Jenny Đỗ: Ung Thư Khiến Tôi Rõ Hơn Sứ Mệnh Của Mình - Đa Hiệu Online

Friday, April 26, 2019

Jenny Đỗ: Ung Thư Khiến Tôi Rõ Hơn Sứ Mệnh Của Mình



Bài phỏng vấn Luật Sư Jenny Đỗ, trích đăng từ trang web của BBC, rất hay mà tất cả những ai bị ung thư đều cần nên đọc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45544186

Tên thật là Đặng Thị Phương Thanh, luật sư Jenny Đỗ qua Mỹ theo diện con lai năm 1984, ở tuổi 18, và nhanh chóng trở thành một phụ nữ thành đạt.

Luật sư là việc làm. Còn về sở thích, Jenny Đỗ là một họa sĩ, một người mê làm việc thiện nguyện, và ghiền đấu tranh cho những người kém may mắn. Lý do khiến bà luôn quan tâm giúp người khác là vì hoàn cảnh sống thiếu thời rất nghiệt ngã, trong một xã hội mà những người con lai bị ruồng bỏ.

Trước khi trở thành luật sư năm 1997, việc làm đầu tiên của Jenny Đỗ là việc giúp đồng bào tỵ nạn cho Bộ Xã Hội Quận Hạt Santa Clara, rồi cho Sở Cảnh Sát thành phố San Jose. Những sinh hoạt từ thiện quanh vùng khiến bà được mệnh danh là 'con cưng' của cộng đồng người Việt ở Bắc California. Trong suốt hơn 20 năm hành nghề luật, Jenny Đỗ tiếp tục là tình nguyện viên tích cực trong nhiều lãnh vực liên quan đến quyền lợi của những người thấp cổ bé miệng khắp nơi.

Được Jenny Đỗ giúp đỡ có thể là một người Việt tị nạn cần dich vụ pháp lý miễn phí, một nạn nhân nạn buôn người bị đưa qua Đài Loan, một người mua nhà trả góp đang gặp khó khăn với nhà băng đang có nguy cơ, hay một gia đình, hay các em học sinh nghèo ở Việt Nam, qua "Friends of Hue," tổ chức vô vụ lợi do bà quản lý.

Nhưng Jenny Đỗ không chỉ được những người cần sự giúp đỡ biết đến. Bà thường xuyên xuất hiện trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình tiếng Việt, và được đồng hương quý mến vì quan điểm ôn hòa, và nhất là luôn luôn đứng về phía quyền lợi của người thiếu may mắn.

Năm 2007, ở tuổi 41, giữa lúc cuộc đời tưởng không thể đẹp hơn, Luật sư Jenny được bác sĩ cho biết bà bị ung thư vú giai đoạn thứ hai. Lo lắng một thời gian, nhưng với bản chất năng động và đầy nghị lực, Jenny Đỗ lúc ấy, (có lẽ cũng như bao bệnh nhân khác), "hoàn toàn trao sinh mệnh cho bác sĩ," và một mặt làm những gì họ đề nghị: giải phẫu, hoá trị, rồi xạ trị, mặt khác tiếp tục theo đuổi nghề luật, vẽ tranh, leo núi, cũng như biết bao những công việc thiện nguyện và xã hội khác. Sau những đợt hóa và xạ trị, ung thư có dấu hiệu lui, Luật sư Jenny Đỗ được bác sĩ cho uống thuốc Tamoxifen trong năm năm, và tiếp tục cuộc sống của mình như trước giờ vẫn sống.

Năm 2015, Luật sư Jenny Đỗ được bác sĩ cho biết ung thư của bà đã đến giai đoạn 4, và khuyên nên chuẩn bị hậu sự, vì chỉ còn sống được từ 30 đến 90 ngày.

Kể lại giây phút nhận cái tin sét đánh này, bà Jenny Đỗ nói với BBC Tiếng Việt: "Lúc đó đang đứng trước cửa một tiệm ăn, phôn của Jenny rớt xuống chân sau khi nói chuyện với bác sĩ. Jenny cúi xuống nhặt điện thoại mà không sao đứng lên được. Khi trở vào bàn ăn trong tiệm, nước mắt Jenny đã chan hòa trên mặt và người nhà Jenny ít nhiều đã đoán ra tin dữ vừa nhận được qua cú điện thoại."

"Và ý nghĩ đầu tiên của Jenny khi được báo tin là 'chuyện này không thể nào là sự thật' và điều kế tiếp là 'Ai sẽ lo cho mẹ lúc tuổi già và các con của Hội Friends of Huế sẽ không có ai nuôi." Bà nói tiếp.

Không chấp nhận cái chết phần vì chưa sẵn sàng từ giã cõi đời, và phần vì còn có quá nhiều việc phải lo, Luật sư Jenny Đỗ cho biết bà dồn hết tâm huyết vào việc tìm hiểu căn bệnh ung thư quái ác này nói chung, và đặc tính ung thư của mình để tìm ra cách chữa trị.

"Kết quả là kể từ năm 2016, tình trạng của Jenny đã được tuyên bố là Không Có Bằng Chứng Bị Bệnh (NED - No Evidence of Disease). Thỉnh thoảng Jenny cố gắng ngừng sử dụng loại thuốc đang uống (Ibrance) để kiểm tra lại mọi thứ. Niềm tin của Jenny là phải học cách tự điều chỉnh sự phát triển ung thư của mình mà không cần sử dụng những loại thuốc này. Sử dụng kéo dài bất kỳ loại nào cuối cùng sẽ giết mình. Do đó, Jenny đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu các loại thuốc thay thế." Bà khoe.

Được hỏi về dự tính tương lai, Luật sư Jenny Đỗ không do dự:

"Tôi muốn cống hiến phần đời còn lại của mình để giúp đỡ những bệnh nhân ung thư khác. Tôi đã làm việc với ít nhất hơn 50 bệnh nhân ung thư cho đến nay. Đó là một quá trình đơn độc và nhiều khi cũng đau buồn. Bệnh nhân đến với tôi từ mọi tầng lớp xã hội và từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi hỗ trợ nhau để phấn đấu với bệnh, và kéo dài cuộc sống. Tôi có thể giúp đỡ mọi người về mặt tinh thần nhưng cuộc chiến phải đến từ bên trong. Tôi không có một công thức nhiệm mầu vì mỗi người chúng ta rất khác nhau. Những gì tôi có thể truyền đạt là sức mạnh của tâm trí và sức mạnh của đức tin. Tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm của riêng bản thân mình trong việc điều hướng hệ thống chăm sóc sức khỏe và quy trình điều trị của chính bệnh nhân."

Jenny Đỗ: 'Thắng ung thư làm tôi rõ hơn sứ mệnh của đời'

Và trả lời, một cách tỉ mỉ, những câu hỏi về kinh nghiệm đối phó với ung thư trong cuộc phỏng vấn với BBC dưới đây là một cách để luật sư Jenny làm tròn sứ mệnh giúp bệnh nhân ung thư của mình.

BBC: Kinh nghiệm chiến đấu ung thư của bà rất hi hữu. Bà bị ung thư vú giai đoạn hai năm 2006, và sau một thời gian chữa trị, tưởng là bệnh đã lui, nhưng đến năm 2015 lại bị bác sĩ cho biết là ung thư đã đến giai đoạn bốn, y học bó tay, chỉ còn sống được từ một đến ba tháng nữa, vậy bài học quan trọng nhất bà rút tỉa được là gì?

LS Jenny Đỗ: Vâng, vạch ra những sai lầm của tôi là điều hết sức hệ trọng, để giúp cho những người khác không lặp lại những sai lầm đó. Khi bạn bị ung thư, là cơ thể của bạn cảnh báo bạn rằng lối sống bạn có trước đây, lối sống đã tạo ra ung thư đó, cần phải thay đổi. Tôi đã không làm như thế. Tôi hoàn thành tin tưởng vào bác sĩ và tiếp tục cuộc sống cũ.

Năm 2007, sau khi chữa hóa trị trong thời gian rất ngắn, rồi quay qua xạ trị, ung thư tạm lui, tôi được cho uống thuốc Tamozifen trong vòng 5 năm. Trong vòng năm năm đó, tôi sinh hoạt bình thường và tiếp tục sống cũ. Đó là một sai lầm rất lớn.

Năm 2015, khi được thông báo rằng tôi chỉ có 30-90 ngày để sống, tôi hỏi bác sĩ là có thể làm cho tôi. Họ lại nói có thể cho tôi cùng hoá trị mà tôi đã từ chối vào năm 2007, và dù vậy may ra cũng chỉ kéo dài đời sống được sáu tháng. Tôi quyết định khước từ cách chữa của họ, tự nghiên cứu ung thư của mình và làm khác đi. Tôi tin là nếu cứ tiếp tục cách sống cũ, có lẽ tôi hôm nay không có dịp trả lời phỏng vấn này.

BBC: Có phải bà đang khuyên là bệnh nhân ung thư không nên hoàn toàn nghe theo bác sĩ trong việc trị bệnh không? Tại sao?

LS Jenny Đỗ: Dĩ nhiên là bệnh nhân nên nghe bác sĩ, nhưng cũng cần phải có sự chủ động riêng. Nhờ đọc nhiều các thông tin khắp nơi và tham khảo với nhiều người, Jenny đã quyết tâm không sợ ung thư, mà phải làm cho ung thư nó sợ mình. Và vì đã trải qua bao cuộc thưa kiện trong quá khứ liên quan đến hệ thống y tế của Mỹ, Jenny đã không đặt hết trách nhiệm chữa trị vào các bác sĩ. Jenny hiểu rõ là trách nhiệm phải ở chính mình, và tuyệt đối không để những phức tạp trong hệ thống y tế của Mỹ làm Jenny phải căng thẳng hoang mang.

Khi biết mình bị ung thư, bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ bàng hoàng, xuống tinh thần, và có thể bị mất tự chủ. Từ đó chúng ta nhượng quyền làm chủ cơ thể mình cho các bác sĩ, các chuyên gia, và rồi bị lệ thuộc vào các phương pháp trị liệu phức tạp mà cơ thể chúng ta không quen thuộc. Các phương pháp đó không phải là không có hiệu quả, nhưng các hiệu quả đó thường chỉ tạm thời, và có nhiều di hại về sau. Mình nên cân nhắc và tính toán kỹ và lập ra chiến lược trước khi đi vào việc chữa trị căn bệnh này.

Kinh nghiệm của Jenny cho thấy rằng mình chỉ nên dùng các biện pháp khoa học này để tạm thời ngưng sự lan tràn của ung thư, rồi sau đó tìm những phương pháp lành mạnh khác để duy trì cơ thể không bị tấn công bởi ung thư tái lại.

BBC: Luật sư có thể giải thích rõ hơn về việc không hoàn toàn nghe bác sĩ không? Đây là một lãnh vực hết sức chuyên môn. Làm sao người bệnh biết phải nghe bác sĩ về phương diện gì, và không nghe bác sĩ về phương diện gì?

LS Jenny Đỗ: Câu hỏi này cần một giải thích dài dòng mới có thể trả lời thấu đáo: Năm 2007, Jenny đã trải qua hoá trị và xạ trị. Trong lúc đang nhận hoá trị, Jenny đọc quá trình nghiên cứu của hoá trị ung thư và được biết về một kết qủa nghiên cứu từ Anh Quốc cho biết là những trường hợp ung thư vú như Jenny có dương tính estrogen thì không hợp với các độc tố thường dùng trong hoá trị đó. Jenny đem thông tin này nói với bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Kaiser. Ông ta hỏi lại Jenny: "Vậy cô có muốn tôi ngưng hoá trị cho cô không?" Jenny hỏi lại ông nghĩ sao về nghiên cứu này của bên Anh, thì ông bác sĩ nói không thể cho ý kiến được và cho Jenny quyền quyết định. Jenny lúc đó quá sức bàng hoàng vì nghĩ là người bác sĩ nên giúp Jenny quyết định cái gì tốt nhất cho mình. Cuối cùng ông bác sĩ nói thêm "những khám phá này còn quá mới, muốn gì phải thông qua từ trên rồi đưa xuống chúng tôi mới áp dụng được. Vì vậy, tôi không thể quyết định được."

Thế là Jenny ngưng hoá trị sau sáu tuần lễ bị thê thảm với nó. Đến năm 2015, khi ung thư đã đến giai đoạn bốn, đã lan ra xương, một người bác sĩ ung thư khác nói là Jenny cần hoá trị. Jenny hỏi lại là công thức của các chất độc này gồm có những gì thì được biết là tương tự như của năm 2007! Đó là lúc Jenny đòi chuyển qua bác sĩ mới và xin ý kiến thứ hai từ viện UCSF.

Một bước quan trọng trong quá trình chữa trị của Jenny là câu hỏi dương tính của estrogen là bao nhiêu phần trăm khi Jenny đến gặp bác sĩ tại UCSF. Bác sĩ ở UCSF cần biết rõ tỷ lệ này, và may cho Jenny là người bác sĩ bạn Mai Phương đã giúp Jenny tìm hiểu nó trước khi gặp bác sĩ tại UCSF. Khi biết là dương tính của estrogen Jenny là 100% thì bà nói ngay: "cô không chấp nhận chữa hoá trị là đúng rồi. Hormone therapy là đường đi đúng." Cũng may cho Jenny là bác sĩ mới tại Kaiser lại quen với bác sĩ ở UCSF và từ đó họ đan kết để đưa Jenny chữa theo hormone therapy. Một phương cách đơn giản hơn và không quá hại sức. Từ đó Jenny sử dụng thuốc Ibrance mỗi tháng để cách ly estrogen không liên kết được với tế bào ung thư. Tuy nhiên, điều không ai hiểu được là tại sao ba năm rồi mà nó vẫn còn hiệu nghiệm. Dựa trên sự tiên đoán của nhà bào chế thì thuốc này mất hiệu nghiệm khoảng sau 5 tháng hoặc tối đa là 9 tháng sau khi dùng. Bác sĩ của Jenny cũng không hiểu và bà hay hỏi Jenny "Cô có chữa gì khác bên ngoài không?"

Câu trả lời của Jenny là sở dĩ được như vậy là nhờ những phương pháp lành mạnh khác để duy trì cơ thể mà lúc nãy Jenny đã nói đến.

Dĩ nhiên những chi tiết Jenny vừa kể liên quan đến bệnh ung thư của Jenny và cơ thể của Jenny. Nhưng bài học chung là: Bác sĩ không biết rõ cơ thể của mình bằng mình, cũng không hẳn biết hết về mọi nghiên cứu mới nhất, hay có biết cũng không có quyền quyết định mọi cách chữa tốt nhất cho mình vì giới hạn của bảo hiểm y tế hay thủ tục của nhà thương, vì thế bệnh nhân cần chủ động nghiên cứu thêm và đi xin ý kiến thứ hai. Không hoàn toàn nghe theo bác sĩ là vậy.

BBC: Vâng, trong trường hợp của luật sư, dù bác sĩ đã bó tay, nhưng bà đã đẩy lui được ung thư, và đạt được tình trạng NED - No Evidence of Disease. Vậy thì bước ngoặt trong chương trình chữa bệnh của bà theo những phương pháplành mạnh cụ thể này là gì?

LS Jenny Đỗ: Về mặt tìm những phương pháp lành mạnh khác để duy trì cơ thể, nhờ Jenny đọc nhiều kinh nghiệm của những người khác đi trước, và khi Jenny hiểu được là thức ăn thức uống đóng cùng với phương cách sống đóng một vai trò rất lớn đến sự tồn tại của mình, Jenny đã quyết tâm thay đổi. Cụ thể và khái quát là: dùng thức ăn và thức uống để trị bịnh, và áp dụng khoa học nhịn ăn. Qua các thông tin tìm được trên mạng, Jenny đã đi đến quyết định không ăn đường và thịt đỏ. Rồi sau hai năm, đi đến quyết định ăn chay trường.

Không cần biết ung thư loại nào, một điều mà khoa học đã khẳng định là ung thư muốn phát triển phải cần nhiên liệu. Mỗi loại ung thư lại cần nhiên liệu khác nhau, nhưng nhiên liệu căn bản mà hầu như mọi tế bào ung thư đều cần để lan tràn nảy nở chính là đường và chất đạm. Hết chuyện đường lại đến chuyện chất đạm hoặc đúng hơn là amino acids từ chất đạm (amino acids from proteins). Khi biết được là đa số tế bào ung thư rất cần amino acids (khoảng 20%-40%) để sinh sôi nảy nở, Jenny đã cẩn thận hơn khi ăn thịt và hải sản trong hai năm đầu. Bỏ thịt đỏ và giảm đi số lượng dùng các loại thịt khác. Và gần đây Jenny đã bỏ luôn thịt và hải sản. Giờ đây đi vào chợ, hầu như Jenny mê mải ở bên hàng rau, trái cây và các loại đậu. Khu vực giữa và bên hàng thịt cá đã không còn là nơi Jenny quan tâm tới.

BBC: Có vẻ trong những phương pháplành mạnh bà vừa nêu, nhịn ăn là phương pháp khó nhất. Cảm giác của cơ thể bà khi nhịn ăn như thế nào? Có mâu thuẫn gì giữa việc nhịn ăn với việc cần phải bồi dưỡng cơ thể để có sức khỏe chống lại bệnh ung thư không?

LS Jenny Đỗ: Jenny khẳng định là không mâu thuẫn. Khi nhịn ăn 16 tiếng từ 8 g tối hôm nay đến 12 g trưa hôm sau, Jenny thấy người mình nhẹ hơn. Ăn chỉ vừa để sống nhưng không qúa nhiều để phục vụ ung thư. Jenny vẫn cân mỗi ngày và vẫn giữ cho cơ thể không bị xuống cân. Khi mình nhịn ăn cơ thể có dịp làm sạch những ứ đọng. Thêm vào đó các tế bào ung thư sẽ run rẩy vì thiếu đường và dinh dưỡng. Chúng mở toang cửa ra để mình đưa chất độc vào trong chúng, đồng thời bồi bổ cho các tế bào tốt. Đây là phương cách ăn uống đúng mực mà Jenny đã viết trong bài "Đường Khuynh Diệp Trong Ta!" mà các bệnh nhân ung thư nên tham khảo.

"Nếu nhịn như vậy thì làm sao có đủ sức để mà đối phó với ung thư?" Mọi người thường hỏi Jenny. Thưa rằng, dựa trên những nghiên cứu của các chuyên gia, cơ thể ta không cần phải ăn ba bữa. Ăn kiểu này là do con người tạo ra thói quen. Càng ăn thường xuyên ta lại càng bắt cơ thể phải làm việc nhiều và không tập trung chữa trị những hư hại trong người. Thêm vào đó, tâm ta cũng không tịnh. Khi ngưng bộ tiêu hoá trong 16 tiếng, tâm hồn ta thảnh thản hơn và cơ thể nhẹ đi. Đó là lý do tại sao các đấng tu hành ngày xưa phải tuyệt thực để đạt được giác ngộ. Chúa, Phật và các cha, các tăng đều trải qua con đường này.

Sau khi nhịn ăn 16 tiếng đồng hồ, ta sẽ rất trân trọng bữa ăn và cân nhắc về thức ăn. Từ ngày đi con đường 16-8, Jenny đã rất quý các bữa ăn và không muốn trộn thức ăn "xấu" vào để làm bẩn cơ thể của mình. Ta như tờ giấy trắng, không nên để lem các vết nhơ mà phải nắn nót từng chữ lên trang giấy cho thật đẹp.

BBC: Việc giúp đỡ bệnh nhân ung thư của bà cụ thể giúp như thế nào? Theo bà thì bệnh nhân ung thư và gia đình họ cần giúp đỡ về phương diện gì nhất?

LS Jenny Đỗ: Vì mỗi bệnh nhân có tình trạng khác nhau nên Jenny phải nói chuyện rất lâu với từng người mới hiểu được họ cần hướng dẫn gì. Không có một công thức đơn thuần nào mà Jenny có thể chia sẻ dễ dàng. Song song với việc trả lời phỏng vấn này, Jenny có viết một bài viết nói về những kinh nghiệm chữa bệnh mà bản thân mình đã trải qua.

Qua quá trình giúp bệnh nhân trong 2 năm vừa rồi, Jenny thấy điều quan trọng nhất cho các người bệnh là về tinh thần, và phương hướng đối phó chủ động. Đó là điều Jenny có thể giúp mọi người một cách hữu hiệu nhất. Jenny tiếp tục dùng xã hội mạng social media để nâng đỡ tinh thần mọi người và cố giúp mọi người tranh đấu kéo dài thêm cuộc sống để chờ đợi sự phổ thông của immunotherapy, tức phương pháp miễn dịch trị liệu, là một cách điều trị cho phép cải thiện ổn định hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân để chữa các bệnh như bệnh ung thư.

Bệnh nhân cần thêm chi tiết có thể liên lạc với Jenny qua trang Facebook "Đường Khuynh Diệp" hoặc qua email: jennydolaw@gmail.com.



Pages