Cảm Nghĩ Sự Đời - Quê Mình, Xứ Người - Đa Hiệu Online

Monday, October 1, 2018

Cảm Nghĩ Sự Đời - Quê Mình, Xứ Người


Mũ Xanh Phạm Văn Tiền, K20

Đời sống con người ai cũng có một dĩ vãng đáng yêu và một thời kỷ niệm để nhớ. Tuổi trẻ thường hướng về tương lai và người già luôn hoài niệm về quá khứ, cái quá khứ đáng yêu biết mấy của quãng đời đầy ắp mộng mơ. Ai cũng có một thời gian nan khổ cực tưởng chừng sẽ không thể vượt qua, nhưng rồi mọi chuyện rồi cũng đâu vào đấy. Những lỗi lầm mắc phải lần nầy sẽ là những kinh nghiệm quý báu cho lần sau… Dòng đời cứ thế sẽ qua đi êm ả như nước chảy qua cầu. Có những điều mà mình tưởng như đã biết dù rất cẩn thận để tránh xa, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, dù vô tình hay cố ý, mình hoàn toàn coi như không biết gì hết, nhưng lỗi lầm luôn luôn tiếp tục xảy ra; và mỗi lần như vậy là mỗi lần ăn năn hối tiếc để rút kinh nghiệm cho lần sau.

Tôi có một ông bạn già qua Mỹ theo diện con lai, gia đình gồm 5 người con, trong đó người con trai trưởng nam là lai Mỹ đen vì bà vợ ông trước đây có làm sở Mỹ. Có lẽ vì quá thương vợ hoặc là ông thật tình không biết nên cứ vẫn nhất quyết là khi bà xã ông sinh được truyền máu của người Mỹ đen nên con ông trông giống Mỹ. Mãi đến bây giờ trong lúc nói chuyện với mọi người ông vẫn xác nhận như vậy mặc dầu hai người nay đã chia tay. Chuyện vô lý như vậy ai cũng biết nhưng chỉ mình ông không biết hoặc ông không muốn biết.

Sau gần 12 năm “được gọi là học tập cải tạo” trong các nhà tù cộng sản, cuối cùng rồi tôi cũng được thả về vào dịp Tết năm 1987. Nói là học tập nhưng chẳng học được nghề ngỗng gì cho ra hồn ngoài nghề trồng khoai cuốc đất. Bao nhiêu năm đi lính chỉ biết cầm súng cận kề hiểm nguy nên lòng lo sợ hoang mang không biết rồi đây mình sẽ làm gì để sống trong cái xã hội mới đầy dối trá lọc lừa hoặc bị đày ải lên các vùng kinh tế mới rừng núi xa xôi.

Bạn bè tôi một số ít may mắn về trước có phần sung sướng nhờ vào sự giàu có của gia đình, còn lại đa số phải sống bằng nghề xe đạp thồ hoặc bán vé số để mưu sinh. Tôi vẫn còn là người may mắn so với các bạn tù khác, vì vợ con tôi vẫn còn có được cuộc sống tương đối nhờ vào sự che chở đùm bọc của ông bà ngoại các cháu. Các con tôi vẫn được đến trường và vợ tôi nhờ thu giấu chút ít của cải còn lại để sống qua ngày.

Sau khi chiếm được miền Nam và với chính sách đánh sập tư bản, chúng tha hồ “vào vơ vét về” và độc quyền kinh doanh vàng bạc, tiệm vàng của gia đình vợ tôi bị niêm yết và hầu như bị tịch thu toàn bộ. Chuyện tư nhân mua bán vàng đã trở thành luật quốc cấm; và nếu ai vi phạm thì sẽ bị tịch thu hết tang vật và ngồi tù; vì vậy mà bọn quan tham trở thành giàu có nhờ chính sách sách cướp giật trắng trợn của dân. Biết bao người từ tư bản nay trở thành mại sản.

Biết là nguy hiểm như vậy, nhưng vợ tôi vẫn không còn cách nào để mưu sinh bằng cách lén lút sinh sống bằng nghề “bán vàng chui”, nhờ vào uy tín qua những khách hàng quen thuộc của gia đình từ trước. Người dân miền Nam đã bắt đầu lo sợ và chán ghét cộng sản, nên tất cả những gì thuộc về chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũ đều đáng quý, nhờ vậy mà chuyện làm ăn của vợ tôi vẫn còn sống tạm được qua nghề thợ bạc gia truyền.

Sự có mặt của tôi là thêm một gánh nặng cho gia đình. Bao lần chúng tìm cách đưa gia đình tôi về vùng kinh tế mới, xa xôi hẻo lánh, nhưng cuối cùng nhờ có chút tiền đút lót nên mọi chuyện cũng đều qua. Tất cả chỉ là tiền vì tiền là sức bật của lò xo, là thước đo cán công lý trong một xã hội mới đầy nhiễu nhương cướp giật.

Chúng tôi sang được một cái tiệm nhỏ ngoài chợ Cai Lậy để mua bán hàng tạp hóa sinh sống qua ngày. Hàng hóa bán đủ loại phải nhờ người mua từ Sài Gòn về thường thì giá vừa bán xong khi mua lại thì chỉ bằng tiền vừa bán. Nhưng đây chỉ là hình thức theo kiểu “treo đầu dê để bán thịt chó” được ngụy trang chính là để có chỗ mua bán vàng. Nhờ lo lót bọn công an khu vực nên chuyện buôn bán không gặp khó khăn nhiều. Phụ việc chạy hàng với vợ tôi là cô em vợ mà chồng cũng là sĩ quan được tha về cách tôi vài năm trước.

Còn tôi chỉ làm nghề ăn bám vì còn trong thời gian quản chế; vả lại cũng chẳng biết nghề gì để làm. Vợ tôi thừa biết khả năng tôi chẳng làm nên tích sự gì nên việc cứ để tôi làm nghề “cà nhổng”; ngày tối hết ăn rồi lại ngủ, trận đá banh nào của huyện đều cũng có mặt tôi. Nài nỉ mãi vì nhiều việc cần phải nhờ tôi giúp, nên cuối cùng thì tôi cũng học được nghề phân kim vàng bạc để chế biến thành vàng đúng tuổi.

Vì vốn không có nhiều nhưng khi có hàng xong là bán lại cho lái buôn để kiếm lời. Dạo ấy thị trường vàng bạc đều dễ tiêu thụ qua cửa khẩu chợ Mộc Hóa giáp Miên; thường có giá cao trên thị trường bán buôn đủ mọi hàng bất hợp pháp. Muốn vậy thì phải có xe để đi về cho nhanh, còn xe đò thì lâu và bất tiện thường bị công an khám xét. Sẵn có vốn trong tay với sự vui mừng thích thú của các con nên bà xã tôi đã đồng ý giao cho tôi theo mấy người quen về Mộc Hóa để tìm mua xe Cup. Thời gian nầy thị trường xe Cup nghĩa địa từ Nhật tràn ngập trên thị trường chợ Mộc Hóa, giá rất rẻ, chỉ cần trung bình 1 lượng vàng là được. Tôi chẳng rành gì về máy móc nên nhờ người bạn đi theo để cố vấn giùm.

Cả ngày từ sáng tới chiều chẳng có chiếc xe nào vừa ý đúng theo số vàng mà tôi đã mang theo. Dự định đi không lại trở về không; nhưng vào giờ chót nào ngờ đâu có một người thanh niên Miên trẻ lái chiếc xe Cup Cánh Én đời 1979 từ biên giới vừa qua, sau khi thương lượng hai bên đồng ý giao hàng, xe chạy thử rất tốt không có vấn đề gì. Tôi vội kết ngay vì xe được sơn hoa lá cành trông thật đẹp mắt, lòng vui sướng mang về, nhưng xe vừa về tới nhà tưởng là ai cũng vui mừng, nào ngờ khi xem xong là bà xã tôi mặt buồn so, và bảo là tôi đã mua lầm vì bà phát hiện những nơi có màu sặc sỡ là những nơi bị trầy hoặc tróc nước sơn. Điều này làm tôi trằn trọc suốt đêm không ngủ được, mua rồi biết trả lại cho ai. Nhưng rồi mọi việc cũng xong vì hên là máy xe vẫn còn chạy tốt.

Có phương tiện trong tay, tôi trở thành nhân vật chính của gia đình, thường chuyển hàng đi và về mỗi tuần vài ba lần nhưng lần nào đi bà vợ tôi cũng thường căn dặn rất kỹ lưỡng vì biết tánh hời hợt của tôi. Chuyện gì đến rồi có ngày cũng phải đến, dù tôi đã dặn kỹ lòng mình trong việc mua bán phải hết sức cẩn thận đừng tin ai. Chuyện dọc đường hay bị rải đinh gần các chỗ vá xe là chuyện thường ngày ở huyện; đành phải chịu biết than thở cùng ai!

Cho đến một ngày kia gặp chuyện không may khi tôi giao hàng cho một người chủ tiệm mà tôi đã quen biết vài lần, thường thì họ trả giá rất cao, ngồi chờ họ chạy hàng mang tiền về giao lại cho tôi. Đợi mãi từ sáng tới chiều tối không thấy tông tích họ đâu mới biết mình đã bị giật. Cuối cùng đành phải về không, chỉ còn biết kêu trời buôn bán lậu thưa kiện ai bây giờ! Sau chuyện nầy vợ tôi thật buồn và từ nay mọi chuyện mua bán để mẹ con bà ta lo, không cần tôi nữa.

Cuối cùng khoảng năm 1989 thì có lệnh cho tư nhân kinh doanh vàng bạc lại, tiệm tạp hóa của chúng tôi nay trở thành tiệm vàng; nhưng làm ăn không dễ dàng như trước vì thuế càng ngày càng tăng lên rất cao, vốn ít không cạnh tranh nổi với người ta đành phải sang tiệm lại cho người khác.

Cũng trong lúc nầy các hợp tác xã mọc ra như nấm nơi nào cũng có. Thường thì phân lời rất cao nên hầu như mọi người không còn thiết tha mua bán nữa. Ai cũng dồn hết tiền của vào đây để mong kiếm lời; nhưng chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm thì tất cả tuyên bố phá sản hết tiền, người dân thì tiền mất tật mang; còn nhà nước thì không can thiệp phủi tay vô trách nhiệm.

Gia đình tôi cũng không sao tránh khỏi nỗi buồn nầy, số tiền dành dụm đã mất đi hao hụt gần hết. Tôi lại sai lầm thêm một lần nữa là toàn bộ số tiền mang đi để đóng cho dịch vụ làm hộ chiếu đã bị kẻ xấu rạch túi xách tay đánh cắp khi chen lấn nộp hồ sơ dịch vụ tại đường Nguyễn Trãi Sài Gòn. Nhưng rồi tự mình an ủi vì trong mọi cái rủi rồi biết đâu sẽ có cái may, hy vọng ngày mai trời lại sáng!

Chuyện ra đi của người tù cải tạo tưởng như là một giấc mơ nào ai ngờ nay đã thành sự thật. Một cuộc đổi đời lịch sử cho những người lính bại trận làm bọn Cộng Sản điên đầu. Xin cám ơn Trời, cám ơn đời, cám ơn mọi người đã vận động với chính quyền Hoa Kỳ để có chương trình nhân đạo cho các tù nhân chính trị được ra đi.

Gia đình tôi theo diện HO 5, đến Mỹ vào tháng 7 năm 1991. Chỗ định cư đầu tiên là thành phố Pineville, tiểu bang Louisiana hiền hòa yên tĩnh nơi có nhiều gia đình Việt Nam đến đây trước. Chúng tôi được giúp đỡ rất nhiều bởi tình đồng hương và các nhân viên thuộc văn phòng Hội USCC nằm trên đường Main Street, có cô người Việt Nam phụ tá giúp đỡ. Chương trình trợ cấp An Sinh Xã Hội từ một năm, nay chỉ còn được 8 tháng. Gia đình gồm vợ chồng và 2 con có được cuộc sống tương đối đầy đủ mà chẳng cần phải làm thêm bất cứ việc gì. Các con tôi tiếp tục đến trường và mọi dịch vụ y tế đều miễn phí, có xe đưa rước khám bệnh đàng Hoàng, mọi người ai cũng niềm nở tử tế. Học sinh bắt buộc phải qua hết trung học phổ thông nếu không cha mẹ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Ăn trưa tại nhà trường miễn phí cho các gia đình có thâu nhập thấp…Dù phải sống đời tỵ nạn nhưng chuyện học hành thi cử ở Hoa Kỳ không bị kỳ thị và rất công bằng quan minh chính đại, đa số trong các kỳ thi tốt nghiệp thường thì các con em người Mỹ gốc Á nằm trong hạng “top ten”; trong đó có cả nhiều các cháu Việt Nam. Không có chuyện chạy mua bằng cấp để thăng quan tiến chức như nơi thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa Cộng Sản Việt Nam. Trên thế giới nầy không đâu người dân được sống đầy đủ quyền tự do bình đẳng bằng đất nước Hoa Kỳ dù là mình không phải là dân bản xứ.

Chỗ ở đầu tiên của gia đình tôi là căn chung cư Duplex gồm có 3 dãy nhà trên một đồi cao, có nhiều bóng mát nằm mặt tiền đường Shamrock, đối diện bên kia đường là dãy apartments xinh đẹp và một chi nhánh ngân hàng của nhà bank Chase. Xa chút nữa là bệnh viện Huey Long Hospital của nhà nước bề thế với nhiều bác sĩ phục vụ tận tâm. Mọi người nghèo ở đây đều được đến khám bệnh miễn phí không cần phải lấy hẹn trước.

Nhà bên cạnh tôi là một bà Mỹ đen già sống cùng với người con trai làm nghề sửa máy cắt cỏ, y tên là Arthur, người cao lớn và thật tử tế vô cùng, nhưng đã bị vợ ly dị và không được quyền lái xe bị treo bằng vì tội say rượu. Chiều nào Arthur cũng uống beer với vài người bạn của y. Arthur có tài vẽ tranh rất đẹp, những khi rảnh rỗi tôi thường ngồi xem y vẽ và những bức tranh của y đều được trang Hoàng khắp nhà. Nhiều lần thắc mắc hỏi thì y bảo chỉ vẽ chơi để giải trí chứ không trưng bày bán cho ai.

Thấy bạn bè đến trước ở đây ngày nào cũng có việc làm ở các vườn ươm cây ngoài thành phố; tiền bạc họ kiếm được khá nhiều thúc đẩy lòng ham muốn của gia đình tôi. Muốn như vậy thì phải có phương tiện trong tay không thể nhờ người khác giúp hoài được.

Nhờ tiền dành dụm và vay mượn bạn bè chỉ 1 tháng sau là tôi đã mua được một chiếc xe Pontiac 4 máy đời 1987. Ở đời có những việc tưởng ra rất dễ nhưng thật tình mình không biết gì hết. Hôm nhận xe về mừng quá nhìn bánh xe thấy hơi mềm, tôi bèn chạy ra cây xăng gần nhà để bom cho cứng. Khi xong, lái về nhà chừng vài phút sau thì nghe tiếng nổ thật to, vội vàng chạy ra xem mới biết là bánh xe bị bể lốp; nhờ Arthur tôi mới biết là tôi đã bơm quá mức số lượng “air” ấn định.

Một lần khác lái xe thăm người bạn bên thành phố Alexandria, khi về vì trời tối tôi bị lạc đường, chạy loanh quanh bất kể đường một chiều hay đã có bảng cấm, cả đoàn xe cảnh sát bao quanh quay đèn báo động; quýnh quá tôi mở cửa xe nhảy ra ngoài dơ tay cầu cứu. Nhìn thái độ hốt hoảng của tôi nên họ biết tôi là người mới đến nên thay vì cho tôi giấy phạt thì cuối cùng họ vẫn tử tế hướng dẫn tôi về đến nhà. Chuyện nầy chỉ xảy ra ngày ấy chứ bây giờ coi như tôi bị toi mạng từ lâu rồi!

Hơn một tuần lễ sau đó, tôi lại sai phạm thêm một lần nữa vì cứ tưởng như mình còn ở Việt Nam. Nhà cửa mới dọn xong, quần áo rác rưới dơ bẩn tôi đã bỏ vào bao để phía sau nhà cho xe rác đến chở mỗi tuần 2 lần. Một số giấy tờ sách báo còn lại tôi bèn gom lại ở phía sau sân nhà dùng lửa để đốt giữa trời nắng chang chang, khói lên nghi ngút, cứ nghĩ là chẳng có gì xảy ra. Nào ngờ chỉ vài phút sau là có còi hụ của 2 xe cảnh sát báo động cùng chạy đến ập vào nhà tôi, hồn vía lên mây sẵn chậu nước đã chuẩn bị sẵn kế bên tôi kịp thời dập tắt đám lửa. Lần nầy không giống như lần trước, tôi lại bị lãnh giấy phạt cảnh cáo. Lúc bấy giờ tôi mới thấm thía câu nói của ông bà ta đã dạy: Sống ở trên đời cái gì cũng phải học: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”!

Thành phố Pineville và Alexandria chỉ cách nhau qua một chiếc cầu nhỏ mà sinh hoạt lại khác nhau. Alexandria cho bán rượu beer còn Pineville thì bị cấm; còn ở cấp tiểu bang thì luật lệ mỗi nơi một khác; có chuyện tiểu bang nầy được phép còn tiểu bang khác thì không; chuyện khó tin nhưng có thật!

Không lâu sau từ khi có xe, nhờ mấy người đi trước hướng dẫn, tôi đã có việc làm ở các vườn ươm cây mà công việc thường ngày là trồng cây và nhổ cỏ. Lương được trả theo giờ, cuối tuần ngoài giờ học các con tôi cũng theo tôi làm thêm nên đã có dư một số tiền gởi về cứu đói bà con anh chị còn lại ở quê nhà.

Công việc làm ở đây không có gì bảo đảm, chỉ sống được là nhờ vào việc thuê mướn ở các vườn ươm cây vào mùa hè, còn mùa đông thì coi như thất nghiệp. Cả thành phố không có một hãng xưởng nào để xin việc làm, chỉ duy nhất có một xưởng may hoạt động vài tháng sau thì đóng cửa. Trong vòng nửa tháng sau chúng tôi mua được chiếc máy truyền hình mới toanh tại tiệm Sam với giá $500 có luôn phần thâu phát âm băng nhựa. Nhiều đêm nằm ngủ nằm mơ thấy mình còn tại Việt Nam đang bị công an đến xét nhà hay những ngày lao động vất vả chăn trâu dưới cơn mưa tầm tã của mùa đông đất Bắc, khi tỉnh dậy quờ quạng xung quanh lòng mừng rỡ mới biết mình đang sống sung sướng nơi xứ người.

Lần đầu tiên gia đình tôi được người bạn là một cựu bác sĩ thuộc gia đình mũ đỏ mời đi ăn tại một restaurant của Tàu. Sau khi ăn xong khi trả tiền ông bạn tôi chỉ đưa cho người tính tiền một tấm thẻ mà không thấy tiền làm tôi cứ thắc mắc hoài. Khi được hỏi thì ông bạn tôi chỉ cười trừ: "Sau nầy rồi ông sẽ biết (credit card)."

Qua trung gian của một vài bạn cùng quê đi trước, gia đình tôi quyết định di chuyển về thành phố Arlington,Texas. Lúc bấy giờ nghề may ở đây rất thịnh hành, hầu hết các chủ shop may là người Việt Nam. Vì đã có chuẩn bị trước khi đi, nên chuyện hội nhập vào nghề nầy rất dễ dàng, chịu khó làm bao nhiêu cũng có. Còn tôi thì nhờ người bạn trong cùng đơn vị ngày xưa xin được vào làm ở hãng.

Từ xưa đến giờ tôi chưa bao giờ quen tay xử dụng kềm búa, thời gian tù tội chỉ quen dao rựa cuốc xẻng mà thôi. Nhưng rồi cũng đâu vào đó, chịu cực khổ học hỏi rồi cái gì cũng xong. Tù tội cực khổ đói rách đã quen, bây giờ chịu khó việc gì làm coi cũng dễ. Nhờ dành dụm và chịu khó khoảng đầu năm 1993 là gia đình tôi đã đủ tiền để “down payment” cho một căn nhà và chỉ 2 năm sau đó thì dứt nợ ngân hàng. Lúc bấy giờ thị trường nhà đất rất rẻ dễ mua. Hơn 20 năm tôi chỉ làm một hãng duy nhất cho đến tuổi hưu và căn nhà tôi mua vẫn còn ở tới bây giờ.

Tôi vào làm ở hãng TFI, chuyên môn sản xuất đủ loại ống đồng cho toàn các hệ thống máy lạnh ở tận mãi thành phố Carrollton Dallas Texas; đi và về 50 dặm mỗi ngày. Bắt đầu lương công nhân tối thiểu cứ thế mà mò lên được chức “Set Up man”, có dư chút ít tiền nhờ vào chương trình 401k của hãng.

Để vững tâm là tiền mình sẽ không bị mất tôi chọn vào chương trình bảo đảm, lời ít nhưng chắc ăn. Khoảng 10 năm sau tiền dành dụm nay đã khá vì thấy lời nhiều hơn, tôi bắt đầu mua cổ phiếu (stock). Thời kinh tế thịnh hành nên tiền cổ phiếu ngày một lên vốn, cho đến một ngày kia gặp lúc hãng làm ăn trì trệ nên tôi đã quyết định ngưng đúng lúc. Biết bao người hầu như mất trắng khi giá cổ phiếu xuống tận đáy vào lúc kinh tế toàn cầu khủng hoảng năm 2008.

Nếu một ngày đẹp trời nào đó, bạn được nhân viên nhà Bank nơi bạn gởi tiền gọi phone mời bạn đến gặp họ để đầu tư vì thấy tiền trong chương mục của bạn hơi khá nhiều tiền; bạn nên dứt khóat từ chối ngay vì thường chẳng bao giờ có lợi cho bạn. Họ đưa ra một sơ đồ như dãy núi Hy Mã Lạp Sơn chạy dài từ thấp lên cao để dụ khị bạn vào những chương trình đầu tư thật hấp dẫn, nhưng khi bạn đã đồng ý với họ rồi thì tiền bạn vừa gởi sẽ bị mất hụt một số ngay từ đầu vì công họ đầu tư cho bạn. Cuối năm dù bạn đã thấy tiền mình bị hao hụt đi, nhưng bạn vẫn phải khai thuế những khoản tiền lời, còn phần thua lỗ không được trừ thuế. Chỉ khi nào bạn nghỉ hẳn thì mới được quyền khai bù vào số tiền bạn mất. Thường thì bị thua thiệt về phần mình nhiều hơn. Cho chắc ăn bạn cứ giữ tiền mình trong các chương mục bảo đảm là an toàn nhất.

Bài bạc ở Mỹ tuy bị cấm nhưng lại hợp pháp ở các sòng bài “casino” mà hầu như tiểu bang nào cũng có; không ít người bị trắng tay thậm chí đi đến chỗ buồn phiền tự tử. Các trò chơi thể thao” cá độ quanh năm”; ai vướng vào thì từ chết tới bị thương vì như ông bà ta đã dạy ”Cờ bạc là bác thằng bần”. Vào cuộc chơi rồi thì đam mê khó mà ra khỏi được… Xứ mình chuyện vay tiền rất khó và thường bị đóng phân lời cho chủ nợ rất cao… Còn ở xứ Hoa Kỳ nầy họ nài nỉ mình vay tiền, không những thế mình còn được hưởng thêm một ít tiền (cash reward) qua hình thức Credit Card nếu mỗi tháng mình trả tiền đúng hạn; khi mình có điểm tín dụng tốt còn gì sung sướng hơn!

Chuyện quê mình, xứ người còn biết bao nhiêu điều để nói, nhất là giai đoạn cuối cùng của một đời người. Có những chuyện mình nghĩ không ra nhưng đó là sự thật. Người đi làm đóng thuế dư một ít tiền khi về hưu thường mang tâm trạng lo lắng hơn người chẳng bao giờ đi làm. Họ không được hưởng đầy đủ quyền lợi chăm sóc y tế khi vào ra bệnh viện. Suy cho cùng lúc về già trắng tay là sướng nhất, mọi việc có chính phủ lo, khỏi làm phiền con cháu. Chuyện chỉ xảy ra riêng tại đất nước Hoa Kỳ.

Mũ Xanh Phạm Văn Tiền, K20


Pages