Cô Ba Sài Gòn - Đa Hiệu Online

Friday, May 1, 2020

Cô Ba Sài Gòn

 
Hoa Trạng Nguyên (K25B)

Hôm nay là thứ năm, cô Ba Nguyên đang khuấy nồi bột gạo để làm bánh bột chiên chuẩn bị cho những buổi ăn sáng cuối tuần. Tiếng điện thoại, treo trên tường trong góc nhà, vang lên.

- Ai mà điện thoại vậy? 

Dạo này mấy nhà quảng cáo cứ hay làm phiền, nhưng tò mò cô cũng ngừng tay, hạ lửa nhỏ, đến gần điện thoại, liếc qua area code, hình như là của bên Texas. Chắc là của Mai, con nhỏ bạn thân vẫn gắn bó từ thời tiểu học đế giờ. Nghĩ cũng vui vui – Mai là bạn thân với cô, và cô là bà mai của nó. Nhưng bây giờ Mai là bà nội rồi mà nó vẫn còn thiếu cô Nguyên một cái đầu heo mối lái. Thôi thì cũng được, dù sao vợ chồng Mai cũng sống với nhau đến đầu bạc rồi. À thì ra cô cũng có duyên trong vai bà mối giỏi nối kết duyên lành cho những kẻ hữu duyên thiên lý.

Tiếng Mai Bắc kỳ vang lên:

- Dạo này ra sao? Cô Ba Nguyên. Tao bận lắm vì làm bà nội rồi. Con dâu tao vừa đi chơi về từ Little Sài Gòn ở Nam Cali, nó đem về nhiều thứ mà Texas này không có. Một bộ áo dài ở chợ Phước Lộc Thọ chỉ có 30 đô, nên nó cũng mua cả chục cái áo dài thời thượng, phần tao 4 cái, nó nói kiểu này là kiểu cô Ba Sài Gòn, hoa văn, ca-rô khác màu 2 cái, bông hoa li ti 2 cái, tao chợt nghĩ tới mày, phải chia cho mày 2 cái, ngày mai tao sẽ ra bưu điện để gởi làm quà cho mày. Kiểu áo dài này trở lại thời thượng của tụi mình, nó giống tên tộc cúng cơm của mày - Cô Ba Nguyên, hì hì ... Cô Ba Nguyên Sài Gòn.

Cái Mai Bắc kỳ, cận thị, mặt trắng, mỏ cong này, nó cũng còn nhớ đến mình. Cô thấy hơi vui, nói là ở chung xứ Mỹ, nhưng hơn hai chục năm nay cô Nguyên chỉ qua Texas thăm nó có một lần.

Mai Bắc kỳ sinh quán ngoài Hà Nội, cha mẹ nó di cư năm 54, rồi định cư ở Sài Gòn. Mai nhỏ hơn cô Nguyên 1 tuổi, nhưng hai đứa cùng học chung một lớp, bậc tiểu học ở trường Cầu Kho, đường Trần Hưng Đạo quận nhì. Nhà Mai và nhà cô Nguyên cách nhau con đường Phát Diệm, ở lớp thì ngồi chung một bàn, đi học về hai đứa cũng chung một lối, nên rất là thân, chỉ rẽ ra khi đứa nào về nhà nấy.

Buổi chiều hay cuối tuần, cô Nguyên thường chở Mai bằng chiếc xe đạp, đi lanh quanh  các con đường nhỏ gần nhà như Cao Bá Nhạ, Võ Tánh, Cống Quỳnh. Có một lần làm gan, hai đứa theo lề đường Trần Hưng Đạo đạp xe ra tới chợ Sài Gòn, rồi trở về nhà cũng bằng lề đường cũ. Nghĩ lại, cô Nguyên thấy hai đứa thật là gan, vì lúc đó cả hai đứa chưa đứa nào được đến 10 tuổi… Cô Nguyên Nam kỳ xuề xòa, chậm chạp, trái lại Mai Bắc kỳ thì nhí nhảnh, lanh lợi, mỏ cong, nó hay thích làm quân sư cho cô , thôi thì cũng được, có sao đâu! Bạn thân mà! Dân Sài Gòn hồn nhiên dễ tánh, thích hòa đồng.

Xa quá rồi, cô Nguyên là người con gái đất Sài Gòn, hòn ngọc Viễn đông, thân thiện, tự nhiên, hồn nhiên dưới mắt những nhà phê bình về gái Bắc, Trung, Nam. Hơn thua, không tế nhị và sao đi nữa thì cô cũng là con gái Sài Gòn, thích ăn hàng vặt, thích cười giòn tan… đặc tính của người thiếu nữ Sài Gòn là thế. Thôi thì cứ giành đoan trang, thùy mị, kín đáo, cho các nàng thần kinh xứ Huế. Nhanh nhẩu, kiểu cách, thanh lịch cho các cô chiêu Hà Thành.

Cô Nguyên lớn lên trong gia đình hạnh phúc, có cha là dân Nam kỳ hiền như cục đất và mẹ là bà Trung kỳ quan liêu, tỉ mỉ, kiểu cách… Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, tổng thống Ngô Đình Diệm, kinh tế miền Nam ổn định, nhà nhà đều ấm no, các cô thiếu nữ Sài Gòn không đẹp rực rỡ, nhưng thử ngắm lại những tấm ảnh tan trướng về của những nàng tuổi thanh thiếu niên thì sẽ thấy ... ôi thật là kỳ diệu, thật là thanh thoát, nhẹ nhàng trong tà áo dài trắng quấn quýt bên chân, hay tung bay trước nắng gió Sài Gòn:

Áo dài vạt nắng ngây thơ,
Đùa như cánh bướm trong mơ xuân về.
Nửa vành nón lá nghiêng nghiêng,
Tóc dài lưu luyến lòng anh bao giờ?
(thơ trích)

Và trong đám quần hồng đó là những hình ảnh của cô và chúng bạn, con gái Sài Gòn, một thời để nhớ!

Ông bà ta nói con gái là phải đủ Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Xin miễn! Thời ngày xưa đó, cô chỉ biết nhiều đến từ Dung, là cái vẻ đẹp, cái mặt  dễ nhìn, da trắng là xinh rồi. Công thì quá tồi vì có biết gì là nấu cơm, làm việc nhà. Vào bếp một phút là đổ nước mắm, rớt cái chén, đứt ngón tay… bị mẹ ban cho một cái cốc đầu, chảy nước mắt và chạy ra khỏi bếp. Còn Ngôn và  Hạnh thì cô thường bị cha nói "Con gái chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy là đồ vô duyên…" Cứ mặc kệ! Con gái Sài Gòn mà cha!

Nhưng con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh. Cô Nguyên được ở cha cô cái thật thà Nam bộ, nợ của mẹ cái tánh tỈ mỉ, chi li, ngăn nắp.Thích cái lí lắc, lanh lợi của đám bạn gái Bắc kỳ, và cũng học lén được cái thâm túy, ẩn tàng nết lãng mạn của các chị em bạn dì gốc Huế của cô.

Cuộc sống cô Nguyên bỗng đẹp khi cô bắt đầu quyết định chuyển hướng cho việc "đầu tư" làm cô học trò ban C. Cô Nguyên  không là nữ sinh của các trường công lập như Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt. Cô đậu hai bằng cấp tú tài ờ trường Trường Sơn, trường này ở góc đường Hồng Thập Tự và Lê Văn Duyệt. Thầy hiệu trưởng là Nguyễn Sĩ Tế, một ông thầy luôn có đôi mắt kính ve chai xanh đen, nghiêm nghị khó hiểu. Một trường nổi tiếng là nhiều hoc sinh trường Pháp vào học nhảy lớp để lấy bằng, một trường toàn là học sinh "cúp cour" để rong chơi phố phường.

Cô Nguyên thì cũng thế, vì cô cũng chán làm sao khi trong giờ lý hóa, cô không biết cân bằng các phân tử hóa học, giờ toán thì ngu đần, các xác xuất, thống kê, quỹ tích, hình học không gian mơ hồ… Giờ vạn vật cô ráng ngồi lại lớp vì thích vẽ vời.

Cô Nguyên là đứa con gái thứ ba trong nhà. Cha mẹ cô không thương cô lắm, vì ông bà cứ trông đợi lần sinh thứ ba này của mẹ, hy vọng là con trai, nhưng lại là cô Nguyên. Cô không từ tốn nhẹ nhàng như các chị, có lẽ cô có phần nhiễm cái chút lanh lợi của đám bạn gái gốc Bắc? Và cái nhược điểm mà cha mẹ cô ghét nhất, đó là cô Nguyên học dốt nhất nhà. Các chị em cô điểm hạng nhất nhì hàng tháng, cô thì không đội sổ nhưng chỉ dứng hạng dưới trung bình giữa hàng lớp 50 học sinh.

Nhưng mà học tài thi phận, cô lại vào đại học trước các chị. Mấy năm sau các chị và em cô mới lẹt đẹt vào văn khoa, luật khoa. Cô Nguyên thì may mắn được đậu đại học, mỗi tháng được học bổng cho đến ngày tốt nghiệp thì làm công chức nhà nước. Không danh vọng gì chỉ là một cô giáo trung học công lập mà thôi. Cô Nguyên biết, cha mẹ cô không trải tình thương của ông bà đối với cô không bằng các chị và em cô nhưng ông bà rất hãnh diện về cô, một đứa con gái mà lúc nhỏ tương lai không đoán được, vì trong gia đình, cô là đứa con hạng kém về mọi phương diện. Có lần mẹ cô Nguyên quát mắng vì điểm hạng của cô:

- Học đội sổ như vậy, thì sau này mi làm gì mà ăn?

Vì đang vắt nước cam cho cha, cô Nguyên nói ngang:

- Làm người ở, một tháng 500 đồng, đủ ăn rồi!

Khi xong tú tài 1 rồi, cô Nguyên lại muốn có được tú tài 2. Nhẫn nại và cố gắng, những ngày nắng, ngày mưa, đi qua nhiều ngã đường Cống Quỳnh rát nắng, Bùi Chu xôn xao áo trắng của các nữ sinh Nguyễn Bá Tòng, Sương Nguyệt Ánh cây dài bóng mát, Hồng Thập Tự nhộn nhịp dập dìu xe cộ để đến trường… Ngắm cây dài, bóng mát, hoa sao trắng rơi nhiều vào tháng 12, cô Nguyên bâng khuâng ước mơ... cô thích làm tiếp viên hàng không, cũng thích làm ký giả nhà báo, nghề nào cũng tự do thoải mái. Nhưng ước mơ chỉ là ước mơ… tiếp viên hàng không cần vào chiều cao, ký giả nhà báo thì cũng bương chải đó đây, không biết cha mẹ có bằng lòng không?

Tú tài ban C  chỉ có hai trường đại học nhận mà thôi, đó là Sư Phạm và Quốc Gia Hành Chánh. Trường quốc gia hành chánh thì sao nhiều con trai vậy, chắc cô Nguyên thua họ rồi. Hẳn là cô có duyên với nghề "quân sư quạt chữ."

Khi đến ngày tốt nghiệp ra trường, cha cô hỏi:

- Bây giờ có thích làm người ở nữa không?

Cô Nguyên không trả lời cha, mà trong lòng cô đang nghĩ… cô sẽ mang giày cao gót, áo dài đẹp bay trong sân nắng gió, ở một tỉnh thành xa Sài Gòn... vào trường, đến lớp để giảng những bài giảng văn.

Giấc mộng của tuổi thanh xuân, giấc mộng của cô Nguyên tan tành theo mây khói, nó vụn vỡ dưới mười tầng địa ngục, vì ngày 30/4 năm 1975 đó.

Việt cộng nó vào rồi!

Tiếng khóc nghẹn uất trong lồng ngực của toàn dân miền Nam. Cô Nguyên muốn quên nhưng đầu vẫn nhớ, những đau thương, chết chóc, đói khổ, cơ cực, bần cùng… đã phủ lên miền Nam, lên Sài Gòn yêu dấu của cô.

Thời 75 bóc lột đó, tay làm, hàm nhai, cũng chưa đủ nuôi thân, có lấy đâu mà bám víu vào  gia đình, cha mẹ cũng chỉ đủ phần cho cha mẹ. Có như vậy dân miền Nam mới biết thế nào là thiếu thốn, đói khổ, tằn tiện… Có lẽ tạo hóa bắt con người lúc này phải nghĩ đến sự sinh tồn … Sĩ diện cá nhân trốn đâu mất, trơ cái mặt thản nhiên để làm những việc trái với lòng …

Con người ta khi đã không còn sống được với cái lý tưởng của mình, thì trái tim không còn sự cảm xúc.
Cô Nguyên là cô giáo văn chương trường đảng Công Nông. Cô là dân Sài Gòn, VNCH, cô không hiểu nhiều về XHCN, nhưng khi vào lớp, cô nói như con két đỏ, giảng bài trôi chảy, hình như âm thanh không phải là của cô, mà là một cái máy nói. Tiếng vọng trong đầu lao xao, xa vắng, lòng cô thản nhiên, vô tâm với nội dung bài giảng... Nói và ghi nốt trên bảng cũng đúng  như một cô giáo yêu nghề. Con người ta khi đã không còn sống được với cái lý tưởng của mình, thì trái tim không còn sự cảm xúc. Có quan niệm nghề giáo bạc như vôi. Mấy thằng học trò cộng sản đã hỏi cô:

- Học trò gặp cô ngoài đường, chúng không thèm chào cô thì sao?

Đối với bọn ăn cháo đá bát, người vượn này, thì cô Nguyên cũng chẳng cần quan tâm:

- Không chào cũng chẳng sao!

Ông Trời cho cô chút chữ nghĩa để khai sáng cho thiên hạ, thì cứ nghĩ đó là một nhiệm vụ mà cô phải làm ở trần gian này.

Ôi thời thế, thế thời phải thế! Cái thời đồ đểu, cớ sao phải sống trái với lòng!

Với nhịp sống như trẩy hội của Sài Gòn, thiên hạ thường hay bình phẩm "Về tình cảm, con gái Sài Gòn dễ chấp nhận tình yêu và cũng dễ dàng phụ bỏ người tình." Mặc ai nói nghiêng nói ngả, cô Ba Nguyên, người con gái Sài Gòn thích yêu, thích đợi chờ vô vọng trong tuổi xuân lặng lẽ trôi qua mà không sợ lỡ thì. Có ai đã yêu và tình yêu có chút trắc trở thì mới hiểu được cô đơn, cái nhớ gặm nhấm quanh quẩn…Tình chỉ đẹp khi tình dang dở, thật là không thực tế, yêu nhau mà không trọn vẹn với nhau, thì buồn nẫu ruột.

Sông dài con cá lội biệt tăm, 
Phải duyên chồng vợ ngàn năm em vẫn chờ… 

Cuộc đời dâu bể đổi thay, thì giá trị của hạnh phúc càng được vạn tuế khi bản thân trải qua những cảm nhận chịu đựng đau khổ, mất mát.

Sông có khúc, người có lúc, khi tình yêu được thăng hoa là khi cô Nguyên cùng một nửa của cô được đi định cư ở Hoa kỳ. Người Mỹ bản xứ gọi cô là ngườI Mỹ gốc Việt, chính phủ Việt Nam XHCN xách mé gọi cô là "khúc ruột xa ngàn dặm,""Việt kiều yêu nước," nhưng cô Nguyên vẫn mang trong đầu "Cô là những người Việt tha hương, và bây giờ, đây là quê hương thứ hai, sống, chăm chỉ làm việc, nơi đất khách quê người này cũng là nơi an giấc ngàn thu của cô."

Ngày tháng đã trôi thật mau cuốn quýt, bận rộn, chật vật của giờ giấc ràng buộc hằng ngày. Dòng đời của cô cứ trôi qua, không đếm được. Bây giờ, thời gian đã qua đi trên xứ Mỹ này đã dài hơn thời gian cô được sinh và trưởng thành ở Việt Nam.

Đếm thời gian bằng tuổi và năm, cô Nguyên đã không còn thanh xuân vì cô không còn lanh lẹ, mẫn cảm, tóc bạc, da mồi, mắt mờ lệch lạc… Những dấu tích thời gian dẫu có ban cho cô nét già nua xấu xí, nhưng tâm hồn cô vẫn thanh tân, yêu đời, vui vẻ, hòa  đồng. Cô Ba Nguyên tiếc nuối tuổi xuân, cô ước ao mình trẻ lại để hưởng những thú an nhàn mà tuổi trẻ cô phải bỏ qua. Hôm nay trong tuổi xế chiều, cô Ba Nguyên thường đồng hành với chị em cùng chí hướng, những người chị em không cùng huyết thống họ hàng… Đã nói gặp nhau là duyên, và duyên này tốt nên các cô thành nợ chị em.  Cũng  may mắn là những người chị em khác họ có cùng tâm đầu ý hợp, thích làm việc xã hội, cộng đồng, đoàn thể … mà thiên hạ thường chế diễu … "Mấy bà nội, bà ngoại này thích làm chuyện ruồi bu." 

oOo

Khi lên đường rời xa quê hương VN, các gia đình chị em khác họ của cô Nguyên được mệnh danh là những gia đình cựu tù nhân chính trị. Đại đa số là thành phần quân nhân của miền Nam cộng hòa, đã bị tù khổ sai, còn bị gán cho là…  có nợ máu với đồng bào. Ghê chưa! Toàn là những sáo ngữ vu khống, trịch thượng. Bọn VC khỉ vượn, tiểu nhân đầy gian trá thích vẽ chuyện để gây thù, chuốc oán cho người Việt xâu xé lẫn nhau, vậy mà cũng tự hào nước Nam ta có ngàn năm văn hiến. Nước Mỹ lập quốc hơn hai trăm năm, họ cũng có nội chiến, miền Nam cũng thua trận bởi miền Bắc. Nhưng khi chiến tranh chấm dứt, nhũng tù nhân miền Nam được tự do  trở về đoàn tụ với gia đình. Thật là một đất nước  nhân bản và đầy tình người. Khi sắp trở thành công dân Hoa Kỳ, cô Nguyên được nhân viên của sở di trú yêu cầu:

- Xin cô viết một câu tiếng Anh.

Cô viết liền một câu:

- My family have 4 people, me, my husband, my daughter and my son.

Nhân viên sở di trú hỏi thêm:

- Have your family paid tax for government?

Chao ơi câu này hơi khó vì hình như không có trong bài học thi quốc tịch, cô nói bừa:

- I don’t know, but I know my husband must have paid tax for government at the end of the tax year.

Lại thêm một câu khó nghĩ:

- If the war come to America, what shall you do?

Liên tưởng đến chồng cô là lính hiện dịch VNCH bị tù đày, và gia đình cô lúc đó chỉ là những thường trú nhân. Thêm một lần thứ nhì cô lại nói bừa:

- I will tell my son go to the Army.

Xong hai câu trả lời theo bất chợt của bản năng, đầu cô hoang mang, mặt cô nóng bừng, không biết có được không?

- OK! you should celebrate your citizenship. Congratulation!

Ra khỏi phòng phỏng vấn, xung quanh những người chờ đợi vào thi, cũng mừng chung với cô, thật là may mắn, cô thi có một lần mà đậu. Từ đây Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ tung hô cô là kiều bào VN ở Mỹ, không còn là dân Mỹ ngụy phản động nữa. Rõ là "Cái lưỡi không xương nhiều đường lắc léo, lấp liếm."

Nước Mỹ tháng nào cũng có lễ hội. Những lễ hội lớn của người dân bản xứ như lễ Độc Lập, lễ Tạ Ơn, lễ Giáng Sinh, tết Dương lịch. Những ngày này cũng là thời gian nghỉ phép dài hạn để người dân có dịp đi du lịch, thăm viếng đó đây. Trong khi đó những người dân Mỹ gốc Á, gốc Châu phi, gốc Trung đông ... cũng có quyền tổ chức những lễ hội truyền thống của xứ sở mình. Nước Mỹ là hiệp chủng quốc, đa văn hóa, bình đẳng, cấm kỳ thị đã thành luật được biểu quyết trong hiến pháp nên người người đều hòa đồng, thân thiện. Dân Mỹ, Mễ … thích ăn phở tái, bánh xèo chả giò thì dân Á đông cũng thích pizza, mì ống xào, BBQ…

Nếu cá nhân nhận thức rõ được Chân, Thiện, Mỹ, thì tự nhiên sẽ có được đầy đủ nhu cầu của cuộc sống. Có lẽ đời người có nhiều ý nghĩa khi được sống trên xứ của Nữ Thần Tự Do này. Người nào có tài năng cũng được xã hội ưu đãi. Gia đình cô Nguyên hôm xưa tay trắng trong vai trò những kẻ lưu vong tị nạn, gần 30 năm tay làm hàm nhai,  không có số  làm triệu phú, cũng không mang thân phận bần nghèo, nhưng gia đình cô Nguyên được cái duyên của thong dong, ăn ngon, mặc đẹp, mỗi năm cũng có ít đô-la tiết kiệm để du lịch đó đây ...

oOo

Bản chất con người vốn "tính bổn thiện," cô Ba Nguyên vẫn còn trong cõi ta bà này, nên cô cũng thích những công tác xã hội.  Từ khi còn là học sinh trung học, cô đã tình nguyện tham gia đi ủy lạo ở nhà thương, trại dưỡng lão, cô nhi viện, công tác cứu trợ các trận bão lụt miền tây, miền trung, nhưng cao điểm nhất là vào thời tết Mậu thân và gần 30/4/75. Nhũng thời điểm này, những khu lao động nghèo như xóm Mả Lạn, xóm Bùi Viện, xóm Nguyễn Thiện Thuật … thường bị đạn pháo kích của cộng sản làm cháy nhà, hoặc bị những tên nằm vùng đốt nhà hòng chạy lẩn vào thường dân để thoát thân. Những người dân bị thương, máu đổ, tiếng rên, tiếng khóc, tiếng còi xe cứu thương cấp cứu, xe chữa lửa rền cả trời Sài Gòn. Ngày hôm sau, một đoàn học sinh xã hội tình nguyện đến, hăng hái bắt tay cùng nhau dọn dẹp những vách gỗ, cột nhà đen xì, những mái tôn cháy dở ngã đổ, phải dọn dẹp sạch, để người dân trở lại cất nhà để tránh mưa, trốn nắng… Những tình nguyện viên làm việc với một tấm lòng không tính toán, phải chăng đó là lòng bác ái tiềm ẩn trong cái sở thích, thường trân quý dành tặng cho những người… "thiện tâm vốn ở lòng người."

Trôi dạt qua Mỹ, tính nào tật  đó, những ngày lễ như Thanksgiving, Giáng Sinh, cô Ba Nguyên cùng một vài người bạn cùng giúp quà cho những người vô gia cư (homeless). Những ngày lễ này, cứ sáng 25/11 và 25/12, ở đường số 7 sau  building màu đỏ, đối diện với nhà vĩnh biệt Santa Clara, một dịch vụ xe lunch, phối hợp với nhiều bạn hữu giúp homeless một bửa ăn trưa, một số nhà hảo tâm khác tặng thêm quần áo, mền, dụng cụ vệ sinh... Những buổi sáng đó, mặt trời còn ẩn trong sương,  Để xua giá lạnh, cô Nguyên cũng cùng đứng chung với  những bạn bè xa lạ cùng hát những bài thánh ca … cứ hát... cứ hát để lòng được ấm, để chờ những người không nhà đến đông đủ!

oOo

Chuyện chị em

Ở những ngày cuối tuần, việc hội họp vui đùa, ăn uống trong cái tình đồng hương, cũng làm giảm bớt đi những căn thẳng mệt nhọc của những ngày  làm việc, việc nội trợ trong tuần. Chị em râm ran tâm sự chuyện gia đình, chuyện chồng con, những chuyện khổ lòng được nhẹ đi trong tâm trí. Thông cảm, tâm đầu, ý hợp, dù chị em cô Nguyên là những người dưng khác họ. Chị em nối kết, thân thiện qua chồng của chị, chồng của em, các anh  cùng học chung một trường Võ Bị, xếp thứ hạng cùng bằng hành trang là lính hiện dịch của Việt Nam Cộng Hòa.

Trường Võ Bị đã trui rén những chàng trai xếp bút nghiên để theo nghiệp kiếm cung. Các anh là những  người hùng cho đất nước ở thời chiến, và cũng là những người ưu tú trong thời bình. Vận nước suy vi, đẩy miền Nam thành xã hội cộng sản. Là lính chiến của thời binh lửa, chí tang bồng chưa trả nợ cho sông núi mà miễn cưỡng, bất đắc dĩ phải giã từ vũ khí, có lẽ các anh trăn trở cả đời…? Mấy chục năm nay, thời gian cũng xóa bớt đi nổi buồn vong quốc, tâm hồn thêm nhiều rong rêu… anh còn, em mất, ngậm ngùi tứ phương đổ về lập hội Võ Bị Lâm Viên, mỗi lần anh em có dịp gặp nhau, tay bắt, mặt mừng, tâm sự quên cả thời gian.
Còn riêng chị em chúng tôi thì cũng theo cái truyền thống xuất giá tùng phu, vì vậy mà

"Đi đâu cho thiếp theo cùng, 
Gian nan thiếp chịu, cơ hàn thiếp vẫn cam…"

(ý câu được đổi từ, cho phù hợp với hoàn cảnh, thời gian)

Trôi nổi đến xứ người tha hương, thiên hạ vinh danh chị em chúng tôi là dâu hiền VB, ngày hôm nay, chị em chúng tôi là những thành viên trong đoàn Phụ Nữ Lâm Viên. Lâm Viên là tên ngọn núi nằm trong cao nguyên Lâm Viên, cao hơn mặt biển 2,169m. Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (VBQGVN) tọa lạc trên cao nguyên này. Núi Lâm Viên là đỉnh điểm mà các tân khoá sinh của trường VBQGVN phải chinh phục, trước  khi được gắn anpha để được chấp nhận là Sinh Viên Sĩ Quan năm thứ nhất của trường. Màu áo dài đồng phục của đoàn là màu xanh da trời nhạt, giống màu khăn quàng cổ của các anh trong mùa tập quân sự, đoàn kỳ cũng màu xanh, phù hiệu đoàn là hình ảnh  người phụ nữ tóc dài, có cờ vàng ba sọc đỏ yểu điệu quấn quýt bên bờ vai, hai tay trân trọng nâng phù hiệu của trường Võ Bị. Đoàn PNLV nhận những công tác yểm trợ như khánh tiết, tiếp tân, ẩm thực, thăm viếng, ủy lạo của hội Võ Bị, và có thể gia nhập vào công tác xã hội nếu có sự yêu cầu của hội.

Từ đại hội VB XI tổ chức tại San Jose, các chị em trong vai trò tiếp tân, các chị em, cùng đồng ca bài "Cô Gái Việt" thật hùng tráng. Và cũng từ đó đoàn phụ nữ Lâm Viên ở các tiểu bang khác cũng được hình thành. Với bản tính tự nhiên của dân Sài Gòn,  cô Ba Nguyên không do dự hòa đồng với các chị, các em một cách thân thiện, những công việc yểm trợ mà hội VB cần sự giúp đỡ của phụ nữ, chị em trong đoàn PNLV/BCL hổ trợ mà  không tính toán thua thiệt. Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ngoài những sinh kế cho gia đình, các anh cũng bỏ nhiều thì giờ để cũng cố hội VB hải ngoại, giữ gìn truyền thống quốc gia của trường, hướng về quê hương và tổ quốc VN, ái hữu và tương trợ trong tình tự Võ Bị.

Tưởng rằng tình bằng hữu, nghĩa anh em cùng trường mấy chục năm gắn bó  trong quân trường, ngoài chiến trường, trong tù ngục, đã làm rạng danh cho trường mẹ ở xứ người, Nhưng lại tan hàng, xẻ nghé bắt đầu từ đại hội XX. Vài con sâu, làm rầu nồi canh, một vài ông "già Bù gần đất xa trời" thích làm cố vấn, vẽ chuyện cho "ông hoàng 11 tuổi" chưa từng ra chiến trường, nhưng thích được vạn tuế bởi danh xưng hão, cộng thêm một đám bát nháo, "gà què ăn quẩn cối xay," ăn sóng, nói gió, nói trắng thành đen.

Một chị em trong đoàn tâm sự:

Bên Nớ thích những danh hão đó, sao không tự tách ra để xưng Bá, mà sao lại thích  mượn danh Võ Bi để mất danh dự của trường. Nhiều lúc tui thấy ông xã của tui thức khuya mà làm cho hết việc của VB, mà tui bực mình, vì ngày mai còn dậy sớm để đi cày, có mỏi vai, mỏi lưng, nấu nước cũng do tui thủ vai đào chánh phải lo… Mấy chị thấy đó, vụ cuốn sách lịch sử trường VB, bên Nớ rao là ăn cắp bản thảo. Hừ! ăn cắp bản thảo sao các tác giả của từng khóa không khiếu nại. Những ngày còng lưng miệt mài sửa bản chữ, tình tiết trong sách theo yêu cầu của tác giả, lỗi chính tả,… cuốn sách dày gần ngàn trang, tui cứ phải thầm mong cho computer không bị trục trặc. Nhà tui thì nhỏ xíu, mấy ông cứ đến phụ, rồi cũng đi… cuối cùng rồi ông quan già nhà tui cũng ôm trọn gói... Rồi còn phải liên lạc với nhà in để trao bản thảo. Vác ngà voi trị sự mà kiêm đủ thứ, cái ngà voi này chết tiệt thật! Mắt mờ, miệng ngáp, râu cũng biếng tỉa, tóc thì xù ra… nhưng có cà-phê, trà, góp sức, mà ngồi trọn một ngày. Cũng may lúc đó cựu quan nhà tui được nghỉ phép 2 tháng. Buổi chiều, đến giờ ăn tối thì chán ăn cơm nhà, tụi tui đành đi ăn cơm dĩa, cơm tiệm. Tui cũng thấy tội nghiệp tấm lòng vác ngà voi của cựu quan nên cũng thông cảm, không còn muốn nhằng nhì, càm ràm...

Ngày  ra mắt sách, đúng là một ngày hội, trời thì trong xanh, gió buổi sáng nhè nhẹ làm lòng ai cũng phơi phới. Các cựu quan sắp hàng ngoài cổng chào với đồng phục của trường Mẹ, tui thấy ai cũng vui tươi, hùng tráng, hớn hở. Vào hội trường thì cũng quá đông, dù chưa tới giờ khai mạc.  Đây là một món quà tinh thần cho các chàng VB sớm giã từ vũ khí. 

Sách đã ra được 4 năm rồi, mà bên Nớ cứ rêu rao sẽ in một cuốn Võ Bị truyền thống nữa, mà có thấy đâu! Chờ bên Nớ xuất bản sách "bình mới , rượu cũ" thì mấy ông quan lão VB này chắc chắn đem về miền cực lạc để đọc. Bây giờ  các quan nhà ta đều gần đất xa trời, chỉ còn duyên dáng với mấy chị Sáu tấm, chống cộng thì tốt, chứ bên Nớ không đồng thuận với bên Ni  thì còn đâu là danh dự trường Võ Bị danh tiếng một thời lừng danh Đông Nam Á ( hết trích)

Những thị phi của người đời, làm xấu chàng, hổ thiếp… nhưng biết làm sao, khi trong tim óc các chàng vẫn nhớ mình là kiếp lính vẫn còn nợ với non sông, nợ với trường Mẹ, "chí vẫn mong tiến bước, nhưng sức không kham nổi đoạn đường," vì thế các chàng của chị em chúng tôi cứ thích gác ngà voi mà làm việc "ruồi bu" cho tập thể, cho  trường mẹ yêu dấu.

Các ông quan Võ Bị bảo "Làm để trả ơn cho Người."

Tấm lòng sắt son, ý chí quả cảm, để đạt đến thành công, mà không màng bổng lộc, danh phận, đã đánh thức được sự cảm động, cảm thông của các chị em chúng tôi. Thôi thì đành vậy, các anh dù sao cũng là đấng nam tử, là những  người có tấm lòng tình nghĩa, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Trong  tập thể, có những ngườI tự  bỏ tiền ra để lấy danh, cũng có những người  dùng danh dể làm lợi cho riêng mình, cũng có những hạng người thích mượn hoa cúng Phật… Ở đoàn PNLV/BCL chính thức hoạt động từ 2002 đến hôm nay, cô Nguyên vẫn còn nhớ mãi chỊ Nhạn Thanh là  hiền thê của anh Nguyễn Bảo Cường khóa 13. Mỗi lần đoàn PNLV/BCL có chút gió Chướng lạnh và khô, thì chị là ngọn gió Nồm làm dịu lòng mọi chị em trong đoàn, mặc dù trên thực tế chỊ Nhạn Thanh là một người nóng tính và ngay thẳng bộc trực. Con người nào mà toàn vẹn hoặc có thể làm vừa lòng mọi người, nhưng có lẽ cô Nguyên thích chi Nhạn Thanh ở  tính ngay thẳng, bộc trực. Gần chục năm rồi, chị dã về miền miên viễn xa xôi, nhưng lòng cô Nguyên  vẫn còn chút buồn bâng khuâng hối hận khi nhớ đến chị. Những lần gió Chướng nổi lên và cũng có ít nhiều chính kiến không thích hợp, thế là cô Nguyên lẩn tránh đoàn, dù cho chị Nhạn Thanh nhiều lần xoa dịu lẫn nhẹ nhàng trách móc "Em đã bỏ chị rồi!"

Bâng khuâng, tự hối cô Nguyên đã trở lại  với chị em trong đoàn PNLV/BCL chung tay tiếp tân, yểm trợ, thăm viếng… những đóng góp không cần danh phận, cũng không cần tước vị trong đoàn, mà hình như những việc làm này cũng rất thú vị, đem lại thoải mái cho tâm hồn… Chúng tôi chọn quà cho các chị quả phụ cô đơn, xắp xếp họp mặt cho các chị. Mua quà cho các anh chị nằm ở nhà thương, nursing home, chọn bông để làm vòng tưởng niệm truy điệu, khánh tiết, shop sale ở mỗi mùa, tính toán khẩu phần ăn, uống cho những buổi hợp thường kỳ hay bất thường, sinh hoạt hè, đại hội Võ Bị hải ngoại, còn tiếp tân thì cũng hoạt bát, xắp xếp tình huống lanh lẹ nhịp nhàng...

Lòng chúng tôi tơ chùng cảm xúc. Rất buồn khi thấy một chị bạn, tuổi già, bệnh tật, không nói mà chỉ ngẩn ra cười. Bâng khuâng buồn khi các chị ôm chúng tôi mà khóc, cản lối không cho về. Thương cảm khi chúng tôi vừa thăm bạn hôm qua, thì hôm nay bạn đã ra người thiên cổ. Chị em chúng tôi cùng chung một tấm lòng, cũng đồng một ý, nhanh và đơn giản, không cầu kỳ, kiểu cách… Phải thực hiện và thành công, dù rằng nhân lực chính không đếm đủ đến 5 ngón tay. Đời thật vô thường, "sắc tức thị không, không tức thị sắc." Thôi thì làm được gì đẹp cho hôm nay, lợi ích cho hôm nay thì cứ mạnh dạn thi hành, dù cho thị phi lao sao ích kỷ … ăn cơm nhà làm chuyện "ruồi bu!"

Xin cám ơn các chi, em trong đoàn PNLV/BCL cũng đã cùng chung tay góp sức để đưa đoàn đến thành công. Cũng xin chân thành cám ơn chị quả phụ Nguyễn Văn Hiệp  K17, cô Thiếu, cô Ngọc Anh, cô Lợi K30 những người "đứng mũi chịu sào" yểm trợ suốt mấy năm qua. Các chị xứng đáng nhận những bông hoa hồng vàng thân thiện, trải lòng nhân ái để gánh vác việc nhà Võ Bị.

oOo

Tháng Ba, thời tiết mùa xuân tràn đầy trên cành cây, ngọn cỏ, bông hoa cùng nhau đua sắc,  tiết xuân năm nay lạnh hơn năm trước, buổi sáng đi bộ thể dục vẫn phải có đầy đủ mũ, áo như mùa đông, sương mù vẫn còn  dày đặc trên dãy núi Evergreen. Mùa này bông Easter trắng trải đầy hai bên lề đường, cô Nguyên dạo bước một mình, những ý nghĩ rong rêu lại ngập trong đầu. Màu trắng Easter ngập tràn, sao không còn cốt cách tinh anh, mà lập lòe giống màu tang của những người chết vì dịch cúm COVID-19 của Tàu cộng.

Hằng ngày xem tin tức, nhũng quan tài nằm sắp lớp ở nhà thờ, các cha ở Ý mặc áo chống dịch, mặt đeo khẩu trang, họ chắp tay cầu nguyện cho những người quá cố, chết vì cúm Tàu. Ở New York, xe cừu thương gấp rút cấp cứu, những nhà thương dã chiến cũng được dựng lên gấp rút. Bệnh nhân, bác sĩ, y tá, y công, dược sĩ làm việc ngày đêm. Đối phó, làm việc trong căng thẳng, họ mất sức là cái chắc… Những cái chết đến hàng loạt, cái chết đến thật mau, cũng không có thân nhân nhận xác. Cái buồn, cái xót xa đến với cô dù đó là hình ảnh của những người không thân thuộc. COVID-19, Wuhan, thăm viếng khắp nơi trên thế giới, cũng như đất nước Mỹ này. Vi khuẩn tàn độc Tàu cộng này bay đến đâu cũng mang theo bóng tử thần, làm đảo lộn tất cả… Không được tụ tập đông người, ra đường phải đeo khẩu trang, đứng xa cách nhau 2m, quán hàng, hãng xưởng cũng ngưng hoạt động. Hạn chế ra đường, ở nhà là thượng sách, rửa tay 20 giây một lần, cần làm việc này nhiều lần trong ngày…

Dân Mỹ chết, dân Mỹ lo sợ, dân Mỹ sầu buồn, tổng thống Trump của nước Mỹ lo lắng u sầu, mặt dài ra, đôi mắt giống như mất ngủ. Cầu cho ông chân cứng, đá mềm, lòng vững như kiềng ba chân để xoá đi cho hết sự tàn ác quỷ quyệt của bọn Tàu cộng ác ma.

"Cầu xin thiên chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm."

Mọi người cũng đều mong mau có thuốc chủng ngừa, cũng mong nhanh có thuốc đặc trị để diệt con quỷ vi khuẩn COVID-19 này. "Bớ ba hồn chín vía thằng chệt Tàu cộng gieo gió thì thế nào cũng gặt bão," luật nhân quả sẽ nhãn tiền nay mai.

Tháng Ba cao điểm của thần chết tung hoành, mọi hội họp đều bị hủy bỏ. Không được làm đám cưới, còn đám ma thì chỉ được đưa tiễn người quá cố là 4 người cộng 6 nhà đòn, thế là  chị em chúng tôi hủy bỏ tiệc hội ngộ với các chị quả phụ và không biết đến ngày nào chúng tôi sẽ tổ chức lại. Còn việc thăm viếng các chị bệnh tật già yếu, neo đơn thì chúng tôi đã thực hiện một vòng thăm hỏi đầy tình tự chị chị, em em ở gần dịp tết 2020.

Tháng 3 ngột ngạt đã qua, rồi sang đến tháng 4 vẫn còn bóng dáng tử thần quanh quẩn. Không biết ngày nào chúng tôi sẽ lại được ngồi chung với nhau để tính "chuyện ruồi bu," rồi cùng nhau ăn uống, rong chơi, shopping sale... Tháng 4/75 ở Việt Nam ngày xưa, tan mộng ước ngày xanh. Người Mỹ gốc Việt năm nay không tổ chức được lễ tưởng nhớ những anh linh anh hùng tử sĩ, người dân lành miền Nam chết thảm trong tháng tư đen. Đã 45 năm rồi, bây giờ hôm nay tháng 4/2020 lại là chiến tranh vi trùng COVID-19 của Tàu cộng, có vô số người chết oan trên thế giới. Còn tháng tư nào nữa không?

Và có lẽ trong tháng 4, có chuyện cá tháng 4 cũng sẽ đồng hành thích thú với những người  thích vẽ chuyện.

(Viết cho hết ngày, giờ trống rỗng trong mùa dịch COVID-19, Wuhan, Tàu cộng)

Hoa Trạng Nguyên (K25B)



Pages