Vũ Công Dân, K23
Bây giờ Lâm đã ngoài bẩy mươi, ở đoạn cuối của đời người. Nhìn lại quãng đời đã qua, anh vẫn có cảm giác sợ sợ, hình như có một vị thần linh nào đó, suốt đời vẫn theo anh, vị thần linh nghiêm khắc ấy, trừng phạt, nhưng che chở anh, không cho anh hưởng bình yên, an lành, mà bắt đời anh phải thăng trầm. Vị thần linh đó cho anh những may mắn, nhưng không cho trọn vẹn, mà cũng không để anh xui xẻo đến tận cùng, đưa đến phong ba bão táp cho anh quỵ ngã, rồi lại đỡ anh dậy, đẩy anh đến với hiểm nguy, nhưng lại cứu anh ra khỏi đường cùng. Không biết vị thần linh đó, ngài, có phải là thần hộ mạng của anh từ lúc mới sanh ra đời, mà mẹ anh thường kể là đã cứu anh thoát chết ngày bé, cứu anh khỏi cảnh tàn tật suốt đời? Hay vị thần linh đó, ngài, ở trong cái “Túi Bùa”, mà mẹ đã cho anh ngày tốt nghiệp Võ Bị để hộ thân trên bước đường binh nghiệp? Cái “Túi Bùa” mà anh đã coi thường, xử tệ. Cái “Túi Bùa” ấy, dù là ở bên anh suốt đoạn đời binh nghiệp, nhưng chỉ có một lần, một lần duy nhất anh đeo vào cổ, đốt dần hết ba lá bùa bên trong, để cầu xin một điều, trong những ngày anh bỏ nước ra đi, “Tháng Tư Đen”.
Mẹ của Lâm đã lên Đà Lạt để dự lễ mãn khóa và đón anh về. Phong cảnh đẹp của núi đồi Đà Lạt, cái lạnh dìu dịu, bên cạnh lại có cả một tiểu đội các cô ‘cháu gái’ đi theo, tháp tùng lên Đà Lạt, các cô lúc nào cũng nhí nhảnh, vui cười, đùa giỡn với bà nên bà thấy vui, quên đi những âu lo khi nghĩ đến con đường chinh chiến gian nguy mà con bà sắp phải bước vào, sau ngày mãn khóa.
Ngày đầu tiên mới lên ĐàLạt, gặp anh mẹ đã hỏi:
- Con đã biết sẽ đi đâu, đơn vị nào chưa? Sao ở Sài Gòn người ta đồn con đi “lính thủy đánh bộ”.
Lâm lôi ra cái nón nâu hãnh diện khoe với mọi người:
- Chắc mấy thằng nằm vùng đồn nhảm, con đã chọn Biệt Động.
Rồi anh kể huyên thuyên cho mọi người nghe câu chuyện chọn binh chủng, khó khăn lắm, ma mãnh, bon chen lắm mới dành dựt được cái binh chủng “mũ nâu” này đấy! chỉ có ba binh chủng nón mầu, đồ rằn thôi, còn lại là các sư đoàn bộ binh sẽ được chọn sau ngày mãn khóa.
Lâm hăng say và vui quá, nói cười huyên thuyên mà không để ý đến mẹ, đôi mắt trĩu buồn nhìn anh, im lặng với cái cau mày khó chịu.
Đêm trước ngày mãn khóa, Mẹ anh và các cô cháu vào trường dự lễ truy điệu. Ngồi trên khán đài, bà cố tìm trong hàng quân xem con mình đứng đâu, nhưng đành chịu. Các Sinh Viên Sĩ Quan ai cũng giống nhau, uy nghi trong hàng, đại lễ mùa đông màu “ô-liu”, nón và quai trắng che gần hết khuôn mặt, kiếm tuốt trần, lưỡi lê đầu súng sáng loáng và cờ xí rập trời. Bắt đầu buổi lễ, bà vui lắm, cười nói luôn miệng với các cháu. Đêm Đà Lạt lạnh buốt, âm u, những ánh đuốc bập bùng quanh đài tử sĩ, tiếng gió rít từ rừng núi quanh trường vọng lại, như tiếng oan hồn tử sĩ đang trở về với trường mẹ, khiến bà trầm ngâm, im lặng rồi rùng mình, như cảm nhận cái âm khí bao quanh Vũ Đình Trường. Khi đèn tắt hết, chỉ còn ánh sáng lung linh của những ngọn đuốc, chiêng trống, tiếng gió hú nhỏ dần, rồi tiếng vọng âm vang, như đến từ bên kia thế giới:
… phút chốc liệt vị đã trở nên người thiên cổ…
Bà bắt đầu khóc, tiếng khóc lớn dần rồi nức nở.
Tiếng sáo và giọng ngâm lại nổi lên:
Mô đất lạ chôn vùi thân bách chiến …
Bà đã khóc đến tận cùng cảm xúc, các cô cháu gái đã phải ôm lấy bà. Bà khóc suốt trên con đường về và suốt đêm hôm đó.
Nhưng mẹ của Lâm lại vui ngay vào ngày hôm sau, khi dự lễ mãn khóa.
Vui với tiếng nhạc quân hành, tiếng hát xuất quân. Vui với những hùng tráng của hàng quân cờ xí rợp trời, rừng kiếm vung cao sáng loáng và say mê theo dõi những nghi lễ cổ truyền của trường Võ Bị, nhất là khi thủ khoa bắn tên đi bốn phương trời, mẹ cười tươi khi thấy hoa mai nở trên vai áo các tân sĩ quan.
oOo
Cái túi bùa kỳ quái trong ngày mãn khóa.
Ngay giữa sân doanh trại Sinh Viên Sĩ Quan, khi chuẩn bi dự tiếp tân trong phạm xá. Mẹ anh mở cái gói nhung mầu đỏ, lấy ra một sợi dây ngũ sắc có cái túi vải nâu, nhỏ bằng ngón tay cái, quàng vào cổ Lâm. Anh vừa ngượng với người yêu, với các bạn gái của cô em họ, vừa xấu hổ với bạn bè cùng khóa đang đứng vây quanh. Anh giằng mạnh, chui đầu ra khỏi “sợi dây chuyền quái dị” càu nhàu:
- Mẹ! mẹ làm gì kỳ vậy?
Mẹ nhìn anh ái ngại:
- Chiến trường đang sôi động lắm!... đường tên mũi đạn, ai biết đâu mà tránh. Mẹ vẫn cầu xin cho con, mẹ thỉnh cho con cái tượng Phật, làm bằng nanh heo rừng, để trong cái túi này, có ba lá bùa nữa, khi nào nguy hiểm khốn cùng, con đốt một lá để cầu xin, thần hộ mạng sẽ phù hộ cho con tai qua nạn khỏi.
Lâm trả lại cho mẹ sợi dây, vùng vằng:
- Mẹ! mẹ cứ đi lễ bái, tin dị đoan! Số con thọ lắm, sau này “làm
tướng” mà mẹ.
Mẹ mắng yêu như ngày anh còn bé:
- Cha mày!... thằng cứng đầu... đồ rắn mắt... Tướng gì?... Tướng cướp!
Lâm quay sang nói với các bạn như để chữa thẹn:
- Sống chết có số mạng, chết thì ở nhà bị chó cắn cũng chết, xe đụng chết, tắm ao, tắm hồ chuột rút cũng chết đuối. Thi sĩ, thơ thẩn, vừa đi vừa mơ mộng làm thơ... đụng cột đèn cũng chết cơ mà, phải không tụi mày?
Mọi người cười vui, không ai để ý đến nét lo âu trên mặt người mẹ có đứa con trai sắp đi vào vùng lửa đạn.
Đó là lần đầu tiên Lâm thấy cái “túi bùa”.
oOo
Cái túi bùa - Linh nghiệm đầu tiên
Sau lễ mãn khóa Lâm không ở lại trong trường để chọn đơn vị. Anh dạo phố với mẹ, với người yêu và các cô em gái, hãnh diện với bộ“Jaspé”, quân phục dạo phố mùa đông, lon thiếu úy trên cầu vai đen và trên đầu đội nón nâu Biệt Động. Nắng ấm Đà Lạt, trời xanh, núi đồi xanh, nước Hồ Xuân Hương xanh biếc, người yêu của anh nơi đây, thành phố này, thành phố thương yêu của anh, anh phải cố thâu hết những hình ảnh êm đẹp này vào ký ức, những lần cuối trước khi rời xa. Bên mẹ, bên người yêu và các em, anh vui lắm, cười nói huyên thuyên. Cho đến khi mấy người bạn cùng chọn biệt động hớt hải đến báo tin:
- Lâm ơi! chết mày! không thấy tên mày trong danh sách 32 thằng biệt động.
Lâm cười chửi thề:
- Mẹ! tụi mày diễu dở, tao đứng thứ 21 trong danh sách, đâu phải dự khuyết đâu, mà tụi mày hù.
Thấy vẻ nghiêm trọng của các bạn, Lâm biết họ nói thật, anh bắt đầu lo và nghĩ thầm rằng, không có trong danh sách Biệt Động Quân, bỏ không chọn đơn vị, thì chỉ có nước đi vùng khỉ ho cò gáy, tự động bị nhét vào sư đoàn 3 tân lập mà thôi! Chết rồi! tàn rồi mộng ước !!!
Anh bỏ mẹ và các em ngay giữa khu chợ Hòa Bình, mượn chiếc Honda Dame chạy vội vào trường với lo âu hồi hộp.
Đọc đi đọc lại trên bảng Biệt Động Quân không thấy tên mình, Lâm run lên, đầu óc choáng váng, không biết số phận mình ra sao? về đâu? đi đâu?
Sao lạ vậy? Đọc hết danh sách các đơn vị, các sư đoàn, cả sư đoàn 3, cũng không thấy tên mình. Ngay vừa lúc, có hai người lính kéo ra hai bảng danh sách những tân sĩ quan đi về quân chủng không quân và hải quân. Lâm thấy tên mình thứ ba trong danh sách Hải Quân. Đột ngột, ngỡ ngàng, anh lặng người, đầu óc trống rỗng không hiểu gì cả, không kịp suy nghĩ gì cả.
Khi ra phố gặp lại mẹ và các em. Trong vui buồn lẫn lộn, anh cười nói với mẹ:
- Con lọt về Hải Quân mẹ ạ! Hải Quân kiểu này chắc là Hải Quân mắc cạn! Hải Quân trên núi!
Lâm thấy ánh mắt mẹ sáng hẳn, nỗi vui mừng ngập tràn trên nét mặt, trên môi cười. Mẹ ôm quàng cả hai tay qua cổ anh:
- Mừng cho con, Hải Quân an nhàn, ít nguy hiểm hơn con ạ. Mẹ chỉ còn mình con. Con có Trời Phật phù hộ, có thần hộ mạng luôn ở bên con. Mẹ vẫn cầu xin cho con an lành từ ngày con trốn nhà đi Võ Bị.
oOo
Cái túi bùa - Linh nghiệm trên sông - Giang đoàn.
Lâm vừa chào mẹ, vừa dắt chiếc Honda ra cửa định đi. Mẹ anh gọi dật lại:
- Lâm, hôm nay phải ở nhà ăn cơm, mẹ nấu canh cua rau đay, cá kho khế ngon lắm.
Anh nhăn nhó:
- Mẹ, con có hẹn đón Nguyệt lúc tan sở đi ciné, đi ăn mà mẹ. Trước khi ở căn cứ về con có gọi điện thoại hẹn trước rồi. Hôm nay con sẽ về sớm, mà mẹ cứ đi ngủ trước đi, đừng chờ con.
Mẹ anh nghiêm sắc mặt dằn từng tiếng:
- Lần nào con về cũng tắm rửa vội vàng, rồi đi chơi thâu đêm suốt sáng. Nếu lần này không ở nhà ăn cơm thì … con đi luôn đi! Con cứ ở luôn dưới căn cứ, muốn đi chơi đâu thì đi, khỏi cần về nhà với mẹ nữa.
Chưa bao giờ Lâm thấy mẹ quyết liệt như lần này, anh nài nỉ:
- Tối nay thôi, ngày mai con ở nhà với mẹ cả ngày, chiều mới xuống căn cứ mà. Mẹ muốn đi chùa, đi thăm ai, mai con sẽ đưa mẹ đi.
- Thôi … ông tướng! lần nào cũng nói láo, tôi không cần đi đâu cả, nhưng tối nay “ông tướng” phải ở nhà, tôi có vài chuyện cần hỏi.
Anh vẫn nài nỉ:
- Để người ta đợi tội nghiệp mà mẹ.
- Tan sở không thấy con đón, chờ năm mười phút nó cũng phải về thôi
Lần đầu tiên anh thấy mẹ giận dữ, linh tính cho biết có chuyện gì quan trọng lắm mẹ mới quyết liệt như lần này. Anh dùng dằng muốn đi mà không dám.
Lâm và mẹ vào bàn ăn, nét mặt mẹ bình thản, im lặng không nói một lời cho đến gần cuối bữa mẹ mới vào đề:
- Con nói dối mẹ hơn một năm rồi! con nói ở giang đoàn con ngồi phòng hành quân an nhàn như công chức phải không? Con biết không, hôm qua thím Hải đem cho mẹ xem tờ Thế-Giới-Tự-Do có bài phỏng vấn và có hình con, đứng chống nạnh nhìn một hàng xác Việt Cộng, thím hỏi: “cụ ơi! có phải là cậu Lâm đây không?”. Tại sao con nói láo mẹ? Phải cho mẹ biết để mẹ cầu an cho con. Cái tượng Phật mẹ cho, con để đâu, cho ai, cả năm nay mẹ không thấy?
Lâm ngắt lời mẹ:
- Mẹ à, đi Hải Quân, chữ thọ to bằng cái đình rồi mẹ, bạn bè con cả năm nay hành quân liên miên, chiến trận nặng nề, cố đại úy cũng nhiều rồi mẹ ạ! con là tốt phước lắm đấy, con trai nhờ phước mẹ, mẹ còn cầu gì hơn nữa! Con kể chuyện chiến trận, đánh nhau, đụng độ cho mẹ nghe, đâu có lợi ích gì, chỉ khổ cho mẹ ngày đêm phải lo sợ, béo mấy thầy, mấy đền, moi hết tiền của mẹ thôi. Còn cái “Túi Bùa” mẹ cho, con vẫn cất trong cái hộp đựng đồ kỷ niệm của con, để ở dưới căn cứ. Không lẽ “võ quan” đi chơi với đào, mẹ bắt con đeo lòng thòng cái “túi bùa” trên cổ, như mấy thằng cu Tí, cu Tèo, thò lò mũi xanh, mặc quần thủng đít ở nhà quê!
Lâm chợt liên tưởng đến những may mắn lạ kỳ suốt gần hai năm phục vụ ở giang đoàn. Mỗi lần có biến cố, có thiệt hại lớn, là anh vắng mặt vì những dẫn dắt vô hình, có đơn vị thay thế, có lệnh thay đổi vùng, vừa mãn phiên tuần tiểu, nghỉ phép, hoặc biệt phái đi hộ tống cho tiểu khu. Một lần dẫn hai chiến đỉnh trên đường về, gần đến căn cứ nên ỷ y, chạy khơi khơi, bị chơi lén một trái B40, vỡ banh mũi chiến đỉnh, cố vấn Mỹ bị thương, xạ thủ đại liên trước mũi chết, trung sĩ thuyền trưởng bị thương nặng, xạ thủ đại liên sau lái bị nhẹ, còn anh bị sức dội hất văng xuống sông, chỉ bất tỉnh, tức ngực nhưng vô sự. Ngược lại những lần có “ăn ngon”, “hốt trọn” là anh lại có mặt, được đưa đẩy tới để “làm bàn”.
- Con không được ăn nói xàm xỡ, có tin, có lành. Ăn ở phải có đức, mẹ thấy con hoang đàng hư đốn, ngỗ nghịch từ ngày đi lính. Cặp hết cô này đến cô khác, hứa hẹn làm khổ người ta là mang tội đấy con! Bây giờ “quả báo nhãn tiền”, chẳng phải đợi đến kiếp sau đâu. Mấy hôm nay cô Thủy, cô Phượng, cô Dung đến chơi, hỏi thăm xem hôm nào con về. Tuần trước Bé Phương ở ĐàLạt xuống thăm mẹ, có ý đợi con quyết định đấy. Sống phải thủy trung, ai cũng được nhưng chỉ được một người thôi. Già cái đầu rồi, lấy vợ đi là vừa. Mẹ ở nhà một mình, lúc ốm lúc đau chỉ biết trông nhờ hàng xóm.
Lâm dịu giọng:
- Mẹ khỏi phải lo, con sắp sửa có lệnh thuyên chuyển lên Hạm đội. Đi mút chỉ ngoài biển, ít khi về Sài Gòn lắm. Có tìm đỏ mắt cũng không thấy được một thằng Việt Cộng, chữ thọ còn lớn hơn mấy cái building, mẹ khỏi cần cầu xin gì cả. Mà, con có hứa hẹn với ai đâu, chỉ bạn bè đi ciné, đi ăn thôi mà. Có cô nào dại dột rớ tới con đâu, lương lính tháng nào sạch tháng đó, đi quanh năm ngày tháng, cưới về nằm không ở nhà, tối ngày nghe mẹ càu nhàu, chắc mau tàn nhan sắc.
Thấy mẹ có vẻ buồn, im lặng, Lâm kể tránh sang chuyện khác làm vui:
- Mẹ à, chiều hôm qua đi tuần về, đến ngã ba sông Đồng Nai, con cột chung ba quả lựu đạn chống người nhái, ném xuống sông, định kiếm vài con cá chẽm, hôm nay mang về cho mẹ và làm quà bên nhà Phượng. Ai ngờ đâu trúng ngay đàn cá sơn nhỏ bằng bàn tay, cá chết trắng cả sông, cả triệu con, sóng đánh dạt vào hai bên bờ sông, ánh nắng chiều phản chiếu, lấp lánh sáng như hai viền bạc, dân chúng ven sông, đổ ra sông, mang rổ, mang thùng lượm cả buổi.
Mẹ dằn mạnh chén cơm xuống bàn, đứng dậy mắng:
- Tiên sư cha mày … trời ơi! … “ Ông tướng nhà trời”! … hôm qua ngày rằm tháng bẩy, lễ xá tội vong nhân, tao đi lễ suốt ngày, mua thả phóng sinh được hơn chục con chim sẻ. “Ông Tướng” ở ngoài sông, giết cả triệu con cá!!!
Đêm đó, anh ngủ mơ màng trong tiếng chuông, tiếng mõ và tiếng mẹ tụng kinh, có tiếng cầu xin của mẹ, có hình ảnh cái “túi bùa” mẹ đeo vào cổ anh ngày mãn khóa.
oOo
Cái túi bùa - Chuyến hải hành cuối cùng - Tháng Tư Đen
Khoảng giữa tháng tư năm 1975. Tình hình miền Trung rối loạn, tin tức trên báo chí dồn dập về những bi thảm của cuộc di tản ở Huế và Đà Nẵng.
Đà Nẵng rồi Ban Mê Thuộc đã mất. Dân chúng Sài Gòn xôn xao, bàn tán với những tin đồn không rõ thực hư. Chiến hạm của Lâm nhận lệnh ra khơi, đi trấn giữ quần đảo Trường Sa.
Khi dây số 2, số 3, số 4 rồi dây số 1 lần lượt kéo về tầu, chiến hạm từ từ tách bến. Đứng trên đài chỉ huy cao, Lâm thấy dáng vợ bé nhỏ, chịu đựng, đứng dưới cầu tầu, một tay vịn chiếc Honda, một tay vẫy vẫy chiếc khăn trắng từ biệt. Anh biết Yến khóc, lần nào tầu rời bến mà Yến chẳng khóc! mẹ vẫn kể, nó khóc mấy ngày đêm. Bao nhiêu chuyến ra khơi từ ngày cưới nhau là bấy nhiêu lần Yến khóc. Chiến hạm xa dần, ra giữa dòng sông, thủy thủ đứng dọc theo thành tầu để chào bến. Con Tầu xuôi về hướng Khánh Hội.
Đi ngang nhà hàng Mỹ Cảnh, trên đài chỉ huy Lâm nhìn qua ống nhòm lại thấy Yến, Yến đứng trên nhà hàng Mỹ Cảnh bên mé sông, với chiếc áo dài xanh, vẫy vẫy chiếc khăn trắng … Làm sao mà em chạy theo tầu anh được! Dù em có chạy hết bến sông này thì cuối cùng mình cũng phải xa nhau! Anh sẽ ra với biển khơi, em ở lại nhà với con với mẹ, với trăm mối tơ sầu.
Lâm và Yến hình như đã linh cảm thấy có điều gì bất lành trước ngày khởi hành. Nhưng không ngờ rằng, chuyến đi ấy lại là chuyến đi định mệnh. Con tầu rời bến, rồi chẳng bao giờ trở lại bến cũ như bao lần ra đi trước đây. Cả tuần trước ngày đi, Yến vẫn âm thầm chuẩn bị cho chồng như những chuyến ra khơi trước, những cây thuốc lá, những thùng sữa, thùng mì, đường và đậu đen, Lâm vẫn thích nấu chè để ăn đêm! Có đêm không hiểu Yến đã linh cảm thấy gì ở khúc quanh định mệnh sắp đến? nàng nửa đùa nửa thật, cụng sát mặt vào mặt anh, như để nhắc nhở, nàng ngâm khe khẽ câu ca dao:
Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lành lùng thiếp cam...
Lâm cũng đã cẩn thận dặn dò:
- Nếu Sài Gòn có biến, em cố gắng đưa con và mẹ ra Vũng Tầu, anh ở ngoài biển anh dễ đón hơn, chiến hạm lớn vào sông khó khăn. Hoặc nếu khẩn cấp, cố đem mẹ và các con vào bộ tư lệnh Hải Quân, tìm các bạn anh giúp đỡ, ra được đến biển chắc chắn anh sẽ liên lạc được và mình sẽ gặp nhau.
Chiến Hạm từ Trường Sa được gọi về đảo Phú Quý, có tin Việt Cộng đã kéo cờ trên đảo.
Chiến hạm Lâm và vài chiến hạm bạn kéo đến kẻ ô vuông trên đảo, chuẩn bị hải pháo TOT. Cuối cùng lệnh hủy bỏ, các chiến hạm phải rút ra xa khỏi đảo. Ngày 27 tháng tư, mấy chiến hạm kéo vào gần bờ, hải pháo phi trường Hàm Tân. Ban đêm nhìn vào bờ, thấy “convoy” xe và tank Việt Cộng bật đèn sáng di chuyển dài theo hương lộ 1 ven biển, kéo về hướng Phước Tuy Vũng tầu. Chiến hạm xin lệnh hải pháo nhưng bị từ chối, tầu lui dần về hướng Nam, đến gần cửa Vũng Tầu. Đêm 27 rạng ngày 28 có lệnh pháo cầu Cỏ May cắt đứt đường Sài Gòn Vũng Tầu, để chặn không cho “tank” tràn vào Vũng Tầu. Rồi lại có lệnh hải pháo tiếp theo, trên đài chỉ huy, Lâm chấm trên bản đồ, thấy tọa độ pháo ngay trung tâm chợ Bà Rịa, Lâm gọi phòng hành quân xin xác định lại vị trí. Lệnh chỉ thị cứ pháo, chỉ có Việt Cộng trên đó, dân chúng đã di tản cả rồi.
Ngoài chiến hạm tin tức mù mờ chẳng rõ ràng, chỉ đại khái biết tình hình miền Nam nguy ngập lắm rồi. Ngày 28 tháng 4, Lâm gọi máy cho đại úy Tạo, người bạn cùng khóa, ở gần nhà anh, đang trực trên phòng hành quân hạm đội để nhờ vả bạn:
- Mày có di tản hay đi đâu, nhớ ghé nhà cho vợ con tao theo với, ra tới
biển sẽ liên lạc sau.
Ngày 29, ghe thuyền di tản đầy đặc trên biển. Máy bay trực thăng của đệ thất hạm đội ra vào tấp nập. Thành phố Vũng Tầu hỗn loạn, mọi người đổ xô ra biển. Hạm phó và một sĩ quan có gia đình ở Vũng Tầu xin cho ca-nô vào bờ tìm gia đình rồi mất tích luôn, không đón được.
Cũng may, Lâm xin đi theo vào bờ, hy vọng rằng Yến, mẹ và các con đã ra được Vũng Tầu, nhưng không được chấp thuận. 10 giờ sáng ngày 30 tháng 4, radio trên chiến hạm bắt được nhật lệnh của Tướng Dương Văn Minh, ra lệnh đầu hàng trên đài phát thanh Sài Gòn.
Đứng trên đài chỉ huy, nước mắt Lâm chẩy dài, hết rồi! đã chặn mất đường về, hết rồi! đời võ nghiệp, mộng hải hồ không còn nữa, nước mất, gia đình vợ con ly tán. Quân giặc tràn vào, không biết bây giờ Yến, mẹ và các con ra sao? Hình ảnh, quân phục, súng đạn, kiếm và các kỷ vật nhà binh của con còn đầy ở nhà, mẹ có tẩu tán, cất dấu được không?
Chiến hạm lừ đừ xuôi về hứng Nam, lệnh hạm trưởng muốn đem tầu xuống vùng bốn vẫn còn kháng cự để chờ lệnh. Khi qua khỏi mũi Cà Mâu, ngài hạm trưởng mới “tâm tình”, cho biết là ngài đã để vợ con ở một đảo nhỏ ngoài khơi gần Phú Quốc từ lâu, nên ngài xin đi công tác sớm, khi chiến hạm còn trong lịch trình nằm bến để sửa chữa. Thật là một người Hạm Trưởng tồi, mưu mô, xảo quyệt và vị kỷ. Ngài Hạm Trưởng chỉ biết lo cho riêng mình, không nghĩ gì đến đơn vị, ngài lừa dối thuộc cấp cho đến giờ phút cuối cùng, leo lên đến trung tá, nhưng chưa bao giờ ngài học môn lãnh đạo chỉ huy.
Cuối cùng nhân viên trên chiên hạm nổi loạn, buộc phải quay mũi trở về Côn Sơn để nhập vào đoàn tầu di tản. Hơn hai trăm thủy thủ đoàn trong cơn ly loạn đã tan nát gia đình, ly tán vợ con, chỉ vì một toan tính thấp hèn, vị kỷ của cấp chỉ huy. Cái xui của con tầu, của thủy thủ đoàn bắt đầu từ vài tháng trước, khi vị hạm trưởng tiền nhiệm tài giỏi, đức độ, luôn lo lắng cho thuộc cấp đã bàn giao lại chức vụ cho nguyên hạm trưởng để đi du học Hoa Kỳ.
oOo
Cái túi bùa trong đời tị nạn
Trước khi vào hải phận Phi Luật Tân, chiến hạm phải ngừng lại ngoài khơi cả ngày để tháo vất đạn dược xuống biển. Tên và số hiệu các chiến hạm bị sơn xóa trước khi trao trả lại cho hải quân Hoa Kỳ, theo điều khoản của trương trình M.A.P (Military Assistance Program: quân dụng không sử dụng phải được hoàn trả cho chính phủ Hoa Kỳ) . Lá quốc kỳ Việt Nam được hạ xuống, mọi người đã hát bản quốc ca trong nước mắt và tiếng khóc uất nghẹn. Lá quốc kỳ cũng được thủy táng. Lâm cũng thủy táng đời anh cho biển cả. Mũ áo, lon, huy hiệu, hình ảnh, thư từ, kỷ niệm của đời anh từ ngày còn bé và bao nhiêu tháng năm dài trong quân ngũ, cả linh hồn anh nữa, được gói trong lá cờ vàng ba sọc đỏ, gửi sâu dưới lòng đại dương. Lâm
rời chiến hạm như cái xác không hồn.
Trước khi rời tàu, khi gom góp ít kỷ vật mang theo, Lâm thấy cái túi bùa, nhớ đến mẹ, anh bật khóc. Lần đầu tiên, tự anh quàng cái dây bùa vào cổ.
Nếu quả thật có vị thần linh trong cái túi bùa này, chắc ngài cũng phải cau mày, nhăn mặt, quở mắng:
- Đồ khốn kiếp! đến giờ phút cùng bí này, mày mới nghĩ đến tao!
Lâm mở thử túi bùa thấy bên trong có một tượng Phật nhỏ bằng nanh heo rừng, tạc rất sắc nét, ám mầu nhang khói vì đã thờ lâu trên chùa trước khi mẹ thỉnh về, có ba lá bùa mầu vàng, viết bằng chữ Phạn mà anh không đọc được. Nhớ lời mẹ, anh đốt một lá bùa, nói nhỏ:
- Tôi chỉ cầu xin gặp được mẹ, vợ và các con.
Trao trả chiến hạm cho Hải quân Hoa Kỳ tại Subic Bay, Lâm rời tầu với độc nhất bộ quân phục hải quân mầu xanh mặc trên người, không lon, không nón và một túi sách nhỏ đựng ít đồ lưu niệm. Lâm, người tị nạn cô đơn, vô tổ quốc, vô gia đình. Quá khứ nhòa trong nước mắt thương đau. Tương lai thì mịt mù, vô định!
Hình như có sức mạnh vô hình nào đó, đã níu kéo anh lại khi anh thay bộ bà ba đen định bước xuống ca-nô trở về bờ từ Côn Sơn và sau này khi anh định theo chiếc Việt Nam Thương Tín từ Guam về lại Việt Nam. Cũng có thể vì lý do anh vẩn còn mong manh hy vọng gặp được gia đình đang thất lạc đâu đó. Biết đâu Tạo chẳng ghé ngang nhà, chỉ đường dẫn lối cho Yến vào bộ Tư Lệnh Hải Quân? biết đâu Yến đã xoay sở được phương tiện ra đi? Anh vẫn tin Yến tháo vát trong mọi hoàn cảnh. Cảm ơn Trọng, người em kết nghĩa, và cám ơn các đàn em Võ Bị dưới khóa, lúc nào cũng quây quần bên anh, trợ giúp tinh thần và ngăn cản anh quay về Việt Nam.
Lâm đã gọi máy khắp các chiến hạm bạn, nhắn tin tất cả các trung tâm Hồng Thập Tự từ Subic Bay đến Guam để tìm Mẹ và vợ con thất lạc, mà không có tin tức hồi âm. Anh đốt lá bùa thứ hai, rồi thứ ba để cầu xin.
Cả tháng, lang thang trong trại tị nạn tại Guam, để tìm kiếm gia đình, nhưng vô vọng. Cho đến một hôm anh nhận được điện tín của người anh bên Pháp, gửi qua cơ quan Hồng Thập Tự cho biết là, gia đình không ai đi thoát cả. Buổi tối hôm ấy, Lâm ngồi bên lều tị nạn, nhóm lửa nấu nước pha café, trong niềm đau tuyệt vọng, anh dật sợi dây bùa đeo trên cổ, ném vào bếp lửa.
Dây ngũ sắc và túi bùa phừng cháy, ánh sáng lóa xanh rồi tắt. Anh không cần gì nữa! chẳng có gì để phải cầu xin!
Sáng ra dọn dẹp, bới đống tro tàn, Lâm thấy tượng Phật còn đó, không cháy, chỉ bị đen nám, anh lẩm bẩm hỗn xược: “Phật nướng” rồi cạo rửa cất vào túi áo.
Những năm đầu tị nạn, Lâm không tin có Chúa, có Phật, có đấng tối cao hay có thần linh trên cõi đời này. Anh sống âm thầm lặng lẽ. Có một quyền lực linh thiêng nào đó vẫn đẩy anh bước tới, bắt anh phải phấn đấu để ngoi lên trong cái sứ sở thiếu tình người này, phải đi làm nuôi thân, đi học để tìm đường vươn lên.
Lâm ở chung phòng với người bạn hơi cùng hoàn cảnh, một người đánh mất vợ con, một người vợ bỏ ngay từ khi mới sang, khác nhau có một điểm, Khanh có Chúa, có Đức mẹ, có đức tin để sống, còn Lâm thì không! Khanh ngoan đạo, Lâm vô thần.
Sáng chủ nhật Khanh chuẩn bị đi lễ, Lâm hay chui đầu ra khỏi chăn gọi:
- Khanh, đi lễ hả?... cho tao gửi lời thăm Chúa.
Lần nào anh cũng nhận được câu chửi thân thương:
- Tồ cha mày …. Thằng mất dậy!
Hình như Khanh không bao giờ biết giận, ngay cả những khi đùa dỡn quá đà. Như một lần đêm Noel, Khanh chuẩn bị đi lễ, thấy thương bạn lủi thủi ở nhà một mình nên rủ, đi lễ nửa đêm với tao cho bớt buồn, ở nhà làm gì.
Lâm cũng ngang ngược:
- Không, tao tội nặng hai vai, Chúa thấy mặt tao cũng phải nổi giận, lỡ chúa dựt đinh được đá bỏ mẹ.
Chủ nhật rảnh rỗi, Lâm hay đến chơi với ông bạn làm Mục sư để hoạt động xã hội, đi xin đồ đạc, giường tủ, chở đến giúp những gia đình thuyền nhân vượt biển mới qua. Một hôm ông khuyên nhủ:
- Hãy tìm sự bình yên tâm hồn nơi Đức Chúa Trời, ngài lắng nghe lời cầu nguyện của anh …
Lâm nổi nóng, phạng ngang một câu, không ngại miệng:
- Cám ơn mục sư, Phật với Chúa! hai ông đang ngồi đánh bài cào với nhau, chẳng có ông nào nhớ đến tôi cả! Phật đang ngồi khoanh chân vòng tròn, chắp hai tay, đang nặn bài … tây, tây … chín nút, chín nút. Còn Chúa thì đã dang hai tay … tao bù!.
Lâm bực tức bỏ về:
- Tuần sau tôi bận không đến được, sắp thi Final rồi.
Mỗi khi buồn Lâm hay đến chơi với gia đình cô em họ rất thân như anh em ruột. Tìm vui với không khí êm ấm của gia đình Lan, vui đùa với các cháu cho bớt buồn.
Một hôm Lan hỏi:
- Nghe Bác kể hồi ở nhà, bác có thỉnh cho anh cái tượng Phật linh lắm mà, anh còn không cho em mượn. Anh Khôi từ ngày qua đến giờ, tối ngủ hay mê sảng, đêm nào cũng bị ác mộng, toát mồ hôi ướt đẫm cả gối, nhiều đêm bị mộng du, dậy đi lang thang khắp nơi, sáng dậy em hỏi không biết gì cả.
Nguy hiểm lắm anh ạ. Chắc tại ngày xưa bắn phá, ném bom giết nhiều Việt Cộng quá nên họ theo báo oán. Em định mượn anh cái tượng Phật, em dấu dưới gối của anh Khôi may ra anh ấy khỏi bệnh.
Lâm cười:
- Em đúng là đàn bà! giết nhiều Việt Cộng thì đã sao? nếu mấy con ma Việt Cộng có sống dậy được đi nữa, gặp mặt anh với anh Khôi thì cũng phải cắm đầu chạy … sợ bị giết thêm lần nữa! Nhưng nếu em muốn thì anh cho, anh vẫn còn giữ ông “Phật nướng”. Sao em giống mẹ anh thế! lúc nào cũng tin dị đoan, không thấy anh sao, nhờ có ông Phật mà giờ này anh cù
bơ cù bất một mình.
Rồi anh kể cho Lan nghe chuyện đốt bùa, đốt tượng Phật khi ở trại tị nạn bên Guam.
Lan nhăn mặt mắng anh:
- Bác mà biết được thì anh chết đòn. Tại sao anh không nghĩ rằng anh còn may mắn hơn cả ngàn người khác, giờ này còn trong tù Cộng Sản.
Hơn một năm sau, một lần Lan nói:
- Anh Khôi đã hết bệnh, bây giờ vui vẻ yêu đời lắm, tụi em sắp mua nhà, hôm nào ăn tân gia anh nhớ đến chơi. Em đã bịt vàng cái tượng Phật của anh, em đánh sợi dây chuyền, trả anh để anh đeo.
Lâm cười:
- Em tin, em cứ giữ đi, anh cho em đó.
oOo
Ngộ
Có con chim sâu mấy tuần trước đến làm tổ ngay trên cành cam trước cửa ra vườn. Lâm theo dõi từ những ngày đầu, từ những cọng rơm ngọn cỏ đầu tiên được tha về. Sao làm tổ chênh vênh, thấp ngang tầm mắt, lại ngay cửa kính sát lối đi vậy kìa? Con chim bé nhỏ này, mi không biết sợ loài người hiểm ác hay sao? Này con chim bé nhỏ, có cần ta phụ giúp gì không? mà bàn tay con người làm sao khéo léo để làm được cái tổ bé như nửa quả trứng gà, xinh sắn gọn gàng như vậy! Con chim bé nhỏ ơi, có cần sự che chở của ta không? Mà che chở làm sao được! Bàn tay con người không thánh thiện, không thay thế được bàn tay tạo hóa! Nếu ta đụng vào cái tổ này, chắc chắn con chim bé nhỏ sẽ bỏ đi, đi tìm nơi khác!
Lâm vẫn hàng ngày rón rén đứng cách xa theo dõi. Con chim sâu đẻ hai trứng nhỏ bằng hai hạt đậu. Rồi trong tổ có hai con chim con, yếu đuối quá, nhỏ bé quá, anh chỉ thấy được hai cái mỏ bé xíu nhưng dài, lúc nào cũng há ra chờ mẹ về cho ăn. Những hôm mưa gió, anh thấy chim mẹ nằm im bên trên, mưa ướt cả người. Lâm nhẹ nhàng, cố gắng lợp cho miếng bìa ở những cành cam bên trên để che mưa che nắng cho mẹ con nó. Một buổi sáng, sau trận giông bão đêm trước, một con chim con đã rơi chết dưới đất! Rồi chim con đủ lông đủ cánh, cả hai mẹ con đã bay đi, để lại cái tổ trống không!.
Tháng tư, tiết xuân lành lạnh, trong vườn hoa mơ, hoa đào, hoa mận vẫn còn nở, chen lẫn với những lộc non, những lá non xanh mướt.
Tháng tư, tiết xuân lành lạnh, trong vườn hoa mơ, hoa đào, hoa mận vẫn còn nở, chen lẫn với những lộc non, những lá non xanh mướt.
Tạo hóa huyền diệu! phải có bàn tay mầu nhiệm nào tạo dựng muôn vật trên thế gian này? Một đấng tối cao nào đó, Đức Chúa Trời, Đức Phật hay Thượng Đế? Mãi đến gần cuối đời, tuồi “thất thập cổ lai hy” Lâm mới ngờ ngợ thấy điều ấy. Cũng đành! Anh có bao giờ mơ ước đến thiên đàng hay niết bàn đâu! mà mơ cũng chẳng được! Anh biết anh không có đức tin! Cứ để mai sau, lúc chết trả hết tội lỗi một lần luôn thể!
Hạnh phúc cho những ai có đức tin!
Bây giờ Lâm đã có tất cả, gia đình, các con, các cháu và một đời sống tạm gọi là sung túc. Nhưng tháng tư! tháng tư nào cũng đem anh về với dĩ vãng đau thương. THÁNG TƯ ĐEN
Vũ Công Dân, K23