Từ trái sang phải: Lâm Bích Ngọc, phu nhân và Lê Thi K29, Phạm Văn Pho K31, Lê Tấn Tài K20, Cao Yết K16 và phu nhân, phu nhân và Nguyễn Gia Thiếu K30, Nguyễn Văn Được K31, Nguyễn Đức Quyền K28.
(Lâm Quang Dũng chụp hình, nên không có mặt trong hình này)
Kính thưa quý niên trưởng, quý bạn, quý vị,
Trưa Chủ Nhật, 5/5/2019, chúng tôi gồm một số CSVSQ và Phụ Nữ Lâm Viên đại diện cho Hội Võ Bị Bắc Cali đã có cơ may đến thăm và chúc mừng sinh nhật cựu Trung Tướng Lâm Quang Thi—cựu Chỉ Huy Trưởng TVBQGVN. Chúng tôi cũng gặp 2 người con của Ông Bà cựu Trung Tướng là chị Lâm Bích Ngọc và anh Lâm Quang Dũng. NT Thi cùng phu nhân hiện đang sống tại một viện dưỡng lão (senior assisted living care) tại Fremont. Viện dưỡng lão xinh đẹp này có nhiều thành tích tốt trong việc phục vụ và chăm sóc sức khoẻ cho người cao niên, được yelp và caring xếp hạng 4-5 sao tại miền bắc California. NT Thi đang ở tại một thành phố hiền hòa, nơi hãng xe Tesla đặt bản doanh, cách San José khoảng 20 miles về hướng bắc-tây bắc.
Nhân ngày Cinco De Mayo—5 tháng 5. Khi chúng tôi đến, Vũ Đoàn Las Palmas (được viện dưỡng lão mời) đang trình diễn những vũ điệu ngoạn mục lồng trong nhiều nhạc phẩm Mexico vui nhộn cho các vị cao niên thưởng thức. NT Thi không thích xem những tiết mục văn nghệ này, ông thích gặp gỡ con cháu ông và chúng tôi hơn.
Bản tính nghiêm nghị và ít khi cười, nhưng nhìn thấy chúng tôi, NT Lâm Quang Thi tươi nét mặt, lộ vẻ hân hoan. Dáng dấp dong dỏng cao, vẫn mảnh khảnh—chưa bao giờ béo phì, ông bước những bước chậm rãi, vẫn còn khá vững chắc tiến tiến lại gần chúng tôi. Vì tuổi đời chồng chất, NT Thi đã bớt đi vẻ tráng kiện của những ngày tháng cũ. Bằng giọng nói thân mật, ông ân cần bắt tay từng người, thăm hỏi và tiếp đón chúng tôi tại căn dining room dành riêng. "Lúc này tôi ưa quên quá!" Ông than phiền mỗi khi chợt nhận ra rằng mình không thể nhớ tên của một ai đó.
Mới ngày nào, từng là sĩ quan cấp tướng trẻ tuổi nhất nước (33 tuổi), nay NT Thi đang bước sang tuổi 87. Ông hơi khựng lại, thoáng ngẩn ngơ khi nghe chúng tôi xác nhận tin tức cựu Đề Đốc Trần Văn Chơn vừa mới từ trần tại San José. "Mấy ổng lần lượt chết hết rồi!" NT Thi nói như một lời cảm thán. "Ông Dinh, ông Lãm cùng Khóa 3 với tôi cũng chết rồi. Tôi còn sống ngày nào, thì biết ngày đó," ông nói thêm.
Sau khi mọi người cùng chúc mừng NT Lâm Quang Thi qua bản nhạc đồng ca "Happy Birth Day to You" bất hủ, chúng tôi đại diện cho các CSVSQ khắp thế giới, chúc thọ vị cựu Chỉ Huy Trưởng. Mặc dầu chẳng mấy khi nở nụ cười trọn vẹn, NT Thi tỏ vẻ xúc động. "Tôi rất lấy làm sung sướng được anh em tới thăm và chúc mừng sinh nhật," ông nói trước khi nâng ly mời mọi người dùng bữa. Chúng tôi ăn trưa với NT Thi, với các con cháu và người giúp việc của ông. Phu nhân NT Thi không khoẻ nên không thể tham dự. Bà đang được nurse săn sóc. Mấy món ăn gồm có bún thịt nướng, gà xì dầu, bánh bột lọc, chả giò, xôi vò, bánh mì, rượu nho và nước táo... Dĩ nhiên, không thể thiếu chiếc bánh sinh nhật với ngọn nến lung linh.
Bằng giọng hóm hỉnh, NT Thi kể cho chúng tôi nghe vài chuyện xưa của ông—những câu chuyện mà chẳng mấy ai biết. Chuyện vì sao Tổng Cục Taekwondo Đại Hàn đã trao tặng huyền đai đệ tam đẳng cho ông tức thì, khi ông viếng thăm Trường Võ Bị Đại Hàn. Chuyện Bà Từ Cung Hoàng Thái Hậu (Đức Từ Cung, thân mẫu Vua Bảo Đại) nắm tay ông, ân cần hỏi sao đến bây giờ vẫn chưa có nàng hầu. Có lẽ, NT Lâm Quang Thi là vị Chỉ Huy Trưởng chịu khó học hỏi nhất. Ông đã liên tiếp hướng dẫn phái đoàn của Trường Võ Bị Đà Lạt thăm viếng các Trường Võ Bị thuộc nhiều quốc gia đồng minh như Thái Lan (Hải Quân Hoàng Gia, Võ Bị Hoàng Gia), Philippines, Đại Hàn (Lục Quân, Không Quân, Hải Quân), Đài Loan, Nhật Bản (Không Quân, Hải Quân), Úc (Võ Bị Hoàng Gia, Không Quân), Hoa Kỳ (Lục Quân—ROTC, Không Quân, Hải Quân) và Võ Bị West Point. Theo NT Thi, mỗi quân trường bạn đều có sắc thái riêng. Ông và phái đoàn đã học hỏi được vô số điều bổ ích.
Năm 1986, NT Lâm Quang Thi đã là Hội Trưởng (2 nhiệm kỳ) của Hội Ái Hữu CSVSQ/TVBQGVN (tiền thân của Tổng Hội Võ Bị ngày nay.) Tại Đại Hội Võ Bị lần thứ 4 (25 /5/1986), NT. Thi tuyên bố "Võ Bị là lý tưởng của đời tôi" để kết thúc bài diễn văn mãn nhiệm gây nhiều cảm xúc của ông. Hôm nay, NT Thi vẫn lập lại câu nói đó trong bữa ăn trưa mừng sinh nhật, trước mặt các đàn em và các con cháu.
Nhớ ngày trước, đa số các viện Đại Học dân sự tại Việt Nam (mà các Viện Trưởng tốt nghiệp từ Pháp) đều rập khuôn theo lối học hành và thi cử từ chương của người Pháp; trong khi đó, TVBQGVN lại áp dụng hệ thống tín chỉ theo đường lối giáo dục thực dụng của người Mỹ (Trường Võ Bị West Point); Uỷ Ban Thẩm Định Văn Bằng của Liên Viện Đại Học Quốc Gia đã xem thường, nghi ngại và không chịu nhìn nhận văn bằng Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng của Trường Võ Bị Đà Lạt. Chỉ Huy Trưởng Lâm Quang Thi nhất định phản đối sự đánh giá sai lạc đó. Sau nhiều lần tranh biện không thành công, ông đã phải yêu cầu Bộ Giáo Dục mời Uỷ Ban Thẩm Định Văn Bằng gồm các vị Viện Trưởng các Trường Đại Học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ cùng với vị Giám Đốc Trường Kỹ Sư Phú Thọ—làm một cuộc quan sát lượng định ngay tại Trường Võ Bị. Sau khi tận mục sở thị, xem xét từng lớp học, đánh giá từng chương trình giảng dạy, cuối cùng Uỷ Ban Thẩm Định đã phải công nhận Văn Bằng Cử Nhân của các sinh viên Trường Võ Bị. NT Thi rất mãn nguyện và thường tự hào về thắng lợi này cho các CSVSQ của ông.
Đối với quê hương, NT Lâm Quang Thi mãi thao thức về việc lịch sử chiến tranh Việt Nam đã bị giới truyền thông Mỹ bóp méo một cách tồi bại. Người ta (giới truyền thông và phản chiến Mỹ) đã không ngớt tô vẽ, thổi phồng và chỉ trích (bằng Anh ngữ) QL/VNCH là một đội quân yếu kém, hèn nhát, tham nhũng, v.v. đã đưa đến thất bại cay đắng cho Mỹ và cho VNCH. Vì vậy, ông đã viết một số sách bằng Anh ngữ về chiến tranh Việt Nam để ra sức cải chính, lấy lại sự thật và công bằng cho quân đội và chiến binh của mình. Các sách sau đây của NT Thi đã được Trường Đại Học Hoa Kỳ ấn hành:
- Autopsy: The Dead of South Viet Nam (Sphinx Pub. 1986)
- The Twenty-five Year Century (UNT Pub. 2002)
- Hell in An Loc (UNT Pub. 2009)
Âm thầm và miệt mài nhiều năm qua, NT Thi cố công viết sách, viết blog (bằng Anh ngữ) để vạch cho cả thế giới thấy rõ, trong chiến tranh quy ước, nếu được yểm trợ đầy đủ, QL/VNCH với quân số chỉ bằng 1/3 quân địch, vẫn có khả năng đánh bại những đạo quân thiện chiến. Ông làm việc này không ngoài mục đích nói ra những điều mà người ta cố tình nhận chìm, lấy lại chút công đạo đã bị cướp mất cho những cựu chiến binh VNCH thua thiệt.
Trong phần điểm sách "Hell in An Loc", người ta đọc được Midwest Book Review (The Military Shelf) có đoạn viết "...Được thảo ra một cách tỉ mỉ và cụ thể để làm đúng lại lịch sử, Hell in An Loc phải được giới thiệu, đặc biệt cho các thư viện đại học và các bộ sưu tập quân sử đang tập trung vào chiến tranh Việt Nam."
Quyển Hell in An Loc được chính tác giả phát hành ngày 24/1/2010 tại San José đã được phổ biến khắp nơi từ dạo ấy, và nó đang nằm trong hầu hết các thư viện đại học. Do yêu cầu của các độc giả Việt Nam, NT Thi lại tiếp tục chuyển ngữ quyển Hell in An Loc sang tiếng Việt như ông đã làm với quyển The Twenty-five Years Century. Trong vài tháng, tôi đã có cơ hội giúp ông edit và modify quyển sách này. Thật không may, phu nhân của ông thình lình trở bệnh và rồi bệnh tình mỗi ngày thêm trầm trọng. Là một phu quân gương mẫu, ông luôn túc trực bên giường bệnh, không còn lòng dạ nào để hoàn tất quyển sách bằng Việt ngữ nữa.
NT Thi đã trao phiên bản tiếng Việt cho tôi. Ông cũng đồng ý cho phổ biến sách Địa Ngục An Lộc online theo đề nghị của BCH Tổng Hội. Anh Lâm Quang Dũng—thứ nam của NT Thi rất tán thành ý kiến này. Theo anh, giới trẻ Việt Nam không còn tin tưởng vào đảng CS nữa, đang rất cần những tài liệu trung thực của VNCH. Anh Dũng cũng tỏ ra ưu tư về việc cần giúp đỡ giới độc giả trong nước vượt tường lửa (firewall.) Rồi đây, trong tương lai gần—qua Đa Hiệu Online—phiên bản Hell in An Loc bằng Việt ngữ sẽ đến tay quý niên trưởng, quý bạn, quý độc giả gần xa.
Hôm nay, 7/5/2019, là ngày Sinh Nhật chính thức của NT. Lâm Quang Thi. Chúng tôi, Cao Yết K16 (và phu nhân), Lê Tấn Tài K20, Nguyễn Đức Quyền K28, Lê Thi K29 (và phu nhân), Nguyễn Gia Thiếu K30 (và phu nhân), Nguyễn Văn Được K31, Phạm Văn Pho K31 một lần nữa kính chúc Đại Niên Trưởng "Happy Birth Day."
Thân kính,
Nguyễn Gia Thiếu, K30
* Tiếc rằng, chị Nguyễn Văn Chấn K9/1 đang bệnh và NT Lê Viết Đắc K22 bị bận vào cuối tuần không thể tham dựđược.