Những Tình Huống "Thót Tim" Chưa Từng Tiết Lộ Về Vụ Khủng Hoảng Hỏa Tiễn Cuba Giữa Nga và Mỹ - Đa Hiệu Online

Tuesday, October 30, 2018

Những Tình Huống "Thót Tim" Chưa Từng Tiết Lộ Về Vụ Khủng Hoảng Hỏa Tiễn Cuba Giữa Nga và Mỹ


Đinh Tiến Đạo, K24
(phỏng theo The National Interest)


Lời Mở Đầu: Nếu quý độc giả sống ở Sài gòn trong thập niên 60, hẳn không quên về vụ khủng hoảng hoả tiễn giữa Nga và Mỹ tại Cuba vào năm 1962, với bối cảnh hai nước này đang ở vào thời kỳ Chiến tranh lạnh. Vụ đối đầu giữa hai cường quốc nguyên tử đã "nóng" dần lên đến cực độ, tưởng chừng như sẽ có một cuộc chiến tranh nguyên tử sắp xảy ra.
Tuy nhiên, thế giới lúc đó đã thở phào nhẹ nhõm khi lãnh đạo hai nước là Tổng thống Hoa Kỳ John F Kennedy và Thủ tướng Liên sô Nikita Khrushchev đã ký thoả thuận là Liên sô sẽ rút về những hoả tiễn xuyên lục địa mang đầu đạn nguyên tử đóng tại Cuba để đổi lại Mỹ sẽ không dùng hoả tiễn để đe doạ Liên sô từ nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng quát hoá là như thế, nhưng có những chi tiết bên trong đã đưa đến những tình huống "thót tim"  mà nó có thể phá vỡ sự thoả thuận sống chung hoà bình giữa hai cường quốc nguyên tử .

Trên một bài báo của tác giả Sebastien Roblin đăng trên tờ The National Interest, ngày 18 tháng 7 năm 2018,  đã đưa ra những tình huống mà ta không thể ngờ nó đã từng xảy ra cho những thuỷ thủ đoàn của Liên sô một cách thật thảm thương.

Có lẽ mọi người đều đồng ý rằng  thế giới sẽ chẳng bao giờ tiến gần đến một cuộc chiến tranh nguyên tử như ở trong thời kỳ xảy ra vụ khủng hoảng hoả tiễn Cuba, khi mà Hoa kỳ bắt buộc phải đối đầu với Liên bang Sô viết, vì phía Sô viết đang triển khai đặt những hoả tiễn xuyên lục địa mang đầu đạn nguyên tử tại Cuba.

Theo như chúng ta đều nghĩ rằng, những quyết định chiến tranh giữa các nước đối nghịch nhau thì thường đến từ các vị nguyên thủ quốc gia ngồi trong những căn phòng sang trọng, đầy tiện nghi như tại toà Bạch ốc ở Washington hay một dinh thự nguy nga tại Mạc Tư Khoa. Thật ra, nhiều khi quyết định này ở ngoài tầm tay của Kennedy hay Khrushchev, mà nằm ở một nhóm các thuỷ thủ, đang trong tình trạng ngắc ngoải, vì thiếu nước uống và bị thấm hơi độc của khí CO2, trong một khoang tàu của một chiếc tàu lặn. Chiếc tàu này đang lâm tình trạng hư hỏng và bị những chiến hạm Hải quân Hoa kỳ bao vây tứ phía mà không thể liên lạc được với Mạc tư khoa để nhận lệnh. Và có hai vị sĩ quan chỉ huy trên tàu đã cho lệnh sửa soạn phóng hoả tiễn mang đầu đạn nguyên tử.

Tại sao lại xảy ra tình huống nguy hiểm như thế này?


Khởi thuỷ vụ khủng hoảng hoả tiễn Cuba, được đặt tên là "Cuộc điều động Anadyr", Sô viết đã hoạch định đưa 50,000 quân nhân cùng những loại vũ khí hạng nặng đến Cuba bằng đường biển một cách bí mật. Ngay cả cái tên thật "hiền hoà" Anadyr, tên của một giòng sông bên Nga,  chỉ cốt làm chệch hướng sự chú ý của mọi người những chủ đích nằm ẩn dấu phía sau. Những nhà ngoại giao Sô viết đã soạn ra những bài viết tuyên truyền rằng cuộc điều động này chỉ là chương trình phát triển dân sự cho nước Cuba "anh em". Nhưng đồng thời, giới lãnh đạo Sô viết ra lệnh cho quân đội di chuyển trên các phương tiện quân sự tàu thuyền, và không cho biết sẽ đi đâu.  Những sĩ quan chỉ huy đội quân ấy chỉ biết nơi đến từ lá thư của nhân viên tình báo KGB đưa ra khi ở ngoài khơi.

Tổng cộng có tới 86 tàu của Liên sô chứa toàn bộ sư đoàn trang bị vũ khí tự động tối tân đến Cuba, cùng với 40 phi cơ phản lực chiến đấu Mig-21, hai sư đoàn chống máy bay trang bị SA-2 hoả tiễn đất đối không (SAMs), 16 bệ phóng hoả tiễn R-12 và R-14, 6 phi cơ phản lực thả bom Il-28, 12 hệ thống hoả tiễn liên lục địa chiến thuật FROG-3, với ba hệ thống mang đầu đạn nguyên tử. Cả đội quân và vũ khí được che dấu khỏi tầm nhìn bên ngoài các chiến hạm, tuy nhiên phi cơ Hải quân Hoa kỳ đã phát hiện có vài hoả tiễn SAMs trên một chiếc tàu vào ngày 4 tháng Chín. Nói chung thì sự che dấu của Sô viết đã thành công một cách ngoạn mục.

Vấn đề ở đây là anh không thể nào che dấu mãi sự triển khai một đội quân lớn trên mặt đất mà không bị phát hiện.  Vào ngày 14 tháng Mười, một chiếc phi cơ thám thính của Mỹ U-2 đã chụp hình được những hoả tiễn liên lục địa của Sô viết đặt tại San Cristobal trên đất Cuba.  Điều này dẫn đến vụ khủng hoảng hoả tiễn Cuba.  Tám ngày sau đó, Tổng thống Kennedy ra lệnh phong toả Cuba. Hoa kỳ điều động hàng trăm tàu Hải quân gồm cả bốn hàng không mẫu hạm, cũng như một số lớn phi cơ tuần thám bờ biển để thi hành nhiệm vụ phong toả này. Liên bang Sô viết khi đó bề ngoài có vẻ như bất chấp sự phong toả trên, tuy nhiên đa số chiến hạm đã quay đầu lại, một số nhỏ cố vượt hàng rào phong toả nhưng không đáng kể.

Những tuần trước đó, Liên sô đã thi hành cuộc hành quân được đặt tên là Kama để triển khai bốn tàu ngầm loại dầu cặn lớp Foxtrot với danh số B-4, B-36, B-59 và B-130, mang thuỷ lôi thuộc hạm đội tàu ngầm có danh hiệu "Thứ 69" đến hải cảng Mariel của Cuba. Những tàu ngầm lớp Foxtrot của Liên sô thời bấy giờ không thuộc loại thiết kế theo cách thuôn gọn cho tàu ngầm. Được hạ thuỷ vào năm 1957 - thiết kế của loại tàu ngầm lúc đó không giống như loại tàu ngầm sau này có thân tàu như giọt nước với độ ồn thấp và vận tốc dưới mặt nước đáng kể - tàu ngầm lớp Foxtrot thật ra lại "ồn ào" hơn nữa vì có ba cánh quạt đẩy phía sau. Ngăn thứ ba của tàu ngầm này chỉ để dành chứa một số lớn bình điện ắc-quy, nên tàu ngầm, dù chạy bằng động cơ diesel, có thể vẫn hoạt động dưới độ sâu trong vòng mười ngày mà không cần trồi lên mặt nước. Nhưng có cái bất tiện là nó chỉ di chuyển được tối đa là 2.3 miles một giờ,  và với đoàn thuỷ thủ là 78 người thì đành phải sống trong khoang tàu còn lại rất chật hẹp. Lại một định mệnh "oái oăm" nữa là tàu không được trang bị máy lạnh để dùng trong vùng biển thuộc miền nhiệt đới. Sau đó, Liên sô cũng điều động hai tàu ngầm khác lớp Zulu, một có danh số B-75 dùng để hộ tống cho những tàu Liên sô mang hoả tiễn liên lục địa đến Cuba. Còn một với danh số B-88 thì được điều tới biển Trân Châu Cảng ở đảo Hawaii của Mỹ, để phòng khi nếu có một cuộc chiến tranh xảy ra giữa Mỹ và Liên sô hầu tấn công Trân Châu Cảng. Hải quân Hoa kỳ đã không hề phát hiện được sự hiện diện của hai chiếc này.

Đội tàu ngầm bốn chiếc lớp Foxtrots đã vượt biển từ bán đảo Kola vào ngày 1 tháng 10 và lặn sâu dưới nước để cố tránh né phi cơ chống tàu ngầm tên Neptune và Shackleton của khối NATO trên biển Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, khi gần tới Cuba, những chiếc tàu ngầm này cần phải trồi lên mặt nước thường xuyên để nạp điện cho bình ắc-quy. Hiện trạng cuộc sống của các thuỷ thủ trong những chiếc tàu ngầm, phải lặn sâu dưới nước, càng ngày càng trở nên không thể chịu đựng nổi. Tàu ở trong biển nhiệt đới và không có máy lạnh nên nhiệt độ trong tàu lên đến từ 100 đến 140 độ F. Khí CO2 ngày một tăng cao khiến thuỷ thủ đoàn trở nên yếu mệt về cả tinh thần lẫn thể xác.  Vấn đề thiếu nước ngọt trên tàu để uống khiến tình trạng mất nước (dehydration) lan rộng, và bệnh ngứa truyền nhanh trong toàn thể các thuỷ thủ.

Vào ngày 23 tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara của Mỹ ra lệnh các tàu chiến Mỹ dùng một loại vũ khí đặc biệt được gọi là PDCs (Practice Depth Charges), có kích cỡ như quả lựu đạn với mục đích như ra tín hiệu cho thuỷ thủ tàu ngầm biết là tàu ngầm đã bị phát hiện để buộc họ phải trồi lên mặt nước.  Tuy nhiên, những "cục tín hiệu nổ" đó đã khiến cho những cột ăn-ten của tàu ngầm bị hư hại, và càng làm cho thuỷ thủ đoàn hoảng sợ vì họ không phân biệt được tín hiệu đó từ vũ khí đặc biệt này. Mặc dù phía Mỹ trước đó đã thông báo cho Mạc Tư Khoa về phương cách dùng "cục tín hiệu nổ" của Mỹ để làm cho tàu ngầm bị nhận diện phải trồi lên mặt nước (chứ không phải để tấn công).  Tuy nhiên thông báo đó không thể truyền được cho các tàu ngầm của hạm đội 69th. Hải quân Hoa kỳ đã không nhận thức được mối nguy hiểm của "trò chơi mèo vờn chuột" mà họ đã xử dụng cho đội tàu ngầm Sô viết.  Sở dĩ nó nguy hiểm vì ngoài 21 thuỷ lôi loại thường, mỗi tàu ngầm lớp Foxtrot còn trang bị một vũ khí tối hậu: loại thuỷ lôi T-5 mang đầu đạn nguyên tử RDS-9. Thuỷ lôi T-5 có tầm hoạt động là 10 ki-lô-mét và tầm công phá dưới nước là 35 mét đủ để phá huỷ thân tàu gần đó qua sức ép của sóng. Một số nguồn tin không công nhận là T-5 có 3.5 hay 5 ki lô tấn hoặc lên đến 15 ki-lô tấn đầu đạn nguyên tử có sức công phá  kinh khủng để huỷ diệt đối phương. Dù có nói gì đi chăng nữa, nếu có bất kỳ một đầu đạn vũ khí hạt nhân nào của phe bên này khai hoả ở vùng vịnh Caribbean thì cũng sẽ có hàng loạt vũ khí hạt nhân của phe bên kia đáp trả lại.

Theo những nguồn tin đáng tin cậy, thuyền trưởng Nikolai Shumkov trên chiếc tàu ngầm B-130 đã ra lệnh đưa loại thuỷ lôi mang đầu đạn nguyên tử lên dàn phóng như thể hiện quyết tâm của hắn trong nhiệm vụ mà Mạc Tư Khoa đã giao phó, như thể để lấy uy tín với cấp trên. Tuy nhiên chính uỷ của tàu đã phản đối, nên Nikolai đã dịu giọng, nói: "Tôi muốn giữ thuỷ lôi đó trên dàn phóng và trồi lên mặt nước" để phòng có thuỷ lôi nào của đối phương bắn vào tàu B-130 thì sẽ phóng trả. Rút cuộc, tất cả ba động cơ chạy dầu cặn của B-130 đều hư hại. Với những bình ắc-quy đều cạn kiệt, tầu B-130 bắt buộc phải ngoi lên mặt nước ngay trước mũi chiếc pháo hạm USS Blandy của Mỹ vào ngày 30 tháng 10. Sau này chiếc tàu ngầm B-130 được kéo về cảng Murmansk bên Nga.

Còn tàu ngầm B-36, dưới quyền chỉ huy của thuyền trưởng Alexei Dubivko, bị pháo hạm Charles P. Cecil của Mỹ đuổi theo, thì suýt đâm vào pháo hạm này khi trồi lên mặt nước. Tàu ngầm B-36 cũng lâm vào tình thế cạn kiệt điện trong bình ắc-quy và cũng quay đầu về nước ngày 31 tháng  10.

Tuy nhiên, một biến cố nguy hiểm nhất là vào ngày 27 tháng 10, thời gian mà tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Liên sô lên đến cao điểm. Một chiếc phi cơ thám thính của Mỹ bay đến gần tàu ngầm B-59 nên đã khiến cho tàu ngầm này phải lặn xuống biển khi bình ắc-quy chưa kịp tích điện. Pháo hạm USS Beale của Mỹ thả ào ào loại "lựu đạn PDCs" (đã mô tả ở trên) . Tiếp đó hàng chục pháo hạm trong hạm đội theo hàng không mẫu hạm US Randolph cũng làm theo.

Victor Orlov là sĩ quan truyền tin trên tàu ngầm của Nga gọi đó như trận chiến đã bị bỏ bom kéo dài hàng giờ, anh ta nói: "Nó giống như khi bạn ngồi trong một thùng sắt mà có ai bên ngoài dùng búa cứ gõ mãi lên trên cái thùng sắt. Thuỷ thủ đoàn đều bị chấn động".  Thuyền trưởng tàu ngầm Nga là Valentin Savitsky vẫn một mực cho chiếc B-59 lặn dưới nước mặc dù nhiệt độ trong tàu đã lên đến 112 độ F và khí oxygen ngày càng cạn kiệt, khiến cho các thuỷ thủ muốn ngất xỉu.

Anatony Andreyev là một thuỷ thủ trong chiếc tàu này đã mô tả tình trạng tồi tệ của thuỷ thủ đoàn tàu ngầm B-59 trong nhật ký anh viết cho vợ: "Chúng tôi không có khí trời để thở trong bốn ngày, vì  tàu phải chìm trong nước ở độ sâu mà kính tiềm vọng có thể nhìn được. Trong khoang tàu thì nóng và nghẹt thở. Thật khó thở vì có quá nhiều khí carbon trong khoang, nhưng không ai muốn dời chỗ như thể dù sao ở đây cũng mát hơn.  Mắt tôi bị nhoè đi. Tôi cảm thấy toàn thân yếu mềm, chóng mặt, toàn thân như nổi mề đay." Nói về thuyền trưởng Savitsky, Andreyev đã viết: "Một điều tồi tệ nhất là tinh thần của thuyền trưởng đã lên cơn khủng hoảng, hắn la lối với tất cả mọi người và hành hạ với chính cả bản thân hắn ta. Thuyền trưởng đã lâm vào tình trạng hoang tưởng, sợ hãi với chính cái bóng của mình. Hắn không nghe ai nói hết. Tôi cảm thấy tiếc và đồng thời giận dữ với những hành động liều lĩnh của hắn."

Vì không thể liên lạc được với Mạc-Tư-Khoa, thuyền trưởng Valetin Savitsky đã tự kết luận là chiến tranh đã nổ ra rồi. Theo như sĩ quan truyền tin Nga Orlov, Savitsky đã ra lệnh cho thuỷ thủ đưa thuỷ lôi mang đầu đạn nguyên tử lên dàn phóng để sửa soạn bắn vào tàu USS Randolph. Orlov đã nhắc lại lời nói của Savitsky như sau: "Chiến tranh đang nổ ra ngoài kia và chúng ta thì đang bị bao vây và chỉ luẩn quẩn ở đây.  Chúng ta sẽ bắn cho địch quân thật hết sức mạnh để đánh chìm chúng. Cho dù chúng ta có tử nạn nhưng chúng ta sẽ không làm hoen ố uy danh của Hải quân Liên sô".  Chính uỷ của tàu thì cũng đồng ý với thuyền trưởng với lệnh đó.

Thông thường, khi có sự chấp thuận của hai vị sĩ quan chỉ huy thì đủ để thi hành việc phóng thuỷ lôi.  Nhưng một trường hợp ngẫu nhiên xảy ra là lúc đó trên tàu có sự hiện diện của Arkhipov, vị chỉ huy trưởng hạm đội, được xem là người có quyết định tối hậu. Arkhipov đã bàn thảo với Savitsky trước khi quyết định không bắn và trồi lên mặt nước.

Khi chiếc tàu ngầm B-59 vừa trồi lên khỏi mặt nước biển thì bị đèn rọi chiếu của những pháo hạm, máy bay trực thăng và phi cơ phản lực thuộc hàng không mẫu hạm Randolph Mỹ quần thảo xung quanh trên độ cao thấp và chĩa súng vào cùng với những lời cảnh báo phát ra từ loa phóng thanh. Tàu ngầm Sô viết bị buộc phải quay hướng về nhà.

Có một số ý kiến cho rằng thuyền trưởng Savitsky thực ra không thể tiến gần đến việc phóng hoả tiễn nguyên tử.  Đầu đạn nguyên tử phải tốn một thời gian để sửa soạn, vả lại một số thuỷ thủ trên tàu cũng cho rằng lệnh của Savitsky ban ra không chín chắn, khi ông ta bị dồn nén và ở trong trạng thái thiếu bình tĩnh, không làm chủ được mình.  Dù sao chăng nữa, vấn đề có thể ngăn chận việc phóng nguyên tử còn do nhiều nguyên nhân sâu xa khác hơn là do định mệnh run rủi.

Còn lại các tàu ngầm khác của Liên sô, chỉ duy nhất chiếc B-4 dưới quyền chỉ huy của thuyền trưởng Rurik Ketov là tránh không bị hạm đội hải quân Hoa kỳ ép phải trồi lên mặt nước. Tàu ngầm này vẫn còn đủ điện từ những bình ắc-quy để lặn sâu dưới nước tránh sự phát hiện của hải quân Mỹ. Tuy nhiên, tàu cũng phải quay đầu trở về bến nhà.

Kết cuộc, tổng thống Kennedy đã giải quyết cuộc khủng hoảng hoả tiễn Cuba với Khruschev ở một cuộc họp thương lượng bí mật vào ngày 28 tháng 10, năm 1962.  Trong đó Mỹ đồng ý rút hết hoả tiễn của Hoa kỳ đang đóng ở Thổ Nhĩ Kỳ về nước và hứa không xâm chiếm Cuba, để đổi lại Liên sô sẽ rút hết vũ khí nguyên tử của mình từ Cuba về nước.

Sau khi biết rõ thực hư câu chuyện này, khi quý đọc giả nhớ về cuộc khủng hoảng hoả tiễn Cuba vào năm 1962 thì đừng nghĩ rằng chính Kennedy, là người ở toà nhà Bạch ốc, đã ra quyết định, hầu tránh một cuộc chiến nguyên tử xảy ra, mà chính những quyết định đó đã xuất phát từ những con người, đang bị thiếu nước uống, bị đoạ đầy, và bị "nhốt" trong chiếc "thùng thiếc" mỏng manh dưới mặt nước biển, quyết định nên hay không để xảy ra một cuộc chiến tranh nguyên tử.

Đinh Tiến Đạo, K24



Pages