Tôi Chỉ Còn Nhớ Một Cửa Ô Thôi - Đa Hiệu Online

Friday, July 19, 2019

Tôi Chỉ Còn Nhớ Một Cửa Ô Thôi


Trần Văn Thư, K13
(Quân Cụ Đạn) 

Ngày 20-7-1954 đất nước bị chia đôi, thi sĩ Vũ Hoàng Chương cùng đa số Văn Nghệ Sĩ và hơn một triệu đồng bào Miền Bắc đã di cư vào Miền Nam Tự Do.

Các Văn Nghệ Sĩ di cư trong những năm đầu đã sáng tác nhìều Văn, Thơ, Nhạc để nhớ về Hà Nội với Năm Cửa Ô xưa, trong số đó có Thi S ĩ Vũ Hoàng Chương cũng nhớ về Hà Nội có "Hồ Gươm sóng lụa bờ tơ liễu, Hàng Trống Hàng Khay rộn bước người." Nhưng rất tiếc sau khi Việt Gian Cộng Sản (VGCS ) qua tay Trí Quang, Đức Nghiệp, Dân Biểu thân cộng Lê Công Hoan…v….v... đã “đốt Vị Chân Tu: Thượng Toạ Thích Quảng Đức” thì sau đó Thi sĩ Vũ Hoàng Chương cuả chúng ta đã sáng tác bài thơ “Lửa Từ Bi” để cảm thuơng Cố Thượng Toạ.

Là một Phật Tử thuần thành, tính tình hiền thục, thi sĩ không thấy được cái quỉ kế và man rợ cuả giặc, giết một Thượng Toạ Chân Tu lại cao tuổi. Trước khi đưa lên xe chúng đã cho Ngài uống thuốc độc để không còn lý trí hay kịp phản ứng, vì thế, vô hình chung bài thơ này như đổ dầu vào lửa, khiến chính tình miền Nam trở nên rối rắm thêm.

Thế rồi ngay sau khi Miền Nam bị Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm vào cuối tháng 4 - 1975, thì số phận hầu hết các Văn Nghệ Sĩ cuả ta bị liệt chung vào nhóm “Biệt Kích Văn Nghệ“ và chúng ghép tôị là đã phổ biến “Văn Hoá Phẩm Đồi Truỵ“, và rồi tất cả bị tù đày từ Nam ra Bắc trong những vùng rừng thiêng, nước độc. Điển hình là nhà Biên khảo Nguyễn Mạnh Côn (Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử), nhà Sử học Trần Văn Sơn (Lịch Sử VNCH và Quân lực VNCH), Thi sĩ Hà Thượng Nhân …v…v… dĩ nhiên, thi bá Vũ Hoàng Chương cũng không là ngoại lệ. Các tác phẩm văn nghệ, học thuật và tinh hoa cuả Miền Nam chúng ta bị thiêu rụi không thương tiếc dưới ngọn lửa đỏ hận thù cuả bạo quyền Cộng Phỉ phương Bắc.

Trong khi bị tra vấn ở nhà giam Phan Đăng Lưu và sau đó bị nhốt ở khám Chí Hoà, thi sĩ bị đầy ải, đói và bệnh khiến sức khoẻ suy kiệt tận cùng, nên giặc cho về, nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó thì thi sĩ qua đời.

Cố Thi Sĩ Vũ Hoàng Chương cuả chúng ta khó có thể mỉm cười nơi Chín Suối. Hôm nay, một người học trò đã đuơc Thi sĩ dạy môn Việt Văn ở bậc Trung Học từ Bắc vào Nam, xin đốt nén hương lòng để tưởng nhớ Thầy.

oOo

Trở lạị chính tình Miền Bắc sau Hiệp Định chia cắt Giang Sơn vào ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hồ và lâu la đã hạ quyết tâm áp đặt bạo lực sắt máu xuống phần nửa Quê Hương do chúng thống trị.

Độc kế đầu tiên là “Di dân và đổi vùng sinh sống” từ thành thị tới thôn quê, thủ đô Hà Nội  không là ngoại lệ. Chẳng hạn đa số dân các tỉnh mà Việt Gian Cộng Sản (VGCS) nghi ngờ, không tin cậy và cho là nguy hiểm thuộc vùng châu thổ như Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Bùi Chu, Phát Diệm, Hà Nam, Phủ Lý ...v...v... phải dời cư đến Hoà Bình, Nho Quan, Chi Nê, Chợ Trào (rừng thiêng, nước độc). Riêng các vùng gần Hà Nội, Gia lâm và phụ cận phải dời cư lên Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao bằng …v...v... thay thế vào đó là dân cuả các miền khác.

Vì lý do địa lý, thổ ngữ, cách phát âm có phần khác biệt, nên giọng nói cuả người Hà Nội, vang bóng một thời trước tháng 7 - 1954, chỉ còn lại rất ít, hay không còn nữa.

Sau ngày Toàn Quốc Kháng Chiến 19-12-1946 phải tản cư vào Rừng Thông, Phủ Quảng, Cầu Bố, Thanh Hóa, lưu lạc  gần 3 năm, nên cuối cùng gia đình tôi phải hồi cư về Hà Nội vào giữa năm 1949. Sau gần 6 năm ở đây chưa thể mang danh là người Hà Nội, nhưng trong tôi ắp đầy kỷ niệm với đất Thăng Long Ngàn Năm Văn Vật.

Từ anh nhóc mới học xong  lớp Đệ Thất đến khi “trổ mã” sau khi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp. Ở lớp Đệ Tam, tôi bắt đầu biết “đá lông nheo" và bắt đầu… “vỡ tiếng“.

Cũng như cùng trang lứa dù Nam hay Nữ, các thiếu nữ ở tuổi “dậy thì“ mộng mơ và bâng khuâng vô cớ... rồi họ  yêu hoa, bắt bướm. Là “Nam nhi chi chí“ tôi cũng  bắt đầu… ”yêu thầm, trộm nhớ“… kể cả sắp biết thế nào là “tương tư”.

Phố phường Hà Nội nơi nào tôi cũng thuộc, chốn nào tôi cũng thân quen.

Còn “Năm Cửa Ô xưa“ ư ? Làm sao mà quên cho được ?

Này nhé :

- Ô chợ Dừa: có Gò Đống Đa, có dân nghèo ấp Thái Hà, họ trồng rau cải ngập bờ Thành Đô, có phố Khâm Thiên với nhiều nhà Hát Cô Đầu, khi đó tôi chưa đủ…lớn để được làm quen với tiếng trống tom, tom, chát …,  tiếng phách khoan nhặt, tiếng đàn tranh và giọng ca thánh thót cuà các Ả Đào... đã khiến các Cha, Chú chúng ta một thời mê mệt đươc hưởng thú Yên Hoa.

- Ô Cầu Dền: người dân tất tả quanh năm, suốt tháng lo sinh kế với buôn thúng, bán bưng…và có các thửa ruộng trồng hoa muôn mầu sắc, đem vào thành phố bán trong các dịp Tết nhất, đình đám, hội hè…

- Ô Quan Chưởng: chỉ còn trơ trọi một cửa thành cũ kỹ bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, đối diện Toà Thị Chính như là dấu ấn ngàn xưa còn nhắc nhở cho đến ngàn sau “Mối Tình Thế Kỷ“ cuả Tướng Quân Trần Khắc Chân (không biết là tiền bối bao nhiêu đời cuả Trần Khắc Đản - bạn cùng Khoá và đương kim ĐDK 13 cuả tôi hay Cựu SVSQ Trần Khắc Thuyên K16 Cựu Tổng Hội Trưởng TH/CSVSQ/TVBQGVN? Xin nhị vị xác định dùm cho anh em thơm lây) được phái đi giải cứu Huyền Trân Công Chúa sắp bị lên giàn hoả sau khi phu quân là Vua Chiêm Thành băng hà.

Ròng rã cả tháng trời trên chuyến thuyền qui cố hương, “mối tình thế kỷ và những giờ phút mây mưa“ chắc chắn phải tới, lửa gần rơm giữa cặp trai tài, gái sắc là điều xẩy đến theo lời đồn đại cuả dân gian hồi bấy giờ, hay đoán già, đoán non cuả hậu thế (chúng ta ngày nay) vì “sự kiện“ ấy  hội đủ ba yếu tố: Thiên thời: trăng thanh, gió mát... Điạ lợi: cảnh vật  dọc bờ biển Tổ Quốc lại rất ư là thơ mộng. Còn Nhân Hoà: thì ôi thôi… Vua cha khi cử tướng quân đi đón Công Chuá, Ngài cũng dự đoán chuyến thuyền đón Công Chuá như Thuyền Hoa hay Thuyền Tình, làm sao tránh khỏi và Thuỷ Thủ Đoàn đâu dám bén mảng tới Khoang Riêng đã  được dành !!!

Cũng vì giai nhân mà Phạm Thái đã kêu Trời như bọng khi bắt gặp sóng mắt cuả Trương Quỳnh Như mới “tạm đá lông nheo“ thôi, mà đã phải thốt lên: “Hỡi ơi chí lớn trong thiên hạ, Đong lại không đầy mắt mỹ nhân“… Cũng chỉ là chuyện nhỏ, vì còn có anh thi sĩ ngày nay đã ví von nghe mùi hơn nữa: “Mắt em là cả Hồ Thu, Hồn anh lạc nẻo trong Hồ Mắt em !!!" Nước trong hồ mà gió thu chỉ hiu hắt thoáng qua, đâu thể tạo nên những dợt sóng dữ đến nỗi làm hồn anh ta chới với, quay mòng mòng vì bị ái tình vật vã. Chưa hết, còn có anh vô danh tiểu tốt nào đó đã tự ví mình và tuyên hứa với người yêu trong mộng: ”Nếu là Vua: Anh sẽ dâng em cả Ngai Vàng… Nếu là Bạo Chuá: Anh sẽ hiến em cả Giang San“. Vừa vừa thôi cho anh em nhờ...

Ôi chu choa !!! Ái tình mãnh liệt như thế, nên chúng ta rất thông cảm cho Tướng Công và Công Chúa trong chuyến Thuyền Hoa định mệnh này.

Cho dù đến nay còn đồng vọng mãi phong dao:

“Châu Ô, Châu Lý vuông ngàn dặm
Một gái thuyền quyên giá mấy mươi !!!“

Quả thật,  Phụ Vương đã vì muốn mở mang  Quê Hương, bờ cõi nên phải gả Công Chúa cho Vua Chiêm Thành cuả giấc mơ... Nam Tiến sau này.

- Ô Đông mác:  nhà tranh san sát, có rạp chiếu bóng Đại Nam trong phố Đồng Khánh (kéo dài tục gọi là phố Huế), và xa nữa là vùng Phà Đen tĩnh lặng, cuộc sống bình dị, không bon chen, tấp nập, xô bồ….

Cuối cùng là Ô Cầu Giấy: Cửa Ô này đã vật vã đời tôi thuở ấy….

Có Chùa Láng ẩn vòm cây,
nắng lên soi bóng đường gầy,
tiếng chuông chiêu mộ ngày ngày nhẹ buông...

Có con đường Hàm Nghi dẫn đến nhà Nàng, có cái thư viện nhỏ do Dược sĩ Thẩm Hoàng Tín bảo trợ, có sân vận động SEPTO mà anh Võ sĩ Vĩnh Tiên dạy quyền Anh ở đó, có thằng bạn cùng Khoá 13 sau này là Hoàng Trung Liêm hay đến tập. Cái Cửa Ô dẫn đến Ngọc Hà, Kim Mã cuả bến xe đò đi Sài Sơn, Bương Cấn, Sơn Tây, nơi chôn nhau, cắt rốn cuả Tướng Kỳ, Tướng Khang và Tướng Đạm.

Sở dĩ tôi phải nhớ đến cái Cửa Ô này vì mỗi chiều sau khi tan học, “rề rề“ đạp xe theo sau…một nữ sinh cùng lớp, cho đến khi Nàng khuất sau cánh cổng sắt rất ư là kín cổng cao tường , đúng nghiã cuả ngôi biệt thự có chó “bẹc giê“ canh giữ. Dĩ nhiên sau đó “mình ên“ đạp xe rất ư là thong thả ra về. Khi đó chưa có bản nhạc “Ôi Ta buổn Ta đi lang thang  bởi vì đâu, ..tâm tư chất chứa …bao la sầu“, cũng chưa có quyển truyện “Bonjour Tristesse” của Francois Sagan, cũng chưa có bản "Nỗi Buồn Gác Trọ”… trong lòng ruột rồi như tơ vò, tự hỏi “vì sao đêm đêm tôi buồn…???” Rồi nhớ đến 2 câu thơ của Nguyễn Bính làm tôi “rất thấm“ theo thể “tự sướng“ cuả ngôn ngữ bây giờ “Nắng mưa là bệnh cuả Trời… Tương tư là bệnh cuả tôi yêu Nàng...”

Thật là lãng xẹt! Tôi theo Nàng, Nàng thỉnh thoảng cũng ngoảnh lại, nhưng bốn mắt nhìn nhau, không dám nói một câu… để đến bây giờ tức khí nhớ lại cái Cửa Ô đã tự TÔI làm khổ MÌNH ở cái tuổi “Nữ thập tam, Nam thập lục“  là “tuổi Nữ dậy thì, Nam vỡ tiếng“. Nữ có đôi bồng đảo gọi mời, có những sợi lông măng trên đôi tay mịn màng khiêu khích, hay nụ cười đài các và quyến rũ cuả phái Nữ ở tuổi trăng sắp… tròn, vì lúc đó tôi và Nàng học cùng lớp, cả hai đều ”thập lục tuế“ nghiã là cùng tuổi … mới lớn... như nhau !!!!

Bị dằn vặt không ít, suýt nữa là trượt vỏ chuối kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp trước đó. Ồ !!! Thì ra là tôi đã biết TƯƠNG TƯ  !!! ????

Vì thế, tôi phải trả nợ ĐỜI cho bõ GHÉT, phải không THÁI THỊ DIỄM THUẦN !!! Trái táo thơm, ngọt Eva mà Adam không hái được …..Thật tiếc !!!!

Hôm qua cùng đi học về
Xe Nàng đi trước, tôi “rề“ theo sau
Bỗng đâu trời đổ mưa mau
Áo dài ướt đẫm, phô sau lưng trần
Quần trắng lại mỏng, dính ... chân
Mờ mờ, ảo ảo tấm thân … ngọc ngà

Ngắm Nàng lòng Ta “xuýt xoa“…
Muốn KÈ gần chút… gọi là… làm quen
Nhưng Nàng ngó lại ”không thèm…” (đồ phải gió)
Dù hai đứa cũng ... ướt mèm như nhau

Vừa mới “ra quân“ lần đầu..
Tình si một mối ... biết đau ... biết buồn.


Trần Văn Thư, K13



Pages