Nguyễn Huy Hùng - K1
Mến chào Quý Đồng môn Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam,
Tôi không phải là Đại diện Khóa 1 vì không ai bầu cho Tôi, và đặc biệt từ ngày sang định cư tỵ nạn Cộng sản tại Hoa Kỳ vào đầu tháng 8 năm 1992 cho đến nay, tôi chẳng gặp ai trong số các Bạn đồng khoá, ngoại trừ 3 vị Tướng đang định cư tại hải ngoại là Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm tại San Jose, Bắc California, Hoa Kỳ (đã qua đời ngày 30-5-2009), Trung Tướng Trần Văn Trung tại Paris Pháp và Thiếu Tướng Tôn Thất Xứng tại Montreal Canada.
Trong suốt 20 năm qua Tôi thường xuyên liên lạc với Quý Vị này qua điện thoại và thư gửi qua Bưu điện.
Riêng đối với Tướng Trung và Tướng Xứng, chúng tôi còn hân hạnh liên lạc và trao đổi với nhau các tin tức bài tham luận chính trị và thơ chống Cộng qua mạng Internet, nhưng từ khoảng một năm nay tinh trạng sức khoẻ của các Tướng Trung và Tướng Xứng suy giảm nên quý vị này không còn liên lạc hàng ngày với Tôi qua Internet nữa.
Theo tin tức của thân hữu từ bên Pháp, Tôi được biết hiện có 1 bạn gốc người miền Trung Việt Nam cùng Khoá 1 với Tôi đang định cư tại Montargis Pháp là anh Đại Tá Nguyễn Khương nguyên thuộc Binh chủng Truyền Tin nhưng sau lại di sang định cư tại Hoa Kỳ không biết ở đâu, và mới đọc được trong cuốn LƯỢC SỬ QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ, do Đại Tá Trần Ngọc Thống, nguyên Trưởng Phòng Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu và 2 vị sĩ quan Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy phối hợp sưu tầm biên soạn và phát hành vào năm 2011 vừa qua tại khu Little Saigon Nam California, thấy tên 2 bạn cùng khoá thuộc trung đội 1 người miền Nam cũng đang định cư tại Tiểu bang Virginia Hoa Kỳ là các Đại Tá Nguyễn Quang Sanh, Nguyễn văn Y, nhưng vì không biết địa chỉ nên chưa hề có cơ hội liên lạc với các anh ấy.
Cuối tháng 12-2012, Tôi nhận được điện thư của Niên Đệ Võ Nhẫn đương kim Tổng hội trưởng Tổng hội cựu Sinh viên Sĩ quan Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam yêu cầu Tôi viết bài giới thiệu về Khoá 1 để đóng góp vào cuốn Lịch sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam dự trù sẽ phát hành vào năm 2014. Do đó, Tôi cố gắng tập trung trí nhớ đang trong tuổi già nua trên 80 để viết về những gì mà mọi người muốn biết về Khoá 1, Khoá đầu tiên của Trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam được thành lập vào cuối năm 1948 tại Huế sau khi Quốc gia Việt Nam giành đuợc Độc Lập sau hơn 80 năm dưới sự đô hộ của Thực dân Pháp. Những điều Tôi trình bầy nếu có Bạn nào thuộc Khoá 1 đọc được thấy có điều gì thiếu sót thì xin vui lòng bổ túc giúp, Tôi chân thành đa tạ.
1. NGUYÊN NHÂN TRƯỜNG SĨ QUAN VIỆT NAM ĐƯỢC THÀNH LẬP
(tiền thân của Trường Võ bị Quốc Gia Việt Nam)
Sau khi quân Phiệt Nhật đầu hàng vào ngày 15 tháng 8 năm 1945, Liên Hiệp Quốc cử các lực lượng quân sự của Trung Hoa Dân Quốc và Anh Quốc vào lãnh thổ Đông Dương để giải giới quân Nhật và tiếp giúp cho các Dân tộc bản Xứ (Annam, Lào, Cao Miên) tái lập Quốc gia độc lập thoát khỏi ách đô hộ của Pháp. Trên lãnh thổ Việt Nam, các Đoàn thể chính trị Quốc gia không theo Cộng sản hòa hợp với nhóm Việt Minh Cộng sản của Hồ Chí Minh để thành lập chính phủ Liên Hiệp điều hành đất nước. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh với tư cách Chủ tịch Chính phủ Liên Hiệp đại diện đứng ra tuyên bố NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA ĐỘC LẬP không còn lệ thuộc vào Pháp nữa. Nhưng đến ngày 6 tháng 3 năm 1946, Hồ Chí Minh lại lợi dụng danh nghĩa Chủ Tịch Chính phủ Liên Hiệp phản bội Tổ Quốc Việt Nam bằng cách lén lút ký với Saintenay (Đại diện Pháp) đang sống tại Hà Nội Bản Hiệp Định Sơ Bộ 6-3-1946 chấp nhận cho Pháp đổ quân lên trấn đóng tại nhiều Thành phố lớn tại miền Trung và miền Bắc Việt Nam kể cả Hà Nội, sau khi Pháp đã chiếm và đóng quân tại các tỉnh thuộc miền Nam Vĩ Tuyến 16 của Việt Nam vào cuối tháng 1 năm 1946.Đến ngày 19 tháng 5 năm 1946, Hồ Chí Minh và phe Việt Minh của hắn chính thức đón tiếp quân Pháp đổ bộ lên thành phố cảng Hải Phòng và tiến lên Hà Nội bằng đuờng bộ. Sau hơn 7 tháng quân Pháp được công khai an toàn đóng quân và củng cố vị trí an ninh ngay giữa các thành phố lớn, nhiều điều xích mích đã xẩy ra về chia chác quyền hành cai trị giữa Việt Minh và Pháp ngay trong các thành phố đã không được giải quyết ổn thoả, nên tối ngày 19 tháng 12 năm 1946 Hồ Chí Minh và phe nhóm Việt Minh đã phát động cuộc “tổng tấn công” các địa điểm trú quân của quân Pháp tại tất cả các thành phố đang có quân Pháp trú đóng. Nhưng rất tiếc vì trang bị vũ khí thô sơ tổ chức quân chưa hoàn chỉnh nên Việt Minh đã bị thua phải bỏ các thành thị rút vào “bưng” để tiếp tục tiêu thổ kháng chiến. Quân Pháp toàn thắng, bắt đầu tái dụng các Quan lại thời đô hộ cũ và nhóm con lai Pháp lập hệ thống Hành chánh cai trị giúp dân chúng tái tạo cuộc sống bình thường tại các Đô thị. Chiến tranh tiếp tục lan tràn qua các tỉnh kế cận Hà Nội đến các vùng nông thôn, dân chúng phải sống giữa 2 gọng kềm VIỆT MINH và PHÁP vô cùng thảm thương bi đát.
Trước hoàn cảnh đó, các Nhân sĩ Việt Nam thương nước yêu nòi và thành viên các Đảng phái Quốc gia Không Cộng sản thoát chết sau vụ Việt Minh phản bội tàn sát hồi đầu năm 1946 đã ngồi lại với nhau tìm giải pháp ôn hòa giành lại Độc lập cho đất nước mà không phải phung phí xương máu của Dân tộc vì chiến tranh, đã đi đến kết luận vận động mời Cựu Hoàng Bảo Đại đang lưu vong tại Hồng Kông đứng ra thương thuyết với Chính phủ Pháp để tái dựng QUỐC GIA VIỆT NAM ĐỘC LẬP THỐNG NHẤT cả 3 miền trong KHỐI LIÊN HIỆP PHÁP. Ngày 19 tháng 8 năm 1947, Cựu Hoàng Bảo Đại từ Hồng Kông tuyên bố bằng lòng đứng ra tiếp xúc điều đình với Chính phủ Pháp. Cuộc vận động kéo dài mãi tới ngày 5 tháng 6 năm 1948, trên chiếc tầu biển DUGUAY TROUIN neo tại Vịnh HẠ LONG Cựu Hoàng Bảo Đại mới tới để chứng kiến Thiếu Tướng NGUYỄN VĂN XUÂN Thủ Tướng và mấy vị ĐẠI DIỆN CẢ 3 MIỀN BẮC TRUNG NAM thuộc Chính phủ Trung Ương Lâm thời Việt Nam Thống Nhất, cùng Ông BOLLAERT (đại diện Chính phủ Pháp) ký bản HIỆP ƯỚC HẠ LONG công nhận QUỐC GIA VIỆT NAM ĐỘC LẬP THỐNG NHẤT CẢ 3 MIỀN BẮC-TRUNG-NAM trong KHỐI LIÊN HIỆP PHÁP.
Ngày 1 tháng 6 năm 1949, Khóa Sĩ Quan Hiện dịch đầu tiên tốt nghiệp tại Huế được đặt tên là Khoá BẢO ĐẠI cung cấp cho Bộ Quốc Phòng chính phủ Việt Nam 53 THIẾU ÚY hiện dịch. Đồng thời 4 TIỂU ĐOÀN VIỆT NAM đầu tiên cũng được khởi sự thành lập tại 2 miền Nam và Bắc Việt Nam:
- Tiểu đoàn 1 Việt Nam (Bạc Liêu)
- Tiểu đoàn 2 Việt Nam (Thái Bình)
- Tiểu đoàn 3 Việt Nam (Rạch Giá)
- Tiểu đoàn 4 Việt Nam (Hưng Yên).
(Bản thân người viết được vinh dự là một trong số 53 Sĩ quan Hiện dịch tốt nghiệp Khoá đầu tiên nêu trên, và được bổ nhiệm về Tiểu đoàn 2 Việt Nam tuyển mộ thành lập tại Hà-Nội và Hải phòng từ ngày 1-6-1949, việc tổ chức đơn vị và huấn luyện binh sĩ hoàn tất vào khoảng tháng 10-1949 thì toàn thể Tiểu đoàn được tập trung tất cả về Hà-Nội và khởi sự xuất phát đi hành quân tiêu diệt Việt Minh tại các vùng Bắc Ninh, Hoà Bình, Đông Triều, Hưng yên, rồi tiến sang tỉnh Thái Bình trụ quân tại đó ít lâu sau lại di chuyển về Sơn Tây, Hà Đông, Bắc Ninh, Vĩnh Yên).
2. ĐỊA ĐIỂM XÂY DỰNG TRƯỜNG SĨ QUAN VIỆT NAM.
Cố Đô Huế tại miền Trung Việt Nam là nơi được lựa chọn để xây dựng cơ sở Trường. Trách nhiệm thực hiện được giao cho Toà Đại Biểu chính phủ tại miền Trung do Ông Phan văn Giáo lãnh đạo phối hợp với Bộ Chỉ huy Lực lượng Việt Binh Đoàn do Đại Úy Nguyễn Ngọc Lễ đang làm Chỉ huy trưởng thực hiện, bằng cách chỉnh trang lại một ngôi biệt thự rộng rãi nằm bên tả ngạn sông Hương của Thị xã Huế, cách cầu Tràng Tiền chừng mấy trăm thước và gần bên Đập Đá trên đường Lê Lợi hướng đi Phú Vang. Người Huế quen gọi tên địa điểm này là Saint Benois.Khu biệt thự biến thành Trường Sĩ Quan Việt Nam này khá rộng, bề ngang 400 mét và sâu khoảng 200 mét, nằm bên phía trái đường Lê Lợi sát bên bờ sông Hương đối diện với chợ Đông Ba phía bên kia sông. Suốt mặt tiền sát ngay bên lề phố là một dẫy tường gạch cao 2 mét, ở khoảng giữa có một cổng rộng chừng 8 mét phía trên gắn bảng hiệu hình vòng cung sơn mầu xanh lá cây trên kẻ chữ “ECOLE DES OFFICIERS VIETNAMIENS” mầu vàng. Hông bên trái Trường hướng Tây sát với các nhà dân, được ngăn bằng một hàng rào kẽm gai cao 2 mét đan ô vuông dầy 20 phân từ lề đường phố thẳng tuốt xuống tận bờ sông Hương, và có một cổng phụ cho xe hơi tiếp vận ra vào Trường. Hông bên phải hướng Đông có một dẫy tường đá dầy 40 phân cao hơn 1 mét để ngăn cách với khu biệt thự kế bên cũng rất rộng đang bỏ trống không người ở. Sau này vào năm 1951, khi đào tạo 2 khoá đầu tiên là Khoá 1 (Bảo Đại) và Khoá 2 (Quang Trung) xong, thì do quyết định của Quốc trưởng Bảo Đại Trường được di chuyển vào Đà Lạt bên cạnh hồ Saint Bennois và cải danh thành Trường Võ Vị Liên Quân Đà Lạt (EMIAD = École Militaire Inter Armes DaLat). Đến thời Đệ Nhất Cộng Hoà Tổng Thống Ngô Đình Diệm lại quyết định cho xây cất cơ sở Trường mới thật lớn gần Hồ Than Thở và cải danh thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.
Sau khi Trường Sĩ Quan Việt Nam bên bờ sông Hương dời về Đà lạt, cơ sở cũ này được phá đi cùng với biệt thự bên cạnh để xây cất Trường Võ bị Địa Phương (École Militaire Régionale) thuộc Quân Khu 2, làm nơi đào tạo các Chuẩn Úy (Aspirant) đáp ứng cho nhu cầu bành trường của Quân đội. Mấy năm sau, Trường Võ bị Địa phương giải tán thì cơ sở này được giao cho Quân Vụ Thị Trấn Huế quản trị dùng làm Câu Lạc Bộ và nhà vãng lai cho Sĩ quan độc thân. Sau trận Việt Cộng tấn công chiếm Huế vào dịp Tết Mậu Thân 1968, Tôi được Tổng Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu chỉ thị dẫn đoàn Tổng thanh tra Quân đội hỗn hợp Việt-Mỹ ra quan sát duyệt xét tình trạng Quân Y Viện nằm trong thành Mang Cá kế bên Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh (lúc đó do Đại Tá Ngô Quang Trưởng làm Tư Lệnh) nên đã có dịp cư trú trong Câu lạc bộ Sĩ quan này bên cạnh bờ sông Hương.
Địa điểm tọa lạc của Trường rất an ninh vì nằm ngay trong giữa thành phố Huế, và cũng rất thuận lợi vì từ các nơi người ta có thể đến Trường bằng cả 3 loại phương tiện:
- ĐƯỜNG BỘ, dùng xe hơi theo Quốc lộ 1 xuyên Việt Nam, hoặc dùng xe hoả theo tuyến thiết lộ xuyên Việt chạy song song với Quốc lộ 1 nối liền Saigon và Hà Nội;
- ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG, dùng máy bay đáp xuống phi trường Phú Bài cách thành phố Huế khoảng vài chục cây số;
- ĐƯỜNG THỦY, dùng tầu thủy cặp bến cảng Đà Nẵng rồi dùng xe hơi chạy theo Quốc lộ 1 băng qua Đèo Hải Vân lên phía Bắc để tới Huế.
3. HIỆN TRẠNG CÁC CƠ SỞ TRƯỜNG TẠI HUẾ.
Bước qua ngưỡng cổng chính của Trường vào trong, ngay bên phía trái là một sân tập họp thật rộng có dựng một cột cao treo cờ Quốc gia Việt Nam (nền vàng 3 sọc đỏ). Tiếp đến ở phần đất bên trái phía sau sân tập họp và cột cờ là một ngôi nhà ngói khoảng 400 mét vuông dùng làm trụ sở của Ban Giám Đốc Trường gồm văn phòng Trung Tá Chaix Chỉ Huy Trưởng, văn phòng Đại Úy Joly Giám đốc Huấn luyện, các văn phòng của các sĩ quan Huấn luyện viên kiêm Trung đội trưởng Khóa sinh, và các Hạ sĩ quan phụ tá (moniteur). Phía bên phải sân tập họp và cột cờ, ngay từ sau cổng vào là Trạm kiểm soát gồm văn phòng Sĩ quan trực nhật, Phòng Y tế, và nơi ngủ của các lính thuộc Lực lượng Việt Binh Đoàn canh phòng bảo vệ doanh trại.
Kế đến là một dẫy nhà dài khoảng 50 mét rộng 8 mét dùng làm phòng ăn tập thể cho khoá sinh, đồng thời cũng dùng làm Giảng Đường lớn khi phải tập trung toàn Khóa. Bên trong Nhà ăn, ngoài lối đi rộng hơn 1 mét ở chính giữa, suốt chiều dài của nhà có kê 2 dẫy bàn dài bề ngang 1 mét với những dẫy ghế dài không lưng tựa dọc 2 bên để làm bàn ăn, và bàn viết khi cả khoá tập trung nghe thuyết trình hoặc làm bài thi.
Ngay sau lưng Trạm kiểm soát và Nhà ăn tập thể, có 3 dẫy nhà khác nhỏ và ngắn hơn dùng làm phòng học và sinh hoạt riêng cho từng Trung đội Khoá sinh. Bên trong Nhà Học riêng của từng Trung đội Khoá sinh được trang trí y như trong một lớp dành cho các học trò Trung học vậy. Suốt bề dài căn nhà, kê 2 dẫy bàn học trò loại bàn liền ghế cho 2 người ngồi chung. Nơi đầu phòng có một bảng đen lớn và một bàn viết và ghế dành riêng cho Huấn luyện viên đến sinh hoạt với khóa sinh.
Tất cả các dẫy nhà đều lợp mái bằng gốc dạ rất dầy, tường chung quanh là những phên liếp bằng nứa đan. Mỗi nhà chỉ có 2 cửa ra vào tại 2 đầu nhà, dọc hai bên nhà là 2 dẫy cửa sổ rộng có cánh liếp nâng lên hạ xuống được để thông thoáng gió và cho ánh sáng lọt vào nhà những khi không bật đèn.
Phía trong cùng của khu đất, dọc theo bờ sông Hương có 2 dẫy nhà dài nối tiếp nhau dùng làm Nhà Ngủ cho Khoá sinh. Nhà xây tường gạch mái lợp ngói, bề cao từ nền đến nóc khoảng 5 mét không có lớp trần che cản sức nóng từ nóc nhà phà xuống, nên mùa Hè rất nóng và ngược lại mùa Đông rất lạnh. Dẫy phía bên trái được ngăn đôi, một nửa dùng làm kho và phòng ngủ của Thượng Sĩ Nhất Lục Sĩ Mẫn, Hạ sĩ quan phụ trách Thường Vụ (service général) của Trường, còn nửa kia dành làm phòng ngủ chung cho Khoá sinh thuộc Trung đội 1 (người miền Nam). Dẫy bên phải, nửa bên trái dành cho Khoá sinh thuộc Trung đội 2 (người miền Trung) và nửa bên phải dành cho Khoá sinh thuộc Trung đội 3 là chúng tôi từ miền Bắc vào.
Dọc theo chiều dài Nhà Ngủ, kê 2 dẫy giường cá nhân bằng gỗ có cọc khung gỗ để giăng mùng chống muỗi riêng cho mỗi giường. Giường được kê từng cặp sát bên nhau và một đầu sát tường. Giữa mỗi cặp giường để chừa một khoảng cách 1 mét để hai người ngồi đối diện không dụng đầu gối chân của nhau. Mỗi giường có một chiếu bằng cói, và một nệm nằm nhồi cỏ khô và bông gòn có thể gập đôi lại được.
Tại một góc tường bên gần cửa ra vào nơi đầu nhà, có một giá gỗ để gác súng của Trung đội Khoá sinh. Mỗi Khoá sinh được cấp một khẩu súng trường Garant M-1 riêng, để gìn giữ lau chùi và xử dụng trong việc tập luyện thao tác cơ bản, duyệt binh, tác chiến, và tập bắn. Loại súng này hơi dài và nặng đối với những người có hình vóc nhỏ thấp, nhưng bắn lại đầm không giật hậu mạnh như các loại Mousqueton và Mas-36 nên trong các kỳ thi bắn dễ đạt được điểm trúng bia rất cao.
Từ đầu Nhà Ngủ của chúng tôi ra đến bờ sông Hương có một con đường đất rộng khoảng 5 mét. Cuối đường là một sàn gỗ dài rộng khoảng 25 mét vuông, cao hơn mặt nước sông chừng 30 phân, dùng làm Cầu Bến Tắm Giặt cho khoá sinh. Đặc biệt nước sông Hương trong vắt có thể nhìn suốt tận đáy, ban đêm nhiều thuyền nhỏ đốt đuốc soi sáng nơi đầu thuyền bơi dọc ven sông để người ngồi trên dùng cây chỉa đôi bằng sắt đâm xuống nước để bắt cá. Bên phải con đường xuống Cầu Bến Tắm là Nhà Bếp và phía bên trái con đường nơi sát bên hàng rào gần bờ sông là nhà vệ sinh công cộng đủ rộng cho cả trăm nguời giải quyết việc tiểu và đại tiện suốt ngày đêm.
4. PHƯƠNG THỨC TUYỂN LỰA KHOÁ SINH.
Tôi không biết phương thức tuyển lựa khoá sinh tại các miền Nam (Vệ binh Nam Việt) và Trung (Việt binh Đoàn) đươc quy định như thế nào, nhưng tại miền Bắc thì là do đề nghị của các Đơn vị trưởng các Đại đội Vệ Binh Bắc Kỳ đề nghị tập trung về Bộ Tư lệnh Vệ binh Bắc kỳ tổng kết cứu xét tuyển chọn, rồi gửi danh sách đến Bộ Quốc Phòng Chính phủ Quốc gia Việt Nam quyết định tối hậu. Điều kiện văn hoá tối thiểu khoá sinh phải có bằng Trung học Pháp hoặc có trình độ học vấn các lớp Trung học và đang phục vụ trong quân đội với cấp bậc Hạ sĩ quan tốt nghiệp từ các Khóa đào tạo Peleton I, Peleton II của quân đội Pháp, nếu ai đang là Binh Nhì thì phải có bằng Tú Tài.
Nhóm anh em chúng tôi từ ngoài Bắc vào cùng một chuyến máy bay gồm cả thẩy 14 người: 4 Trung sĩ, 2 Hạ sĩ Nhất, 6 Hạ sĩ, và 2 Binh Nhì, cũng trạc tuổi hoặc hơn Tôi vài ba tuổi. Chỉ có 5 người Tôi quen thân là Trung sĩ (TS) Nguyễn Khắc Thăng, TS Đàm Quang Yêu, TS Nguyễn Bá Liêm và TS Lê văn Nhật, hồi Tôi là Binh Nhất học Peleton-1 để ra Hạ sĩ thì các anh ấy đã là Hạ sĩ vừa tốt nghiệp Peleton-1 được lưu giữ ở lại học tiếp Peleton-2 để ra Trung sĩ. Còn những người kia biết được tên là nhờ xem tờ Sự Vụ Lệnh do anh Thăng làm trưởng toán cầm giữ, đó là Binh Nhì (B2) Bùi Đình Đạm, B2 Nguyễn văn Thản, Hạ sĩ (HS) Đàm Quang Quảng, HS Đàm Quang Đột, HS Phạm văn Khái, HS Đỗ văn Tâm, HS Phan Huy Chương, HS Phạm Ngần, và Nguyễn văn Thành mang cấp bậc Hạ sĩ Nhất như Tôi nhưng lớn hơn chúng tôi cả chục tuổi (sau này đang học mới được hơn tháng thì anh Thành rời trường không học tiếp không biết vì lý do gì).
5. TẬP TỤC SINH HOẠT HÀNG NGÀY CỦA KHOÁ SINH.
A- GIỜ GIẤC SINH HOẠT.Kèn lệnh được dùng để báo hiệu giờ giấc sinh hoạt hàng ngày.
- 6 giờ sáng thức dậy, làm vệ sinh cá nhân, tập thể dục tập thể tại sân cờ.
- 7 giờ ăn sáng,
- 8 giờ Tập họp tại sân tập trung trình diện Sĩ quan Huấn luyện viên Trực trong ngày, thực hiện Lễ Chào Cờ, sau đó xuất trại ra hiện trường thao luyện tác chiến, hoặc đi thăm viếng học thực tập tại các đơn vị chuyên môn, kỹ thuật …
- 11 giờ nghỉ trưa, ăn bữa trưa, chuẩn bị cho sinh hoạt buổi chiều.
- 13 gìờ thức dậy.
- 14 giờ tập họp trong nhà ăn tập thể để tham dự các môn học lý thuyết căn bản về quân sử, tham mưu, quản trị, điều hành, chiến lược, chiến thuật, tổ chức đơn vị tác chiến… do Huấn luyện viên thuộc trường giảng dậy, hoặc nghe các giảng viên ngoài trường đến thuyết trình các đề tài tổng quát thuộc các lãnh vực liên quân chủng trong quân đội.
- 18 giờ nghỉ, dùng bữa tối.
- 21 giờ điểm danh tối và tắt đèn ngủ.
B. NHỮNG QUY LUẬT BẮT BUỘC KHOÁ SINH PHẢI THEO.
- Ban ngày trong giờ sinh hoạt, phòng ngủ của Khóa sinh phải thường xuyên sắp xếp thật ngăn nắp theo cùng một khuôn mẫu như nhau:
- Mùng phải tháo ra khỏi khung gập lại xếp ngăn nắp cùng với gối và mền để phía đầu giường sát tường, rồi gập đôi nệm đè lên sao cho thật vuông vắn đẹp mắt.
- Vali và túi đựng quần áo và tư trang riêng phải để gọn gàng dưới gầm giường phía sát tường.
- Quần áo cá nhân cần giặt ủi, phải tập trung đưa nhà thầu nhận giao hàng ngày hoặc tự mang ra các tiểm giặt ủi tư nhân ngay 2 bên đường phố cạnh Trường.
- Đến giờ ăn các Trung đội tập họp ngoài sân rồi lần lượt theo nhau vào kiếm chỗ ngồi ăn 4 người một mâm. Cơm và thức ăn đã được nhân viên nhà bếp (do nhà thầu tư nhân đảm trách) bầy sẵn từng mâm có lồng bàn đậy cản ruồi trên các bàn.
Thức ăn hàng bữa gồm 3 món (xào, mặn, và canh) nấu theo khẩu vị người Trung và thường là hơi ít không đủ no. Bữa điểm tâm nào cũng là xôi đậu (ăn xường xượng như có lẫn gạo tẻ) chấm muối mè có bỏ thêm chút đường cát trắng. Đa số anh em thường phải ăn quà thêm, bún bò, cháo huyết, bánh mì cặp thịt, mua của các gia đình tư nhân ở sát hàng rào bên hông Trường, hoặc bánh xèo “Mụ Béo” ngay bên kia đường trước cổng Trường bán cho ăn chịu ghi sổ cuối tháng lãnh lương mới trả.
6. NHỮNG KỶ NIỆM CHÍNH KHÓ QUÊN VỀ KHOÁ 1.
A. NGÀY NHẬP TRƯỜNG.
Chúng tôi được xe của Đơn vị đưa đến trình diện tập trung tại Trung tâm huấn luyện Hạ sĩ quan Vệ binh Bắc Kỳ tại Trại Ngọc Hà Hà-Nội trước 8 giờ sáng ngày Thứ Bẩy khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10-1948 (Tôi không nhớ ngày chính xác). Đợi đến khoảng 9 giờ thì được một Thượng sĩ Pháp đến mời lên xe để di chuyển qua cầu Long Biên sang phi trường Gia Lâm làm thủ tục ghi danh, cân hành lý đi máy bay của hãng Hàng Không Dân Sự Pháp SITA. Máy bay đưa chúng tôi đi là loại hai động cơ, cửa cho hành khách lên xuống được mở ra ở phía đầu phi cơ ngay phía bên dưới phòng lái của phi hành đoàn. Đi chung phi cơ với chúng tôi là khoảng 20 hành khách dân sự.
Làm xong thủ tục, chúng tôi được dẫn vào phòng VIP đợi giờ lên phi cơ, thì Đại Tá Tư Lệnh Vệ Binh Bắc Kỳ và Đại úy Fauvel Liên Đoàn Trưởng Vệ Binh Biên phòng miền Đông Bắc Kỳ bước vào thăm hỏi bắt tay chúng tôi. Họ chúc chúng tôi đi đường bình an giữ gìn sức khoẻ cho tốt, và nhất là chăm chỉ học hành đạt kết quả tốt để sau này về chỉ huy các đơn vị Vệ Binh.
Sau khoảng hơn một giờ bay cao tít trên các tầng mây, máy bay bắt đầu hạ cao độ lượn vòng đáp xuống phi trường Phú Bài gần Huế. Đây là một phi trường dùng chung cho cả máy bay quân sự và dân sự, nằm dài trên dải đất giữa Biển Đông và dẫy Trường Sơn trùng điệp cao vút rậm rạp cây rừng. Trung úy Trần Nguyên An thuộc Bộ chỉ huy Lực lượng Việt Binh Đoàn (do Đại úy Nguyễn Ngọc Lễ chỉ huy, đến thời Đệ Nhất Cộng Hoà ông Lễ được Tổng Thống Ngô Đình Diệm cất nhắc thăng cho lên đến cấp Trung Tướng, về sau các đơn vị Việt Binh Đoàn được cải biến thành các Tiều đoàn Bộ binh Quân đội Quốc gia Việt Nam) đợi đón chúng tôi và hướng dẫn về Trường. Trung Úy An là Tham Mưu Trưởng của Lực Lượng Việt Binh Đoàn.
Xe chở chúng tôi rời phi trường chạy trên Quốc lộ 1 song hành với đường xe lửa xuyên Việt, được khoảng mấy chục cây số thì tới vùng An Cựu đồi Tam Thai (nơi có Trường huấn luyện Hạ sĩ quan cho Lực lượng Việt Binh Đoàn, có ga xe lửa An Cựu, có doanh trại của đơn vị Thiết giáp Pháp), qua chợ An Cựu, qua thêm một quãng đồng trống thì bắt đầu vào Khu Pháp (quartier francais) bên tả ngạn sông Hương của Thị xã Huế. Xe đến đầu cầu Tràng Tiền rẽ phải theo con đường Lê Lợi đi về phía Đập Đá trên đường đi Phú Vang chớ không qua cầu, được chừng mấy trăm thước thì đến Trường.
Chúng tôi đến Trường đúng vào trưa ngày Thứ Bẩy nghỉ, tất cả Khoá sinh nhập Trường trước chúng tôi đều đi dạo phố hoặc về thăm gia đình nên Trường vắng tanh. Tuy nhiên nhà thầu đã được thông báo trước nên đã chuẩn bị sẵn sàng cơm bữa cho chúng tôi dùng không phải ra phố.
Vừa ổn định chỗ nằm xong, anh Tôn Thất Tương (khoá sinh người miền Trung) đang thi hành trách vụ Sĩ quan Trực Nhật ghé vào thăm làm quen với chúng tôi. Anh Tương tự giới thiệu mình là người thuộc Hoàng Tộc, nên có nhà ở ngay trong Thành Nội có 3 cơ sở nổi tiếng của Triều đình Huế là Điện Cần Chánh, Điện Kiến Chung và Điện Thái Hoà. Anh rủ chúng tôi muốn đi xem, sáng sớm hôm sau là Chủ Nhật anh ấy sẽ đến đón và dẫn đi coi. Các anh Liêm, Yêu, Nhật, Thản, Đột, Tâm và Tôi nhận lời nhờ anh Tương hướng dẫn.
Sáng hôm sau, anh Tương đến dẫn chúng tôi ra khỏi Trường, qua cầu Tràng Tiền rẽ trái đi theo đường Trần Hưng Đạo đến Cửa Thượng Tứ để vào Thành Nội. Trước nhất, anh Tương dẫn chúng tôi vào giới thiệu với bà xã, sau đó đi thăm Điện Cần Chánh (nơi lưu giữ chiếc ngai vàng để Vua ngồi, áo Cẩm Bào, Vương miện, và nhiều đồ quý khác bằng ngọc thạch hoặc vàng). Tiếp đó là Điện Kiến Chung gần cửa Hoà Bình (nơi Vua ngồi ký các Chiếu Chỉ, Sắc lệnh), rồi đến Điện Thái Hoà (nơi họp Đại Triều), sân trưng bầy Cửu Đỉnh (chín chiếc lư hương thật to cao hơn đầu người đúc bằng đồng), các Khẩu Thần Công, Kỳ Đài, Ngọ Môn Quan (chỉ mở để đón tiếp Sứ Thần các nước tới yết kiến Vua), Hồ Tĩnh Tâm gần thành Măng Cá. Thăm Thành Nội xong, chúng tôi trở ra phía Cửa Thượng Tứ rẽ phải đi dọc theo con đường Nguyễn Hoàng, đến khoảng trước Ngọ Môn Quan băng qua đường để xem Bến Trương Bạc ngay tại bờ sông Hương. Tít xa nơi tận cùng đường Nguyễn Hoàng là cầu Bạch Hổ bằng sắt bắc ngang sông Hương cho xe lửa chạy qua, và Tháp Chùa Thiên Mụ phía bên này bờ sông.
Quay trở lại đầu cầu Tràng Tiền đi hết con đường Trần Hưng Đạo là Chợ Đông Ba và Cầu Gia Hội (bên kia cầu có một nhà hàng cơm Tầu rất được khách sành ăn hâm mộ). Phía sau và bên hông Chợ Đông Ba là bờ sông dầy đặc thuyền làm nhà ở, nhiều chiếc trong số này cho thuê để khách làng chơi ngày đêm xuống ăn nhậu mua vui nghe các ca nhạc sĩ cổ nhạc Hò Huế... Nhìn qua bên kia bờ sông, thấy 2 dẫy Nhà Ngủ của Khoá sinh chúng tôi và Nhà Bếp nằm dài tiếp nối nhau suốt bề ngang khu đất Trường và chiếc Cầu Bến Tắm. Nhìn xuôi sang phía trái thêm khoảng nữa là Đập Đá, và ngoài xa xa thấy Cồn Hến nổi lên bập bềnh cản dòng chẩy của sông Hương.
Quay trở lại đầu cầu Tràng Tiền đi hết con đường Trần Hưng Đạo là Chợ Đông Ba và Cầu Gia Hội (bên kia cầu có một nhà hàng cơm Tầu rất được khách sành ăn hâm mộ). Phía sau và bên hông Chợ Đông Ba là bờ sông dầy đặc thuyền làm nhà ở, nhiều chiếc trong số này cho thuê để khách làng chơi ngày đêm xuống ăn nhậu mua vui nghe các ca nhạc sĩ cổ nhạc Hò Huế... Nhìn qua bên kia bờ sông, thấy 2 dẫy Nhà Ngủ của Khoá sinh chúng tôi và Nhà Bếp nằm dài tiếp nối nhau suốt bề ngang khu đất Trường và chiếc Cầu Bến Tắm. Nhìn xuôi sang phía trái thêm khoảng nữa là Đập Đá, và ngoài xa xa thấy Cồn Hến nổi lên bập bềnh cản dòng chẩy của sông Hương.
B. NGÀY KHAI GIẢNG KHOÁ HỌC.
Có lẽ chúng tôi từ ngoài Bắc vào là nhóm khóa sinh trình diện Trường trễ nhất, vì chúng tôi tới Trường vào trưa Thứ Bẩy cuối tuần thì ngay sáng Thứ Hai đầu tuần tất cả mọi người tập họp ngồi trong Nhà ăn để làm thủ tục Khai giảng Khóa học. Lúc đó được coi là giây phút đầu tiên anh em toàn khóa thấy mặt nhau đầy đủ.
Anh em Trung đội 3 chúng tôi có sĩ số ít nhất (chỉ có 14 người so với 2 Trung đội kia là 21 hoặc 22), số tuổi trung bình cũng trẻ nhất, và cấp bậc cũng nhỏ hơn các anh trong các Trung đội 1 và 2 toàn là Trung sĩ Nhất, Thượng sĩ và Thượng sĩ Nhất thâm niên. Có điều đặc biệt đáng chú ý là quân phục của anh em không đồng nhất, vì được tập trung từ nhiều loại đơn vị có nguồn gốc khác nhau trên toàn quốc.
Trước khi buổi lễ chính thức bắt đầu, Đại Úy Joly Giám đốc Huấn luyện giới thiệu các Sĩ quan Huấn luyện viên kiêm Trung đội trưởng Khóa sinh, và các Hạ sĩ quan phụ tá (moniteur) của từng Trung đội.
- Trung Úy Petdedieu và HSQ moniteur (không nhớ tên) phụ trách Trung đội 1 gồm toàn người từ miền Nam ra.
- Trung Úy Scuarnec và Adjudant Chef DO phụtrách Trung đội 2 gồm anh em thuộc miền Trung.
- Và người phụ trách Trung đội 3 chúng tôi là Trung Úy Besson và Sergent Kervenic
(cả Trung Úy Besson và Trung sĩ Kervenic đều còn rất trẻ, tính tình rất hiền lành và tốt bạn, không như Thượng sĩ Nhất DO lúc nào cũng tỏ ra quan trọng và nghiêm khắc).
Buổi lễ khai mạc khóa rất đơn giản, không có khách bên ngoài tham dự, chỉ có một mình Trung Tá Chaix Chỉ Huy Trưởng vào ra mắt chào mừng chúng tôi và nhắn nhủ mấy điểm chính yếu sau:
- Vì phần lớn đã là Hạ Sĩ Quan thâm niên có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động quân đội, nên một phần Chương trình của Khóa học được cắt bỏ bớt, do đó thời gian Khóa học sẽ ngắn hơn dự liệu nên chỉ còn khoảng 8 tháng.
- Kể từ ngày nhập Trường, ai chưa là Hạ sĩ Quan sẽ được thăng cấp Trung sĩ và lãnh lương hàng tháng theo cấp bậc này, những người khác có cấp bậccao hơn tiếp tục lãnh lương theo cấp bậc hiện tại của mình.
- Mọi người phải cố gắng học hành để đạt kết quả tốt, nhằm cung ứng nhu cầu Sĩ quan cho các đơn vị thuộc Quân đội Quốc gia Việt Nam sẽ bắt đầu thành lập vào năm 1949. Các Sĩ quan Huấn luyện viên toàn là những người tốt nghiệp từ Trường Võ Bị Saint Cyr của Lục quân Pháp, sẽ giúp đỡ hướng dẫn các bạn học hành được dễ dàng, nếu có điều gì cảm thấy chưa thông hiểu rõ ràng cặn kẽ thì đừng ngại ngùng tham vấn quý vị ấy giúp đỡ bổ túc cho.
- Nhà trường sẽ cung cấp ngay cho mọi người có đồng phục mới để cho được đồng nhất, và cũng kể từ hôm nay không ai mang cấp bậc cũ của mình nữa. Mọi người sẽ mang trên cầu vai áo huy hiệu Sinh Viên Sĩ Quan (ký hiệu Alpha bằng đồng mầu vàng gắn trên coulissant dạ (nỉ) mầu đen), đội calot nỉ đen trên đỉnh mầu vàng và 2 bên cạnh viền chỉ kim tuyến. Như vậy mọi người sẽ nhận biết rõ ràng các bạn đang là Sinh viên của Trường đào tạo Sĩ quan Việt Nam, do đó các bạn phải giữ gìn phong thái tư cách cho thật đàng hoàng, đừng làm gì tổn hại đến thanh danh cá nhân và Nhà Trường.
C. ĐỒNG PHỤC KHOÁ SINH.
Đồng phục làm việc thường của chúng tôi là đồ short vải kaki vàng. Quần ống ngắn tới đầu gối, áo sơ-mi ngắn tay cổ bẻ, giầy da thấp cồ mầu nâu xậm, và tất (vớ) len dài tới dưới đầu gối cùng mầu với quần áo. Đồng phục dạo phố cũng bằng kaki, quần dài, áo sơ-mi dài tay với 2 túi ngực có nắp, cổ thắt cà vạt nỉ mỏng mầu ô-liu. Vào mùa Đông dùng quần áo dạ mầu ô-liu xậm (áo blouson). Mũ calô nỉ đen đỉnh vàng 2 bên viền kim tuyến, được dùng chung cho tất cả các loại đồng phục. Quần áo lãnh về có người mặc không vừa phải thuê sửa lại. Những bạn dư giả tiền thích mặc quần áo đẹp, thì đến các tiệm may ngoài phố đặt cắt may bằng những hàng vải kaki đẹp đắt tiền để trưng diện lúc ra đường cho được vừa ý.
Có điều làm chúng tôi rất hãnh diện là từ ngày chúng tôi mặc đồng phục mang cầu vai Alpha ra đường, mọi Hạ sĩ quan và Binh sĩ gặp chúng tôi, họ đều chào kính chúng tôi đúng theo cung cách chào kính Sĩ quan vậy.
D. SĨ SỐ KHOÁ SINH TOÀN KHOÁ.
Một tuần lễ sau ngày khai giảng khóa học, có thêm 6 khoá sinh đến trình diện. Ban Giám đốc bổ sung vào Trung đội 3 chúng tôi. Các bạn ấy là Nguyễn Hữu Có, Cao Hoàng Phiên (người miền Nam), Tôn Thất Đính, Lê Huy Luyện (người miền Trung), và Trần Thượng Phương, Trần văn Khoái (người miền Bắc). Anh Phương nguyên là Thượng sĩ Lính Khố Xanh (Garde Indigène) thời Pháp thuộc, tuổi đời cao hơn chúng tôi khoảng hai chục, là thân phụ của Trần Đình Thọ sau này cũng theo học Trường Võ bị Đà Lạt và trước 30-4-1975 Trần Đình Thọ đã được thăng lên đến Chuẩn Tướng làm Trưởng Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu.
Thế là tổng số Khoá sinh tăng lên 64 người. Nhưng ngày mãn khoá chỉ có 63 người, vì anh Thành già thuộc Trung đội chúng tôi bỏ học nửa chừng.
E. CHƯƠNG TRÌNH VÀ THỜI BIỂU HỌC.
Chương trình học của chúng tôi gồm toàn các môn thuộc lãnh vực quân sự, không có chút nào thuộc lãnh vực bổ túc văn hoá tổng quát. Các môn học về tổ chức quân đội, lịch sử quân đội, lãnh đạo chỉ huy, kỹ thuật tác chiến, lệnh hành quân, chức năng tổng quát quân vụ, xử dụng Liên binh, thể dục quân sự (EPM = Éducation Phisique Militaire), quân sử các trận Đại chiến Thế giới... đều do các Huấn luyện viên cơ hữu của Trường đảm trách giảng dạy. Còn các môn chuyên nghiệp khác như trách vụ các Phòng tham mưu, Hành chánh Tài chánh, Quân Nhu, Quân Cụ, Truyền Tin, Pháo binh, Công binh, Thông vận binh, Thiết giáp, Quân cảnh, Quân bưu, Hải quân, Không quân... đều do các Sĩ quan chỉ huy thuộc các ngành liên hệ được Ban Giám đốc trường mời đến thuyết giảng và khảo hạch.
Thời biểu học hàng ngày thường là buổi sáng học ngoài đồng, buổi chiều trong chu vi Nhà Trường. Bãi tập thường xuyên hàng ngày là sân vận động Huế và các vùng phụ cận như: Xóm Mới, khu quán Cơm Âm Phủ, Chợ Cống. Thời gian học thực hành tác chiến trong thành phố thì vào Thành Nội, tại vùng quanh sân bay, Hồ Tĩnh Tâm và khu thành Mang Cá. Khi học các chương trình hành quân băng đồng, lục soát làng xóm, bảo vệ xa lộ và thiết lộ, thì xuống vùng quanh chân núi Ngự Bình từ Ga An Cựu xuống tới phi trường Phú Bài. Bãi tập luyện bắn và thi bắn các loại súng nằm sát ngay bên Trung tâm huấn luyện Hạ sĩ quan Việt Binh Đoàn tại chân núi Ngự Bình.
MỘT KỶ NIỆM KHÓ QUÊN CỦA RIÊNG TÔI.
Ngày 21-1-1949 là Tết Nguyên Đán năm Kỷ Sửu, Trường đóng cửa 1 tuần lễ, các bạn người miền Trung về nhà xum họp ăn Tết với gia đình, các bạn người Nam và chúng tôi ở lại Trường ăn Tết với nhau. Trong thời gian rảnh rỗi này, mỗi người tùy theo túí tiền và sở thích, đi xem Chiếu bóng, Hát Bộ miền Trung, thưởng thức các món ăn tại các nhà hàng cơm Tây, cơm Tầu, cơm miền Trung, thuê thuyền thả trôi giữa dòng Hương giang ăn nhậu nghe ca hát, hoặc đi các Chùa, Nhà Thờ cầu nguyện và ngắm người ta ăn diện quần áo mới, chứ không dạo phố vì các tiệm buôn bán và Chợ đều đóng cửa ăn Tết.
Nhân dịp đầu Xuân, Tôi đã cảm hứng mấy vần thơ kỷ niệm sau đây:
XUÂN NHẬP CUỘC
Mưa Xuân bàng bạc phủ dòng Hương,
Gió thoảng êm êm vuốt mái trường.
Vạn xác pháo tan hoà tiếng chúc,
Sáu ba (63) hiền họp kết tình thương.
Bên nhau thề quyết nung rèn chí,
Tốt nghiệp chung lo giữ mối giềng.
Học hiệu Liên quân mừng đón Tết,
Tương lai hứa hẹn rạng như gương.
F. THỬ LỬA BỔ TÚC CHO CÁC BÀI THI MÃN KHOÁ.
Vào giai đoạn chót của Khoá học trước khi mãn khoá, chúng tôi được đem đi “Thử Lửa” (Baptême du feu) bằng 2 đợt.- Vào cuối tháng 4-1949, cả khoá tập thiết kế và thực hiện cuộc hành quân cấp Đại đội đánh chiếm “làng cùi” (không người ở) trong vùng núi Bạch Mã, có Thiết vận xa trang bị Đại Liên 50 Súng Cối 81 ly tháp tùng, Pháo binh 105 tại Phi trường Phú Bài và phi cơ khu trục từ Đà Nẵng ra bắn đạn thật yểm trợ tại chiến trường theo yêu cầu.
- Qua đầu tháng 5-1949, cả khóa lại được đưa đi quan sát mặt trận do Bộ Chỉ Huy Khu Quân Sự Pháp tại Huế khai triển cuộc hành quân đánh chiếm Chiến khu Lương Miêu của Việt Cộng. Chúng tôi được chia ra thành nhiều toán, ngồi trên các xe lội nước (amphibie) xuất phát từ cầu Bạch Hổ lội ngược dòng sông Hương lên phía thượng nguồn đến tận khu vực xa hơn Lăng Gia Long. Đến khu vực hành quân, chúng tôi rời xe lội nước lên bờ thăm Bộ chỉ huy Hành quân đóng trong các lều vải trên sườn đồi kế cận bờ sông để nghe thuyết trình về tình hình diễn tiến của mặt trận. Sau đó băng rừng đi thăm các đơn vị đang giáp chiến, đến chiều tối mới lên tầu chuyển vận trên sông trở về Trường.
G. LỄ MÃN KHOÁ.
Để chuẩn bị cho lễ mãn khoá, Ban Giám đốc trường đưa nhà thầu may quân phục vào đo cắt may cho chúng tôi mỗi người một bộ Đại Lễ bằng kaki (quần dài, áo bốn túi), một cặp cầu vai nỉ đen trên có gắn ký hiệu Alpha vàng phía đầu vai với cờ Việt Nam ở chính giữa và nút mạ vàng khắc con rồng nổi ở đầu cầu vai nơi sát cổ áo. Một nhà mát mái lợp dạ, ba bề vách lửng bằng cót cao hơn 1 mét, được dựng lên sát tường chiếm hết phần ba sân tập họp bên cột cờ, để làm khán đài kê ghế dành cho quan khách đến dự lễ.Một sự kiện đặc biệt không ai ngờ là Trung Tá Chaix Chỉ huy trưởng Trường đã nhận được lệnh dẫn một phái đoàn Khoá sinh đại diện Khóa đáp máy bay đi Đà-Lạt trình diện Quốc trưởng Bảo Đại. Tôi không nhớ rõ số người đi là bao nhiêu và cũng không biết tên những anh em trong các Trung đội 1 (người Nam)và Trung đội 2 (người Trung), nhưng chắc chắn toàn là những người xếp hạng đỗ cao, riêng Trung đội 3 chúng tôi thì có 2 người là các anh Nguyễn Hữu Có và Nguyễn Khắc Thăng.
Giữa tháng 5-1949, Lễ Mãn Khoá được tổ chức đưới sự chủ tọa của ông Phan Văn Giáo Thủ Hiến Trung phần Vìệt Nam đại diện Quốc Trưởng Bảo Đại, với khoảng 100 quan khách Việt Pháp tham dự (trong đó có một số thân nhân của các bạn người miền Trung). Chương trình diễn tiến như sau:
- Nghi thức quân cách đón chào Chủ toạ,Lễ thượng Quốc Kỳ Việt Nam (không có cờ Pháp), Khóa sinh đồng ca bản Quốc Ca Việt Nam (Tiếng gọi Công dân),Nhạc Tưởng niệm Tử Sĩ (ban quân nhạc Việt Binh Đoàn hoà tấu),Trung Tá Chaix Chỉ huy trưởng Trường đọc Diễn văn phúc trình tổng lược kết quả diễn tiến chưong trình huấn luyện và trỉnh diện Khóa sinh,
- Thủ Khoa là anh Nguyễn Hữu Có bước ra đứng trước toàn khóa đang xếp 2 hàng ngang trước khán đài, hô to: “A genoux les hommes!” (Quỳ xuống các người!). Mọi người cùng quỳ đầu gối phải xuống đất, chắp 2 tay lên đầu gối trái chờ lệnh, và anh Có cũng quỳ xuống tại chỗ.Trung Tá Chaix đến gần ghế ngồi của Chủ tọa (nói gì và Chủ tọa nói gì, ở xa không nghe được) sau đó quay ra nói lớn đại ý: “Hoàng Thượng chiếu chỉ đặt tên cho khoá là KHÓA BẢO ĐẠI”, rồi hướng dẫn Chủ tọa ra sân gắn cầu vai Alpha lên 2 bên vai áo cho Thủ Khoa Có. Trong khi đó thì 2 hàng Khoá sinh quay mặt đối diện nhau và người nọ gắn cầu vai Alpha lên vai áo cho người kia.Thủ tục gắn cầu vai Alpha xong thì Chủ tọa trở về đứng trước ghế Danh dự của mình, Thủ Khoa Có đọc lời “tuyên thệ”, đại ý: “Chúng tôi xin tuyên thệ, Trung thành với Tổ quốc Việt Nam, Quyết hy sinh để bảo vệ nền Độc lập Thống nhất của đất nước và dân tộc Việt Nam trường tồn cường thịnh, Luôn luôn nêu gương bảo vệ Danh dự của một cấp chỉ huy”. Toàn thể Khoá sinh cùng đưa thẳng tay phải ra trước mặt và đồng thanh đáp lời: “Je le jure!” (Tôi xin thề!). Chủ tọa lên tiếng chấp nhận lời thề và đưa tay ra dấu cho mọi người đứng lên. Thủ Khoa Có đứng lên hô lớn: “Debout les Officiers!” (Đứng lên các Sĩ quan!). Mọi người đứng thẳng lên giữa những tràng pháo tay mừng vang dạy ròn rã của toàn thể Quan Khách.
- Tiếp ngay lúc đó, Trung Tá Chaix Chỉ huy trưởng Trường lại mời Chủ tọa ra trao cho Thủ Khoa Có cây kiếm và chiếc cung cùng với bao mang 4 mũi tên, rồi hướng dẫn Chủ tọa trở về ghế ngồi.Thủ Khoa Có đứng nghiêm rút kiếm ra khỏi vỏ làm động tác chào kính xong tra kiếm trở lại vỏ, rồi cầm cây cung lần lượt quay sang bốn hướng bắn 4 mũi tên đi, để biểu tượng cho ý chí “tang bồng hồ thỉ” của người Chiến sĩ quyết tâm đi khắp bốn phương trời để thi hành nhiệm vụ của mình.
- Buổi lễ Mãn Khoá được kết thúc bằng 2 nhạc khúc “Chiến sĩ anh hùng” và “Bạch Đằng Giang” do anh em Trung đội 3 chúng tôi hợp ca 3 giọng với sự đệm đàn của anh Tôn Thất Đính, và 3 hoạt cảnh diễn tả câu truyện lịch sử “Trận Đống Đa” do quân Quang Trung chiến thắng quân Tầu vào dịp Tết Nguyên Đán tại Thành Thăng Long, do anh em các Trung đội 1 và 2 phối hợp thực hiện.
MÃN KHÓA NHƯNG NIỀM VUI CHƯA TRỌN VẸN.
Lễ mãn khoá có thể coi là trang đầu tiên của cuốn nhật ký đời binh nghiệp SĨ QUAN QUÂN ĐỘI QUỐC GIA VIỆT NAM được mở ra cho toàn thể Sinh viên Sĩ quan Khóa 1 (Bảo Đại) Trường Sĩ quan Việt Nam chúng tôi. Nhưng có một điều thắc mắc lớn khiến mọi người phải suy nghĩ mừng lo lẫn lộn ngay sau khi dự Lễ Mãn Khoá là, ai được chấm đậu lên Thiếu Úy, ai không? ngoại trừ anh Nguyễn Hữu Có Thủ Khoa, vì Nhà Trường không tuyên bố kết quả xếp hạng ra Trường. Mọi người rời Trường với ký hiệu Alpha không phải là cấp bậc được quy định trong quân đội lúc bấy giờ, tiếp tục lãnh lương theo cấp bậc cũ của mình, và Sự vụ lệnh rời Trường trở về đơn vị cũ ghi là Élève Officier X... Phải đợi đến 2 tuần lễ sau hết phép mãn khóa trình diện đơn vị mới có thể biết mình được thăng cấp Thiếu Úy hay không.
Cá nhân Tôi, sáng 1-6-1949 đến trình diện Bộ Tư Lệnh Vệ Binh Bắc Kỳ tại Hà Nội, thì nhận được Sự vụ lệnh đến trình diện Tiểu đoàn 2 Việt Nam mới thành lập doanh trại đóng tại Thành Lính Khố Xanh (Garde Indigène) của Pháp cũ trên đường Đồng Khánh (sau này Nhà nước Việt Cộng đổi là đường Hàng Bài) đối diện với rạp chiếu bóng Majestic. Đến nơi Tôi gặp các anh Nguyễn Khắc Thăng, Bùi Đình Đạm, Lê Văn Nhật, Đàm Quang Yêu, và Trần Thượng Phương cũng được bổ nhiệm về Tiểu đoàn này.
Thiếu Tá Vũ Văn Thụ Tiểu Đoàn Trưởng (về sau có thời gian được thăng đến cấp Đại Tá Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Miền Bắc của Quân đội Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội, État Major Nord Vietnam) tiếp chúng tôi trong văn phòng, với sự hiện diện của các Đại đội trưởng: Đại Uý Phạm Văn Cảm (ĐĐ1), Đại Úy Nguyễn Văn Yến (ĐĐ3), và Trung Uý Phạm Ngọc Thuyên (ĐĐ Chỉ Huy). Các Vị này đều lớn tuổi cỡ trên 40, nguyên gốc thuộc các đơn vị trong Binh đoàn thuộc địa của Pháp tại Đông Dương từ trước 1945, khi chuyển sang phục vụ trong Quân đội Quốc gia Việt Nam được đương nhiên thăng lên một cấp bậc cao hơn cũ.
Thiếu Tá Thụ cho người trịnh trọng đọc Sắc lệnh do Quốc Trưởng Bảo Đại ký, thăng cấp Thiếu Úy cho chúng tôi kể từ ngày 1 tháng 6 năm 1949, rồi ông đích thân gắn cấp hiệu mới (một vạch vàng như của quân đội Pháp) lên cầu vai áo cho chúng tôi. Sau tiệc rượu champagne khao lon rất đơn giản nhưng ấm cúng thích thú được tố chức ngay trong văn phòng Tiểu đoàn trưởng, mỗi người chúng tôi nhận một Sự vụlệnh đi đáo nhậm đơn vị mới của mình. Thiếu Úy Bùi Đình Đạm về ĐĐ1, Thiếu Úy Đàm Quang Yêu về ĐĐ3, các Thiếu Úy Trần Thượng Phương và Lê Văn Nhật về ĐĐ Chỉ huy, cả 3 Đại đội này đều đồn trú ngay trong doanh trại Tiểu đoàn. Còn Thiếu Úy Nguyễn Khắc Thăng và Tôi (Thiếu Úy Nguyễn-Huy Hùng) về ĐĐ2 đang đồn trú tại Trại Lạch Tray (trại lính Khố Xanh của Pháp cũ) trong thành phố cảng Hải Phòng, do Đại Úy Nguyễn Văn Vĩnh (cũng thuộc gốc Binh đoàn thuộc địa Pháp trước 1945) chỉ huy. Do đó, ngày hôm sau, anh Thăng và Tôi phải đáp xe hỏa rời Hà Nội xuống Hải Phòng đáo nhậm đơn vị.
H. MỘT PHẦN THƯỞNG BẤT NGỜ, CHÍNH PHỦ QUỐC GIA DÀNH CHO 20 NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU DANH SÁCH TRÚNG TUYỂN SĨ QUAN KHOÁ 1 (BẢO ĐẠI).
Đến đầu tháng 10-1949, anh Nguyễn Khắc Thăng người đậu Thứ Hai của toàn khóa đang ở cùng Đại đội với Tôi tại Hải Phòng được lệnh trình diện Bộ Quốc Phòng tại Saigon để làm thủ tục xuất ngoại du học bổ túc chuyên nghiệp sĩ quan tại Pháp. Thế là Đại đội chỉ còn 2 Sĩ quan, Đại Úy Vĩnh Đại Đội Trưởng và Tôi Trung đội Trưởng Súng Nặng kiêm Đại Đội Phó.Sau khi tới Pháp, anh Thăng biên thơ về thông báo cho Tôi biết là anh đang theo học Khoá Bổ túc Thực hành Bộ Binh (École d’Application de l’Infantery) cùng với các Thiếu Úy Pháp tốt nghiệp Trường Võ bị Saint Cyr và bạn cùng tốt nghiệp Khoá 1 của chúng tôi là: các Thiếu Úy Nguyễn Văn Thiệu (sau này là Tổng Thống nền Đệ Nhị Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam), Đặng Văn Quang, Trần Văn Trung, Nguyễn Văn Chuân, Trần Văn Hổ. Cũng trong thời gian đó thì anh Tôn Thất Xứng học tại trường Thiết Giáp Binh Saumur (về sau các anh Thiệu, Quang, Trung, Chuân và Đính đã được thăng lên cấp Tướng), và người sau cùng là anh Nguyễn Quang Sanh học Trường Hiến Binh tại Melon.
Vào năm 1953, anh Nguyễn Khắc Thăng bị thương cụt một chân tại miền Bắc được du học Pháp lần thứ 2, và sau khi tốt nghiệp Khóa Chỉ Huy Tham Mưu (École Supérieure de Guerre) tại Paris về anh Thăng được bổ nhiệm làm Huấn luyện viên tại Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt, ít lâu sau qua đời vì tai nạn xe hơi.
Riêng phần cá nhân Tôi, sau mấy tháng tổ chức huấn luyện đơn vị hoàn tất, Đại đội 2 của chúng tôi nhận được lệnh rời Hải Phòng di chuyển về Hà Nội vào ngày 18-10-1949 để nhập cùng Tiểu đoàn khởi sự đi hành quân liên tiếp tại các vùng Phù Lưu Đình Bảng tỉnh Bắc Ninh, Hoà Bình, Đông Triều Phả Lại, Kẻ Sặt Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Vân Đình Sơn Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Yên... Tôi nhớ kỹ ngày 18-10-1949 vì đó là ngày tổ chức đám cưới của vợ chồng Tôi, nhưng vì Tôi phải lãnh nhiệm vụ chỉ huy Đại đội di chuyển rời Hải Phòng bằng xe hỏa lên Hà Nội nên Đại đội trưởng không cho Tôi đi phép.
Một năm sau vào đầu tháng 10-1950, khi Tiểu đoàn đang đóng quân tại vùng Bắc Ninh-Vĩnh Yên, thì Thiếu Úy Bùi Đình Đạm và Tôi được Bộ Quốc Phòng tại Saigon gọi trình diện làm thủ tục du học bổ túc chuyên nghiệp sĩ quan tại Pháp. Cùng xuất ngoại kỳ này với chúng tôi có mấy bạn cùng Khoá 1 là Thiếu Úy Trần Ngọc Thức (miền Nam, sau này có thời gian làm Chỉ huy trưởng Binh chủng Công Binh), Thiếu Úy Lê văn Sài (cũng người miền Nam sau này làm việc bên Không quân), Thiếu Úy Nguyễn Khương (người Trung, sau này có thời gian làm Chỉ Huy Trưởng Viễn Thông của Binh chủng Truyền Tin). Anh Thức học Sĩ quan Công Binh tại Angier, anh Sài học Hành chánh Tài chánh tại Mont Pellier, anh Đạm (vào thời Đệ Nhất Cộng Hoà đã được chỉ định làm Tư Lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh tại Mỹ Tho, và sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng Thống Diệm ngày 1-11-1963 đã được Hội đồng Tướng lãnh đảo chính thăng lên cấp Tướng) học Sĩ quan Pháo Binh tại Idar thuộc Pháp ởbên Đức. Nhưng vì vùng Idar lạnh quá chịu không nổi nên anh Đạm đã xin chuyển trường về học khoá Sĩ quan Hành Chánh Quân Nhu tại Mont Pellier. Còn anh Khương và Tôi theo học Sĩ quan Truyền Tin ở Trường Truyền Tin (École d’Application des Transmissions) tại Montargis cách Thủ đô ánh sáng Paris khoảng hơn 1 giờ xe hỏa về hướng Nam. Chúng tôi học chung với các Thiếu Úy Pháp vừa tốt nghiệp Khoá Général Frère tại Trường Võ bị Saint Cyr ra. Theo quy chế quân đội Pháp, các Thiếu Úy vừa tốt nghiệp Trường Võ bị Saint Cyr ra đều phải theo học tiếp một khoá bổ túc chuyên nghiệp các Ngành Bộ binh, Truyền Tin, Công binh, Pháo binh, Thiết giáp, Hành Chánh, Quân nhu, Quân Cụ, Quân vận, Nhẩy Dù,... (École d’Application de l’Infantery, d’Application des Transmissions, d’Application du Génie,...) trước khi được chính thức bổ nhiệm vào các đơn vị trong quân đội để phục vụ.
Đầu tháng 6-1951, đúng theo quy chế dành cho Sĩ quan Hiện dịch tốt nghiệp trường Sĩ quan Việt Nam, Tôi và toàn khóa được Quốc Trưởng Bảo Đại ký Sắc lệnh thăng cấp Trung Úy đương nhiên sau 2 năm tốt nghiệp. Cuối tháng 6-1951 mãn khoá học hồi hương về Saigon vào đầu tháng 7, Trung Tá Nguyễn Văn Vận (sau này là Thiếu Tướng Tư lệnh Quân Khu 3 tại Hà Nội) Đổng lý Văn Phòng Bộ Quốc Phòng đã trình Thủ Tướng Chính phủ Trần Văn Hữu kiêm Bộ trưởng Quốc phòng ký lệnh bổ nhiệm Tôi vào phục vụ tại Nha Đổng Lý Văn Phòng Bộ Quốc Phòng tại Saigon.
Mốc thời gian đầu tháng 7 năm 1951 này được coi là mốc thời gian kỷ niệm thích thú nhất đối với Tôi. Vì vào đầu tháng 7 năm 1947 tức là 4 năm về trước, Tôi tình nguyện gia nhập Vệ binh Bắc Kỳ chỉ với mục đích sống đời lính tạm thời cho qua cơn biến loạn nhiễu nhương của xã hội lúc bấy giờ, nhưng không ngờ thời thế đã chuyển xoay biến đổi cuộc đời của Tôi thành hoàn toàn khác hẳn. Từ đăng vào lính tại miền Bắc, đi miền Trung học Sĩ quan, rồi du học bên Pháp, và trở về làm việc tại Saigon. Thế mới biết lời các Cụ xưa dạy “Mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên” quả thật là đúng không sai. Và cũng kể từ đầu tháng 7 năm 1951, đoạn đường Binh nghiệp kế theo của Tôi được ghi chép bằng những trang Hồi ký rất thân thương “DUYÊN NỢ TRUYỀN TIN”, “HƯỚNG ĐẠO QUÂN ĐỘI”, “HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM”, các tập hồi ký này hiện đang được lưu trữ trong trang Web riêng của Tôi tại dịa chỉ http://colhungnguyen.webs.com
7. ĐÔI LỜI KẾT LUẬN
Khoá 1 được coi như là người con đầu lòng của một gia đình nghèo với 2 bàn tay trắng bắt đầu lập nghiệp, nên chịu đủ thứ thiếu thốn không như các khóa đàn em sau này, do đó cũng có nhiều kỷ niệm không giống ai như không có ban đại diện khóa, không có họp mặt toàn khoá hàng năm, anh em cùng khóa mà không biết hết tên nhau ngoại trừ những người cùng trung đội khoá sinh trong thời gian thụ huấn tại trường... Riêng cá nhân Tôi có may mắn được làm việc tại các Cơ quan Trung ương trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu (Bộ chỉ huy Viễn Thông, Bộ Tư lệnh Điạ phương quân và Nghiã quân, Nha Tổng Thanh Tra Quân lực, Tổng cục Chiến tranh Chính trị) nên có nhiều dịp đi công tác tại các đơn vị Hải Lục Không quân trên toàn miền Nam nên có dịp gặp lại một số anh em cùng khoá nên nhớ được tên sau đây:Người miền Nam, các anh Nguyễn Văn Thiệu, Đặng Văn Quang, Nguyễn Hữu Có, Lê Quang Hiền, Nguyễn Văn Nhỏ (con rể Tướng Bẩy Viễn), Trần Thanh Phú (bào đệ Tướng Trần Thanh Phong), Trần Ngọc Thức, Nguyễn Quang Sanh, Trần Văn Hổ, Nguyễn Văn Luông, Nguyễn văn Y, Dương Văn Vinh, Nguyễn Văn Thẳng, và 3 anh Bốn, Thể, Hưng (không nhớ Họ gì).
Người miền Trung, các anh Trần Văn Trung, Tôn Thất Đính, Tôn Thất Xứng, Nguyễn Văn Chuân, Phan Xuân Nhuận, Nguyễn Khương, Lê Huy Luyện, Hoàng Văn Luyện, Tôn Thất Tương, Phan Văn Cách, Nguyễn Xuân Tửu, Trần Mô, Nguyễn Mại, Nguyễn Lương, Lê Quang Biên, Nguyễn Hữu Dụng, Lê Văn Thông, Phạm Hiển, Đỗ Hữu Lý, và Tuyên (không nhớHọ gì).
Người miền Bắc, các anh Nguyễn Khắc Thăng, Bùi Đình Đạm, Lê Văn Nhật, Đàm Quang Yêu, Trần Thượng Phương, Đỗ Văn Tâm, Pham Văn Khái, Đàm Quang Đột.
Vào những năm đầu Thập niên 1970, thời gian Tôi giữ chức vụ Phụ Tá Tổng Cục trưởng Chiến tranh Chính trị đặc trách Hướng Đạo Quân đội kiêm Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến, Tôi đã phối hợp với anh bạn cùng khoá là Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm đang giữ chức vụ Giám đốc Nha Nhân viên Bộ Quốc Phòng để sưu tập tất cả các văn kiện và hình ảnh liên hệ tới sinh hoạt của Trường và Khoá 1 tại Huế, Tôi phụ trách trình bầy ấn hành cuốn Kỷ Yếu cho Khoá rồi trao lại cho anh Đạm gửi đến tặng tất cả anh em đồng Khoá lưu giữ làm kỷ niệm. Chẳng biết bây giờcó ai còn giữ đưọc bản nào không? Nhờ có được Sắc lệnh thăng cấp cho toàn Khoá mới biết được là chỉ có 53 người trên tổng số 63 người theo học được chấm đậu cho thăng cấp Thiếu Úy Hiện dịch, và anh bạn già Trần Thượng Phương là người thứ 53 trong Sắc lệnh. Thủ Khoa là anh Nguyễn-Hữu Có, Hạng Nhì là anh Nguyễn Khắc Thăng, và Hạng Ba là anh Trần Văn Trung.
Việc riêng của Khoá thì như vậy, nhưng việc chung phục vụ Quốc gia Dân tộc Việt Nam thì khoá 1 đã góp phần rất đắc lực, cho đến ngày đứt phim Việt Nam Cộng Hoà vào 30-4-1975, Khoá 1 đã cung cấp cho Quân lực Việt Nam Cộng Hỏa tới 9 VỊ TƯỚNG trong đó một Vị làm Tổng Thống Nền Đệ Nhị Cộng Hoà là Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu.
Sau đây là danh sách các Tướng xuất thân Khoá 1:
- 5 Trung Tướng: Nguyễn-Hữu Có, Tôn Thất Đính, Đặng Văn Quang, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Trung .
- 3 Thiếu Tướng: Nguyễn Văn Chuân, Bùi Đình Đạm, Tôn Thất Xứng
- 1 Chuẩn Tướng: Phan Xuân Nhuận.
A. TẬP SAN EMIAD CỦA TRƯỜNG VÕ BỊ LIÊN QUÂN ĐÀ LẠT.
Tập san này được Trường Võ Bị Đà Lạt thực hiện định kỳ và phổ biến rộng rãi cả trong Quân đội lẫn ngoài xã hội để giới thiệu các sinh hoạt của Trường về mục đích và chương trình đào tạo Sĩ quan Hiện dịch cho Quân Đội Quốc gia. Tập san viết bằng Pháp ngữ vì trong thời gian đó Pháp ngữ là văn tự căn bản chính thức dùng trong các tổ chức cơ quan thuộc Chính quyền và Quân đội Quốc gia Việt Nam.Anh Nguyễn Khắc Thăng là người đề xướng và được giao trách nhiệm phụ trách công việc này. Vào năm 1952, sau khi tốt nghiệp Khóa Chỉ Huy Tham Mưu tại Trường Cao Đẳng Chiến Tranh (Ecole supérieure de Guerre) của Quân đội Pháp tại Paris về, anh Thăng được Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam bổ nhiệm về Trường làm Huấn luyện viên, nhưng vì anh ấy bị mìn Việt Cộng làm cụt mất một chân trái trong thời gian theo học Khoá Chiến Thuật (Cour Tactiques) tại Phà Đen vùng Hà Nội nên việc di chuyển theo Khoá sinh ra bãi tập chiến thuật rất khó khăn, nên Thiếu Tá Leford Chỉ Huy Trưởng Trường đã bổ nhiệm anh vào Ban 5 của Bộ Chỉ huy để lo về phần vụ Tác Động Tinh Thần khoá sinh, y như tại Bộ Tổng Tham Mưu ngoài các Phòng tham mưu chính (P1, P2, P3, P4) còn có Ban Tác Động Tinh Thần (5ème Section, Moral Action) sau cải đổi thành Phòng 5 tiền thân của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị sau này.
Tôi biết là vì anh Thăng là bạn rất thân của Tôi, mỗi lần về công tác tại Saigon anh ấy đều ở tại nhà riêng của vợ chồng chúng tôi. Lúc đó Tôi làm Trưởng Phòng Mật Mã (Bureau du Chiffre) trực thuộc văn phòng Trung Tá Trần Văn Minh Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam trụ sở đặt tại đường Trần Hưng Đạo gần bên Chợ Lớn (sau này Trung Tá Minh được thăng lên đến cấp Trung Tướng làm Tư Lệnh Đệ Nhất Quân Khu một thời gian rồi đi làm Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa bên Phi Châu).
Trường Võ bị Saint Cyr của Lục quân Pháp cũng phát hành định kỳ một tập san với tên SAINT CYR Magazine để làm mối giây liên lạc giữa nhà trường và các cựu sinh viên trong toàn Quân đội. Nhưng họ bán lấy tiền để trang trải chi phí điều hành chứ không tặng không như chúng ta, vì chúng ta dùng ngân quỹ của Đơn vị dự trù dành cho các dịch vụ thực hiện trách vụ tâm lý chiến TÁC ĐỘNG TINH THẦN.
B. HỘI HƯỚNG ĐẠO QUÂN ĐỘI.
Trong vòng một năm sau ngày mãn khoá thì: Tại miền Bắc có 2 bạn hy sinh là, Nguyễn Văn Thản tử thương trong đồn tại vùng tỉnh Hưng Yên vì Việt Cộng pháo kích tấn công đồn vào khoảng cuối năm 1949, và Nguyễn Bá Liêm tử thương trong trận giao tranh với quân phục kích Việt Cộng trên đuờng đi từ tỉnh lỵ Thái Bình đến bến đò Tân Đệ vào sáng sớm ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 năm 1950.
Tại miền Trung có bạn Phạm Hiển bị Việt Cộng bắt làm tù binh trong một cuộc hành quân và đem đi giam tại đâu không ai biết sống chết ra sao, mãi 24 năm sau được tha trong dịp trao đổi tù binh theo quy định của Hiệp định đình chiến, tái lập hoà bình do 4 phe Việt Cộng Bắc Việt, Chính phủ lâm thời miền Nam do Việt Cộng đẻ ra và Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hoà ký tại Paris vào ngày 27-1-1973.
Tại miền Nam thì bạn Cao Hoàng Phiên bị Việt Cộng bắt trong một cuộc giao tranh và đem đi đâu mất tích không ai biết sống chết ra sao. Và sau đây là số các bạn đã qua đời vì tuổi già hoặc bệnh hoạn mà Tôi ghi nhận được: Nguyễn Khắc Thăng, Đỗ Văn Tâm, Trần Thượng Phương, Dương Văn Vinh, Lê văn Thông, Phạm Hiển, Đỗ Hưu Lý, Đàm Quang Yêu, Phan Xuân Nhuận, Nguyễn Văn Chuân, Nguyễn Văn Thiệu, Bùi Đình Đạm, và Đặng Văn Quang.
Một điều khó quên chót về Khoá 1 là, vào ngày 23-10-1955 Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã tổ chức cuộc TRƯNG CẦU DÂN Ý tại miền Nam Việt Nam để truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại, rồi sau đó đổi tên nước thành VIỆT NAM CỘNG HOÀ thay cho QUỐC GIA VIỆT NAM để đích thân lên làm Tổng Thống điều hành đất nước thay thế cựu Hoàng Bảo Đại, do đó sau khi nền Đệ Nhất Cộng Hoà chính thức ra đời vào ngày 26-10-1956, một số anh em thuộc Khoá 1 Bảo Đại đang làm việc tại Saigon và vùng phụ cận đã được anh Bùi Đình Đạm đang làm Thiếu Tá Tham Mưu Trưởng Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức mời họp bàn thảo việc xin đổi tên Khoá, mọi người có mặt đã đồng ý lựa tên PHAN BỘI CHÂU thay cho BẢO ĐẠI, và đã làm tờ ĐỀ NGHỊ trình lên Tổng Thống Diệm cứu xét và Tổng Thống Diệm đã chấp thuận nên kể từ đó Khoá 1 mang tên mới là Khoá PHAN BỘI CHÂU.
I. CÁC VỊ TƯỚNG XUẤT THÂN KHÓA 1 TRƯỜNG VÕ BỊ QUỐC GIA VIỆT NAM
Tr. T. Nguyễn Văn Thiệu
|
Tr. T. Trần Văn Trung
|
Tr. T. Đặng Văn Quang
|
Tr. T. Nguyễn Hữu Có
|
Tr. T. Tôn Thất Đính
|
Th. T. Nguyễn Văn Chuân
|
Th. T. Bùi Đình Đạm
|
Th. T. Tôn Thất Xứng
|
Ch. T. Phan Xuân Nhuận
|
=== ||| ===