Vương Mộng Long, K20
Một năm sau khi Miền Nam thất thủ, hàng ngàn sĩ quan Quân-Lực Việt Nam Cộng-Hòa đã bị lưu đày lao động khổ sai nơi Làng Đá, Cẩm-Nhân, đầu nguồn hồ Thác-Bà, Yên-Bái, Hoàng-Liên-Sơn, Bắc Việt.
Sau đây là một truyện kể về đời một người tù nơi ấy năm 1977…
Tháng Năm, trời không còn lạnh lắm, hoa đậu phọng đã rụng, râu bắp đã teo, nhưng mùa màng chưa thu hoạch.
Đối với những người tù cải tạo trong trại T4 Cẩm-Nhân, thì mùa này ngày dài hơn, cơn đói cũng kéo dài hơn…
Nơi khúc quanh con lộ đá, sát mé nước hồ Thác-Bà, có một bãi tăng gia sản xuất “cải thiện” đời sống của bộ đội thuộc Đoàn 776 Cộng-Sản.
Vườn bắp nơi đây tốt giống, tốt nước, nên trái nào, trái nấy no tròn, mập mạp thấy phát thèm…
Một ngày, giờ đứng bóng, có một anh tù đứng bên một đống lửa đang cháy lớn trên triền đồi; anh ta đang nướng bắp non.
Bắp anh đang nướng là bắp ăn trộm từ cái rẫy bên hồ của cán bộ.
Những bạn tù khác vác củi đi ngang qua khúc quanh, đều được anh ném tặng một, hai cái bắp nướng, nóng hổi, thơm ngon, ngọt lịm.
Không ai nhìn rõ mặt anh tù vô kỷ luật đó, vì anh ta đội nón sụp tới mắt; mặt và cổ anh lại quấn một vuông khăn đen, mặc dù trời không lạnh.
Anh ta khôn lanh đứng giữa khoảng trống, có thể quan sát tới khúc quanh rẽ vào Trại 4, đồng thời nhìn rõ cả những bóng người di chuyển nơi cổng Trại 9 phía bờ bên kia.
Sau lưng anh là rừng già. Bìa rừng già có một nhà sư ẩn mình canh gác cho anh.
Nhiều người biết nhà sư này là cựu Đại Úy Lê Thái Bình, Tuyên-Úy Phật Giáo của Tiểu-Khu Phú-Bổn.
Những người tù vác củi về sớm không được phép nhập trại, họ phải tập trung nơi chuồng lợn, cách trại chừng hai trăm mét chờ tới hết giờ lao động.
Không rõ có anh “ăng-ten” nào lẻn về báo cáo gì với cán bộ trại hay không, mà gần một chục tay súng AK bộ đội Việt-Cộng đã hộc tốc, vội vã chạy ra bờ hồ truy lùng anh tù “phá hoại”.
Họ uổng công thôi! Tìm anh ta không được đâu! Anh “phá hoại” nhanh như cheo. Chẳng thế mà, Trung Tá Nguyễn Công Luận (K12 Võ Bị) ở tù chung Lán 11 với anh ta, đã gán cho anh ta cái biệt danh “Con Beo Trại 4”.
Hôm đó, toán vệ binh chỉ nhìn thấy trên triền đồi, một bếp lửa lớn đang cháy hừng hực và một đống bắp chưa kịp nướng.
Dưới chân đồi, bên con đường mòn, nằm trơ hai trái bắp nướng, vỏ còn bốc hơi. Hai trái bắp này được ném cho anh tù cải tạo tên là Nguyễn Hữu Sủng cựu Đại Úy An-Ninh Quân-Đội.
Anh Sủng không dám lượm bắp ăn, vì anh là một tín đồ Thiên-Chúa rất ngoan đạo. Cho dù lúc đó bụng đói muốn chết, anh vẫn sợ phạm tội với Chúa.
Toán bộ đội hăm hở lùng sục “phạm trường”. Ngón nghề của người trộm bắp quả thực là quá khéo tay. Cả trăm trái bắp non bị hái mang đi không dấu vết.
Anh trung úy cán bộ quản giáo tên Thu giận quá, nghiến răng trèo trẹo, “Đúng là quân phá hoại! Ông mà tóm được mấy thằng này, ông ‘dần’ cho hộc máu!”
Toán vệ binh đứng bên đống bắp cao nghệu bên đường, tiếc ngẩn ngơ.
Trên không, có đám mây ngàn hững hờ chứng kiến. Bên hồ, vài con trâu trầm mình trong bùn, vẫy đuôi đuổi ruồi, mắt lừ đừ…
Biết hỏi ai để tìm ra kẻ “phá hoại ” bây giờ?
Mười phút sau, toán bộ đội đành rút lui về trại.
Buổi chiều, đoàn tù vác củi theo chân nhau vào cổng dưới đôi mắt soi mói của anh trung úy quản giáo tên Thu .
Quản giáo Thu lục túi từng người kiếm cái khăn đen. Chẳng ai có cái tang vật màu đen ấy cả.
Tối đó, cựu Đại Úy An-Ninh Quân-Đội Nguyễn Hữu Sủng lẻn vào Lán 4, ngồi cầu nguyện bên chân linh mục Khổng Tiến Giác, cựu Tuyên-Úy của Tổng Thống Phủ. Cha Giác cũng bị giam ở trại này.
Anh Sủng hỏi cha:
“Cha ơi! Con đói quá! Nếu con ăn trộm một trái bắp của trại ăn cho đỡ đói thì con có phạm tội không cha?”
Cha Giác ôn tồn:
“Con ơi! Con là con của Chúa. Bắp cũng là của Chúa. Con ăn bắp của Chúa để cứu cái thân con của Chúa thì con có tội tình gì đâu!”
Những ngày sau đó, trong hàng ngũ những kẻ phá hoại vườn sắn, khoai lang, rau đậu của cán bộ trên Lũng Ngàn, có thêm hai hung thần nữa, đó là cựu Đại Úy Nguyễn Hữu Sủng và người bạn tù nằm kế bên anh, cựu Đại Úy Tuyên-Úy Tin-Lành Sư-Đoàn 2 Bộ Binh, Mục-Sư Võ Ngọc Thiên Lộc.
Một năm sau, 1978, tay ăn trộm bắp lại thực hiện cuộc vượt ngục lần thứ hai, lại thất bại, lại bị cùm, lại bị chuyển trại.
Tới trại Phú-Sơn 4, Thái-Nguyên, bạn bè cũ gặp lại nhau, có người hỏi anh ấy rằng ngày đó cái khăn đen anh giấu đâu?
Anh ta (BĐQ Vương Mộng Long) cười hì hì, tiết lộ rằng, anh đã dắt cái khăn đen dưới mái chuồng trâu nhà một người dân Tày, nằm dưới chân dốc Ngàn, ngoài cổng trại.
Anh chỉ lấy khăn ra khi hành nghề ăn trộm, cứu giúp bạn tù đang đói.
Xong việc, anh lại giấu cái khăn vào nơi cũ.
Khi đi trốn trại lần thứ hai, vội quá, anh không kịp đem cái khăn theo.
Không rõ mấy chục năm qua, cái khăn đen có còn nằm dưới mái chuồng trâu nhà Tày nơi cuối dốc Ngàn hay không?
Nhưng chắc chắn cái khăn đen đó vẫn chưa quên người, vì người vẫn còn nhớ khăn…
Vương Mộng Long, K20
Seattle, USA
Vương Mộng Long và Lê Thái Bình (hình chụp năm 2016-TX-USA)