Tội Khinh Thường Quốc Hội - Đa Hiệu Online

Monday, May 20, 2019

Tội Khinh Thường Quốc Hội


Bùi Phạm Thành, K25

Ngày 8 tháng 5 năm 2019, Ủy Ban Tư Pháp của Hạ Viện (The House Judiciary Committee) đã bỏ phiếu buộc tội Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ, William Barr, là đã "Khinh Thường Quốc Hội - Contempt of Congress". Đây là lần thứ hai trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ, đương nhiệm Bộ Trưởng Tư Pháp bị buộc tội "Khinh Thường Quốc Hội" với lý do không giao nộp toàn bộ bản điều tra của Công Tố Viên Robert Mueller. Trước đó, năm 2012, là ông Eric Holder, Bộ Trưởng Tư Pháp dưới thời tổng thống Obama đã không giao nộp đầy đủ tài liệu về vụ "Operation Fast and Furious - Hành Động Nhanh Chóng và Kịch Liệt" liên hệ đến việc bán súng qua Mễ. Đây là một sự kiện pháp lý rất khó giải quyết giữa hai ngành liên quan đến luật pháp của quốc gia, một bên là nhà làm luật (Quốc Hội) và bên kia là nhà thi hành luật pháp (Hành Pháp). Theo tổ chức phân quyền thì ba ngành Lập Pháp, Tư Pháp và Hành Pháp có vị trí độc lập và mỗi bên có riêng quyền hạn trong phạm vi luật định. Tuy đứng đầu của ngành Tư Pháp là Tối Cao Pháp Viện, thế nhưng việc truy tố một vị Bộ Trưởng Tư Pháp đương nhiệm về tội "Khinh Thường Quốc Hội" không dễ dàng. Trường hợp của Eric Holder đã được một vị thẩm phán liên bang bãi bỏ năm 2014. Theo luật pháp Hoa Kỳ chỉ có Tổng Thống là người được miễn trừ không bị buộc tội "Khinh Thường Quốc Hội." Như thế chúng ta cũng thấy rằng buộc một vị bộ trưởng của chính phủ, đặc biệt là Bộ Trưởng Tư Pháp, vào tội "Khinh Thường Quốc Hội" thì chỉ là một "trò chơi chính trị" của những người rất am tường về luật pháp, và thường kéo dài một cách vô ích, không mấy người, ngay cả báo chí, để ý đến bởi ngôn ngữ rắc rối của luật pháp, kết cuộc cũng chỉ là "cho qua" ở cấp tòa liên bang chứ chưa cần đến chín vị thẩm phán của Tối Cao Pháp viện phải bận tâm đưa ra lời phê phán.

Để hiểu thêm một chút về tội danh "Khinh Thường Quốc Hội" chúng tôi xin lược dịch bài viết về tội danh này qua bài viết đăng trên trang Wikipedia, quý vị có thể vào đó để đọc bản chánh bằng Anh ngữ
https://en.wikipedia.org/wiki/Contempt_of_Congress
Bài viết tương đối dễ hiểu vì không mang nặng ngôn ngữ của luật pháp.

oOo

Theo định nghĩa thì "Khinh Thường Quốc Hội" là hành động cản trở công việc của Quốc Hội Hoa Kỳ hoặc một trong các Ủy Ban thuộc quyền. Trong lịch sử, việc hối lộ Thượng Nghị Sĩ hoặc Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ được coi là "Khinh Thường Quốc Hội." Trong thời kỳ hiện đại, tội danh này được áp dụng cho việc từ chối tuân theo trát đòi hầu tòa (subpoena) do một ủy ban (committee) hay tiểu ban (subcommittee) của Quốc Hội, thông thường là việc bắt ra điều trần trước ủy ban của Quốc Hội hoặc giao nộp đầy đủ các tài liệu được yêu cầu.

Lịch sử

Vào cuối thập niên 1790 - tội danh "Khinh Thường Quốc Hội" được coi là việc "chứng tỏ quyền lực" của cơ quan lập pháp - tương tự như việc Nghị Viện Anh đã làm - ban đầu, Quốc Hội đã buộc nhiều người với tội danh này qua nhiều hành động khác nhau. Có những trường hợp bị buộc tội như:

  • Robert Randal, vì toan hối lộ Dân Biểu William Smith của tiểu bang Nam Carolina vào năm 1795.
  • William Duane, biên tập viên của một tờ báo đã từ chối trả lời các câu hỏi của Thượng Viện năm 1800.
  • Nathaniel Rounsavell, một biên tập viên của một tờ báo khác, vì lý do đã tiết lộ thông tin nhạy cảm cho báo chí vào năm 1812.

Trong vụ án giữa Anderson và Dunn (1821), Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ quyết định rằng Quốc Hội có quyền buộc tội người coi thường họ là điều cần thiết để đảm bảo rằng Quốc Hội "... không bị phơi bày trước sự căm phẫn và gián đoạn mà sự thô lỗ, nóng nảy bất thường, hoặc thậm chí âm mưu, có thể gián tiếp chống lại họ." Sự giải thích trước kia về việc hối lộ thượng nghị sĩ hoặc dân biểu được coi là sự "Khinh Thường Quốc Hội" đã bị bãi bỏ để thay thế bằng đạo luật hình sự. Năm 1857, Quốc Hội ban hành một đạo luật khiến việc "Khinh Thường Quốc Hội" trở thành một tội hình sự chống lại quốc gia Hoa Kỳ.

Lần cuối cùng Quốc Hội bắt và giam giữ một người về tội này là vào năm 1935. Kể từ đó, các trường hợp vi phạm đã được chuyển qua và trở thành trách nhiệm của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ. Văn Phòng Luật Sư Pháp Lý đã khẳng định rằng Tổng Thống Hoa Kỳ được miễn trừ về tội này bởi đặc quyền hành pháp.

Trát đòi hầu tòa

Quốc Hội trao quyền cho tất cả các ủy ban thường trực có thẩm quyền buộc các nhân chứng đưa ra lời khai và tài liệu liên hệ đến sự việc thuộc thẩm quyền của mình. Các quy tắc của ủy ban có thể quy định cho toàn ủy ban phát hành trát đòi hầu tòa hoặc cho phép các tiểu ban hoặc chủ tịch (hành động một mình hoặc với thành viên theo thứ hạng) ban hành trát đòi hầu tòa.

Như đã tuyên bố trong vụ "Wilkinson chống lại Hoa Kỳ," một ủy ban của Quốc Hội phải đáp ứng ba điều kiện để có "đầy đủ về mặt pháp lý" hầu ban hành trát đòi hầu tòa. Thứ nhất, cuộc điều tra của ủy ban về lĩnh vực nào đó phải được ủy quyền bởi Quốc Hội; thứ hai, cuộc điều tra phải theo đuổi "mục đích lập pháp hợp lệ" nhưng không cần liên quan đến luật pháp và không cần nêu rõ mục đích của Quốc Hội; và thứ ba, các yêu cầu phải phù hợp với lĩnh vực của vấn đề đã được Quốc Hội ủy quyền để điều tra.

Trong vụ "Eastland chống lại Ngân Quỹ Của Quân Nhân Hoa Kỳ", trát đòi của Quốc Hội nằm trong phạm vi của điều khoản Phát Biểu và Tranh Luận cung cấp "một rào cản tuyệt đối cho việc can thiệp của ngành tư pháp" khi xác định rằng các Thành Viên đang hành động trong "vòng hợp pháp của hành pháp" đã được luật pháp qui định. Theo phán quyết đó, tòa án thường không để ý đến các luận cứ nhằm dẹp bỏ trát đòi của Quốc Hội; ngay cả khi các nhân viên của chính phủ (ngành hành pháp) từ chối, các tòa án có khuynh hướng quy định rằng những vấn đề như vậy là "câu hỏi chính trị" không phù hợp để qua mặt ngành tư pháp. Trên thực tế, nhiều quyền hợp pháp thường liên quan đến trát đòi tư pháp không áp dụng cho trát đòi hầu tòa của Quốc Hội. Ví dụ: đặc quyền và tin tức giữa luật sư và khách hàng thường được bảo vệ theo Đạo Luật Bí Mật Thương Mại không được công nhận, không được miễn trừ.

Thủ tục

Sau khi nhân chứng từ chối việc xuất trình tài liệu hoặc làm chứng, Ủy Ban có quyền báo cáo với Quốc Hội rằng đây là một vi phạm về "Khinh Thường Quốc Hội". Ủy ban cũng có thể tuyên bố là một người đã "Khinh Thường Quốc Hội" nhưng không trình lên Quốc Hội. Trong trường hợp các Tiểu Ban, họ phải báo cáo sự vi phạm cho toàn Ủy Ban, sau đó Ủy Ban có quyền chấp nhận nhưng không trình lên Quốc Hội hoặc chấp nhận và báo cáo lên Quốc Hội để tùy nghi xử trí. Trước Hạ Viện hoặc Thượng Viện, nghị quyết được báo cáo được coi là đặc quyền và, nếu nghị quyết về vi phạm được thông qua, Quốc Hội có một số lựa chọn để thực thi nhiệm vụ của họ.

Khinh Thường có tính cách cố hữu (inherent contempt)

Theo phương thức này, thủ tục buộc người vi phạm chỉ liên quan đến những gì liên hệ đến Quốc Hội. Sau khi tuyên bố vi phạm, người vi phạm sẽ bị nhân viên duy trì an ninh cho Quốc Hội hoặc Thượng viện (Sergeant-at-Arms) bắt giữ, đưa đến trước Quốc Hội, để trả lời các cáo buộc của nhân viên có thẩm quyền, và sau đó phải chịu hình phạt nếu có án lệnh (thường là phạt tù, bị phạt tù nếu vi phạm hoặc được tuyên bố vô tội).

Lo ngại về vấn đề mất nhiều thời gian để đối xử với việc vi phạm và không có khả năng nới rộng hình phạt qua khỏi nhiệm kỳ của Quốc Hội (theo phán quyết của Tối Cao Pháp Viện), Quốc Hội đã lập ra một quy định về thủ tục năm 1857. Quốc Hội vẫn còn quyền hạn trên việc "Khinh thường cố hữu" và thực thì quyền hành này bất cứ lúc nào. Thượng Viện đã áp dụng điều luật này lần cuối vào năm 1934, khi điều tra về hãng hàng không và bưu điện Hoa Kỳ. Sau phiên tòa kéo dài một tuần trước Thượng Viện (chủ tọa bởi Phó Tổng Thống John Nance Garner, trên danh nghĩa là Chủ Tịch Thượng Viện), William P. MacCracken, Jr., một vị luật sư và cũng là cựu phụ tá của Bộ Trưởng Thương Mại về Hàng Không bị buộc tội đã cho phép khách hàng gỡ bỏ hoặc xé các trát đòi hầu tòa. Ông bị kết tội và tuyên án 10 ngày tù.

MacCracken đã đệ đơn thỉnh cầu lên tòa án liên bang để lật ngược việc bắt giữ ông, nhưng sau khi nghị án, Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ đã phán quyết rằng Quốc Hội đã hành động theo đúng hiến pháp và bác bỏ đơn kiện trong vụ án mang tên "Jurney chống lại MacCracken."

Sự ân xá của tổng thống dường như không áp dụng cho một vụ án dân sự như trên, vì đó không phải là "hành vi chống lại Hoa Kỳ" hay chống lại "phẩm giá của cơ quan công quyền."

Thủ tục tố tụng

Sau khi nhận định sự vi phạm, chủ tịch Quốc Hội hay Thượng Viện sẽ chỉ thị chuyển vấn đề này đến Công Tố Viện Hoa Kỳ (U.S. Attorney) ở Washington DC; theo luật, đó là "nghĩa vụ" của Công Tố Viện đưa vấn đề này tới đại bồi thẩm đoàn (grand jury) để thi hành. Tuy nhiên, trong khi luật đặt ra trách nhiệm cho Công Tố Viện Hoa Kỳ thành lập một bồi thẩm đoàn để thi hành, một số người ủng hộ "lý thuyết hành pháp đơn nhất - unitary executive theory" cho rằng Quốc Hội không thể buộc Công Tố Viện Hoa Kỳ thực hiện hành động này chống lại ngành Hành Pháp, bởi vì Công Tố Viện Hoa Kỳ là một thành viên của cơ quan Hành Pháp, người luôn phải báo cáo với Tổng Thống. Họ cho rằng cho phép Quốc Hội buộc Tổng Thống hành động chống lại cấp dưới sẽ là vi phạm sự phân chia quyền lực và xâm phạm quyền lực của ngành Hành Pháp. Căn bản pháp lý cho việc này có thể được tìm thấy trong điều 49 của luật Liên Bang, do ông James Madison (một trong những "cha đẻ" của Hoa Kỳ và là tổng thống thứ 4 của Hoa Kỳ từ 1809-1817) đã viết "Một số bộ của chính phủ được phối hợp hoàn hảo theo các mục đích chung của họ, rõ ràng là không ai trong số họ có thể giả vờ có độc quyền hoặc quyền tối thượng để đặt ra các ranh giới giữa các quyền lực." Phương thức này được biết đến với tên "phối hợp bộ phận" hay "phối hợp xây dựng."

Những người khác cho rằng Điều II của Hiến Pháp buộc Tổng Thống thi hành luật, những điều luật đã được các nhà lập pháp làm ra (ví dụ: Quốc Hội, trong trường hợp luật định về "khinh thường"). Cơ quan hành pháp không có quyền định nghĩa luật (quyền hạn pháp lý đó được dành cho Quốc Hội) hoặc giải thích luật (quyền hạn đó được dành cho một số Tòa Án Liên Bang). Họ cho rằng bất kỳ nỗ lực nào của hành pháp trong việc định nghĩa hoặc giải thích luật sẽ là vi phạm sự phân chia quyền lực; Hành Pháp chỉ có thể - và có nhiệm vụ - phải thực thi luật phù hợp với định nghĩa và giải thích của nó; và nếu luật quy định một nhiệm vụ đối với một trong những nhân viên của Tổng thống, thì Tổng thống phải "cẩn thận" để thấy rằng nhiệm vụ được quy định trong luật được thực thi. Tránh hoặc bỏ bê việc thực hiện nhiệm vụ này sẽ được hiểu là không thực sự thi hành luật pháp một cách trung thực, và do đó sẽ là vi phạm sự phân chia quyền lực, mà Quốc Hội và Tòa Án có một số lựa chọn để giải quyết.

Tội phạm hình sự "Khinh Thường Quốc Hội" đặt ra hình phạt không dưới một tháng cũng không quá mười hai tháng tù và phạt tiền không quá 100,000 đô la.

Thủ tục tố tụng dân sự

Các quy tắc của Thượng Viện ủy quyền cho Luật Sư của Thượng Viện đệ đơn kiện dân sự chống lại bất kỳ cá nhân nào được cho là đã vi phạm luật "khinh thường". Sau khi Thượng Viện đưa ra nhận định, tòa án liên bang sẽ ra lệnh khác cho người bị nêu tên phải tuân lệnh của Thượng Viện. Nếu người này từ chối tuân theo lệnh của tòa án, thì có thể bị buộc tột khinh thường tòa án và có thể phải chịu các biện pháp trừng phạt do tòa án áp đặt. Phương thức này đã được sử dụng ít nhất sáu lần.

oOo

Bài viết bằng Anh ngữ có đưa ra một danh sách những người bị truy tố về tội "Khinh Thường Quốc Hội" kể từ năm 1975, hầu hết đều liên hệ đến sự tranh chấp giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Thế cho nên chúng ta có thể hiểu rằng hầu hết những người bị truy tố vi phạm tội "Khinh Thường Quốc Hội" đều là những nạn nhân của "thủ thuật chính trị" rất lủng củng, đôi khi lại rất là buồn cười. Bởi vì như chúng ta đã đọc qua ở phần trên là các vi phạm về luật "Khinh Thường Quốc Hội" phải giao qua cho ngành tư pháp của chính phủ, thế nhưng bây giờ mấy ông bà Dân Biểu trong Ủy Ban Tư Pháp của Hạ Viện (đa số thuộc đảng Dân Chủ) lại muốn truy tố ông Bộ Trưởng Tư Pháp, có nghĩa là, bắt ông Bộ Trưởng Tư Pháp phải "tự truy tố mình" rồi "tự bỏ tù mình" thì cá nhân chúng tôi, không phải là luật sư, phải tự hỏi "Thế Lày Nà Thế Lào?" Thật là "Đâu Cái Điền là Điên Cái Đầu", tuy nhiên như cụ Nguyễn Du đã phán là "Mua vui cũng được một vài trống canh." Thế cho nên, lần tới có đi bầu thì nên cẩn thận đừng chọn các "danh hề" để ngồi đó mà "lãnh lương thì to mà làm toàn chiện nhỏ." Xin quý vị cẩn thận thêm một lần nữa là nếu cảm thấy nóng mặt khi đọc xong "chiện dài Dân Chủ" này thì đừng lớn tiếng chửi thề khi có mặt vợ con hoặc cháu chắt ở gần xung quanh. Bắt chước lời chúc của Xướng Ngôn Viên đài truyền hình Sài Gòn trước năm 1975, "Xin quý vị chửi thề vừa đủ nghe, đừng làm phiền người khác đang cần sự an bình trong đời sống."

Bùi Phạm Thành, K25



Pages