Những Sự Việc Khó Quên Trong Thời Binh Lửa - Đa Hiệu Online

Friday, June 7, 2019

Những Sự Việc Khó Quên Trong Thời Binh Lửa


Tưởng nhớ, truy niệm và Vô Cùng Thương Tiếc cố Thiếu Úy Lê văn Tấn, Trung Sĩ I Nguyễn Văn Tường, Trung Sĩ I Võ Văn Quang, Trung Sĩ Lê Văn Thơm, Hạ Sĩ I Trương Văn Hoàng, cùng các quân nhân đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Căn Cứ Thành Tuy Hạ. Thương tưởng về các thương binh can trường quyết chiến, nên đã mang thương tật. Chia xẻ niềm đau với các Cô nhi, Quả phụ của các Anh Em tôi, đã ngủ yên trong lòng Quê Mẹ vào giờ phút chót, trong những ngày cuối Lửa Đạn, Binh Đao.

Thùy Châu - Thành Tuy Hạ

Thưa Quý Huynh Đệ,

Theo lệnh, tôi phải bàn giao Tổng Kho Đạn Bình Thủy (Cần Thơ) cho Trương Minh Đức vào Giáng Sinh 1972, nhưng gạo trắng, nước trong và các em gái Tây Đô kiều mị đã khiến tôi bịn rịn khó rời. Mãi đến ngày 28-12-1972 tôi mới dứt áo ra đi được, để về lại “chốn cũ, rừng xưa” lần thứ hai, và cũng là lần cuối đời binh nghiệp, nơi tôi và 10 bạn cùng K13 về trình diện Thiếu Tướng Nguyễn Văn Ưng vào cuối năm 1959 sau khi du học lần thứ nhất từ Mỹ trở về. Đến nay, kẻ còn người mất theo kiếp nhân sinh.

Lệnh miệng của Cục gọi tôi (qua Đại Tá PVT, Niên Trưởng K3 Võ Bị) vào chiều 18-12-1972 và sáng 19-12-1972 là lệnh tiếp theo của Đại Tá Cục Phó LNA (K1 Thủ Đức) ra lệnh cho tôi phải về trình diện gấp. Lệnh Thuyên Chuyển và Lệnh Bổ Nhiệm sẽ được điều chỉnh sau.

Tôi đã trễ lệnh mất 3 ngày. Biết là lệnh khẩn và tôi phải thi hành gấp, song le, thượng cấp cũng thông cảm và tha phạt, vì tôi cần ít ngày để thu xếp bàn giao công việc ở Bình Thuỷ cho Đức.

Người cựu Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Thành Tuy Hạ lãnh “30 tờ lịch”, ra đi không được thơ thới, hân hoan cho lắm, và trong lòng tôi cũng rối như tơ vò. Trong đời binh nghiệp, tôi sinh ra “dưới ngôi sao xấu”, con “Ngựa Chứng của Ngành Đạn Dược” chưa được phép mỏi gót chân bon.

Từ Đà Nẵng tưởng được về Nha Trang, nhưng không, phải lên Ban Mê Thuột, rồi xuống Cần Thơ, nay trở lại Thành Tuy Hạ cũng chỉ … “một mình ên” với con chó nhỏ và chiếc ba lô. Không bao giờ có lễ Bàn Giao, bởi lý do này hay nguyên nhân khác, các vị Chỉ Huy tiền nhiệm đã rời nhiệm sở trước khi tôi đến.

Về đây, tôi coi như định mệnh, thành bại là cơ hội, và hồ sơ Quân Bạ sẽ đen ngòm hay được bạch hóa, tuỳ thuộc vào tương lai.

Dù trong đầu đang ngổn ngang trăm mối, sáng chào Quốc Kỳ đầu tiên trên đồi Vụ Quang (địa danh nơi khởi nghĩa của Thánh tổ ngành Quân Cụ, Phan Đình Phùng) có kỳ đài cao vợi của căn cứ. Trong giây phút hội ngộ xúc động ấy, tôi đã nghẹn lời nên chỉ thốt được đôi câu để trấn an Quân, Dân Chính dưới quyền, trong tình huống mà tinh thần họ còn giao động bởi biến cố vừa qua.

Qua máy âm thanh khuếch đại, tôi ngắn gọn vài lời: “Tôi mừng được gặp lại anh chị em, trở lại nơi đầy ắp kỷ niệm của thuở đầu đời binh nghiệp và nhất là bài học vỡ lòng về Tình Yêu Tổ Quốc mà Trường Võ Bị đã dạy tôi. Vì thế, Quân Đội và Căn Cứ này là gia đình của chúng ta. Trở lại mái nhà xưa, mong mọi người hãy cùng tôi hàn gắn đổ vỡ, quyết tâm chấn chỉnh lại.”

Trưóc khi dứt lời tôi xác quyết: “Chúng ta không dung thứ kẻ nộị tuyến và cũng không cho phép bọn Đặc Công Việt Cộng mò vào đây nữa. Nhưng nếu mà chúng đã trót phải chui vào thì phải nằm lại, không được phép và không thể chui ra.”

Vì thế, bây giờ tôi xin hầu chuyện cùng Quý Huynh Đệ lời hứa và xác quyết của tôi. Tóm gọn mà thôi, vì bài viết về chống Đặc Công khá dài và chi tiết (từ trang 46-52 trong ĐS số 16-2005) theo thứ tự ưu tiên sau đây:

“ĐOÀN 10 ĐẶC CÔNG THUỶ BỘ CỦA TÊN THƯỢNG TÁ LÊ BÁ ƯỚC (tức Bẩy Môn) và THUỘC HẠ PHẢI GHI TÂM KHẮC CỐT: DÙ BỊ VC CẤY CĂM THÙ, NHƯNG KHÔNG CHO PHÉP CHÚNG COI THƯỜNG ANH EM CHÚNG TÔI.”

Tôi bắt tay ngay vào việc, chạy đua với tốc độ tối đa, làm cho địch bị bất ngờ:

  • Về An Ninh Nhân Sự: thanh lọc kỹ để khám phá ngay bọn nội tuyến, nhất là cũng lưu ý hơn 100 Lao Công Đào Binh biệt phái đến để khuân vác đạn dược và các tạp dịch khác. Thành phần này là lũ “Ma đưa lối, Quỷ dẫn đường” cho Đặc công, nên rất nguy hiểm.
  • Tăng cường phòng thủ mỗi đêm: Có một Sĩ Quan cấp Tá từ Cục hay BCH 3 Tiếp Vận xuống cùng đi tuần soát vòng đai ngoại vi suốt đêm với tôi, khoảng trên 100 quân nhân của các đơn vị Quân Cụ từ Saigon xuống canh gác Quân Cảng ban đêm, cùng các đơn vị tăng phái thường trực và cơ hữu dưới quyền (một tiểu đoàn Địa Phương Quân canh gác, 4 quân cảnh và 2 cảnh sát khám xét các cổng ra vào, Chi An Ninh Quân Đội, 2 trung đội Quân Khuyển, 1 đại đội Tuần Giang An Ninh Quân Cảng, 6 người nhái, 2 thiết vận xa M113, 2 súng cối 4.2’’ và khi cần, xin Quân Đoàn 3 cho trực thăng đến soi sáng ban đêm, nếu có biến.
  • Thay đổi toàn bộ lập tức để “phi quy luật về canh gác”: Hoán chuyển ngay các đơn vị phòng vệ, vì trong số các đơn vi này cũng như quân nhân cơ hữu của Căn Cứ có thể có những phần tử làm nội tuyến cho giặc. Đặt các tiền đồn báo động và phục kích nhỏ từ xa, trên các hướng mà đặc công có thể xâm nhập (đêm đưa đi trễ, gần sáng đón về sớm, luôn luôn thay đổi giờ giấc và địa điểm, để che mắt, đánh lừa trinh sát địch. Ban ngày chúng chầu trực, rình rập, ngụy trang qua các kẻ chăn trâu, cắt cỏ, mò cua, bắt ốc…). Áp dụng phương thức canh gác mới để diệt đặc công (gác quay mặt vào bên trong và phiên gác không quá nửa giờ, cấm ngồi, không cần đi giầy, đốc canh tuần liên tuc, đổi vùng trách nhiệm canh gác mỗi đêm không cho nội tuyến hẹn đặc công, súng cẩm tay, không cần đội mũ sắt, phải có bi đông đầy nước uống để không ngủ gục, treo giải thưởng bằng tiền mặt, nghỉ phép hay thăng thưởng, nếu bắn hạ đưọc dù là thú vật hay đặc công ngay tại chân hàng rào (luôn làm sạch cỏ, để quân canh dễ dàng quan sát).
  • Tăng cường hệ thống ánh sáng chân hàng rào tôn (biến chế giữa 2 cột đèn).
  • Tăng cường các chướng ngại vật: Trên, trong và ngoài vòng đai (mìn bẫy, cây mắc cỡ, niền thùng tạo âm thanh, ngỗng, đường cho quân khuyển chạy dọc hàng rào, mìn chiếu sáng…
  • Ủi rộng đường tuần soát vòng đai và chung quanh các bãi mìn.
  • Xe gắn đại liên, M79, đèn rọi tuần tiễu xa vòng đai, rừng chồi, rừng cao su, tác xạ tự do vào những điểm nghi ngờ.
  • Ghe chèo: một chèo, một rọi đèn, một xâm lục bình và một xạ thủ, dọc quân cảng.
  • Đài Quan sát do Pháp xây cất cao khoảng 30 mét được đặt 1 địa bàn lớn bằng gỗ, có toán quan sát ban đêm để theo dõi, gióng hướng và ước lượng tầm xa nếu bị pháo kích.
  • Rải truyền đơn tại các vùng Bầu Sen, Bầu Cạn, Bầu Lòng, Hang Nai, Vũng Gấm, Long Tân, Phước Thiền, Phú Thạnh, Phú Hữu, Ông Kèo, Xoài Minh, Phú Hội, Vĩnh Thạnh và phụ cận… cho Đoàn 10 Đặc Công Thuỷ Bộ của Đoàn Trưởng kiêm Chính Ủy Lê Bá Ườc biết về tiểu sử và nhiệm vụ của tôi là phải bảo vệ Căn Cứ Thành Tuy Hạ bằng mọi giá.
  • Đơn vị trực chiến được huấn luyện phản ứng nhanh khi có biến, cùng 2 thiết vận xa sẵn sàng. Điển hình là tôi thoát chết trong đường tơ, kẽ tóc trong một cuộc phục kích. Hôm đó Đại úy Vũ Tiến Thuẫn cùng Trung Đội ứng chiến đến tiếp cứu kịp.
  • Thường xuyên tập Báo Động Giả qua còi hụ khuếch đại và liên hồi, cần cho các đơn vị tập họp nhanh chóng và sằn sàng phản ứng kịp thời.
  • Ban đêm các toán với quân khuyển lục soát liên tục nội vi và ngoại vi. Chúng tôi cũng lấy đêm làm ngày như Đặc Công của giặc cho chính chúng tôi phải áp dụng như vậy… Ngoài ra, mỗi buổi tối họp tham mưu, sau khi các cổng thành đã đóng và thiết quân luật, nội bất xuất, ngoại bất nhập, kể cả cấm di chuyển ngoài vòng đai.

Trước Sa Bàn lớn và phóng đồ khuếch đại trong phòng thuyết trình, tôi đều đặt câu hỏi với anh em: “Đêm nay địch sẽ làm gì?” chúng tôi cùng thảo luận, giải đáp hầu liệu  phương thức đối phó.

Bây giờ, sau thời binh lửa, Ta và Địch có thể tiết lộ hết bửu bối, đấu trí của nhau.
(Qua các tài liệu, dữ kiện và hình ảnh của địch do Hà Minh Châu, K29 sưu tập và đính kèm).

Dân gian và tục ngữ có câu: “Kẻ Cắp và Bà Già gặp nhau”, hay trong thực tế cần nói lại cho đúng: “Kẻ cướp (Đặc công) và Ông … chưa già Quân Cụ Đạn đấu trí nhau”. Nhưng Ông… chưa già khi đó mới ở tuổi hơn … con Dê một tí (36 tuổi vào năm 1973), đủ lớn khôn theo tuổi chiến trường và kinh nghiệm của 19 năm quân ngũ.

Đầu năm 1973, Lê Bá Ước tức Bẩy Môn tuy nhận được truyền đơn nhưng coi thưòng chúng tôi, vì Thành Tuy Hạ là cái Căn Cứ Bom Đạn và kho Xăng Nhà Bè (ám chỉ luôn Kho Xăng Quân Đội Thạnh Mỹ An) mà chúng đã thuộc nằm lòng địa thế và nắm trong lòng bàn tay. Trong bài tự thú của các văn nô Vũ Oanh, Mạnh Thắng và Trung Thành (trích đoạn nguyên văn):

 “… Cuối năm 1972, giữa lúc Hội Nghị bốn bên ở Paris bàn về chấm dứt chiến tranh VN, Đoàn 10 nhận khẩn lệnh: Bằng mọi giá, lập tức phải đánh bằng được kho xăng Nhà Bè và Tổng Kho Bom Đạn Thành Tuy Hạ để tạo thế trên bàn đàm phán. Đoàn 10 quyết định phân tán Cán Bộ Chỉ huy và trực tiếp chỉ đạo các mũi đồng loạt tấn công. Đoàn Trưởng kiêm Chính uỷ Lê Bá Ước trực tiếp chỉ đạo đánh Kho Bom Thành Tuy Hạ. Nhiệm vụ được giao cho Đội 32 của Đoàn 10 do Đội Trưởng Quyết đầy kinh nghiệm chỉ huy và rất rành về Kho Bom này, nên đêm 11 rạng 12 tháng 11 năm 1972 chúng xâm nhập và phá được một số đạn dược."

Bon văn nô còn ba hoa viết tiếp:

“Đoàn 10 không bằng lòng với kết quả mong muốn, khiến Tham Mưu Trưởng Đoàn 10 là Lê Bảy nhận định: Ta vừa đánh, địch chưa kịp hoàn hồn, còn sơ hở, chúng cũng không nghĩ rằng Đặc Công lại dám đánh trận thứ hai trong vòng 1 tháng, cần chớp thời cơ đánh tiếp ngay. Do đó, đội 32 ủy nhiệm lên kế hoạch, quyết định đêm 13 tháng 12 cùng năm sẽ đánh tiếp. Các chiến đấu viên theo Quyết đi làm nhiệm vụ gồm Sáng, Chữ, Thắng. Vào 1 giờ sáng, môt số kho, ụ bị phá nổ suốt cả 2 ngày đêm liền.”

Văn nô Vũ Oanh còn phịa thêm:

“Trận đánh thứ hai này phá hủy hoàn toàn trên 60% Kho Bom Thành Tuy Hạ, trong đó có 80% khu chứa bom bị phá hủy, mìn trái bị quét sạch gần hết, 1 Tiểu Đoàn Bảo An, gần hai Tiểu Đoàn Quân Cụ cùng với một Đại Đội Quân Khuyển hơn 100 chó béc-giê tan xác. Bộ Chỉ Huy Miền đã tặng thưởng 1 Quân Công Hạng 3 cho Tổ Hành Động và 5 Huân Chương Chiến Công cho Chiến Sĩ Đặc Công.”

Ấy đấy, ý đồ của Cộng Sản Bắc Việt quá rõ ràng. Qua trận Điện Biên Phủ, chúng dùng thắng lợi kiểu “thiêu thân” của Mao để có lợi thế, đặt điều kiện trên bàn Hội Nghi 20-7-1954 chia đôi đất nước. Rồi tưởng bài học cũ có thể tái diễn, nhưng với chiến thuật và vũ khí tối tân hiện đại của Liên Quân Việt Mỹ, Căn Cứ Hỏa Lực Khe Sanh đã thu hút được không chỉ 5 Sư Đoàn CSBV (chưa kể Dân Quân, Du Kích cuả 4 tỉnh bắc Vĩ Tuyến 17 gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và một phần phiá bắc Quảng Trị) đã bị nướng vào lò sát sinh ngút lửa của các pháo đài bay B52 và các loại bom đạn, vũ khí khác, khiến rất ít tàn quân CSBV còn sót lại tháo chạy như chồn, không còn … manh giáp, hay trận Ia Drang cũng chịu cùng chung số phận.

Cuối cùng là 3 âm mưu quan trọng nhất, trong số 5 lần toan xâm nhập Căn Cứ và phục kích vào năm 1973, khiến chúng khó quên.
  • Lần thứ nhất đầu tháng 3 năm 1973, đặc công đào địa đạo từ bãi mìn ngoài vòng đai đến nửa đường xuyên vào Căn Cứ thì bị khai quật, 4 tên bị chôn sống dưới hầm mà bây giờ chúng còn để lại, chưng bầy di tích ấy, coi như chứng tích huyền thoại (qua lời kể của tên Thượng Úy Vũ Thanh).
  • Lần thứ hai vào giữa tháng 6 năm 1973, Đặc Công Thủy, đội lục bình, theo dòng Sông Sâu trôi vào Quân Cảng thì Đội Trưởng Hai Quyết (mũi nhọn chính của Đoàn 10) trúng đạn bị thương và bị bắt sống cùng 3 tên khác, đội phó Nguyễn Hữu Hoà tử thương, theo lời khai cuả Quyết.
  • Sau hai lần thất bại vừa kể nhắm vào Căn Cứ, thì lần thứ 3 này, với mục tiêu cần tiêu diệt là Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Tiếp Vận sẽ bị phục kích, đã được tường thuật chi tiết trong bài viết “Cuộc Phục Kích Nhát Như Cáy” của Việt Cộng bằng cách đặt 3 trái mìn cỡ lớn, chéo cánh sẻ hướng vào góc của tử điểm, cho kích nổ liên tiếp, bắn tàn sát ngay, rồi bỏ trốn vào rừng chồi. Nhưng “con mồi” chưa lọt bẫy tại gần Bầu Sen, trong khi đi tuần soát vòng đai, tìm địa điểm mới để đêm đó đặt các toán tiền đồn và phục kích (Đặc San Quân Cụ số 1- 2012 trang 14 -17 ký tên Thành Tuy Hạ).
“Thua me, gỡ bài cào”, Vẹm quyết nhắm vào các kho xăng, kho đạn để tạo tiếng vang, nhưng than ôi, toàn nuốt nhục và ôm hận.

(Ghi chú: Giữa tháng 6 năm 1973, Đại Úy Hai Quyết bị Căn Cứ bắn bị thương và bắt sống cùng 3 đồng bọn, một chết vì bị bắn chìm, ngày hôm sau kiếm ra xác nằm gục dưới gốc bần cù lao. Tại Quân Cảng có 3 tầu Hải Quân và 4 Xà Lan đang “ăn“ đạn, trong khi Quyết dẫn đồng bọn theo giòng nước đang lên của Sông Sâu từ bên kia Cù Lao Ông Còn, đội lục bình, bôi mặt và mình mẩy bằng nhọ nồi đen, chỉ mặc quần xà lỏn, ngậm ống thở, buộc giây làm ám hiệu quanh lưng (để liên lạc với đồng bọn dưới nước khi cần) mang K54 và chất nổ, lặn qua lưới ngăn mìn để trôi vào quân cảng. Các trang bị, tài liệu liên quan đến Đặc Công Thủy Bộ của Đoàn 10 được trưng bày trong phòng mang tên “Phòng trưng bày Kỷ Liệu Đặc Công” do Trung Uý Nguyễn Văn Nam quản thủ, dành cho các phái đoàn đến thăm viếng.)

Sau đó, Quyết xin đươc đổi phương vị từ Qui Chế Tù Binh sang hưởng Qui chế Chiêu Hồi và hợp tác để ngay sau đó ta truy diệt gần hết Đoàn 10 của hắn.

Trong cuộc truy lùng do Quyết hướng dẫn thì không thể sai chệch vào đâu được, có thể Đoàn Trưỏng kiêm Chính Ủy Lê Bá Ước tức Bẩy Môn, Lê Bảy Tham Mưu Trưởng cùng đồng bọn đã đền tội gần hết, may ra chỉ còn vài tên chạy thoát.

Kể từ đó, Đoàn 10 Đặc Công Thuỷ Bộ coi như bị xoá sổ, vì bị giết gần hết và kẻ nào sống sót thì tinh thần cũng hoảng loạn tột cùng. Đến nỗi vào cuối năm 1976, để truy niệm đồng bọn Đoàn 10 đã hầu hết bị vong mạng vào năm 1973, VC cho dựng mô hình cái gọi là "Di Tích Rừng Sát" tại Quận Nhơn Trạch cũ.

Tưởng cũng cần nhắc lại những biến cố mới, quan trọng ghi nhận dưới đây :
  • Theo văn nô Mai Thắng: “Vào cuối năm 1975, bộ Quốc Phòng VC đã chỉ đạo cho Công ty Lũng Lô và Công ty Hải Công xây cất thêm kho tàng, cầu cảng, trạm xưởng để biến cải thành Căn Cứ 696 của Vùng 2 Hải Quân sau các cuộc khảo sát của Thượng Tướng Đào Đình Luyện và Đô Đốc Hải quân Mai Xuân Vĩnh, để Căn Cứ này có nhiệm vụ là Căn Cứ Nuôi Đạn, Dưỡng Bom. Trung tâm Kỹ thuật bảo dưỡng, bảo quản, niêm phong, nâng cấp, cất giữ vũ khí, đạn dược cho tầu Hải Quân cuả Quân Chủng Hải Quân ở phiá Nam. Trạm Nâng Cấp Đạn, ngư lôi tầu biển mang biệt danh T-93 có công xuất 53 VA cho 4 Vùng Hải Quân và các Tầu loại 13 của Lữ đoàn 171 tổng hợp. Ngoài ra, trong đó còn có khu vực mang tên là khu Công Nghiệp Thành Tuy Hạ. Nhiều nhà máy, công trình liên doanh, xưởng lọc dầu…v…v… mọc lên với những cơ xưởng ngăn nắp, do Quân Đội quản lý, nên thường dân và du khách không được vào.”
  • Nhưng than ôi, trong thời chiến, VC dùng Đặc Công để lén xâm nhập và phá hoại Căn Cứ Bom Đạn Thành Tuy Hạ, nhưng trong thời bình (???), vào lúc 23 giờ ngày 23-25 tháng 3 năm 2017 Căn cứ 696 này của VC bị thiêu rụi phần lớn, vì bão lửa suốt mấy ngày đêm. Chưa hết, tiếp đến xưởng dầu ở Trảng Bom bốc lửa vào lúc 21 giờ ngày 12-4-2017 đến gần sáng vẫn còn cháy lớn, rồi vào lúc 24 giờ một ngày sau đó là cháy dữ dội các kho chứa hàng của Công ty may mặc Quốc Doanh ở Cần Thơ trong Nam và ở Hưng Yên ngoài Bắc.
  • Câu hỏi đưọc đặt ra là: Tại sao các Cơ sở này đều bị cháy lớn vào ban đêm, VC huy động hết các phuơng tiên cứu hỏa ở các vùng kế cận cũng không dập tắt nổi. Bởi đâu và vì đâu xẩy ra các thảm cảnh và hỏa hoạn dữ dội này? Ẩn số không có giải đáp, vì chuyên môn nói dối và dấu diếm là “Nghề của Vẹm”.


oOo

Sau đó, tôi vinh dự đại diện các chiến hữu cùng góp công bảo vệ an toàn Căn Cứ kể từ ngày đáo nhậm, được bầu chọn là Chiến Sĩ Xuất Sắc Toàn Quân, Đại Diện Tổng Cục Tiếp Vận cho đi An Dưỡng tại Đài Loan 2 tuần cùng các Chiến Sĩ Xuất Sắc khác. Được ân thưởng Ưu Dũng Bội Tinh Đệ Nhất Hạng và thăng cấp bằng Quyết Định số 0235A/QP/QĐ của Bộ Quốc Phòng. (trích Đặc San số 4 tháng 9-1999 trang 38 kèm tiểu sử, ký tên : TVT/THT/TH/CSVSQ/TVBQGVNVB và số 15-2004 trang 97-103 cùng ký kèm tên Thuỳ Châu).

 Ôi! Dĩ vãng cuả đời Quân Ngũ thật khó nhạt nhoà… ắp đầy kỷ niệm… và không thể quên được.

oOo

Đính kèm các hình ảnh và một số tài liệu liên quan đến bài viết này, do cựu SVSQ Hà Minh Châu K29 giúp đỡ và sưu tập. Thành thật Cảm ơn cựu SVSQ Hà Minh Châu K29.



Không ảnh Thành Tuy Hạ, Cù Lao Ông Còn, Sông Sâu và Quân Cảng.
Hình đen dài ở giữa lòng sông (bên trái) là tàu cỡ lớn mang tên Lamotte Pique của Pháp, bị máy bay Mỹ bắn chìm trong Thế Chiến Thứ Hai.

   
                                                   

Sơ Đồ Căn Cứ Tồn Trữ Bom Đạn Thành Tuy Hạ
Hình này hồi còn Quân Đội Pháp ở VN. QĐ/VNCH đã biến cải và xây dựng thêm nhiều nhà kho và ụ chứa cho nhu cầu chiến trường.


Mô hình truy niệm Đoàn 10 Đặc Công Thủy Bộ Rừng Sát của Việt Cộng đã đền tội và bị xóa sổ


Hoả hoạn dữ dội vừa qua tại Căn Cứ 696 Vùng 2 Hải Quân và khu Công Nghiệp (của VC) cũng là Căn Cứ Tồn Trữ Bom Đạn Thành Tuy Hạ của QĐ/VNCH trước ngày 30-4-1975.

oOo

GHI CHÚ THÊM

Thưa Quý Huynh Đệ,

Bài này tôi viết năm ngoái và anh Hà Minh Châu K29 đã cung cấp thêm cho một số dữ kiện mới và hình ảnh đính kèm.

Tuy nhiên, tuần qua tôi vô tình đọc được một clip cuả VC nói về Đoàn 10 Đặc Công Thuỷ Bộ. Trong khu nào đó ở Rừng Sát, chúng mới lập thành “Khu Di Tích” thăm viếng, tôi thấy có khoảng trên một chục người mặc đồng phục đang đi xem, do 1 tên thuyết trình và hướng dẫn. 

Căn cứ địa cuả Đoàn này, các hoat động thường nhật cũng có màn BIẾN NƯỚC MẶN THÀNH NƯỚC NGỌT, CƯA VÀI TRÁI ĐẠN TRỌNG PHÁO KHÔNG NỔ LÀM THỦY LÔI hay CÓ TÊN ĐẶC CÔNG (hình nộm) LẶN DƯỚI RẠCH, DÙNG DAO GĂM ĐÂM CÁ SẤU. ĐÁNH CHÌM CẢ TRĂM TẦU BÈ ĐỊCH TRÊN SÔNG LÒNG TÀO. 

Chúng hô phong, hoán vũ như truyện Phong Thần hình nộm như Tarzan nổi giận. Chúng còn khoe thêm đã phá bao nhiêu triệu tấn xăng cuả Kho Xăng Nhà Bè và Thành Mỹ An. NHƯNG BỊ KHỚP MỎ KHÔNG DÁM ĐẢ ĐỘNG TỚI CĂN CỨ ĐẠN DƯỢC THÀNH TUY HẠ (dù chỉ một lời hay một chữ) vì NHÂN CHỨNG SỐNG CÒN ĐÂY.

Cảm ơn và mời Quý Huynh Đệ cùng đọc.

Thân kính,

Trần Văn Thư, K13




Pages