Bùi Phạm Thành, K25
Sau gần hai năm tìm đủ mọi phương pháp, kể cả pháp lý, tuyên truyền lẫn "thủ thuật chính trị" của các Dân Biểu thuộc đảng Dân Chủ cùng sự hỗ trợ mạnh mẽ của giới truyền thông dòng chính để đánh phá, với mục tiêu sau cùng là cách chức tổng thống Donald Trump đều không có kết quả. Nhất là sau khi cuộc điều tra của Công Tố Viên đặc biệt Robert Mueller không đem lại kết quả như các Dân Biểu của đảng Dân Chủ mong muốn, vì không đủ dữ kiện để buộc tội ông Trump, các ông bà Dân Biểu thuộc đảng Dân Chủ, nhất là thành viên của Ủy Ban Tư Pháp (House Judiciary Committee), cảm thấy bị thất bại thêm một lần nữa nên đã lồng lộn như những con thú dữ, nhất quyết ăn thua đủ với ông Trump và những nhân viên có ý định bảo vệ ông. Gần đây nhất, Ủy Ban Ngân Sách (House Budget Committee) với người đứng đầu là John Yarmuth, Dân Biểu của tiểu bang Kentucky, thuộc đảng Dân Chủ, nhảy vào sàn đấu với cuộc điều tra về tài sản và thuế má của ông Trump trước khi ông đắc cử vào chức vụ tổng thống Hoa Kỳ.
Hôm thứ Ba ngày 21 tháng 5 năm 2019, có tin ông Don McGahn, cựu cố vấn luật pháp của Phủ Tổng Thống (White House counsel) không trình diện trước Quốc Hội để cung cấp lời khai theo trát đòi. Đây là một hành động vẫn được xem là "Khinh Thường Quốc Hội". Sau dữ kiện trên, ông chủ tịch của Ủy Ban Ngân Sách đã lớn tiếng tuyên bố trước khi bước vào phòng họp kín của đảng Dân Chủ dưới tầng hầm của Quốc Hội rằng ý kiến (của đảng Dân Chủ) ngày càng tăng về việc có thể (if) đưa ra "phương pháp buộc tội - impeachment process" tổng thống Trump, nhưng chưa biết là khi nào (when).
Để tìm hiểu về từ ngữ "Buộc tội - Impeachment" và ý nghĩa cũng như phương pháp áp dụng nó, chúng tôi xin lược dịch phần nói về luật pháp Hoa Kỳ trong vấn đề "buộc tội" của bài viết trên trang wikipedia, quý vị có thể vào đó để đọc nguyên bản Anh ngữ:
https://en.wikipedia.org/wiki/Impeachment
oOo
Impeachment không có nghĩa là cách chức, mà chỉ là bản buộc tội, giống như một bản cáo trạng trong luật hình sự.Buộc tội (impeachment) là phương pháp được cơ quan lập pháp buộc tội chống một nhân viên của chính phủ, thông thường là nhân viên cao cấp. Nó không có nghĩa là cách chức (hay loại bỏ) khỏi văn phòng; mà chỉ là một bản buộc tội, giống như một bản cáo trạng trong luật hình sự. Khi một cá nhân bị buộc tội, người này phải đối mặt với khả năng bị kết án bởi một cuộc bỏ phiếu của các nhà lập pháp, với phán quyết đòi hỏi người này phải bị rời (loại bỏ) khỏi văn phòng (chức vụ). Bởi vì buộc tội và kết án các nhân viên của chính phủ liên quan đến việc đảo ngược các thủ tục hiến pháp thông thường mà các cá nhân này đã đạt được ở chức vụ cao qua các thể thức như bầu cử, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm, và vì nó thường đòi hỏi đa số, nên thường được dành cho những người bị coi là lạm dụng nghiêm trọng văn phòng (chức vụ cao). Ví dụ, tại Hoa Kỳ, việc buộc tội ở cấp liên bang chỉ giới hạn ở những người có thể đã phạm tội "Phản Bội, Hối Lộ, hoặc các tội ác và tội nhẹ khác".
Không chỉ ở Hoa Kỳ, mà luật về buộc tội được ghi trong hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới.
Từ Ngữ và Lịch Sử
Từ ngữ "buộc tội" có nguồn gốc từ tiếng Pháp cổ "empeechier" lấy từ chữ Latin "impedīre" dựa theo ý tưởng con thú bị bắt bằng bẫy kẹp vào chân (pes, pedis), và trong tiếng Pháp ngày nay có động từ "empêcher - để ngăn ngừa - to prevent" và trong tiếng Anh là "impede - ngăn cản". Thời Trung Cổ (Medieval) từ ngữ này bị hiểu sai khi lấy từ chữ Latin "impetere (to attack) - tấn công". Theo cách dùng thường xuyên của ngành luật pháp thì buộc tội nhân chứng có nghĩa là thách thức sự trung thực hoặc uy tín của người đó.
"Buộc tội" bắt nguồn từ hệ thống chính trị của Anh. Phương pháp này lần đầu tiên được sử dụng bởi "Nghị viện tốt - Good Parliament" của Anh chống lại Nam tước Latimer vào hậu bán thế kỷ 14. Theo gương của Anh, các hiến pháp của Virginia (1776), Massachusetts (1780) và các tiểu bang khác của Hoa Kỳ, sau đó đã thông qua định chế buộc tội, nhưng họ đã hạn chế hình phạt ở phần loại bỏ nhân viên của chính phủ khỏi chức vụ mà thôi.
Không chỉ ở chính phủ, mà các tổ chức tư nhân cũng áp dụng các phương pháp "buộc tội" tương tự đối với nhân viên cao cấp của họ.
Buộc Tội Trong Hiến Pháp Của Hoa Kỳ
Trong lãnh vực Liên Bang, Điều I, Phần 2, Đoạn 5 của Hiến Pháp Hoa Kỳ trao "toàn quyền buộc tội (the sole power of impeachment)" cho một cơ quan duy nhất là Hạ Viện, và Điều I, Phần 3, Đoạn 6 trao toàn quyền "buộc tất cả mọi tội (the sole Power to try all Impeachments)" cho cơ quan duy nhất là Thượng Viên.
(Các hiến pháp tiểu bang khác nhau bao gồm các biện pháp tương tự, cho phép cơ quan lập pháp tiểu bang buộc tội thống đốc hoặc các viên chức khác của chính quyền tiểu bang.)
Ngược lại với hệ thống của Anh, việc buộc tội ở Hoa Kỳ chỉ là giai đoạn đầu tiên trong hai giai đoạn, giai đoạn thứ hai là kết án, giai đoạn này đòi hỏi "sự đồng ý của hai phần ba số thành viên có mặt". Buộc tội không nhất thiết dẫn đến việc cách chức; nó chỉ là một tuyên bố pháp lý về tội danh, tương tự như một bản cáo trạng trong luật hình sự. Một nhân viên bị buộc tội phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu của ngành lập pháp lần thứ hai (cho dù bởi cùng một ủy ban hay ủy ban khác), để xác định sự kết án, hoặc không kết án, về các cáo buộc ghi trong bản buộc tội. Hầu hết các hiến pháp đòi hỏi một đa số để kết án. Mặc dù nguyên nhân đưa đến bị buộc tội là hành động tội phạm, nhưng nó không thực sự là một phiên tòa hình sự; câu hỏi duy nhất đang được đưa ra thảo luận là việc loại bỏ cá nhân ra khỏi chức vụ hiện tại, và kết quả của cuộc bỏ phiếu lần thứ nhì này sẽ đưa đến việc cấm người bị án, sẽ suốt đời, không bao giờ được tham gia hay giữ một chức vụ tương tự mà họ đã bị cách chức.
"Buộc tội - Impeachment" trong phạm vi chức vụ hay văn phòng chính trị (political office) khác với "buộc tội nhân chứng - witness impeachment" ở tòa án, là phương pháp loại bỏ nhân chứng vì lý không thể tin cậy vào lời khai của họ.
Tội Không Thể Chối Cãi
Hiến Pháp định nghĩa việc buộc tội ở cấp liên bang và hạn chế việc buộc tội với những nhân viên thuộc chính phủ Hoa Kỳ như "Tổng Thống, Phó Tổng Thống và tất cả các nhân viên dân sự", những người này chỉ có thể bị buộc tội và loại bỏ khỏi chức vụ vì các tội "phản quốc, hối lộ, hoặc tội ác và tội nhẹ khác - treason, bribery, or other high crimes and misdemeanors". Một số nhà bình luận cho rằng một mình Quốc Hội có thể tự quyết định hành động nào là "tội ác hoặc tội nhẹ", đặc biệt là trong vụ án "Nixon chống lại Hoa Kỳ" khi Tòa Án Tối Cao quyết định rằng họ không có thẩm quyền để xác định liệu Thượng Viện có "xét xử" bị cáo đúng hay không. Vào năm 1970, Lãnh Tụ Phe Thiểu Số của Hạ Viện khi đó là Gerald R. Ford đã đưa nhận xét rằng: "Một hành vi phạm tội không thể chối cãi được là bất cứ điều gì mà đa số Dân Biểu để ý đến tại một thời điểm nhất định trong lịch sử."
Các Nhân Viên Có Thể Bị Buộc Tội
Câu hỏi chính liên quan đến Hiến Pháp được bàn cãi về việc buộc tội các thành viên của cơ quan lập pháp là liệu các thành viên của Quốc Hội có phải là nhân viên cao cấp của Hoa Kỳ hay không. Hiến pháp trao cho Hạ Viện quyền buộc tội "Tổng thống, Phó Tổng thống và tất cả các viên chức dân sự của Hoa Kỳ". Có ý kiến cho rằng các thành viên của Quốc Hội không phải là nhân viên của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những người khác tin rằng các thành viên nói trên là nhân viên dân sự và như thế cũng sẽ bị buộc tội. Quan Tòa Liên Bang được xem là nhân viên dân sự và, do đó, cũng sẽ bị buộc tội.
Hạ Viện đã buộc tội Thượng Nghị Sĩ William Blount vào năm 1798, đưa đến việc ông bị trục xuất. Tuy nhiên, sau khi nghe bản buộc tội ban đầu của ông, các cáo buộc đã bị bác bỏ vì thiếu thẩm quyền. Điều còn lại chưa được giải đáp là câu hỏi liệu các thành viên của Quốc Hội có phải là nhân viên dân sự của Hoa Kỳ hay không. Hạ Viện đã không buộc tội một thành viên của Quốc Hội nào khác sau ông Blount. Vì mỗi Viện có thẩm quyền trục xuất các thành viên của mình mà không liên quan đến viện khác, nên trục xuất là phương pháp được sử dụng để loại bỏ các Thành Viên của Quốc Hội.
Sách hướng dẫn cho Thượng Viện của Thomas Jefferson (một trong những "cha đẻ" và là tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ từ 1801 đến 1809), được ghép chung vào bộ Quy Tắc của Hạ Viện, nói rằng việc buộc tội được nêu lên bằng một đề nghị cáo buộc trên sàn họp, các cáo buộc được đưa ra bởi một công văn, nghị quyết của một thành viên trình lên ủy ban, một thông điệp của tổng thống, hoặc từ các sự kiện được điều tra và báo cáo bởi một ủy ban điều tra của Hạ Viện. Nó cũng nói thêm rằng một đề nghị buộc tội là một câu hỏi thuộc đặc quyền của hai Viện và được ưu tiên cứu xét.
Phương Pháp Buộc Tội
Ở cấp liên bang, phương pháp buộc tội là một thủ tục hai bước. Hạ Viện trước tiên phải thông qua, bởi đa số những người có mặt và bỏ phiếu cho các bản buộc tội, để trở thành một hay nhiều bản cáo buộc chính thức. Sau khi được thông qua, bị cáo được xem là đã bị "buộc tội". Sau đó, Thượng Viện sẽ xét xử bị cáo. Trong trường hợp buộc tội tổng thống, Chánh Án của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ sẽ chủ tọa và điều khiển việc tố tụng. Đối với việc buộc tội của bất kỳ viên chức nào khác, Hiến Pháp không nói ai sẽ là người chủ tọa việc tố tụng, và cho rằng vai trò này thuộc về chủ tịch thường trực của Thượng Viện, đồng thời là Phó Tổng thống Hoa Kỳ.
Trên lý thuyết, ít nhất, với tư cách là Chủ Tịch Thượng Viện, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ có thể chủ tọa bản buộc tội của mình, mặc dù các lý thuyết pháp lý cho rằng việc cho phép một bị cáo làm thẩm phán trong vụ án của chính họ sẽ là một xung đột lợi ích một cách trắng trợn. Nếu Phó Tổng Thống không chủ tọa một cuộc buộc tội (của bất kỳ ai ngoài Tổng Thống), nhiệm vụ này sẽ thuộc về quyền chủ tịch (trách nhiệm tạm thời) của Thượng Viện.
Để kết tội một bị cáo, "cần có sự đồng ý của hai phần ba số thành viên có mặt". Nếu bị kết án thì bị cáo sẽ bị cách chức (loại bỏ khỏi chức vụ). Sau khi bị kết án, Thượng Viện có thể bỏ phiếu để trừng phạt thêm bị cáo bằng cách cấm người đó nắm giữ văn phòng (chức vụ) liên bang trong tương lai, dù được bầu hay bổ nhiệm. Kết án của Thượng Viện không ngăn cản việc truy tố hình sự. Ngay cả sau khi một bị cáo đã bị cách chức, bị cáo vẫn có thể bị loại ra khỏI những quyền lợi trước đó của chức vụ (chẳng hạn như lương hưu). Nếu không có cáo buộc nào đạt được 2/3 đa số Thượng Nghị Sĩ bỏ phiếu "có tội", thì bị cáo sẽ được tha bổng và sẽ không có hình phạt nào được áp dụng.
Lịch Sử Các Cuộc Tố Tụng "Buộc Tội" Cấp Liên Bang ở Hoa Kỳ
Hạ Viện đã chỉ khởi xướng tố tụng buộc tội 64 lần kể từ năm 1789 (gần đây nhất là bản buộc tội năm 2010, sau đó bãi nhiệm Thẩm phán Thomas Porteous của Tòa án cấp quận của Hoa Kỳ ở Quận Đông Louisiana) chỉ với 19 vụ kiện sau đây thực sự đưa đến văn bản buộc tội của Hạ Viện:
- Hai vị Tổng Thống:
- Andrew Johnson, Dân Chủ/LIên Minh Quốc Gia, đã bị Hạ Viện lbuộc tội vào ngày 24 tháng 2 năm 1868 sau khi vi phạm Đạo Luật Nhiệm Kỳ (Tenure of Office Act) mới được tạo ra và chấp thuận với số phiếu 126/47. Tổng thống Johnson được Thượng Viện tha bổng, đã bỏ phiếu 35/19 đồng ý với bản buộc tội, nhưng thiếu một phiếu để có đủ số 2/3 cần thiết để cách chức ông. Tòa Án Tối Cao, sau đó, đã tuyên bố rằng Đạo Luật Nhiệm Kỳ Công Sở là vi hiến, và sau đó bị bãi bỏ.
- Bill Clinton, Dân chủ, đã bị Hạ Viện buộc tội vào ngày 19 tháng 12 năm 1998, về các tội khai man (đặc biệt là nói dối với đại bồi thẩm đoàn liên bang) bởi một cuộc bỏ phiếu 228/206. Hạ Viện đã bác bỏ các điều khoản khác: một là một tội khai man trong một vụ kiện dân sự quấy rối tình dục với Paula Jones (theo số phiếu 205/229); hai là bị buộc tội lạm quyền (bằng phiếu 148/285). Tổng thống Clinton được Thượng Viện tha bổng. Số phiếu để loại ông ta khỏi chức vụ đã không đạt được số 2/3 cần thiết: 45/55 về sự cản trở công lý và 50/50 về tội khai man.
- Thủ tục buộc tội chống lại tổng thống Richard Nixon đã được chuyển đến Hạ Viện để xem xét và kết thúc bằng việc từ chức của ông.
- Năm 1876, một nhân viên nội các là ông William W. Belknap, cựu Bộ Trưởng Chiến Tranh (Secretary of War), đã từ chức trước khi có phiên tòa và sau đó được tha bổng. Lý do là hầu hết những người bỏ phiếu để tha bổng cho ông ta tin rằng việc từ chức của ông đã loại bỏ quyền tài phán của họ.
- Một thượng nghị sĩ, William Blount, năm 1797. Ông đã bị Thượng Viện trục xuất, không qua phương pháp buộc tội. Điều này đã tạo ra tiền lệ rằng các Thành Viên của Quốc Hội không bị buộc tội, vì họ có thể bị trục xuất (bãi chức) bằng quyết định của Viện mà họ là thành viên mà không cần qua thủ tục buộc tội hoặc bất kỳ hành động cần thiết nào khác.
- Một Thẩm Phán của Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ (Supreme Court of the United States), Samuel Chase, bị buộc tội năm 1804, đã được Thượng Viện tha bổng.
- Mười bốn thẩm phán liên bang khác. Tám trong số này đã bị Thượng Viện kết án và cách chức, bao gồm Alcee Hastings, người bị buộc tội và bị kết án vào năm 1989 vì đã nhận hơn 150,000 đô la tiền hối lộ để đổi lấy sự khoan hồng. Thượng Viện đã không cấm Hastings nắm giữ chức vụ trong tương lai và Hastings đã thắng trong cuộc bầu cử vào Hạ Viện ở Florida. Tên của Hastings đã được đề cập đến cho chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Thường Trực của Hạ Viện, nhưng đã bị bỏ qua bởi bà Nancy Pelosi, lý do là, trước đó, ông ta đã bị buộc tội và bãi nhiệm.
Đã có những cố gắng không thành công để khởi xướng tố tụng buộc tội các vị tổng thống như
- John Tyler (tổng thống thứ 10 từ 1841-1845),
- Richard Nixon (tổng thống thứ 37 từ 1969-1974),
- George W. Bush (tổng thống thứ 43 từ 2001-2009),
- Barack Obama (tổng thống thứ 44 từ 2009-2017) và
- Donald Trump (đương kim tổng thống thứ 45 từ 2017- hiện nay).
Thống Đốc Tiểu Bang
Có bốn vị Thống Đốc Tiểu Bang đã bị buộc tội và bị cách chức:
- James E. Ferguson, đảng Dân Chủ, thống đốc tiểu bang Texas, bị buộc tội sử dụng sai các quỹ công cộng và biển thủ. Vào tháng 7 năm 1917, Ferguson đã bị kết án và bị cách chức.
- Jack C. Walton, đảng Dân Chủ, thống đốc tiểu bang Oklahoma. Vào tháng 11 năm 1923, Walton đã bị kết án về một số tội gồm có nhận tiền tranh cử bất hợp pháp, lạm dụng quyền lực, và bị cách chức.
- Evan Mecham, đảng Cộng Hòa, thống đốc tiểu bang Arizona, bị buộc tội cản trở công lý và lạm dụng các quỹ của chính phủ, bị cách chức vào tháng 4 năm 1988.
- Rod Blagojevich, đảng Dân Chủ, thống đốc tiểu bang Illinois, bị buộc tội lạm quyền và tham nhũng, bao gồm cả việc bán quyền chỉ định cho ghế Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ bị bỏ trống do ông Barack Obama từ chức sau khi đắc cử tổng thống. Ông đã bị cách chức vào tháng 1 năm 2009.
oOo
Qua những chi tiết được trình bày ở trên, chúng ta nhận thấy rằng muốn buộc tội một nhân viên cao cấp của chính phủ hay của quốc gia là điều không khó, nhưng để đạt đến mục đích cách chức thì là điều rất khó. Trong trường hợp muốn cách chức Tổng Thống thì Hạ Viện phải có đủ phiếu để thông qua bản buộc tội trước đã. Hiện nay thì đảng Dân Chủ đang chiếm đa số ở Hạ Viện thì có thể thông qua điều này vì chỉ cần đa số. Thế nhưng khi trình lên Thượng Viện thì phải có được 2/3 số phiếu thuận thì mới xem là có tội còn không thì đương nhiên là được tha bổng, vô tội. Hiện nay đảng Cộng Hòa đang chiếm đa số ở Thượng Viện, nên việc có được 2/3 tổng số Thượng Nghị Sĩ bỏ phiếu kết tội và cách chức ông Trump là chuyện "vá trời". Ngay cả trường hợp của ông Clinton, tội phạm rành rành, nhưng cũng không thể kiếm đủ 2/3 tổng số phiếu để cách chức. Tuy nhiên, án tù thì có ngày được tha chứ án nhân gian thì biết đến bao giờ. Bản án của Clinton đã khắc ghi vào bia miệng thế gian và sử sách, vì thế không biết đến bao giờ mới gột rửa được.
Ngẫm lại, sống ở đời ai cũng muốn "Quyền cao chức trọng, phú quý giàu sang" thế nhưng những người như thế lại hay lầm tưởng rằng "có quyền" hay "có tiền" hoặc có cả hai là có thể làm bất cứ điều gì cũng được, bất kể luật pháp, và vì thế sẽ dễ có những hành động thiếu đạo đức, vi phạm luật pháp, để rồi cũng có ngày bị lụy vào thân. Ông bà ta đã nói "Càng cao danh vọng, càng dầy gian nan" và có lời khuyên "Người được quý trọng là ở tài đức chứ không phải vì chức vụ hay tiền của."
Bùi Phạm Thành, K25