Có Phải Dậy Sớm Là Chìa Khóa Của Thành Công? - Đa Hiệu Online

Wednesday, June 12, 2019

Có Phải Dậy Sớm Là Chìa Khóa Của Thành Công?


Bùi Phạm Thành, K25
(Biên soạn)

Rất nhiều người nổi tiếng thường nhấn mạnh về việc họ có thói quen dậy sớm, nhưng điều này có thực sự là điều để khoe khoang hay không?

Tim Cook, CEO của Apple, dậy trước 4 giờ sáng mỗi ngày. Tổng thống Trump đã viết trong cuốn sách năm 2004 rằng ông chỉ cần bốn giờ ngủ một đêm. David Cush, cựu Virgin America CEO, đã nói rằng ông ta thức dậy lúc 4:15. Và Jennifer Aniston thức dậy vào khoảng 4:30 để thiền.

Mới đây, danh hề Steve Harvey của Mỹ tuyên bố: "Những người giàu có không ngủ 8 tiếng mỗi ngày."

Có phải chìa khóa của thành công là bắt chước các người nổi tiếng thường ép buộc thân thể của họ để tăng năng suất? Cho dù chủ nghĩa tư bản khuyến khích dậy sớm để có nhiều thì giờ làm việc, hay ít ra cũng là một điều đáng khen, nhưng không có dữ liệu nào cho thấy những người thành công ngủ ít hơn bình thường.

Trung bình, người Mỹ ngủ ít hơn bảy giờ một đêm, điều đó có nghĩa là nhiều người trong chúng ta ngủ ít hơn so với lời khuyên của Viện Y Học Nghiên Cứu Về Giấc Ngủ Của Hoa Kỳ (the American Academy of Sleep Medicine).

"Khuynh hướng này đi ngược trở lại một chút xa hơn so với việc ngủ ít được nói đến gần đây của các CEO ngành kỹ nghệ cao," ông Douglas B. Kirsch, một nhà thần kinh học và chủ tịch của Viện Y Học Nghiên Cứu Về Giấc Ngủ Của Hoa Kỳ cho biết như trên. "Thomas Edison đã từng nói điều tương tự: Bốn giờ là đủ tốt cho tôi. Nhưng ông ta quên không nhắc đến là hình ảnh tuyệt vời của giấc ngủ trưa ngon lành trong ngày." 

Tiến sĩ Kirsch nói rằng khuynh hướng ngủ ít được truyền bá bởi các nghệ sĩ và doanh nhân thành công, trên nguyên tắc thông thường, là có hại nhiều hơn là có lợi. Trong khi một số người dường như ngủ ít hơn những người khác, thế nhưng chúng ta không nên "đánh bạc" với chiếc "đồng hồ của cơ thể (body clock)."

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không ngủ đủ giấc?

Trong một nghiên cứu năm 2003, các nhà nghiên cứu tại viện Đại Học Pennsylvania và phân khoa Y Khoa của viện Đại Học Harvard đã phát hiện ra rằng thời gian phản ứng và hiệu suất đối với các nhiệm vụ nhận thức giảm mạnh cho những người ngủ bốn giờ so với những người ngủ sáu giờ một ngày. Tệ hơn nữa, trong một nghiên cứu gần đây đối với 65 người khỏe mạnh trong số tuổi từ 18 đến 30, cho thấy tâm trí bị suy giảm, và họ thường "có những suy nghĩ rất tiêu cực khi cần đưa ra quyết định."

Có gì bất lợi khi ngủ đủ 8 giờ, nhưng dậy sớm vào 4 giờ sáng?

Có thể vẫn có hại, vì không cần biết bạn ngủ bao nhiêu giờ mỗi đêm, nhưng nếu dậy sớm không phải là một thói quen tự nhiên theo đúng "đồng hồ của cơ thể" thì vẫn không tốt, ngay cả khi chỉ cố gắng dậy sớm hơn bình thường khoảng nửa tiếng. Hồi tháng Ba vừa qua, viện đại học South Florida và Pennsylvania báo cáo rằng chỉ cần cố gắng dậy sớm hơn bình thường 16 phút là đã ảnh hưởng không tốt đến khả năng làm việc.

Khi chúng ta cố gắng thức khuya hay dậy sớm, trái ngược với "đồng hồ của cơ thể" thì cũng có hậu quả không tốt giống như không ngủ đủ giấc, hiện tượng này trong y khoa gọi là rối loạn cao độ của chu kỳ ngủ-thức (advanced sleep-wake phase disorder).

Tuy nhiên, theo bác sĩ Medalie, cũng có người ngủ ít hơn người thường nhưng vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng số này rất ít.

Ích lợi của giấc ngủ

Giấc ngủ giúp gia tăng sự miễn nhiễm. Trong một bản phúc trình năm 2015, các nhà nghiên cứu tìm thấy liên hệ giữa thiếu ngủ và bị bệnh cảm.

Mất ngủ, ăn tối
Giấc ngủ cũng ảnh hưởng đến việc lên cân. Nếu một người ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm thì sẽ dễ bị lên cân. Bởi vì hóa chất "leptin", khiến họ cảm thấy no, bị giảm, trong khi "ghrelin", khiến họ thấy đói, lại tăng lên, đồng thời làm gián đoạn việc cơ thể dùng "insulin" để điều chỉnh lượng đường, thế cho nên họ rất dễ bị bệnh béo phì và tiểu đường.

Thêm nữa, có sự liên hệ giữa giấc ngủ và tâm trạng (mood). Càng ít ngủ lại càng cảm thấy bực bội. Những bị bệnh mất ngủ cũng có nguy cơ cao về mắc bệnh trầm cảm và lo âu, trong khi những rối loạn đó lại khiến cho người ta càng trở nên khó ngủ.

Những phương pháp để có thể dễ ngủ hơn

Hội Giấc Ngủ Quốc Gia (National Sleep Foundation) khuyên chúng ta nên xếp đặt và giữ đúng một lịch trình ngủ. Dĩ nhiên đây không phải là việc một sớm một chiều. Để đạt đến thành công, có thể, sẽ mất vài tuần hay vài tháng.

Mặt nạ che mắt
Một cách để bắt đầu: Đặt mục tiêu và giờ đi ngủ đều đặn, và biến phòng ngủ thành một nơi thoải mái, yên tĩnh, tối, thích hợp với giấc ngủ. Điều đó có thể có nghĩa là nên treo màn chắn sáng, có thể dùng loại mặt nạ che mắt và nút bịt tai, ngăn tiếng động.

Tập thể dục, giảm bớt thực phẩm nặng hoặc rượu trước khi đi ngủ. Và hãy để cơ thể đánh thức bạn, đó là chìa khóa để lấy lại nhịp sinh học tự nhiên của con người. Đọc sách trước khi đi ngủ, một điều mà Bill Gates và Arianna Huffington đã khẳng định rằng nó sẽ làm thư giãn tâm trí - nhưng đừng đọc từ chiếc điện thoại cầm tay. Tốt hơn hết, tắt điện thoại hoặc để nó trong một phòng khác cho đến sáng.

Chúng ta nên xem sự mất ngủ là trở ngại cho năng suất và hiệu suất, vì thế điều chính yếu là có một giấc ngủ đầy mỗi ngày. Một khẩu hiệu dễ nhớ cho chúng ta là "Ngủ, đúng vậy, và nhiều hơn nữa (Sleep, yes, more)." 

Đừng bắt thân thể chúng ta phải làm trái với những gì đã được xếp đặt sẵn (built-in) trong cơ thể chúng ta từ ngày mới trưởng thành. Nhất là đừng cố thay đổi cái "đồng hồ" của cơ thể chúng ta. Ông bà ta đã nói:

"Ăn được, ngủ được là tiên,
Không ăn không ngủ, mất tiền, thêm lo."

Chúc quý vị có một giấc ngủ ngon, thật đầy đủ, sau khi đọc bài này.

Bùi Phạm Thành, K25
(Biên soạn)

Tham Khảo:

Waking Up at 4 A.M. Every Day Is the Key to Success. Or to Getting a Cold.
https://www.nytimes.com/2019/06/05/style/self-care/waking-up-at-4-am.html



Pages