗng chẳng có ghi được một chữ nào. Nhà trường gửi thư về báo tin cho mẹ, mẹ rất buồn và giận dữ bắt tôi nằm xuống trừng trị hơn chục hèo roi mây, mông tôi bầm tím được chị tôi mang vào nhà tắm để tắm,

Lần đầu tiên tôi thấy mẹ buồn và khóc thật nhiều, các chị tôi cũng thế, thường khuyên tôi hãy ráng học đừng làm mẹ buồn, “Em coi trong xóm có đứa nào được đi học như em đâu? Chị cũng muốn đi học lắm mà mẹ đâu đủ sức, chỉ có lo nổi mình em”.  Bắt đầu từ trận đòn đau nầy tôi mới thấm thía thế nào là tình thương của mẹ, tôi đã thật sự ân hận về những việc làm của mình, tôi lánh xa những thằng bạn bỏ học ham chơi để bắt đầu vào việc học.

Những bài toán không hiểu, tôi nhờ những người bạn cùng lớp giỏi hơn giúp đỡ, nhờ vậy mà từ một học sinh đội sổ tôi đã ngoi lên được hạng trung bình vào cuối năm đệ thất. Vào dịp nghỉ hè năm ấy tôi đã nộp đơn thi lại vào lớp đệ lục trường trung học công lập Trịnh Hoài Đức  của tỉnh tại Búng. Hơn mấy trăm học sinh dự thi nhưng tôi đã lọt được vào hạng 2 trong số 5 thí sinh được tuyển, nhờ may mắn tôi đã trúng được bài toán tủ của thầy vừa mới dạy, cộng thêm vào bài luận văn xuất sắc của mình, hơn ai hết mẹ tôi là người vui mừng và hãnh diện nhất.

Trường nằm giữa cánh đồng lúa về bên phải quốc lộ từ Lái Thiêu đến Bình Dương. Một dãy nhà lầu cao 2 tầng trắng toát màu vôi mới, trai gái học chung, sau nầy thì nữ sinh tách riêng về một ngôi trường khác. Trường nữ trung học Trịnh Hoài Đức cách đó không xa về hướng chợ Búng, có xe lửa chạy xình xịch qua lại mỗi ngày. Tôi vẫn là một học sinh không mấy khá trong lớp suốt năm học ấy. Để chuẩn bị cho năm lên đệ ngũ, mẹ đã cho tôi học thêm 3 tháng hè, những bài vở nào không hiểu, tôi nhờ bạn giúp đỡ hay học thêm các sách luyện bài tập tại nhà, tôi học ngày học đêm, quên ăn, quên ngủ. Mẹ tôi thường nhờ mấy người bạn mua thêm các sách cũ bán đầy các vỉa  hè đường phố Sàigòn. Năm 1960 tôi đã qua được kỳ thi “Trung học đệ nhất cấp” ngay trong kỳ nhứt dễ dàng với tỷ lệ đậu 7% trên toàn quốc. Bắt đầu lên đệ tam thì xảy ra cuộc đảo chánh đầu tiên, chân dung Ngô Tổng Thống bị hạ bệ xuống để rồi treo lại sau đó vài ngày, lòng vui mừng được hát lại bài Suy tôn Ngô tổng Thống, Ngô tổng Thống muôn năm vào mỗi sáng thứ hai chào cờ.

Tôi vẫn tiếp tục việc học hành còn chuyện gì đã xảy ra ngoài xã hội tôi không biết gì hết; đó là chuyện của người lớn; chuyện quốc gia đại sự. Thấy cha mình phải vất vả lao động hàng ngày để chạy cơm từng bữa, tôi muốn ra đời sớm để có tiền giúp đỡ gia đình. Vì chương trình học của lớp Đệ Tứ và Đệ Nhị giống nhau nên tôi xin xin mẹ cho tiền để tôi học nhảy lớp. Vẫn giữ chân lớp Đệ Tam ở trường công ban ngày và học thêm ban đêm tại trường tư thục. Tôi phải mang theo chiếc xe đạp cùng với chiếc xe đò Đồng Hiệp mãi tận trường Văn Hiến Đakao Tân Định. Nhưng sức người có hạn chỉ được vài tháng sau thì tôi bị kiệt sức mang vào chứng mất ngủ. Mẹ tôi lại càng lo lắng và cực nhọc vì tôi.  Đi khám bác sĩ lúc đầu chỉ cho thuốc an thần nhẹ; nhưng bệnh càng lúc càng nặng hơn nên có giấy bác sĩ nhờ chuyển lên bệnh viện tỉnh sau đó phải xin nhập viện bệnh viện Chợ Rẫy Saigon.  Bác sĩ Thạc Sĩ Bùi Quốc H. cho đi chụp đầu nhưng cuối cùng theo ông thì phải tập thể thao, nếu cần thiết thì phải nghỉ học thì mong mới qua khỏi được. Mẹ tôi buồn lắm nhưng nhất quyết là tôi phải tiếp tục việc học của mình không bỏ cuộc, tôi vẫn  tiếp tục lên lớp Đệ Tam. Trong kỳ thi thể dục hằng năm của trường tôi bị liệt vào hạng: sức khỏe kém. Dù vậy cả 2 năm Đệ Tam và Đệ Nhị tôi vẫn được lãnh thưởng vào cuối năm học về môn sinh ngữ Anh và Pháp. Chuyện học nhảy lớp để thi Tú Tài Phần I coi như bỏ cuộc.

Trường bây giờ được bao quanh với hàng phượng vĩ đỏ thắm mỗi độ hè về, có sân vận động phía sau và thêm phòng thí nghiệm. Hôm cắt băng khánh thành, một trái bom plastic đã nổ làm bị thương nhẹ một số nữ sinh về phía dàn chào, ngày hôm sau công an tỉnh đến bắt Mỹ, Thuận và một số học sinh khác ở lớp dưới. Chiến tranh bắt đầu nhen nhúm, lan rộng khắp nơi kể cả sân trường. Lớp học dần dần thưa đi ở những năm học cuối cùng, một số thi rớt nản chí bỏ học nửa chừng, phần còn lại đang sống trong vùng kềm kẹp cộng sản phải vào “bưng” kháng chiến, số còn lại ở vùng quốc gia thì tình nguyện lên đường tòng quân nhập ngũ. Các thầy bị động viên vào trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Riêng Gi, bạn tôi, bỏ học nửa chừng năm đệ nhất để thi tuyển vào khóa 19 SVSQ Võ Bị (khóa 19 lấy Tú Tài Hai “toàn phần”, chỉ nhận vài người có Tú Tài phần một nhưng phải đậu kỳ thi tuyển). Vì lớp đệ nhất năm thứ nhì của trường, học sinh chẳng bao nhiêu nên trai gái phải học chung và sự ra đi của Gi là điều bất ngờ chung cho cả lớp. Vài tháng sau, tôi nhận được thư Gi từ tay thầy Giám Thị. Thư viết ngắn gọn về những sinh hoạt hàng ngày có kèm theo vài tấm ảnh, tôi thích nhất tấm ảnh Gi trong bộ quân phục đại lễ màu trắng có phù hiệu chữ “Alpha” đỏ chót trên vai và thanh kiếm sáng chỉa thẳng lên trời. Thư được chuyền cho cả lớp, ai nấy cũng đều vui mừng và hãnh diện về người bạn của mình, nhưng đặc biệt là H, cô nữ sinh hoa khôi của cả lớp. Đây có lẽ là khởi điểm tình cảm của hai người và mãi mãi về sau này. Phần tôi vẫn nhận được thư Gi đều đặn cho đến cuối năm học, Gi dặn thật tỉ mỉ về những gian khổ của 8 tuần lễ huấn nhục đầu tiên, hãy cố gắng mà luyện tập thể xác cho nhiều. Bởi vậy, chiều nào tôi cũng vào sân vận động quận để tập chạy bộ.

Tôi đậu Tú Tài Phần II không mấy khó khăn ở kỳ thi đầu, việc còn lại chỉ là lo thủ tục để chờ ngày lên đường. Các người bạn cùng kháng chiến chống Tây của chú Út tôi nay đã trở thành những tên CS nằm vùng, đã nhiều lần làm áp lực với cha ngăn cản không cho tôi nạp đơn nhập ngũ. Cha sợ không dám về lại mảnh vườn xưa để cày bừa làm rẫy như trước. Đầu tháng 11 năm 1963 lại có thêm một cuộc đảo chánh nữa, lần nầy một số tướng lãnh “nhân danh hội đồng Quân Nhân Cách Mạng” lật đổ chính phủ và bắt giết đi anh em vị Tổng Thống, mãi về sau nầy khi trưởng thành trong quân ngũ tôi mới biết rằng đây là điều sai lầm lớn dẫn đến sự tàn phá đất nước của tôi. Nơi thị trấn tôi ở, cộng sản đã đặt bom nổ và nhiều người chết hàng ngày, cuộc chiến đã thật sự bắt đầu ác liệt khắp mọi nơi. Tôi vẫn sống những ngày tháng bình yên trong khi chờ đợi giấy gọi lên đường nhập ngũ .

Từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ tôi có dịp xa nhà, đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi đã phải đi xa nhất. Hôm tiễn tôi tại phi trường Tân Sơn Nhất, mẹ và các chị đã khóc thiệt nhiều.  Chiếc phi cơ quân sự chao đảo môt vài vòng rồi bay vút lên không trung, bỏ lại phía sau cả một vùng trời quê hương yêu dấu, nơi tôi đã cất tiếng khóc chào đời. Còn đâu những buổi chiều tan học chạy nhảy tung tăng ở sân banh gần nhà thờ và đêm về cha nằm đọc sách, mẹ thêu thùa kim chỉ vá may. Chỗ tôi đến là vùng cao nguyên đất đỏ chạy dài bằng những đồi thông ngút ngàn, có tiếng thác nước chảy ào ào bên đỉnh Lâm Viên cao hùng vĩ. Đà Lạt là nơi sinh của nhiều loài hoa quý, hoa anh đào nở rộ vào mùa Xuân, cùng mimosa, pensé và những cụm lan rừng. "Hãy nhớ mang một vài cành hoa khi về phép". Phi trường Liên Khương vào tháng 12 với những cơn gió lạnh buốt xương nhưng ấm lòng tình người tiếp đón. Đời tôi đang chuyển qua một khúc quanh mới, khúc quanh của con đường lắm thác ghềnh cùng bao hố sâu vực thẳm. Đứng bên nầy là đỉnh đồi còn bên kia trong tận cùng mất hút.


Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tọa lạc trên đỉnh đồi 1515, kiến trúc theo lối tân kỳ với nhiều dãy nhà cao tầng trắng toát màu vôi mới, nằm vuông vức trên miếng đất hình chữ nhật với con đường trải nhựa bọc quanh, mặt chính trông về ngọn núi Lapé Nord hùng vĩ. Muốn vào trong trường phải qua 2 cổng chính, phạn điếm ở trong cùng dẫn về cổng sau Tôn Thất Lễ. Phòng ngủ gồm 3 tầng lầu với các batiments thẳng tấp, nằm đối diện nhau cách khoảng bởi sân tập họp, một bên ăn liền ra cổng chính bằng khu học văn hóa và bộ chỉ huy nhà trường, bên kia khu nhà H, mặt sau hướng về Vũ Đình Trường Lê Lợi nơi chào cờ hàng tuần và các nghi lễ quan trọng.

Thế rồi 8 tuần lễ huấn nhục cũng chậm chạp qua đi trong sự thèm khát chờ đợi, để rồi ba lô lên vai cùng súng đạn tiến chiếm đỉnh Lâm Viên cao ngút ngàn theo truyền thống của trường. Lễ gắn alpha để chấm dứt thời gian huấn nhục đã được tổ chức vài đêm sau đó tại “Vũ Đình Trường” với sự hiện hiện đông đủ của thân nhân và toàn thể cán bộ nhà trường. “Quỳ xuống Tân Khóa Sinh, Đứng Dậy Sinh Viên Sĩ Quan” mãi mãi là kỷ niệm đẹp nhất của người sĩ quan xuất thân từ trường Võ Bị. Chiến tranh khốc liệt đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên khắp miền đất nước. Các khóa 19, 20, 21, chúng tôi chỉ thụ huấn vỏn vẹn 2 năm và khóa 20 đã tốt nghiệp vào ngày 20 tháng 11 năm 1965.

Những tin tức dồn dập về chiến trường đã hâm nóng bầu nhiệt quyết của tuổi trẻ chúng tôi, biết là nguy hiểm và khổ cực như vậy, nhưng anh em chúng tôi ai cũng muốn sống hùng sống mạnh, ai cũng muốn tình nguyện về những binh chủng oai hùng. Hôm đến dự lể mãn khóa mẹ chỉ biết kêu trời khi nhận được tin tôi tình nguyện về binh chủng TQLC; còn các chị tôi thì thích thú lắm. Như một chú nai tơ ngơ ngác trước ngưỡng cửa đời, chẳng biết gì về chiến tranh và cũng chưa bao giờ chứng kiến được những đau khổ mất mát của người khác, ai đó có nằm xuống, có hy sinh, có bị tàn phế cũng chẳng sao, việc đó chẳng liên hệ gì đến tôi, tôi vẫn theo đuổi cái hào hùng mà tôi học được qua các sách báo, phim ảnh, và phải thú thật thì tôi quá mê bộ đồ trận rằn ri và chiếc mũ bê rê  màu xanh thẫm đội nghiêng trên đầu. Tôi chỉ mang máng nhớ lại lời chỉ dạy của cha về những tội ác tày trời, ách nước của đảng cộng sản Việt Nam từ khi họ cướp công của những người kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó có sự đóng góp bằng cái chết của chú Út tôi.

Ra trường năm 1965 khi vừa tròn 21 tuổi, với chức vụ thiếu úy trung đội trưởng, tôi chỉ biết tuân lệnh thượng cấp khi xông pha ngoài trận mạc, tôi chỉ biết xung phong, không bao giờ lùi bước và trong trận thử lửa đầu tiên, đơn vị do tôi chỉ huy đã bị thiệt hại nặng nề. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn và những người lính vẫn tiếp tục nằm xuống hàng ngày, hàng giờ. Là đơn vị “Tổng trừ bị QLVNCH” chúng tôi đã có mặt khắp nơi theo nhu cầu đòi hỏi, hiện diện khi chiến trường sôi động, từ mặt trận này đến mặt trận khác và chúng tôi chỉ rời đi khi tình hình lắng dịu. Sự sống còn của chúng tôi như là một phép mầu nhiệm. Bao nhiêu năm chinh chiến là bấy nhiêu năm mẹ tôi mất ăn mất ngủ, luôn khấn vái nguyện cầu. Mẹ đã ăn chay trường, cạo đầu xuống tóc đi chùa lễ Phật để mong sao cho tôi được an lành. Bao lần xông pha nơi tuyến đầu lửa đạn cùng biết bao lần thoát chết từ nanh vuốt tử thần, 2 lần bị thương và 2 lần mất tích đã làm mẹ suy sụp tinh thần.

Rồi khi miền Nam bị cưỡng chiếm, tôi lâm cảnh tù đày, mẹ nài nỉ cha làm giấy gia đình liệt sĩ của chú Út để bảo lãnh tôi về, nhưng cha một mực cương quyết chối từ mặc dầu cũng rất nhớ thương tôi vì nghĩ là không đươc. Mẹ giận cha trong suốt những năm tháng cuối đời, mẹ ngã bệnh khi hay tin tôi bị giam kỷ luật trong nhiều tháng trong hầm Conex lộ thiên giữa trời, không cho gia đình thăm viếng, và cuối cùng mẹ đã kiệt sức trong sự mòn mỏi trông chờ ở tôi một ngày về, tôi được tin mẹ mất vào năm 1983 lúc mẹ vừa tròn 67 tuổi.

Cuộc chiến nào rồi cũng qua đi, đời người rồi cũng sẽ chấm dứt, nhưng hình ảnh của những bà mẹ Việt Nam sẽ còn mãi mãi và bất tử với thời gian. Hỡi những ai may mắn còn mẹ hãy cố giữ gìn và trang trọng như một bảo vật quý hiếm, chúng ta có thể có tất cả nhưng làm sao ta tìm lại được tình mẫu tử thiêng liêng. Nước mắt bao giờ cũng chảy xuống như những dòng sông muôn đời đổ ra biển cả, mẹ là ánh trăng sao sáng rọi chỉ đường dẫn dắt đàn con dại qua những đám mây đen tối. Tình mẹ cho con như biển hồ lai láng. Xin cám ơn cha, cám ơn mẹ đã cùng sát cánh và dìu dắt con qua những ngày tháng ngây thơ vất vưởng vào đờị. Không nhờ những hy sinh cao cả của mẹ, của cha chắc rằng con sẽ không thể khôn lớn thành người!

Nhớ cha, thương mẹ biết làm sao bây giờ. Thời gian nghiệt ngã đã đánh mất tất cả và rồi ai cũng sẽ ra đi… Mẹ ơi! Mẹ ơi!! 

Arlington Texas; những ngày tháng giỗ Mẹ nhớ về Cha kính yêu.
Phạm Văn Tiền, K20





Pages