Người Thiếu Phụ Trong Cơn Lốc - Đa Hiệu Online

Friday, April 26, 2019

Người Thiếu Phụ Trong Cơn Lốc


Mai Văn Tấn, K21

Mặc dầu sống trên xứ người, nhưng những chuyện quá khứ ai cũng muốn quên đi cho tinh thần thanh thản. Có những chuyện dễ dàng, cũng có những chuyện không thể nào quên. Mọi người đều cố gắng giữ gìn kỷ niệm ngày Quốc Hận, cũng như nhớ lại niềm đau thương, khổ nhục mặc dầu đã qua hơn bốn chục năm.

Trong không khí uất hận và nghẹn ngào hơn bốn mươi năm trước, cũng như những ngày tù tội trong các trại giam khổ sai không biết ngày mãn án. Chúng tôi muốn nói lên một điều gì đó để tăng hương vị những ngày sống thư thả trên đất nước tạm dung. Để cho thế hệ trẻ luôn luôn nhớ sự hy sinh cao cả của bậc sinh thành, lấy đó làm hành trang trân quý trong cuộc sống.

Càng ngày càng thành đạt ở xứ người và luôn luôn hành động xứng đáng cho sự hy sinh cao quý đó trong khúc quanh đen tối nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam:

“Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng...”
(Nguyễn Du)

Nhưng những gì đã vượt qua, những khó khăn gian khổ phải chịu đựng, bây giờ chỉ còn là những kỹ niệm trân quí, một quá khứ hào hùng của một thuở nào..Mỗi lần tăng thêm một tuổi thọ, chúng ta hãy hãnh diện và thỏa mãn những điều chúng ta đã làm. Không còn cảm thấy đau khổ, uất ức trong lòng mà cảm thấy thanh thản khi kể lại những câu chuyện đầy máu và nước mắt.

Người Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều của tư tưởng Khổng Mạnh khi áp đặt trật tự xã hội. Những nguyên tắc về “tam tòng, tứ đức” theo đà văn minh của nhân loại không còn tính chất tuyệt đối nếu không muốn nói là quá lổi thời. Nhưng trong chừng mực nào đó, cũng còn ảnh hưởng đến người phụ nữ Việt Nam.

Như hình với bóng bên cạnh chồng để an ủi, chia xẻ ngọt bùi trong cuộc sống thăng trầm theo vận nước. Đặc biệt trong cuộc chiến vừa qua, người phụ nữ VN đã nổi bật trong vai trò người vợ, người mẹ, đóng vai trò của một người cha để sống còn trong hoàn cảnh hết sức nghiệt ngã và gian nan trong giai đoạn này:

“Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam,
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân,
Nay một thân nuôi già dạy trẻ,
Nỗi quan hoài quạnh quẽ biết bao...”
(Chinh Phụ Ngâm)

Hay hình ảnh của người vợ, người tình luôn luôn quấn quýt theo bước người đi

“Em đến bên ta như sợi tơ mong manh
Trong chiều thu xa lắc,
Em đến bên ta như giọt mưa
Sáng Sài Gòn, chiều Đà Nẵng, trưa Nha Trang...”

Trong cuộc chiến 1954-1975 nhiều thế hệ thanh niên đã “xếp bút nghiên theo việc đao cung” bước vào đời quân ngũ khi tuổi đời còn rất trẻ. Người người đi lính, nhà nào cũng có ít nhất một người trong quân ngũ. Những người con gái thuở ấy nếu không lấy lính thì lấy ai? Không lẽ cứ chờ cuộc chiến không biết bao giờ chấm dứt mới lập gia đình hoặc vào “chợ Quán” để kiếm người yêu hay sao? Thế nên người con gái khi bước vào đời luôn phải bận tâm lo lắng theo bước quân hành của người chồng lính. Những địa danh tuy xa lạ với người thị thành nhưng rất quen thuộc với những người yêu của lính.

Tin tức chiến sự ngày càng ác liệt thì tâm sự của người vợ lính ngày càng trăn trở. Họ luôn luôn theo dõi và lo lắng sự an nguy của đức phu quân. Đêm đêm nhìn ánh sáng hỏa châu, họ lo lắng cho người chồng của mình đang đối đầu với lằn tên mũi đạn. Trong đầu lúc nào cũng như vang lên khúc ca sầu thảm “ngày mai đi nhận xác chồng”.

Biết bao người vợ phải để tang chồng khi còn quá trẻ. Người chinh phụ nhìn vào đó mà đau buồn, khắc khoải không biết đến bao giờ là phiên mình.

Những người con gái trẻ thì lắc đầu ngao ngán. Sự xâm nhập của quân CSBV ngày càng ồ ạt, cuộc chiến bảo vệ miền Nam càng khốc liệt, làm cho sự lo lắng của người vợ lính ngày càng tăng. Người ta lo sợ khi nhìn những người cùng đơn vị với chồng mình xuất hiện trước cánh cửa nhà một cách bất ngờ. Báo tin buồn cho những người vợ lính là một nhiệm vụ khó khăn nhất của những người lính ở Hậu cứ. Khi đơn vị đang tham dự những cuộc hành quân ác liệt với CSBV, càng có nhiều người hy sinh, trại gia binh, hậu cứ càng nhiều vành khăn sô. Đơn vị trưởng nhiều khi phải tránh đi không can đảm nhìn vào những cảnh tượng đó. Người lính chịu nhiều mất mát đau thương, sống nay chết mai, người vợ lính cũng đau khổ và buồn phiền không kém. Nhìn cảnh người bạn mất chồng mà đau lòng thầm nghĩ không biết bao giờ sẽ đến phiên mình. Mặc dầu chấp nhận làm vợ lính là đưong nhiên chấp nhận đau thương và mất mát. Bên ngoài sự hào hùng anh dũng thì mặt trái là đau buồn, lo âu nhưng họ không còn chọn cách nào khác hơn vì vận nước:

"Em đến bên ta, nhớ lời ta khẽ nói,
Khép lại giùm ta, đời lính trận hôm qua.”

Một câu chuyện vô cùng thương tâm ở một Tiểu đoàn TQLC, vị Thiếu tá Tiểu đoàn phó đã hy sinh trong một trận đánh ở vùng giới tuyến không lấy được xác. Đơn vị phải báo cáo mất tích. Sau ngày Ngưng bắn 27/1/73, Tiểu đoàn đã trở lại chỗ cũ và tìm được xác anh, sau đó được chuyển về Sài Gòn để gia đình lo việc mai táng. Hậu cứ biệt phái cho vợ anh một chiếc xe jeep để xử dụng trong thời gian tang lễ. Nhưng một tai nạn bất ngờ đã xảy ra ở xa lộ Biên Hòa trên đường trở về nhà từ nghĩa trang, chị đã chết theo anh bỏ lại một mẹ già và 4 con nhỏ không ai chăm sóc. Đó chỉ là một câu chuyện điển hình trong muôn ngàn đau thương mất mát trong suốt cuộc chiến mà chúng ta không biết hết...

Những thương bệnh binh bị đuổi ra khỏi nhà thương với những vết thương chưa lành hoặc còn đang điều trị khi CS chiếm miền Nam. Những người đó sống sót nhờ vào tay săn sóc của những người vợ đã đau khổ lại càng nhọc nhằn hơn.

Rồi những người hy sinh một phần thân thể cũng là một gánh nặng với lo âu và buồn phiền cho người vợ lính. Suốt đời phải chăm sóc cho một ông chồng tật nguyền với đàn con nhỏ dại. Đôi vai gầy guộc phải gánh nặng và suốt đời chỉ được nghỉ ngơi khi xuôi tay nhắm mắt.

Năm 1975, miền Nam đã bị cưỡng chiếm, CS đã chủ trương bần cùng hóa nhân dân miền Nam cho bằng miền Bắc để cùng “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên XHCN” và hơn 40 năm sau vẫn còn nghèo đói, lạc hậu, mất tự do và đau khổ triền miên.

Hàng trăm ngàn Quân Cán Chính của miền Nam bị đẩy vào các trại tù CS. Những người phụ nữ bây giờ bước vào thời kỳ đen tối nhất, bị đẩy vào đường cùng không lối thoát. Trong khi chồng bị đày ải đến những vùng thâm sơn cùng cốc, lam sơn chướng khí thì họ và các con bị đưa vào những vùng khô cằn sỏi đá mà chúng gọi là “khu kinh tế mới”. Sau ngày 30/4/75 tất cả đều thay đổi. Tất cả đều trắng tay. Họ phải làm sao đây với chính bản thân họ, với đàn con nhỏ dại. Những thành phần có nghề nghiệp chuyên môn chúng còn giữ lại làm việc tuy đồng lương thấp nhưng cũng đỡ phần nào. Đa số chưa sẵn sàng một cái nghề thì phải xoay trở bằng mọi cách cho sự sống còn của gia đình.

Còn ở vùng kinh tế mới thì không thể sống được, họ phải dẫn con trở về. Ngôi nhà cũ đã bị chiếm mất rồi, nên đành phải lang thang đầu đường xó chợ, gầm cầu hay nhà ga xe lửa. Phải làm đủ nghề từ buôn thúng bán bưng, kể cả giúp việc cho người khác. Có khi phải bước thêm bước nữa không phân biệt bạn hay thù miển sao nuôi con và sống còn.

Ngoài việc lo cho các con, mối bận tâm nhất là phải lo cho chồng. Hết thời gian của cái gọi là Ủy Ban Quân Quản ấn định, họ mong ngóng tin chồng. Lúc nào cũng bồn chồn lo lắng, không biết chồng mình sống chết ra sao. Có những người chết trong thời gian ở tù, VC không bao giờ báo tin cho gia đình hay biết. Khoảng gần một năm bắt đầu cho gởi thư, một tháng một thư bay về gia đình với hòm thư (từ ngữ VC) nhưng không được báo đang ở đâu. Gia đình nhận thư chỉ biết là còn sống và mạnh theo trong thư chứ không biết gì hơn. Tất cả thư trước khi được gởi đi bao giờ cũng bị kiểm duyệt. Sau đó thông báo về cho gia đình gởi quà 3 kg/ba tháng một lần. Nhiều bà đã quá nôn nóng đã bôn ba bằng mọi cách để biết được tin tức chồng. Sau đó tất cả được di chuyển ra miền bắc và được gởi quà 5 kg/ba tháng một lần.

Cuối năm 1978, tình hình an ninh phía Bắc, Trung cộng đòi dạy cho VC một bài học về tội lừa thầy phản bạn, tù nhân được chuyển dần về phía nam và từ quân đội chuyển qua cho công an quản lý. Đây là thời gian te tua nhất trong tù. Không còn khoai sắn để mà ăn. Phạm văn Đồng phải qua Ấn độ xin viện trợ. Và đây là lúc tù trong và dân ngoài đều được thưởng thức một loại “cao lương” gọi là BOBO, một loại thực phẩm dành cho ngựa mà dân “cà ri” có nhã ý tặng cho “người VN ngàn lần anh hùng”. Ăn vào bao nhiêu thì cho ra bấy nhiêu, chẳng còn một chút bổ dưỡng nào được giữ lại trong cơ thể. Sức khỏe tù nhân vô cùng tệ hại. Cơ thể suy nhược và nhiều người đã chết. “Mô đất lạ chôn vùi thân bách chiến”.

VC đành phải cho gia đình tiếp trợ thăm viếng để giảm bớt số người chết. Mục đích thăm nuôi là cho tù nhân có được thực phẩm và thuốc men để sống còn. Thật không có chế độ nào đã bắt nhốt mà người gia đình phải đi nuôi. Chắc chỉ có độc nhất ở cái “xã hội ưu việt” này mà thôi.

Thăm nuôi chồng con cũng không có gì đơn giản dưới chế độ “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Các bà phải đến phường khóm, xã để làm đơn xin thăm nuôi. Trước khi thị thực vào đơn, bọn sâu bọ lên làm người bèn lên tiếng phán dạy: “Chồng chị nợ máu với nhân dân, nay được cách mạng khoan hồng cho học tập cải tạo để trở thành con người mới trong XHCN. Chị phải động viên chồng chị phải học tập tốt, lao động tốt để CM sớm cho về sum họp với gia đình.” 

Sau khi được giấy rồi, bắt đầu lo mua sắm thực phẩm, thuốc men cần thiết. Cũng nên nhắc lại sau các đợt đổi tiền để cướp giật tài sản của người dân miền Nam, các bà đi mua sắm phải nhịn ăn nhịn mặc để có một số tiền sắm sửa cho chồng. Đến khi mua vé xe lửa để ra Hà nội thì không mua được. Vì nóng lòng không thể chờ đợi nên các bà đi bằng cách “nhảy tàu”, có nghĩa là đi tàu không có vé, nếu gặp phải người kiểm soát thì đóng tiền phạt. Không có chỗ thì ngồi trên sàn, chỗ nào ngồi được thì ngồi. Mỗi lần đi phải dẫn theo từng đứa con một để chúng có cơ hội gặp cha. Tôi nhớ có một lần đứa con sinh năm 1973 đã đòi mẹ cho đi thăm Ba trước. Mẹ cho con đi thăm Ba vì từ hồi sinh ra đến giờ chưa biết mặt ba.

Xuống sân ga gần nhất để vào trại cải tạo, theo lời hướng dẫn trong thư hoặc đi theo người trước. Các bà phải dùng mọi phương tiện như xe bò, xe trâu, nếu không thì phải gánh gồng đi bộ vài ba chục cây số dưới ánh nắng mặt trời gay gắt mùa hè hay cái lạnh se thắt của mùa đông ở miền bắc. Đến trại, trước khi được gặp chồng, các bà lại bị đám cán ngố lên lớp: “Các chị phải động viên các anh lao động tốt, học tập tốt để được sớm cho về đoàn tụ gia đình. Thời gian lâu hay nhanh là do sự học tập của các anh ấy.” Sau đó được gặp chồng khoảng 10 hay 15 phút trên một chiếc bàn dài, một bên là tù, một bên là thân nhân, đầu bàn là một cán ngố ngồi kiểm soát. Sau đó được mang quà vào trại và để lại sự ngậm ngùi của vợ con vượt hàng ngàn cây số để được gặp chồng trong vòng 15 phút mà những giây phút đầu tiên đầy ngỡ ngàng và đầy nước mắt.

Như thế là còn may mắn, có những bà đến thăm lúc chồng đang bị kỷ luật thì bị lên lớp với những danh từ đao to búa lớn lê thê dài dòng mà vô nghĩa như con vẹt học nói tiếng người. Quyết định không cho gặp cũng như không cho nhận quà. Các bà vì thương chồng khóc lóc xin xỏ thế nào cũng không được. Các bà phải giải quyết làm sao với với gánh thực phẩm và thuốc men này đây. Nhiều khi các bà gầm thét, văng tục để bớt đi nỗi uất nghẹn trong lòng. Nhưng khi nghĩ đến thân phận của chồng nên đành ngậm miệng với bao uất hận và đắng cay. Còn có những bà bất hạnh hơn, thăm chồng nhưng chồng đã chết đi từ lâu. Cán ngố nói quanh chứ không bao giờ dám nói ra sự thật. Chỉ đường qua liên trại rồi đến trại khác để hỏi. Mỗi lần như thế các bà phải đi hàng chục cây số. Rồi cuối cùng vì quá uất ức, các bà phản ứng dữ dội, khi đó cán ngố mới thú thật.

Các bà đau khổ quá sức chịu đựng, cũng phải hằng ngàn dặm để trở lại nơi thâm sơn cùng cốc để bốc mộ chồng với những nấm mồ không có mộ bia thể theo lời chỉ dẫn của cán ngố hoặc anh em tù khi đi chôn cất họ còn nhớ được.

Thảm cảnh miền Nam bây giờ cũng không bút mực nào diễn tả hết. Mọi người sống chán ngấy với sâu bọ lên làm người. Lúc nào cũng huênh hoang, đất nước ta từ nay đã độc lập, thống nhất và sạch bóng quân thù, cả nước đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên XHCN, nào là khó khăn chỉ là tạm thời, nào là tàn dư Mỹ ngụy...Ai cũng nghĩ cách để làm sao không còn thấy những cảnh dối trá, xảo quyệt, dã man của bọn người ngợm.. nên mọi người tìm cách vượt biên, đem sanh mạng đổi lấy tự do như nhà thơ Tô Thùy Yên đã viết :

Làng mạc giờ đây đã trống trơn,
Con dê, con chó cũng không còn.
Người đi bỏ xác nơi bờ bụi,
Miếu xạc thần hoàng rũ héo hon...

Vì vậy đã gây nên thảm cảnh thức tỉnh lương tâm của nhân loại cả thế giới. Nào nạn hải tặc Thái Lan, nào làm mồi cho cá, nào chết trong rừng sâu. Trong cuốn “Cơn hồng thủy Biển Đông” của Cao Thế Dung, dựa theo bản tổng kết của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, con số hơn 600,000 người đã thiệt mạng trên đường đi tìm Tự Do. Thật là cái tang lớn và đau xót, chưa từng xảy ra cho dân tộc Việt Nam. Chính quyền CS còn dự định tổ chức một vùng kinh tế mới tại Thanh Hóa để di chuyển tập trung tất cả tù cải tạo với hình thức chỉ định cư trú và bắt buộc phải mang gia đình ra đó sinh sống cho đến chết. Rõ ràng CS muốn tiêu diệt các thế hệ của Quân Cán Chính VNCH để trả thù. Nhưng mà “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, CS phải chống đỡ Miên cộng ở vùng Tây Nam do Trung cộng xúi giục.

Đến đần năm 1979, Trung cộng đã xua quân tấn công hàng loạt các tỉnh phía bắc để dạy cho VC một bài học. Công cuộc chỉ định cư trú của tù cải tạo phải tạm ngưng lại để di chuyển các trại tù vùng biên giới xuôi Nam. Chính quyền CS đang ở trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Để chúng ta ở lại thì lại nghịch lòng dân miền Nam và là thành phần chống đối lại CS. Ngược lại cho chúng ta sang Mỹ thì “thả cọp về rừng”. Hơn nữa sự ra đi ào ạt sẽ gây xáo trộn cho các nước Đông nam Á và bị chết quá nhiều qua các thảm cảnh trên biển đông đã đánh thức lương tâm thế giới.

Nhờ chính những người như bà Khúc minh Thơ, tướng Vessey, Thứ Trưởng ngoại giao Robert Funseth và Tổng thống Ronald Reagan cùng nhiều vị ân nhân khác đã kiên nhẫn quyết làm cho bằng được để cứu vớt chúng ta, nếu không chúng ta khó mà có ngày nay:

Còn trời còn đất, còn non nước,
Chẳng lẽ ta đâu mãi thế này.

Để tránh sự xáo trộn trật tự tại các nước Đông nam Á như Thái lan, Mã Lai, Nam Dương cũng như chấm dứt thảm cảnh cho người vượt biên đưa đến chương trình ra đi có trật tự (O.D.P). Chương trình gồm có số lượng Quân Cán Chính của chính quyền VNCH thời gian ở tù từ ba năm trở lên. Các gia đình đã có người vượt biên đã định cư tại các nước như Canada, Mỹ, Anh, Úc bảo lãnh để đoàn tụ. Các gia đình có con hai dòng máu cũng được ra đi.

Sau năm 1984, CS từ từ thả các tù nhân cải tạo cho đến mùa Xuân năm 1988 đại đa số được ra khỏi trại cải tạo về sum họp với gia đình. Từ đó chuẩn bị giấy tờ cần thiết để nạp hồ sơ xin xuất cảnh. Một số ít gồm cán bộ tình báo cấp Phủ đặc ủy, các đơn vị 101 cũng được thả ra sau vài năm. Đến ngày nay, khoảng 3 triệu người sống rải rác trên khắp thế giới, đông nhất là tại Hoa kỳ.

Thời gian đầu được sự trợ cấp của nước tạm dung, với sự cố gắng vượt bực của các gia đình tị nạn từ từ được ổn định đời sống thoải mái và tự do. Con cái sau thời gian chịu đựng âm thầm ở các khuôn viên đại học đã đạt được ước mơ. Nhiều người ở thế hệ thứ hai là những bác sĩ, kỹ sư, khoa học gia, những chuyên viên xuất sắc đã đóng góp cho các quốc gia mà họ định cư.

Trải qua thời gian dài chịu đựng quá nhiều đau khổ theo vận nước, nhiều lúc những khó khăn gian khổ tưởng chừng không vượt qua nổi, nhưng cuối cùng đều được hanh thông. Những người lính chết khi còn rất trẻ để lại những người quả phụ đã phải chịu quá nhiều gian truân đau khổ, quên mất đi thời thanh xuân của mình. Đến hôm nay bỗng nhìn lại thì mái tóc huyền ngày xưa đã điểm sương, tuổi đời đã cao, nhưng tất cả đều ổn định, sống hạnh phúc với những gì mà mình đã tạo dựng, với các con cháu thành đạt nên người.

Các phu quân ngày nay thân đã yên, gia đình hạnh phúc. Nhạc sĩ sáng tác nhạc, văn sĩ viết văn, thi sĩ làm thơ... đều ca tụng và vinh danh các Bà. Các Bà rất xứng đáng được hưởng những gì mà các Ông trân trọng dành cho. Tuy nhiên khi chúng ta đã yên thân, hạnh phúc, chúng ta không quên hơn 80 triệu đồng bào ta còn đang đau khổ. Tuy tuổi đã già, sức đã kiệt nhưng chúng ta quyết tâm tranh đấu và khuyến khích con cháu giữ ngọn lửa đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng là quê hương VN tự do - hạnh phúc - no ấm và không CS.

Viết những lời này để trân trọng sự thủy chung của người đàn bà VN suốt đời hy sinh cho chồng con bất cứ ở hoàn cảnh nào. May mắn thay là họ đã được đền bù; cuộc sống còn lại nay đã được thảnh thơi, hạnh phúc, con cái thành đạt và hằng ngày vui cùng đàn cháu ngoan.

Xin cám ơn Thượng Đế!

Mai Văn Tấn, K21



Pages