Đường Lên Hiên, Lên Giàng… - Đa Hiệu Online

Wednesday, November 28, 2018

Đường Lên Hiên, Lên Giàng…


Vương Mộng Long, K20

Gia đình tôi dọn về khu chùa Âm-Bổn, Hội-An khi tôi học xong lớp Đệ Lục Trung Học Trần Quí Cáp. Tôi có bốn người bạn thân: Trần ngọc Lợi, Lê văn Bảy, Ngô Rân, và Lê hữu Mục. Năm đứa chúng tôi chơi với nhau từ Đệ Thất. Tối tối, chúng tôi tụ họp trên lề xi măng sát bờ sông Thu-Bồn, trên đường Bạch-Đằng, đối diện với nhà bác Trần ngọc Mai, thân sinh của anh Trần ngọc Lợi.

Chúng tôi tâm sự, chuyện vãn, học bài dưới ánh điện đường. Đôi khi cao hứng, chúng tôi ngâm nga những bài thơ vừa học trong giờ giảng văn, như thơ Nguyễn Khuyến, thơ Tản Đà, thơ Xuân Diệu...vân vân.

Thời cụ Diệm, đất nước thanh bình. Nhà, phố, ban đêm không cần khóa cửa. Tuổi trẻ hồn nhiên, tâm hồn thơ thới, đời tôi chưa vướng chút âu lo gì về hòa bình hay chiến tranh. Có khi, Thứ Bảy, tôi và bạn quây quần bên nhau cho tới nửa đêm mới chia tay, ai về nhà nấy.

Trừ những ngày nước lũ, mùa dông, dòng Thu-Bồn lúc nào cũng mờ mờ hơi khói sương, đầy nét mơ màng. Dòng sông ấy là một trong những dòng sông tôi yêu quý nhứt. Lớn lên, tôi sống xa Hội-An, nhưng mỗi khi có dịp ghé về, tôi thường lang thang nhiều giờ, bên bờ sông, nhìn những con đò ngang, đò dọc, nhìn bèo trôi, mây bay...

Vương Mộng Long - 1960
Lên tới Đệ Ngũ, bạn bè tôi phần nhiều, đã biết yêu. Thư qua, thư lại giữa các cặp tình nhân trao đổi ngay trước mắt tôi, hằng ngày, trong lớp. Những mối tình đầu ở thành phố Fai-Foo cổ lỗ, nhỏ bé này cũng thường bị nhiều kẻ xâm lăng đe dọa. Trước khi có lệnh động viên vì tình hình đất nước lâm nguy, thầy giáo là địch thủ đáng gờm nhất của những chàng học trò đang yêu.
 
Lớp tôi có chị Tô thị Vân, Bắc-Kỳ, tóc dài. Nhà chị Vân ở gần giếng Bá-Lễ. Ngõ vào giếng, có cây hoa mộc lan; đêm đêm, mộc lan tỏa hương, thơm ngát một vùng. Tết Trung-Thu hàng năm, chị Vân và em gái chị là Tô thị Lan được chọn đóng vai Hai Bà Trưng, ngồi trên xe hoa diễn hành.
 
Năm chúng tôi lên Đệ Tứ thì thầy Huy dạy Quốc-Văn làm giáo sư hướng dẫn. Thầy Huy mê chị Tô thị Vân ra mặt. Dù chị Vân không ưa gì thầy Huy, nhưng những người đang theo đuổi chị Vân như anh Bảy, anh Rân, đều ghét thầy cay đắng. Những lúc thầy ấp cái hình Hai Bà Trưng (Vân, Lan) vào ngực, đôi mắt hiu hiu, thì bọn bạn tôi ức lắm.

Nhưng, xem chừng như nhiều cô nữ sinh trường tôi cũng thích nâng khăn sửa túi cho các giáo sư? Con đường Hoàng-Diệu chỉ dài khoảng hai trăm thước, mà cũng có cả tá nam sinh ôm hận, bỏ ăn, bỏ học, ngẩn ngơ khi cô nữ sinh xinh đẹp con gái quan phó tỉnh lên xe hoa về nhà một … giáo sư Anh Văn.

Bạn tôi, có đứa đã trải qua vài trận thất tình. Người thất tình thường hay làm thơ buồn day, buồn dứt. Hình như người thất tình dễ trở thành thi sĩ lắm!  Thi sĩ nào cũng biết hút thuốc lá. Khói thuốc làm cho thi nhân có hứng để viết. Thuốc Cotab thơm ngon hơn Ruby nhiều, nhưng đắt lắm, chỉ có thầy giáo mới dám hút Cotab. Còn đám học sinh thì chuyên môn hút Ruby. “Ba đồng, bốn điếu Ruby!” Ruby rẻ hơn Cotab nhiều. Buổi đó chỉ có Ruby loại bao màu hồng, in hình những đồng tiền vàng dính nhau, chưa có Ruby Quân-Tiếp-Vụ với hình anh Chiến Sĩ Cộng-Hòa chân co, chân duỗi.
 
Khói Ruby vào phổi làm cho tâm hồn ta dạt dào, lâng lâng, ngẩn ngơ. Trong sân trường tôi, thi sĩ lềnh bềnh… phiêu dạt đầy sân. Những tập thơ bằng giấy "pơ lua pho" với chữ viết bằng ngòi bút "rông" được chuyền tay, nâng niu như trứng. Trong số những công tử mới tập tành phun châu, nhả ngọc thời ấy, có vài vị sau này trở thành thi sĩ thực thụ như (Huỳnh) Hoàng Quy, Thái tú Hạp, Phùng Tiến...
 
Tôi chưa biết thất tình là gì nhưng cũng cố theo kịp bạn bè, bắt đầu tập tành hút thuốc lá. Dù bị mẹ tôi cấm đoán, đôi lúc, tôi vẫn lén mua vài điếu Ruby lẻ, kiếm nơi thanh tịnh, ngồi hút một mình. Tôi không biết cách ém khói, rồi để khói phì ra đàng mũi, hay nhả khói thành vòng tròn, như những tay lão luyện. Tôi hớp từng ngụm khói vào mồm, rồi thở ra bằng mồm.  Tuổi tôi lúc đó làm gì có nhiều kinh nghiệm sống để mà viết lên cho thành truyện? Tôi đành tưởng tượng. Cứ ngồi một mình, cho trí tưởng tượng phiêu du theo khói thuốc, thế là có bao nhiêu đề tài để viết. Mỗi khi làm được bài thơ nào ưng ý, tôi thường lấy phấn đủ màu mè ngũ sắc "yết" nó lên cái bảng đen giữa lớp để chia sẻ công trình của mình với bạn bè. Vài tháng một lần, tôi và mấy người bạn cùng lớp, "xuất bản" một tập thơ viết tay trên giấy "pơ lua", chỉ để tặng, không bán (vì có ai mà thèm mua!) Chúng tôi sưu tầm những bài thơ hay trên các nguyệt san, đặc san, rồi sao chép lại thành tuyển tập chuyền tay nhau. Một hôm, tôi vớ được "Paris Có Gì Lạ Không Em"của Nguyên Sa, tôi viết nó lên bảng cho bạn bè thưởng lãm, ai cũng khen thơ ông này có cái phong thái mới lạ, dễ thương...

Thường thì, khi mê thơ của ai, tôi hay tò mò tìm hiểu xem người thơ ấy sống cuộc đời thường ra sao? Ngày đó tôi mê thơ Thái Can. Vì thế, lúc rảnh rang, tôi hay đạp xe qua phố Nguyễn thái Học. Đường Nguyễn thái Học có nhà của Bác sĩ Thái Can. Bác sĩ Thái Can chính là tác giả bài thơ bất hủ "Anh Biết Em Đi Chẳng Trở Về." Bác Can cũng là thân sinh của chị Thái thị Mai và anh Thái Thanh, bạn học lớp Đệ Tứ 1, ngang lớp với tôi trong trường Trần Quí Cáp.
 
Xe đi ngang nhà Bác sĩ Thái Can, thế nào tôi cũng nghển cổ nhìn vào, quan sát.  Đã nhiều lần bác Can bắt quả tang đôi mắt láo liên, dớn dác của tôi, khiến tôi đỏ mặt. Tôi phải ra sức gò lưng, đạp cho xe lướt nhanh. Chắc bác tưởng tôi bắng nhắng lạng xe trước nhà bác chỉ vì nhan sắc của cô con gái cưng của bác? Thực tình, tôi không nghển cổ kiếm hình bóng chị Mai đâu, mà tôi dòm xem bác Thái Can vui hay buồn? Tôi cứ thắc mắc rằng, bị một trận tình, thua thất điên bát đảo như thế, chắc tim bác phải ê ẩm, rầu rĩ, lâu lắm?  Lời thơ của bác buồn ghê...

              "Anh biết em đi chẳng trở về!
               Dặm ngàn liễu khuất với sương che.
               Thôi đừng quay lại nhìn anh nữa... 
               Anh biết em đi chẳng trở về!"
                    (Thơ Thái Can) 
 
Bạn cùng lớp tôi ai cũng rõ tôi là "Công-Tử Nhất-Bộ" vì mỗi năm, tôi chỉ có một bộ đồng phục. Tôi may bộ đồng phục đó sau khi lãnh học bổng mỗi cuối niên khóa. Một cái sơ-mi trắng và một cái quần xanh. Tôi mặc đồng phục đi học. Về tới nhà, tôi thay quần áo ra, đem giặt. Khi ở nhà hoặc đi kèm trẻ, tôi mặc quần áo nhà binh, vừa rẻ, vừa bền. Mờ sáng, đi gánh nước, tôi cởi trần, mặc quần dài xắn tới đầu gối. Đoạn đường từ nhà tôi tới giếng nước nhà cô Cư, đèn đường mờ mờ.

Lịch tập thể dục hàng tuần của trường Trần Quí  Cáp chia ra, học trò con trai tập thể dục vào những ngày chẵn, Thứ Hai, Tư, Sáu. Học trò con gái tập thể dục vào những ngày lẻ, Thứ Ba, Năm, Bảy. Bạn gái cùng lớp tôi, đi tập thể dục, thường xuyên đụng đầu một "thi nhân" đang hùng hục leo dốc với hai thùng nước đầy, đung đưa bên hông… Bọn nữ tặc túm năm, tụm ba, chặn đường tôi, réo gọi om sòm:

    "Anh Vọi ơi! Anh Vọi ơi! Dừng chân cho chúng em tỏ một đôi lời đi!...Anh Vọi ơi!"
 
Tiếng chúng nó the thé vang vang trong phố. Cường độ âm thanh tiếng réo của bọn yêu tinh ấy chắc cũng cao cỡ vài trăm decibels, làm cho những trái sung trên cây, trong vườn, sau chùa Âm-Bổn rơi lộp độp.

Bạn bè trong lớp thường gọi tôi là anh Vọi. Số là, trong chương trình Quốc-Văn lớp Đệ-Lục do cô Bạch Vân dạy, mỗi đứa trong lớp tôi phải chọn thuyết trình một tác phẩm của Tự- Lực Văn- Đoàn. Tôi đã chọn  tiểu thuyết "Trống Mái" của Khái Hưng. Vọi là tên một anh dân chài khù khờ, nhân vật chính trong "Trống Mái". Vì tôi cũng có vẻ khù khờ như Vọi, nên sau buổi thuyết trình, tôi mang thêm một cái tên nữa là  “Anh Vọi”.Gặp nhau, thay vì kêu tên tôi, bạn tôi cứ,

   "Anh Vọi ơi!... Anh Vọi ơi!" 
 
Thét rồi, cái tên "Anh Vọi" thành quen.

Ngày tháng thoi đưa, chúng tôi lớn lên lúc nào không nhớ rõ. Trong lớp tôi, cũng có đôi người thầm thương anh Vọi, mãi sau này tôi mới biết...
 
Một hôm, Đệ Tứ, gần vào hè, giờ ra chơi, tôi và vài anh bạn ra khu tập thể dục quay xà ngang. Áo tôi bị cuốn vào xà, xẻ dọc. Mấy cô bạn gái xúm vào vá víu áo tôi. Vá giùm áo tôi xong, bạn đã tan hàng, riêng một nàng chần chờ không chịu rời gót. Cô ấy tên Thu-Cúc. Phạm thị Thu-Cúc tuổi Mùi, người Vĩnh-Điện, trọ học ở nhà bà con, gần Chùa Cầu.
 
Thu-Cúc tóc thề ngang vai, trắng trẻo, dễ thương, nhưng hơi đẫy đà.
 
Tôi hỏi Cúc,

- Ủa! mọi người đi hết rồi, Cúc còn đứng đây làm gì?

Cúc đỏ mặt lí nhí hỏi lại,

- Áo Long bị rách, về nhà có bị mẹ la rầy không?

Tôi cảm động,

- Chắc không đâu! Cũng gần hè rồi, mặc cái áo này vài tuần nữa, nghỉ học, lãnh học bổng xong là Long có áo mới liền!
 
Thấy xung quanh không có ai, Cúc bạo dạn hỏi tôi,

 - Cúc có chuyện riêng muốn nói, Long có nghe không?

Tôi ngạc nhiên nhưng trả lời ngay,

- Ừ! Cúc muốn gì cứ nói đi!

Cúc tuôn ra một tràng mà tôi không ngờ:

"Cúc thương Long, Long có thương Cúc không? Có người đi dạm hỏi Cúc đấy! Nếu Long không thương Cúc thì Cúc về quê lấy chồng!"
 
Tôi điếng người. Người ta nói con gái Quảng thật thà, bạo dạn, nồng nàn, quả đúng!
 
Tôi nhìn bạn,

- Thực ra, cho tới giờ này Long cũng chưa rõ mình đã yêu ai hay chưa! Long coi Cúc là bạn thôi. Nếu có người thương Cúc, hỏi cưới Cúc, thì Cúc về lấy chồng đi!

Tôi thấy đôi mi Thu Cúc sụp xuống, vài giây sau đôi mắt ấy ngước lên nhìn tôi u uẩn,

- Dù sao Cúc cũng phải nói cho bạn rõ rằng, gần ba năm nay có một người con gái đã yêu bạn vô cùng... thôi nhé ngày mai ... Cúc sẽ về quê...

Bạn tôi nhanh chân trở gót vào lớp. Tôi thấy tay nàng đưa lên quệt nước mắt. Đôi chân nàng như díu vào nhau...Hôm sau Thu Cúc không tới trường. Mọi người không rõ nguyên do vì sao cái máy thuộc bài ấy lại vắng mặt ngày thi Vạn-Vật đệ nhị lục cá nguyệt. Cuối niên khóa, bạn bè trong lớp Đệ Tứ 3 kháo nhau chuyện Thu Cúc về quê, lấy chồng...

Vương Mộng Long đứng thứ 3 từ trái qua – (hình của cô Bạch Vân)

oOo

Sắp lên đệ nhị cấp, lòng tôi cảm thấy lo lắng bâng khuâng. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ và đã chọn lựa xong con đường khoa bảng tương lai. Những người bạn thân chia tay nhau nơi ngã ba phân ban (A,B,C) của hệ thống giáo dục đương thời. Ba con đường dẫn tới ba cái bệ phóng vào đời khác nhau. Tôi sẽ lên Đệ Tam ban Toán (B). Những người quen trong lớp, như chị Tô thị Vân, theo ban Vạn-Vật (A), anh Phùng Tiến theo ban Văn-Chương (C) …
 
Bốn anh bạn thân của tôi không có ai chịu dấn thêm bước nữa. Anh Bảy thi đậu vào trường Sư-Phạm Tiểu Học. Anh Rân và anh Mục đứng lại nơi ngã ba, học Đệ Tứ thêm năm nữa. Riêng anh Lợi thì nghỉ học để lấy vợ. Không biết anh Trần ngọc Lợi và chị Ngô thị Xuân Lan tí toáy làm sao mà chị Xuân Lan có bầu. Chị Lan đi sanh trước ngày chúng tôi đi thi Trung Học Đệ Nhất Cấp vài tuần. Sau đó anh Lợi và anh Mục bị động viên theo lớp Hạ Sĩ Quan.
 
Tôi có hẹn với Nguyễn Nhị (anh bạn quê quán ở Nông-Sơn) rằng, sau khi thi trung học, tôi sẽ lên nhà anh, cùng anh mượn cái trường tiểu học của xã để dạy hè, kiếm chút tiền còm. Trong hành trang, ngoài sách vở, quần áo, tôi còn mang theo những tập thơ chép tay của tôi và những bạn đồng học khác.
 
Nông-Sơn trùng điệp núi đồi. Mặt đất khu nhà máy và mỏ than thì màu đen. Những ngọn đồi khác vây quanh toàn là rừng thưa và cỏ tranh chen lẫn nhau. Dưới thung lũng là những khe ruộng lúa mùa và những cánh đồng mía. Mía đang lên cờ. Gió lượn quanh khe, làm rạp những ngọn cờ mía. Gió vô hình, vậy mà tôi có cảm tưởng rằng mình đã nhìn thấy gió đang "đi" trong thung lũng. Gió đi từ ruộng mía, lên đồi tranh, rồi gió trốn vào rừng.

Ngôi trường làng bé tí teo. Học trò tới trường, có em chỉ bận trên mình cái quần xà-lỏn. Mỗi em hình như chỉ có một tập vở bẩn thỉu, góc tập bị cuốn cong veo. Tôi bùi ngùi tự nhủ thầm rằng, tuổi thơ của tôi, về phần vật chất, còn sáng sủa hơn tuổi thơ của những em bé này.

Buổi chiều không có lớp; học trò mắc đi kiếm củi, giữ trâu, mò cua, trong lạch. Hoàng hôn, tôi thường tản bộ ra ngồi bên ghềnh đá. Đây là đầu nguồn của sông Thu-Bồn. Dòng nước uốn khúc quanh chân núi Chúa. Dưới thung lũng, trong ruộng  bùn, những con trâu đang thoải mái nằm dầm mình nghỉ ngơi. Chiều hè, sương trắng rơi từ từ trên rừng xanh. Gió nhè nhẹ đưa những sợi mây mỏng như tơ bay về cuối trời. Tôi lần dở những tập thơ viết tay trên giấy pơ-lua và trên tập vở, lòng chợt buồn vô cớ. Tuổi thanh niên, mà sao có những lúc tôi thấy lòng trống vắng quá? Tôi bâng khuâng nghĩ về tương lai, mà không biết tương lai mình sẽ ra sao...

Ở Nông-Sơn được một tuần lễ, thì chị Quá và chị Thảo (bị ở lại Đệ Tứ) nhắn tôi về gấp để kèm toán cho họ luyện thi trung học, tiền công hai chị hứa trả cho tôi cao hơn nhiều so với số tiền sẽ nhận được do dạy học ở Nông-Sơn. Thực tình, tôi không muốn rời Nông-Sơn. Nơi đây xa hẳn phố phường phồn hoa, tục lụy. Cảnh ở đây như cảnh tiên. Người ở đây tuy nghèo nhưng rất hiền hoà, hiếu khách. Tôi không muốn chia tay những đứa học trò nhỏ của tôi, những bé quê chăn bò, mót củi, thực thà, dễ thương. Nhưng tôi chợt nghĩ tới niên học sắp đến. Chính phủ sẽ không trợ cấp học bổng cho học sinh đệ nhị cấp. Tôi rất cần tiền để mua sách vở, áo quần, giày vớ. Tôi buồn rầu lên xe đạp rời núi Chúa.

Vào năm Đệ Tam, vì không còn học bổng, trong niên khóa, tôi phải đi dạy kèm buổi tối. Học trò của tôi là hai bé trai tiểu học, em của chị Thảo. Cuộc sống của gia đình tôi khá hơn, vì mỗi tháng tôi kiếm thêm được ba trăm đồng, nhưng công việc học hành của tôi lại bận bịu hơn. Tôi phải học hành chăm chỉ hơn, vì lệnh động viên đã bắt đầu. Chậm chân rớt lại đằng sau, có thể bị gọi đi lớp hạ sĩ quan. Đối với vấn đề văn nghệ, văn gừng, thơ phú, tôi cũng thờ ơ.

Thời gian này tôi không có bạn gái, vì không có nữ sinh nào theo phân ban Toán (B). Nhiều lần áo tôi rách bươm, không người vá giùm. Suốt mùa hè cuối năm Đệ Tam tôi kèm Toán, Lý, Hóa cho hai chị em con nhà giàu ở đường Cường-Để. Cô chị tên là Tuyết Huệ đã có bồ là anh Vĩnh Tung, con trai ông trưởng ty Thú Y. Anh Tung học ngang lớp với tôi. Cô em tên là Thục Anh. Hai chị em nhà này tính tình trái ngược hẳn nhau. Tuyết Huệ lúc nào dáng dấp cũng đượm buồn. Thục Anh thì vui tươi, nói cười như con sáo suốt ngày. Thục Anh học nhanh hơn Tuyết Huệ. Bạn bè tôi thấy tôi có hai cô học trò xinh đẹp, lại con nhà giàu, họ thường nói bóng gió để ghẹo tôi, "Mi đúng là chuột sa hũ nếp!"

Thuở đó, ở Hội-An, chuyện gia sư thương học trò, học trò thương gia sư, không có gì là lạ. Đôi lần cuối giờ học, khi Thục Anh tiễn tôi ra cửa, tôi thấy có những cặp mắt tò mò của xóm giềng theo dõi. Tôi cũng thấy những cái nguýt dài, đuôi mắt đắng cay, của chị em nhà kia bên đường đối diện. Tôi thì cứ ngơ ngơ chẳng có ý thương ai. Anh Vọi chỉ mong dạy cho xong bài, chiều về rủ anh Sếu Vườn hàng xóm là Doãn thiện Niệm, phóng xe đạp xuống đập Phước-Trạch câu cá.

Gần năm mươi năm sau (2006), cô học trò ngày xưa, từ Oakland (CA) gọi điện thoại cho anh gia sư đang ở Seattle (WA), giọng Thục Anh vẫn liến thoắng, trách móc:
"Ngày đó anh bỏ Hội-An, anh lên Pleiku. Anh mê 'em Pleiku má đỏ môi hồng' anh quên Hội-An."
Tôi chợt chạnh lòng, bâng khuâng...

Rồi ba năm vất vả, bù đầu, bù cổ cũng qua. Xong cái bằng Tú Tài 2, tôi nhờ anh bạn Hồ Hùng giới thiệu với người anh của anh ta là hiệu trưởng một trường bán công ở Điện-Bàn, ông ta thuê tôi dạy giờ môn Toán những lớp nhỏ đệ nhất cấp. Người ta nói rằng, nếu làm thầy giáo, có thể xin hoãn dịch. Thời gian này chiến tranh đã bắt đầu nhen nhúm ở đâu đó, xa xa...

Tôi mới mở hàng nghề gõ đầu trẻ được một tuần lễ thì bọn bạn cùng lớp tôi ùn ùn kéo nhau ra Huế thi vào Đại-Học Y-Khoa. Học ngành này cũng được hoãn dịch. Tôi bỏ nghề thầy giáo, theo chân tụi bạn đâm đơn xin học nghề thầy thuốc. Tôi được chấm đủ điểm theo học lớp Dự-Bị Y-Khoa năm ấy. Trước khi vào trường để học cái nghề bác sĩ "hái ra tiền", tôi phải lo cho cái dạ dày trước đã. Thế là, suốt một tháng mùa hè nắng cháy, tôi lang thang trong đường phố Cố Đô, thăm dò những nhà cần người kèm trẻ, dạy giờ.

Mỏi chân, tôi dừng bên dòng An-Cựu, vớt nước sông ấp lên mặt cho mát. Người ta thường hát: "An-Cựu nắng đục mưa trong." Thực tế hình như không đúng như vậy?  Hè đó, tôi đã ngồi trên bậc thang bên bờ, soi bóng mình trong nước An-Cựu biết bao lần. Tôi thấy nước trong veo, nhìn rõ tận đáy. Dưới đáy nước, những con cá bống thệ to bằng ngón chân cái, bò từ từ trên nền cát. Con bống quẫy đuôi. Cái quẫy đuôi tạo nên những quầng cát cuộn, lập lờ, lấp lánh. Trên mặt sông, từng cụm lục bình hoa tím lững thững trôi. Trong lòng sông, in hình một bầu trời xanh, mây trắng dật dờ. Nhãn hai bên đường đã có lồng. Phượng nở hoa, ve sầu hát, chim hót, bướm bay. Mùa hè, dưới nắng, nước An-Cựu trong vắt.

Tôi ở trọ tại số 1 đường Báo-Quốc. Chùa Báo-Quốc nằm trên đỉnh đồi. Nhà tôi trọ ở dưới chân đồi, bên kia đường. Đêm đêm nghe kinh kệ, chuông chùa; đôi lúc tôi đã có ý giã từ cuộc đời ô trọc, đi tu, để tìm đường cứu nhân độ thế...

Tháng 9 năm 1963, có một anh bạn đi khám sức khỏe ở Quân Y Viện Duy-Tân, Đà -Nẵng để hoàn tất hồ sơ theo học khóa Sĩ Quan Hải-Quân; anh ta rủ tôi vào thăm Quân Y Viện.  Trong khi tôi đang lang thang quanh khu nhận bệnh thì một chiếc xe Jeep tải thương ào tới; bên hông xe có treo cái bánh sơ-cua vẽ hình một đầu cọp nhe nanh. Xe đậu trước cửa phòng nhận bệnh, trên băng-ca, một thương binh, đầu, mình băng kín. Chiếc Jeep thứ hai, có cần câu máy truyền tin, bám đuôi sau xe thứ nhất. Một sĩ quan nhảy xuống; anh ta ôm xốc người thương binh, chạy ào vào phòng nhận bệnh. Anh Trung úy Biệt Động Quân hối hả:

   "Cấp cứu! Xin quý vị cứu giùm người lính này cho tôi! Thủ tục nhập viện sẽ làm sau! Mau lên! Quý vị làm ơn!"

Cả phòng nhận bệnh nhốn nháo. Bác sĩ, y tá, nhân viên cứu cấp, vội vã chuyển người thương binh sang xe đẩy, đưa anh vào phòng mổ. Anh trung úy không được phép vào phòng giải phẫu. Anh bồn chồn, đi loanh quanh bên cái xe Jeep, miệng anh bập bập điếu thuốc lá, khói phà liên hồi. Một sĩ quan khác, một thiếu úy, trên ngực có huy hiệu hình con rắn leo trên cây kiếm chúi đầu xuống (Quân Y) ngồi chờ trước vô-lăng xe tải thương, dáng băn khoăn.

Tôi mon men làm quen,

-Thiếu úy! Đánh nhau ở đâu vậy, Thiếu úy?

-Trên Giàng! Cậu có nghe Hiên, Giàng không? Trên núi, sát biên giới Lào.

- Đánh lớn lắm hả Thiếu úy?
 Tôi tò mò hỏi thêm.

- Cũng không lớn lắm. Đại đội chạm đại đội. Có điều là đụng địch trong rừng già, tản thương chậm trễ, khó khăn...

- Bên mình bị thiệt hại có nặng không Thiếu úy?

- Thường thôi! Một chết, năm bị thương. Chỉ một ca này là nặng.

- Ông Trung úy kia làm chức vụ gì vậy hả Thiếu úy? Sao ổng có vẻ lo lắng cho anh lính bị thương quá vậy?

- Trung úy đại đội trưởng đó! Chúng tôi sống chết có nhau. Anh binh nhì bị thương, ông trung úy lo lắng cũng là chuyện thường ngày ở đây thôi! Khi nào cậu vào lính, có dịp ra chiến trường, cậu sẽ thấm cái tình huynh đệ chi binh...

Suốt mấy ngày sau, trong đầu tôi cứ ám ảnh với khúc phim tản thương đầy xúc cảm trong quân y viện. Không bút nào tả nổi vẻ đẹp vừa oai dũng, vừa cảm động của một sĩ quan hai tay ẵm một thuộc cấp bị thương ào vào phòng nhận bệnh. Câu "Xin quý vị cứu  giùm... Quý vị làm ơn!" cứ văng vẳng bên tai tôi. Tiếng cầu xin của người chỉ huy ấy thống thiết như tiếng của một người mẹ. Hoạt cảnh ngắn ngủi hôm đó đã khiến đời tôi thay đổi. Tuần sau tôi ra Đà-Nẵng, hướng về cầu Trịnh minh Thế, tìm phòng Tuyển-Mộ Nhập- Ngũ Quân-Đoàn I. Tôi xin cái đơn gia nhập Khóa 20 Trường Võ-Bị Quốc-Gia Việt-Nam.

Từ đấy, tôi vẫn mê thơ Nguyễn Bính, Thái Can, Nguyên Sa, nhưng tôi hút thuốc lá Lucky và  bắt đầu đọc "L'Art De Commander" và "Tôn Ngô Binh Pháp".  Cũng từ đấy, tuổi thanh niên của tôi không còn những lúc thấy lòng mình trống vắng nữa. Có cả trăm con đường trước mặt dẫn vào tương lai, nhưng tôi đã quyết định chọn con đường "lên Hiên, lên Giàng" để phục vụ quê hương.

Đầu năm 1966 tôi về lại Hội-An. Thành phố đã đổi thay nhiều. Dinh cơ của Ty Cảnh-Sát Tỉnh và Quận Hiếu-Nhơn đã được xây dựng trên ngõ vào giếng, sau nhà cô Cư. Biết tìm đâu dấu tích con đường mòn ngày xưa anh Vọi đi gánh nước sớm mai? Tìm đâu những tiếng réo lanh lảnh của bọn nữ yêu tinh đi tập thể dục mỗi sáng tinh mơ ngày lẻ? Có chăng, không đổi, là dòng Thu-Bồn, chiều chiều sương giăng, buồn muốn chết, "Yên ba sầu sát nhân"  (Bạch cư Dị) Đi ngang qua Trường Trần Quí Cáp, tôi chợt nhớ, năm nào, trong một giờ giảng văn, thầy Huy có nói "Thầy đoán rằng, sau này em Vương mộng Long và em Phùng Tiến sẽ thành công trong nghề viết văn..."

Thầy ơi! Không phải vậy đâu! Thực tế đã không diễn ra như thầy từng tiên đoán!  Dòng đời không lững lờ như mặt nước Thu-Bồn lúc Xuân về. Bằng cớ là, thầy đã cưới một cô không phải chị Tô thị Vân.

Bạn bè tôi, mỗi đứa đã đi mỗi phương.
Anh Lê hữu Mục đã lên tới cấp Trung sĩ nhất, đồn trú mãi trong Vùng 3.
Anh Trung sĩ Trần ngọc Lợi đã có thêm hai đứa con.
Anh giáo viên Lê văn Bảy qua đời vì bạo bệnh.
Anh Ngô Rân vừa nối nghiệp ông cụ thân sinh, thành ông Cảnh-Sát.
Tôi, anh Vọi Fai-Foo của Trường Trung Học Trần Quí Cáp, đã trở thành một Thiếu úy đại đội trưởng của Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân.

Sau những lần chạm địch ở Tháp Bằng-An, Ải-Vân, Trà-Đình, Bà-Rén, Hương-An, tôi theo xe tải thương tới Quân Y Viện Duy-Tân, gửi gắm những thuộc cấp bị thương của mình cho nhân viên phòng nhận bệnh. Lâu dần, tôi thành người quen của phòng nhận bệnh.

Trong thời gian gần nửa năm, tôi đã hành quân qua nhiều thôn làng hẻo lánh triền sơn Trà-Kiệu, Thăng- Bình. Tuy tôi chưa có dịp lên Hiên, lên Giàng, nhưng tôi đã biết thế nào là "cái tình huynh đệ chi binh". Tôi đã hiểu lý do tại sao ngày đó, ông trung úy lo lắng bồn chồn, khi anh binh nhì thân mình đầy máu được đưa vào phòng mổ. Cái “tình huynh đệ chi binh” ấy không bút giấy nào mô tả rõ ràng được. Chỉ biết rằng, thiếu nó, chúng tôi không sống được. Cái tình ấy nặng và sâu không có gì so sánh nổi. Nó là sợi dây vô hình cột buộc chúng tôi khắng khít với nhau, thượng cấp và thuộc cấp,  thầy và trò, anh và em. Cái tình ấy không thể dùng tiền mà mua. Không có nó, chúng tôi không còn là quân nhân...

Vương mộng Long, K20
Seattle, tháng 11 năm 2006

 *Viết để nhớ về bạn bè của tôi ở trung học Trần Quí Cáp, Hội-An, và những thuộc cấp của tôi trong binh chủng Biệt Động Quân/Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa.



Pages